Phát triển du lịch cộng đồng tại làng cổ Phú Hội, Đồng Nai - Thực trạng và giải pháp

Làng Phú Hội là một ngôi làng cổ thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, là nơi người Việt bản địa sinh sống lâu đời. Làng cổ Phú Hội còn giữ được những nét cổ xưa với các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng dân gian; phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống; cảnh quan ít biến đổi qua các thời kỳ lịch sử như vườn cây trái đặc sản, hệ sinh thái trong lành, cảnh quan hữu tình. Cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội ở Phú Hội, thì việc phát triển du lịch với những lợi thế sẵn có có thể giúp tăng thu nhập, tạo ra nhiều việc làm, tăng cường hình ảnh cho địa phương là vấn đề trọng tâm trong chiến lược phát triển du lịch tỉnh Đồng Nai đến năm 2030. Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích các điều kiện, thực trạng khai thác và triển vọng phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) ở làng cổ Phú Hội, từ đó đề xuất các giải pháp phát triển trong thời gian tới.

Nhà cổ hội đồng Liêu - một trong những ngôi nhà cổ tiêu biểu ở Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) - Nguồn: baodongnai.com.vn

1. Điều kiện, thực trạng khai thác và triển vọng phát triển DLCĐ ở làng cổ Phú Hội

Điều kiện phát triển DLCĐ ở làng cổ Phú Hội

Làng cổ Phú Hội có vị trí địa lý thuận lợi sở hữu nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, nền văn hóa đặc sắc, bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn.

Về vị trí địa lý, làng cổ Phú Hội nằm cách TP.HCM khoảng 35km về hướng Đông, cách trung tâm thành phố Biên Hòa 40km về hướng Nam. Có thể đến Phú Hội bằng đường thủy theo sông Đồng Môn, đường bộ theo quốc lộ 51 hoặc tỉnh lộ 769 từ Cát Lái, Quận 9 TP.HCM đều rất thuận tiện. Không chỉ vậy, dự án sân bay quốc tế Long Thành và tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ở bên cạnh trung tâm thành phố mới Nhơn Trạch tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của du khách. Hơn nữa, hiện nay có nhiều tuyến xe buýt thường xuyên chạy qua làng Phú Hội, như tuyến số 02: bến xe Biên Hòa - Nhơn Trạch; tuyến xe buýt số 14: Xuân Hòa, Xuân Lộc - trạm xe Nhơn Trạch; tuyến xe buýt số 603: trạm xe Nhơn Trạch - bến xe Miền Đông. Tất cả chuyến xe bắt đầu 5h và kết thúc 17h30, khoảng 20 phút sẽ có 1 tuyến xe xuất bến... tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến làng cổ Phú Hội.

Về tài nguyên tự nhiên, xã Phú Hội có 2 con sông chảy qua là sông Đồng Môn và sông Vàm Kinh. Trong đó, sông Đồng Môn có chiều dài 11,4km, bắt nguồn từ các nhánh suối nhỏ của huyện Long Thành và sông Bến Năng chảy qua xã Phước Thiền, Long Tân, Phú Hội đổ ra sông Đồng Nai tại địa bàn xã Long Tân. Nước sông Đồng Môn là nước ngọt có nhiều cá, tôm, cua, ốc… Hai bên bờ sông là cánh đồng lúa của xã Long Tân và Quận 9, TP.HCM. Đây là những điều kiện thuận lợi để Phú Hội hướng tới phát triển loại hình du lịch sông nước và du lịch nông nghiệp.

Về cảnh quan thiên nhiên, không gian cảnh quan cư trú chủ yếu của làng Phú Hội gắn liền với hình thức nhà vườn. Bên cạnh những mảnh vườn sum suê hoa trái như chôm chôm, sầu riêng, mít, măng cụt, xoài, dâu, bưởi (khoảng 149ha trồng cây trái), Phú Hội còn có những cánh đồng lúa xanh mượt, thẳng cánh cò bay như cánh đồng xã Quế, cánh đồng Nổng, cánh đồng Môn… Đây cũng là những điểm nhấn để du khách có thể trải nghiệm bằng xe đạp quanh làng. Ngoài ra, ở Phú Hội còn có nhiều sản vật như các loài cá nước ngọt: cá bông lau, cá ngát, cá rô, cá lăng, cá chẽm, cá trạch lấu, cá trê trắng, trê vàng… Trong các khu rừng tràm mới trồng của xã Phú Hội còn có loài sóc, thỏ, rắn hổ vện, rắn nước... Trên cánh đồng lúa còn nhiều cò, cuốc, cồng cộc, cu đất... Đặc biệt, Phú Hội nổi tiếng một thời với cây trà. Dân gian có câu “nước Mạch Bà, trà Phú Hội” là để tôn vinh sự ưu đãi của thiên nhiên dành cho vùng đất này.

Về di tích lịch sử văn hóa, có thể kể đến các công trình tín ngưỡng, kiến trúc nghệ thuật nổi bật như đình Phú Mỹ, đình Mỹ Hội, miếu Giang Lò, miếu Ông Gốc, nhà thờ Phú Hội, chùa Phú Quang. Đặc biệt, đình Phú Mỹ được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật độc đáo cấp tỉnh.

Về di sản nhà cổ, làng Phú Hội có khoảng 16 ngôi nhà có niên đại trên dưới trăm năm. Trong đó có 5 ngôi nhà nằm trong tổng số 25 ngôi nhà cổ tiêu biểu của tỉnh Đồng Nai được Cục Di sản văn hóa phối hợp với Cục Tài sản văn hóa Nhật Bản tiến hành kiểm kê, đo vẽ kiến trúc như: nhà bà Mã Thị Tám (1890), nhà ông Đào Trí Mỹ Nhân (Hội đồng Liêu) (1900), nhà ông Nguyễn Phong Lưu (1900), nhà ông Lê Thanh Thiện (1900). Những công trình kiến trúc truyền thống trên được làm từ các loại gỗ quý như gõ, cẩm lai, trắc và đặc biệt trên những bao lam cửa, cột của một số ngôi nhà cổ còn chạm khắc tinh xảo các đề tài như mai điểu, tùng lộc, trúc tước, long lân, ngũ phúc lâm môn. Ngoài ra, việc bố trí và sắp xếp không gian nhà hài hòa trong khuôn viên vườn cây ăn trái xanh tươi (dâu da, sầu riêng, bưởi, chuối…), bao quanh khu vườn là hệ thống hàng rào khép kín bằng các loại cây quýt dại, chè the, dâm bụt, để tôn thêm nét đẹp cho ngôi nhà truyền thống.

Ngoài những di sản văn hóa vật thể đặc sắc, độc đáo, Phú Hội còn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể như nghề làm trà, nghề nấu rượu gạo, làm cau khô, làm mộc (giường, tủ, bàn ghế), nghề làm bánh (bánh tráng, bánh bèo, bánh bò, bánh ít, bánh tét, bánh da lợn)… Ngoài ra, Phú Hội còn có các loại hình nghệ thuật truyền thống như hò vè, đồng dao, hát ru, đờn ca tài tử. Nét đẹp văn hóa của dân tộc còn được giữ gìn và phát huy qua các lễ hội truyền thống được tổ chức tại đình, miếu với những chiếc áo dài khăn đóng của cụ bà, cụ ông; với nghi thức cúng cổ truyền… Hệ thống văn tự chữ Hán, chữ Nôm qua các bài văn tế, hoành phi, liễn đối ở các đình, miếu trong làng cũng khá nhiều, một phần khái quát lịch sử của vùng đất, quá trình khai hoang, lập ấp, một mặt thể hiện tình cảm, ý chí của người dân nơi đây đối với vùng đất mới.

Các di tích lịch sử văn hóa, kiểu kiến trúc truyền thống cho đến phong tục tập quán, lễ hội, lối sống, sinh hoạt, trang phục… của người dân làng cổ Phú Hội góp phần quan trọng trong việc định hướng, xây dựng và phát triển du lịch trong thời gian tới. Đó là tiền đề tạo nên các sản phẩm du lịch phong phú, đặc sắc, hướng đến phát triển DLCĐ trong tương lai. Theo đánh giá của tổ chức JICA (Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Nhật Bản): di sản văn hóa hiện tồn tại của làng cổ Phú Hội là kho di sản văn hóa độc đáo không chỉ đại diện cho Phú Hội mà còn đại diện cho cả vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

Thực trạng khai thác DLCĐ ở làng cổ Phú Hội

Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động du lịch ở làng Phú Hội còn tồn tại một số vấn đề cần khắc phục và giải quyết. Thực trạng phát triển du lịch hiện nay ở làng Phú Hội chưa được khai thác hiệu quả. Đặc biệt, hoạt động DLCĐ và du lịch sinh thái gắn với liền với DLCĐ vẫn chưa được chú trọng phát triển, chưa được đầu tư và khai thác đúng mức, chưa khai thác triệt để và hiệu quả tài nguyên du lịch nhân văn và tài nguyên du lịch thiên nhiên cho phát triển du lịch.

Hiện nay, sản phẩm du lịch tại làng cổ Phú Hội chủ yếu tập trung vào khai thác tài nguyên du lịch sẵn có như nhà cổ họ Đào, đình Phú Mỹ, vườn trà ông Tư Nô, điểm trình diễn làm bánh bèo nhà bà Nguyễn Thị Phúc… Tuy nhiên, những điểm tham quan ăn uống này lại mang tính thời vụ.

Về cơ sở lưu trú, do xuất phát điểm thấp nên cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ lưu trú nhìn chung của Phú Hội vẫn còn hạn chế. Hiện nay, cơ sở lưu trú ở Phú Hội chủ yếu là các dạng nhà nghỉ, nhà trọ, chẳng hạn như nhà nghỉ Ngọc Hân, nhà nghỉ 317, nhà nghỉ Thu Thảo, nhà nghỉ Hoa Hồng, nhà nghỉ Vườn Lan…, do đó vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch nghỉ ngơi.

Về cơ sở ăn uống, còn hạn chế về quy mô cũng như số lượng. Hiện nay, ngoài 2 điểm làng nghề truyền thống là nghề làm bánh bèo của gia đình bà Nguyễn Thị Phúc và nghề làm vườn, làm trà của gia đình ông Tư Nô, du khách có thể đến ăn uống và vui chơi ở các khu du lịch đang khai thác và phục vụ khách như khu du lịch Bò Cạp Vàng; khu du lịch Bằng Lăng Tím, khu du lịch Hương Đồng và khu du lịch Đảo Dừa Lửa.

Về nhân lực phục vụ tại địa phương, còn hạn chế về chất lượng và cách thức phục vụ chưa bài bản, chưa chuyên nghiệp nên hiệu quả mang lại không cao. Thách thức thứ hai là việc bất đồng ngôn ngữ giữa khách nước ngoài với chủ nhà ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ.

Về phía địa phương, chủ trương của UBND tỉnh nêu rõ: xây dựng sản phẩm DLCĐ tại làng cổ Phú Hội; tổ chức khai thác tốt các di tích, lịch sử, văn hóa trở thành sản phẩm du lịch trong thời gian tới.

Từ thực trạng khai thác du lịch có thể nhận định, các điểm du lịch trên địa bàn Phú Hội chủ yếu là những điểm du lịch nhỏ lẻ, mang tính tự phát, thiếu sự đầu tư nên chưa đáp ứng được điều kiện về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, đặc biệt là loại hình DLCĐ. Do vậy, việc nghiên cứu phát triển DLCĐ tại làng cổ Phú Hội thật sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Triển vọng phát triển DLCĐ ở làng cổ Phú Hội

Qua phân tích điều kiện, thực trạng khai thác DLCĐ cũng như khảo sát thực địa hoạt động du lịch tại làng cổ Phú Hội, người dân địa phương, cán bộ quản lý và một số khách du lịch, có thể đi đến những nhận định:

Làng Phú Hội là một làng cổ của tỉnh Đồng Nai, nơi có điều kiện tự nhiên khí hậu, địa hình, tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú, đa dạng và có nền văn hóa đậm chất truyền thống. Với các điều kiện như vậy, làng cổ Phú Hội có triển vọng rất lớn để phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình DLCĐ.

Làng Phú Hội hiện nay có sự chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống người dân cũng được nâng cao. Hệ thống điện, đường xá được nâng cấp và sửa chữa để phục vụ nhu cầu của người dân địa phương và đặc biệt, Phú Hội đã xây dựng thành công nông thôn mới theo đề án phát triển của Chính phủ. Bên cạnh đó, một số hộ dân cũng đã biết cách khai thác tài nguyên để phát triển du lịch như gia đình bà Nguyễn Thị Phúc và gia đình ông Tư Nô.

Có thể nói, với điều kiện vị trí địa lý thuận lợi cùng với sở hữu nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, nền văn hóa đặc sắc, làng Phú Hội có đủ điều kiện và triển vọng để phát triển du lịch, đặc biệt là DLCĐ.

2. Giải pháp phát triển DLCĐ ở làng cổ Phú Hội

V công tác quản lý

Chính quyền địa phương cần định hướng phát triển những sản phẩm DLCĐ gắn liền với các giá trị văn hóa truyền thống của người dân như: nghề làm trà, nghề nấu rượu gạo, làm cau khô, làm mộc, nghề làm bánh (bánh tráng, bánh bèo, bánh bò, bánh ít, bánh tét, bánh da lợn)…; khai thác những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống như hò vè, đồng dao, hát ru, đờn ca tài tử... Bên cạnh đó, cần có chính sách phát triển những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của cư dân địa phương như tham quan vườn cây ăn trái sầu riêng, mít tố nữ, chôm chôm, dâu da xanh, măng cụt…

Chính quyền địa phương cần có những chính sách tuyên truyền, vận động người dân tham gia phát triển DLCĐ trên địa bàn. Để làm được điều đó, chính quyền địa phương cần vận động người dân tham gia những lớp học đào tạo nghề bằng cách phối hợp với các cơ sở giáo dục mở nhiều lớp đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng du lịch cho cộng đồng địa phương; bồi dưỡng kiến thức về DLCĐ để người dân nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm đối với hoạt động phát triển DLCĐ. Đối với cán bộ quản lý du lịch các cấp thì tăng cường các lớp đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý, phát triển sản phẩm du lịch...

Về cơ chế chính sách

Chính quyền địa phương cần có những chính sách khuyến khích và hỗ trợ các gia đình làm du lịch, nhất là hỗ trợ công tác bảo tồn những ngôi nhà cổ. Cụ thể, chính sách tạo điều kiện cho các hộ có nhu cầu tham gia các hoạt động phát triển du lịch như vay vốn ngân hàng, thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký tạm trú cho du khách nước ngoài được thuận lợi, dễ dàng. Ngoài ra, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi về thuế, giảm tiền thuê đất, cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các dự án đầu tư, hoạt động du lịch tại Phú Hội như: du lịch sông, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch homestay. Thực hiện xã hội hóa phát triển du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động du lịch dưới nhiều hình thức khác nhau.

Về phát triển sản phẩm du lịch mới

Chính quyền địa phương cần có chính sách quy hoạch các điểm du lịch, tour du lịch theo hướng phát triển phù hợp với điều kiện của từng điểm du lịch.

Về không gian ẩm thực làng quê, có quán ăn Hương Đồng với không gian rộng, cảnh quan đẹp, thoáng mát với diện tích hơn 7ha. Thêm nữa, địa điểm này có thể tổ chức các hoạt động nông nghiệp liên quan đến du lịch như hái sen, gặt lúa, bắt cua, bắt ốc... Ngoài ra, hộ nấu rượu gạo nhà bà Nguyễn Thị Sáng cũng có thể phục vụ ăn uống và hoạt động vui chơi liên quan đến sông nước.

Về tour xe đạp quanh làng, chính quyền địa phương có thể quy hoạch 3 tuyến đuờng có khả năng hình thành tuyến du lịch xe đạp dạo quanh làng: tuyến đường ở ấp xóm Hố, tuyến đường vào nhà ông Tư Nô (Phú Mỹ 2) và tuyến đường ở ấp Phú Mỹ 1.

Về tour du lịch đường sông, chính quyền địa phương có thể hình thành tuyến du lịch sông nước, xuất phát từ chợ Phú Hội đến nhà bà Nguyễn Thị Sáng, cạnh nhà máy nước và ngược lại. Tuyến đường du lịch này thích hợp với thời gian di chuyển khoảng hơn 1 giờ, con rạch nhỏ đẹp, trồng nhiều cây dừa nước, cảnh quan hai bên bờ rạch có nhiều đồng ruộng giúp tạo nhiều cảm xúc trải nghiệm cho du khách. Hơn nữa, trên tuyến đường du lịch này, du khách có thể đưa khách tham quan di tích Dinh Ông và Gò Đá Vua Gia Long.

Liên kết phát triển du lịch

Chính quyền địa phương có thể liên kết với các địa phương khác trong địa bàn tỉnh hoặc các tỉnh thành lân cận như TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương trong việc quảng bá, xúc tiến du lịch.

Liên kết với các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là các công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương để phát triển du lịch trên địa bàn. Có chính sách khuyến khích các công ty du lịch xây dựng những chương trình du lịch mới nối kết các điểm du lịch trên địa bàn huyện Nhơn Trạch với nhau như khu du lịch Làng Tre Việt, khu du lịch Bò Cạp Vàng, khu du lịch Bằng Lăng Tím, khu du lịch Hương Đồng, cũng như nối kết điểm du lịch của huyện Nhơn Trạch với các điểm du lịch của tỉnh giáp ranh như Bà Rịa - Vũng Tàu.

Về quảng bá, xúc tiến du lịch

Để xây dựng hình ảnh đẹp của điểm đến Phú Hội, giới thiệu về con người và lối sống nơi đây cần được thực hiện bằng nhiều cách. Trước hết, cần quảng bá theo phương thức truyền thống như: tập gấp, tờ rơi, đĩa DVD thông qua các cuộc hội nghị, hội chợ triển lãm, farm tour. Ngoài ra, để giới thiệu loại hình DLCĐ tại làng cổ Phú Hội đến với khách quốc tế, thì cần quảng bá trên báo điện tử, mạng xã hội, các tiện ích internet... Hơn nữa, có thể sử dụng các bảng thông tin, biển báo như bản đồ làng cổ Phú Hội, các biển báo hướng dẫn… nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng tour của du khách, các điểm tham quan trong làng dễ nhận biết hơn.

Nhìn chung, làng cổ Phú Hội có nhiều lợi thế để phát triển du lịch như vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, nền văn hóa đặc sắc, cơ sở hạ tầng phát triển. Tuy nhiên, trong hoạt động DLCĐ, làng cổ Phú Hội còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong phát triển du lịch. Những khó khăn này đến từ các yếu tố chủ quan và khách quan như công tác quản lý, cơ chế chính sách, nguồn nhân lực làm DLCĐ, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch... Tuy nhiên, với những giải pháp phù hợp sẽ mang lại nhiều triển vọng để phát triển du lịch làng cổ Phú Hội trong thời gian tới.

_________________

Tài liệu tham khảo

1. Võ Quế, Du lịch cộng đồng: Lý thuyết và vận dụng, tập 1, Nxb Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2006.

2. Đặng Chí Công, Những giá trị văn hóa, lịch sử của nhà cổ tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, Tạp chí Khoa học, Đại học Đồng Nai, số 4, 2017.

3. Ngô Thanh Long, Báo cáo thuyết minh đề tài nghiên cứu du lịch cộng đồng làng cổ Phú Hội, Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Đồng Nai, 2019.

4. Quỹ Châu Á, Viện Nghiên cứu phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam, Tài liệu hướng dẫn phát triển du lịch cộng đồng, Hà Nội, 2012.

5. ASEAN, ASEAN community Based tourism Standard (Tiêu chuẩn du lịch dựa vào cộng đồngASEAN), Ban thư ký ASEAN, Jakarta (Indonesia), 2016, tr.1-2.

6. Harold Goodwin and Rosa Santilli, Community based tourism: a success? (Du lịch dựa vào cộng đồng: một thành công?), Báo cáo định kỳ lần thứ 11 của IRCT, 2009, tr.1-37.

7. Nico Rozemeijer, Community - based tourism in Botswana: the SNV experience in three community based tourism projects (Du lịch dựa vào cộng đồng tại Botswana: kinh nghiệm SNV trong ba dự án du lịch dựa vào cộng đồng), tổ chức phát triển Hà Lan, Botswana, 2001, tr.7-13.

Ths NGUYỄN HOÀNG LONG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 554, tháng 12-2023

;