VĂN HÓA NGƯỜI KHƠME TRONG BỐI CẢNH ĐÔNG NAM Á

Vùng Nam Bộ, từ lâu là nơi cư trú của nhiều tộc người, trong đó người Việt, Khơme và Hoa giữ vai trò chi phối. Người Việt và người Khơme ở đây vừa có cơ tầng văn hóa Đông Nam Á bản địa, vừa có mối quan hệ lịch sử lâu dài và phong phú. Hơn thế, cùng là các tộc người bản địa Đông Nam Á, người Khơme đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng có những nét tương đồng và dị biệt với nhiều tộc người khác về đời sống văn hóa, tôn giáo...

1. Tôn giáo, tín ngưỡng

Tôn giáo

Hầu hết các tôn giáo lớn trên thế giới đều có mặt ở Đông Nam Á. Phật giáo là tôn giáo có lịch sử lâu đời tại các quốc gia Đông Nam Á, nhưng trong quá trình phát triển do nhiều nguyên nhân mà Phật giáo có sự thịnh suy khác nhau trong từng quốc gia. Trong khi Phật giáo chiếm đa số dân cư các nước lục địa và được xem là quốc giáo ở Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, thì Islam giáo, Thiên chúa giáo chiếm đa số tại các nước hải đảo (Islam là quốc giáo ở Malaysia, Brunei, Thiên chúa giáo là quốc giáo ở Philippin, Đông Timor).

Vào TK III - IV sau CN các quốc gia Đông Nam Á đã tiếp nhận nền văn hóa Ấn Độ, một số vương triều trị vì đã Ấn Độ hóa đất nước. Cùng với đạo Hindu, Phật giáo bắt đầu theo các lái buôn để có mặt nơi đây. Ngay cả ở các quốc gia hải đảo, ở miền tây Brunei, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều tượng phật có niên đại năm 400 sau CN, ở đảo Java, Sumatra cũng phát hiện các di tích tương tự, chứng tỏ nơi đây đã tiếp thu nền văn hóa, tôn giáo Ấn Độ khá sớm. Quần đảo này đã từng chứng kiến những giai đoạn đỉnh cao của Phật giáo dưới các triều đại Sailendra, Srivijaya  và Medang.

 Đối với người người Khơme ĐBSCL, trước khi đạo phật Tiểu thừa du nhập, thì họ theo đạo   Bàlamôn và Phật giáo Đại thừa. Ngày nay, tôn giáo ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội, tinh thần của người Khơme ĐBSCL chính là Phật giáo Tiểu thừa. Mọi sinh hoạt của người dân nơi đây từ lúc sinh ra đến khi chết đều diễn ra ở chùa. Trong sách dạy làm người của họ có nói: người không được tu trong chùa là người có nhiều tội lỗi trong đời sống. Người con trai được coi là đủ tư cách, phẩm chất trong xã hội đều phải trải qua một thời gian tu học ở chùa.

Tín ngưỡng

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên bắt nguồn từ hai quan niệm: chết không phải là hết, mà giữa người chết và người sống vẫn có mối quan hệ gần gũi mật thiết, vì vậy, phải thờ cúng để được phù hộ và không quấy phá; thờ cúng những người đã khuất để tỏ lòng thương nhớ đến công ơn sinh thành. Đó là sợi dây bền vững xuất phát từ tình cảm cộng đồng nối quá khứ với hiện tại và tương lai tạo nên tính liên tục trong sự đứt đoạn của các cộng đồng tộc người từ gia đình đến làng nước. Ngoài tổ tiên trong gia đình, những người khi sống có khả năng hơn người và có những công lao với cộng đồng cũng được suy tôn và thờ phụng.

Đối với người Thái, Lào việc thờ cha mẹ đã mất và tổ tiên theo huyết thống gọi là phi đẳm (đẳm là một tổ chức theo quan hệ huyết thống hiện còn được bảo lưu trong xã hội Tày, Thái). Phi bản (ma làng), thờ thần của làng ở một nơi cao ráo, có thể là gốc cây to, một hòn đá được dựng lên gọi là lắc bản. Phi mường (ma mường), thờ người sáng lập ra mường đó, người ta dựng miếu thờ, có cả lắc mường bằng cột đá, khu rừng dành riêng để nuôi phi mường. Trong quá trình tích hợp thành mường quốc gia, người Lào gọi là mường luống, thì có phi mường luống là ma của cả nước và được tổ chức quốc lễ Bun Thạt Luổng ở Viên Chăn. Người Việt cũng có chung những hệ thống như vậy, thờ tổ tiên trong gia đình, thờ tổ nghề và thần làng, thờ tổ cả nước.

Cũng như các dân tộc khác, người Khơme ĐBSCL có cách thức làm lễ báo hiếu riêng được gọi là Sel Dolta (hay gọi là lễ ông bà).

Tín ngưỡng vạn vật hữu linh gắn liền với cư dân nông nghiệp Đông Nam Á tin vào thế giới tự nhiên, vạn vật đều có linh hồn, vì vậy, việc thờ thần sông, thần núi, thần đá rất phổ biến.

Người Khơme ĐBSCL tôn sùng đạo Phật, nhưng cơ bản vẫn là cư dân nông nghiệp thủ công, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, nên cũng tin vào tín ngưỡng thần linh. Thần linh gọi chung là Neak Ta: Neak Ta Meba Sros là thần linh phum sróc, Neak Ta Walt thần giữ chùa, Neak Ta Ta Chay thần ao hồ, Neak Ta Sâm Rông thần cây trôm, Neak Ta Đom Chreay thần cây đa… Mỗi năm một lần vào tháng tư, bắt đầu mùa mưa lũ, người dân trong mỗi phum, sóc cúng thần Neak Ta với ý nghĩa cầu an, cầu cho mưa thuận gió hòa.

 
 
 
Một buổi lễ tại chùa của người dân Trà Vinh. Ảnh Tiến Đặng 
 

2. Về tổ chức xã hội

Đại bộ phận người Khơme ĐBSCL theo Phật giáo Nam tông, lấy chùa làm nơi sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần và tâm linh. Vì vậy, theo phong tục, thiếu niên từ 12 tuổi trở lên muốn thành người hữu ích thì phải đến chùa tu học. Có người vào chùa tập sự xuất gia vài tháng đến một năm rồi xin về, nhưng cũng có thiếu niên chịu khó tu học cho đến lúc được thọ giới sa di. Người dân quan niệm thanh niên tu học đến bậc sa di là để đền ơn cha, đến bậc tỳ khưu là để đền ơn mẹ.

Ở Đông Nam Á, những phong tục xung quanh hôn nhân rất đa dạng và phong phú, mang đậm bản sắc của mỗi quốc gia. Người Khơme ĐBSCL vẫn tồn tại hôn nhân con cô, con cậu, con dì. Người con trai cư trú bên nhà vợ, làm việc cho nhà vợ để bù đắp lại tiền của, phí tổn mà nhà gái đã bỏ ra để tổ chức hôn lễ. Trước đây, người dân nơi đây còn tồn tại tục lệ người con gái đi hỏi chồng, cho nên ngày nay hôn lễ vẫn diễn ra bên nhà gái. Thời gian người con trai ở rể không nhất định, thường khi đã có con thì vợ chồng tách ra ở riêng.

Về cư trú, người Khơme ĐBSCL có hai kiểu cư trú truyền thống: vùng Kiên Giang, An Giang, các phum, sóc của người dân thường tọa lạc trên suờn đồi, hoặc trên những giồng cao (ở vùng đất trũng); các địa phương còn lại, người dân cư trú trên các giồng, gò đất cao, gọi là đây phnô, cũng có nơi sống ở ven sông, rạch hoặc dọc theo bờ biển.

Người Khơme thường sống tập trung thành từng cụm gọi là phum, mỗi phum có từ năm đến sáu chục nóc nhà. Cụm dân cư đông hơn phum gọi là sóc, khoảng bằng một xã của người Kinh. Các phum, sóc thường có một ngôi chùa. Gần đây do áp lực kinh tế thị trường và dân số, các phum, sóc của người dân đã ở dọc hai bên trục quốc lộ, dọc các dòng sông hay kênh rạch.

3. Về ở, ăn, mặc

Đối với việc ở, khu vực Đông Nam Á có một kiểu nhà mang tính chất đặc trưng nổi bật nhất của toàn khu vực là nhà sàn. Không chỉ ở vùng sông nước, nhà sàn còn phổ biến ở miền núi cao, ngoài ra cũng xuất hiện ở một số vùng đồng bằng (vùng đất thấp hay bị lụt lội).

Ngôi nhà của người Khơme ĐBSCL cổ xưa có ít nhiều điểm giống như ngôi nhà trong phum, sóc của Campuchia hiện đại. Nó cao hơn mặt đất khoảng 2,5m với các bậc thang bằng gỗ và được xây dựng bằng cọc gỗ. Ngày nay, nhà ở của người Khơme ĐBSCL cũng gần giống nhà của người Kinh và Hoa.

Trước đây, trong nhà của người dân chỉ có bàn thờ Phật, nhưng ngày nay đến những vùng người Khơme ở xen kẽ với người Kinh, Hoa, thì nhiều gia đình có bàn thờ tổ tiên, bàn thờ ông Địa, thậm chí thờ cả Quan Công...

Đối với việc ăn, thức ăn chủ yếu của cư dân ở đây là rau, gạo, cá, thịt. Trong bữa ăn của người Đông Nam Á không thể thiếu các loại gia vị như hạt tiêu, ớt, rau thơm… Trong quá trình giao lưu, tiếp biến với những nền văn minh khác các món ăn tiếp tục thay đổi và xuất hiện nhiều món mới.

Ẩm thực Myanmar gắn liền với gạo, các món chiên và gia vị đặc trưng làm từ cá hay tôm được bảo quản với ớt bột. Món ăn được ưa thích vào buổi sáng và những dịp đặc biệt là Mohinga (bún gạo ăn với súp cá). Ngoài ra, trong dịp tết còn có món Biryani.

Ẩm thực Thái Lan chịu ảnh hưởng nhiều của ẩm thực Ấn Độ. Với món cà ri, từ khi du nhập vào Thái Lan đã được bản địa hóa với nhiều loại, được chế biến công phu, phù hợp với người dân. Trong ngày tết của Thái Lan ngoài món cà ri, còn có món larb gai (món gỏi).

Món ăn đặc trưng ngày tết của Lào là món lạp (lạp trong tiếng Lào có nghĩa là may mắn). Món này được làm từ nhiều loại thực phẩm như gà, bò, cá, heo… thường dùng với xôi nếp được nấu bằng chõ đặc trưng của người Lào.

Món bánh đặc trưng của Malaysia là ketupat được ăn với rendang (một loại cà ri thịt bò khô), hay được phục vụ như một thứ cơm ăn kèm với những món khác. Ngoài ra, còn có món Otak Otak được làm từ cá thu quết nhuyễn, trộn với một số gia vị như ớt, gừng, nghệ, chanh và nước cốt dừa.

Món ăn đặc trưng của người Campuchia trong ngày tết té nước là món cà ri. Nước cốt dừa là một phần quan trọng tạo nên vị béo, ngọt rất riêng cho món ăn này. Bên cạnh món cà ri, chè thốt nốt, hủ tiếu Nam Vang, thì món Amok là sự tinh túy của ẩm thực Campuchia, mang hương vị đặc trưng của đất nước chùa tháp.

Người Khơme ĐBSCL ăn cơm tẻ và cơm nếp. Từ gạo nếp họ chế biến ra các món ăn như xôi, bánh tét, bánh chưng, bánh chuối, bánh ú, làm rượu... Trong bữa nhậu người dân thường dùng cháo như cháo vịt, cháo cá... Món đặc sản của vùng đất này là bún nước lèo. Bún dẻo sợi nhỏ, khô, chan với nước lèo cá quả tán nhỏ cùng các loại gia vị, rau hành. Thức ăn hằng ngày có tôm, cá, ếch, nhái, rau… được bắt ở kênh rạch, sông ngòi. Thức ăn thường được chế biến bằng cách rán, xào, luộc, kho với nước cốt dừa. Ngoài ra, họ thường phơi các loại cá ăn dần và chế thành nhiều loại mắm từ cá như bhóc có thể ăn kèm với cơm, bún, cho vào canh, làm nước lèo. Mắm bhóc có thể làm bằng các loại cá nhỏ như cá sặc, cá chốt, cá mè, cá lòng tong… Ngoài loại mắm bhóc, còn có các loại mắm pro ot (bò ót), ơng pa, pơ ling làm bằng tép mồng, tép bạc và mắm chua pha ơk...

Về mặc, từ khi hình thành nên văn hóa sơ sử cư dân Đông Nam Á đã biết tạo ra những chất liệu may mặc từ tơ chuối, tơ tằm, tơ đay, gai và bông. Những chất liệu này được dệt thành vải mỏng nhẹ, thoáng phù hợp với khí hậu nóng ẩm. Từ xa xưa, phụ nữ thường mặc váy (sarong), yếm, sau này là mặc quần. Đối với trang phục của nam giới là khố, sau này có thêm quần, xà cạp, khăn, nón.

Trước đây, nam nữ người Khơme đều mặc sarong bằng lụa tơ tằm. Hiện nay, trang phục của họ giống người Kinh. Trong ngày thường cũng như trong lễ hội, thanh niên nam nữ thích mặc quần nâu, áo sơ mi. Những bộ trang phục truyền thống chỉ được họ mặc khi ở nhà với quần sarong dệt bằng tơ với áo mỏng sát nguời có màu sắc sặc sỡ, bộ quần áo bà ba đen, trên đầu đội khăn rằn. Người già, người đứng tuổi mặc áo bà ba đen, nam giới nhà khá giả mặc quần áo bằng lụa trắng với chiếc khăn rằn quấn trên đầu hoặc vắt ngang vai.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 388, tháng 10-2016

Tác giả : LÊ VĂN HỮU

;