Khám phá “đôi mắt Pleiku”

Dường như, bất cứ ai đặt chân đến “phố núi” Gia Lai đều không thể không ghé thăm Biển Hồ, điểm du lịch văn hóa tâm linh sinh thái nổi tiếng, được coi là “linh hồn” hay “lá phổi xanh” của thành phố Pleiku.

Biển Hồ Pleiku nằm trong quần thể Khu Du lịch sinh thái lâm viên Biển Hồ - Chư Đăng Ya, là hồ nước ngọt tự nhiên nằm ở xã Biển Hồ, cách thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai 7km về phía Tây Bắc, trên độ cao khoảng 800m so với mực nước biển. Biển Hồ cũng đã được bổ sung vào danh sách các Khu Du lịch quốc gia trong “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam và vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Phong cảnh hữu tình, thơ mộng thu hút du khách đến tham quan

Chúng tôi thư thả ngắm nghía vẻ đẹp thơ mộng của hồ nước tự nhiên, niềm tự hào của người dân thành phố Pleiku nói riêng, tỉnh Gia Lai nói chung. Không khí mát mẻ, dễ chịu, giác quan được thả lỏng, thư giãn bởi màu xanh của trùng trùng, lớp lớp rừng thông bao quanh Biển Hồ là những ấn tượng ban đầu chúng tôi cảm nhận được khi đặt chân đến nơi đây. Ngay ở cổng soát vé, là những chiếc xe điện xếp hàng sẵn sàng đưa du khách đi sâu vào trong lòng hồ qua con đường dài tít tắp, thế nhưng đa số mọi người đều chọn cách thư thả tản bộ để tận hưởng vẻ đẹp của những rặng thông xanh thăm thẳm, hay dễ dàng “check in” với hàng tá những góc “sống ảo” làm kỷ niệm.

Chị Nguyễn Thị Thảo (Hà Nội), một du khách chúng tôi bắt gặp ở Biển Hồ chia sẻ: “Mọi năm, công ty tôi đều chọn xuống biển để nghỉ mát nhưng năm nay, chúng tôi đã chọn Tây Nguyên làm điểm du lịch cho mọi người thay đổi không khí. Ai ngờ, Biển Hồ lại đẹp hơn tưởng tượng của tôi rất nhiều, chẳng cần đi Hàn Quốc, ngay Việt Nam mình cũng có những con đường nên thơ, lãng mạn hơn cả tranh vẽ như vậy”.

Khách du lịch ở nhiều vùng miền đến tham quan Biển Hồ

Biển Hồ gồm 2 hồ nước thông nhau, được bao bọc bởi rừng thông, núi non xanh biếc tạo thành bức tranh thủy mặc lung linh, huyền ảo. Ở giữa Biển Hồ có một dải đất chạy dài ra giữa lòng hồ, giúp cho khách tham quan ngắm được toàn cảnh Biển Hồ. Mùa mưa, nước dâng cao, những con sóng được dịp vỗ mạnh như sóng biển, chứ không gợn lăn tăn, êm ả như mùa khô. Với diện tích khoảng 340ha, phóng tầm mắt ra xa, Biển Hồ trông thật rộng lớn, mênh mông, du khách dễ dàng bị hớp hồn bởi vẻ đẹp vừa hùng vĩ vừa lãng mãn, gây thương nhớ ấy. Chẳng thế mà nhạc sĩ Nguyễn Cường khi đến Biển Hồ đã liên tưởng làn nước trong veo, sâu thăm thẳm giống đôi mắt của thiếu nữ Pleiku và sáng tác lên những lời ca nổi tiếng: "Em đẹp thế Pleiku ơi! Trái tim tôi muốn vỡ tan rồi! Không dám nhìn vào đôi mắt ấy, đôi mắt Pleiku-Biển Hồ đầy!”.

Xung quanh đường vào Biển Hồ là những hàng cây thông bao phủ, tạo nên vẻ đẹp của thiên nhiên ngập tràn cây xanh lá biếc

Theo người dân địa phương, mỗi mùa khác nhau trong năm, Biển Hồ đều mang những vẻ đẹp riêng rất hấp dẫn, vì vậy, du khách có thể đến tham quan, tản bộ quanh năm. Mùa khô nước vơi, để lộ những dải đất bazan màu mỡ, nơi nhiều loài chim quý đến kiếm ăn. Mùa mưa nước dâng cao, tạo sóng lớn vỗ bờ như sóng biển. Dịp Tết Nguyên Đán là thời điểm đẹp nhất trong năm để ngắm Biển Hồ. Khi ấy, thời tiết chuyển mình sang xuân se lạnh, mặt nước hồ trong xanh, cây hoa đâm chồi nảy lộc khiến du khách cảm thấy yên bình, đầy sức sống. Thời điểm này, bình minh ở Biển Hồ, sương giăng kín mặt hồ và đọng thành giọt trên những tán lá thông, không gian mờ ảo cùng cái lạnh vừa đủ tạo nên một khung cảnh đẹp tựa chốn bồng lai, để lại ấn tượng sâu sắc, khó quên cho du khách. Chưa dừng lại ở đó, chiều xuống, ánh mặt trời len lỏi, xuyên qua các tán thông tạo nên bức tranh sơn thủy lãng mạn, nên thơ của núi rừng Tây Nguyên, dễ dàng làm xao xuyến trái tim bất kỳ ai đến thăm chốn này.

Mô hình những ngôi nhà Rông - đặc trưng của Tây Nguyên được dựng trong khu du lịch Biển Hồ

Trên con đường dẫn lối vào sâu bên trong, chúng tôi còn bắt gặp mô hình những ngôi nhà Rông - đặc trưng của Tây Nguyên được dựng trong khu du lịch Biển Hồ. Đây cũng là một điểm nhấn, thu hút du khách chụp ảnh làm kỷ niệm.

Con đường uốn lượn rợp cây xanh bao phủ ở bên hồ

Sau khi đi dọc con đường đẹp như tranh vẽ với hai hàng thông xanh mát, trùng trùng điệp điệp, chúng tôi đến với điểm cuối cùng của Biển Hồ, đó là các bậc tam cấp bằng đá, trước kia là đài vọng để du khách ngắm Biển Hồ. Theo thông tin từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, ngày 30-11-2018, tỉnh Gia Lai cho tái phục chế lại tượng Quán Thế Âm Bồ Tát bằng đá cẩm thạch trắng, cao 15m. Biển Hồ trở thành một điểm du lịch văn hóa tâm linh sinh thái do Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Pleiku quản lý. Từ khi có thêm tượng phật Quán Thế Âm được phục chế, lượng du khách đổ về tham quan Biển Hồ nhiều hơn bởi các yếu tố liên quan đến vấn đề tâm linh của người dân. Mỗi ngày có hàng trăm lượt du khách đến đây tham quan, ngắm cảnh và chiêm ngưỡng tượng Phật.

Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát ở Biển Hồ

Biển Hồ còn được người dân địa phương gọi là hồ Ea Nueng hay hồ T’nưng. Đến Biển Hồ, du khách không chỉ được vãn cảnh, tản bộ tận hưởng bầu không khí trong lành của vùng cao mà còn được trải nghiệm nhiều hoạt động hấp dẫn khác mang đặc trưng của miền “phố núi” cùng bạn bè và gia đình. Ở Biển Hồ đã có dịch vụ cho thuê xe đạp để chạy quanh hồ và chiêm ngưỡng cảnh sắc đại ngàn, ghé thăm buôn làng của người dân tộc gần đó. Đặc biệt, nếu là người yêu thích sự mạo hiểm thì có thể trải nghiệm chèo SUP dạo quanh Biển Hồ. Đây là một hoạt động thu hút rất đông người trẻ tuổi tham gia, bởi nó mang lại một trải nghiệm đặc biệt khó quên khi được lênh đênh trên dòng nước yên ả, trong xanh, vừa ngắm những đàn cá bơi lội, vừa thưởng thức ánh nắng phản chiếu long lanh trên mặt hồ mênh mông, hùng vĩ.

Kết thúc hành trình khám phá Biển Hồ khi trời đã nhá nhem tối, chúng tôi ai nấy đều cảm thấy mãn nhãn và “mãn nguyện” với những cảm nhận và trải nghiệm riêng về một địa danh nổi tiếng của thành phố Pleiku thơ mộng. Thiên nhiên đã ưu ái cho Biển Hồ một vẻ đẹp vừa yêu kiều vừa hùng vĩ, vì vậy, ai đó đừng quên ghé thăm nơi đây nếu có dịp đến Gia Lai .

Bài, ảnh: NGÔ HUYỀN

;