Mấy suy nghĩ về khai thác tiềm năng văn hóa ẩm thực trong phát triển du lịch ở nước ta hiện nay

Ban giám khảo chấm giải không gian văn hóa ẩm thực của tỉnh Thái Nguyên - Ảnh: Tuấn.Minh

1. Quan niệm về văn hóa ẩm thực

C.Mác và Ph.Ăngghen đã từng nghiên cứu về sự hình thành của loài người và đưa ra nhận xét: “Trước hết là lao động, sau lao động và đồng thời với lao động là ngôn ngữ; đó là hai kích thích chủ yếu đã ảnh hưởng đến bộ óc của con vượn, làm cho bộ óc đó dần dần biến chuyển thành bộ óc của con người” (1). Nhờ có lao động và ngôn ngữ mà trí tuệ con người phát triển. Ngôn ngữ là công cụ của tư duy và cũng là sản phẩm của trí tuệ. Ngôn ngữ được cho là dấu hiệu cụ thể và tiêu biểu trước tiên của văn hóa.

Trong Bản thảo kinh tế triết học năm 1844, C.Mác đã phát hiện: “Chúng ta thấy rằng lịch sử của công nghiệp và sự tồn tại có tính đối tượng đã hình thành của công nghiệp, là quyển sách đã mở của những lực lượng bản chất của con người” (2). Ở đây, C. Mác dùng thuật ngữ “lực lượng bản chất của con người” để diễn tả về một nguồn sức mạnh cải biến tự nhiên chỉ có ở con người: đó là văn hóa.

Trải qua hàng ngàn năm, các “lực lượng bản chất của con người” đã liên tục tác động vào tự nhiên để con người sinh tồn và phát triển. Văn hóa được xem là “trình độ người” của con người trong lịch sử tiến hóa nhân loại trên toàn thế giới. Thực tế cho thấy, văn hóa được hình thành và phát triển trong các mối quan hệ tương tác giữa con người với tự nhiên, tương tác giữa con người với con người, tương tác giữa con người với xã hội. Văn hóa là toàn bộ giá trị vật chất và giá trị tinh thần do loài người sáng tạo ra gắn với lịch sử nhân loại, phản ánh trình độ phát triển của con người và xã hội, được biểu hiện trong các hình thức tổ chức đời sống và hành động của loài người. Chính vì vậy, năm 1943, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra quan niệm về văn hóa như sau: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” (3).

Như vậy, điểm thống nhất giữa các nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác-Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là ở chỗ đều xác định rõ: con người là chủ thể sáng tạo ra văn hóa và lao động sáng tạo là cội nguồn của văn hóa. Văn hóa (culture) và văn minh (civilization) là những khái niệm gần gũi nhưng không thể đồng nhất.

Trong Báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (7-1948), đồng chí Trường Chinh nêu rõ: “Trong lịch sử loài người, nhiều dân tộc chưa có văn minh, song đã có văn hóa”. Văn minh được hiểu là trạng thái phát triển cao của xã hội khi đã đạt đến trình độ văn hóa đáng kể, được đánh dấu bằng sự ra đời của chữ viết, sự hình thành tổ chức nhà nước, có một trình độ kỹ thuật phát triển cao phục vụ sản xuất và các nhu cầu của đời sống vật chất và tinh thần theo xu hướng nhân bản hóa. Văn minh là trình độ, là nấc thang của một nền văn hóa trong tiến trình phát triển.

Cuối TK XX, trong “Tuyên bố về chính sách văn hóa” tại Hội nghị quốc tế về chính sách văn hóa của UNESCO họp từ ngày 26-7 đến ngày 6-8-1982 ở Mexico, các nhà khoa học của UNESCO đã định nghĩa: “Văn hóa là tổng thể những nét đặc thù về tinh thần và vật chất, về trí tuệ và xúc cảm quy định tính cách của một xã hội hay của một nhóm xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật, văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản (tồn tại - being) của con người, những hệ thống giá trị, những truyền thống và tín ngưỡng” (4). Văn hóa được hiểu là bản sắc riêng của “một xã hội”, hay “một nhóm xã hội” trong bức tranh văn hóa đa dạng, muôn màu của loài người.

Cũng như mọi sinh thể khác trong vũ trụ, con người là một bộ phận của tự nhiên. Con người là một vi hệ, một “tiểu tự nhiên”, luôn luôn chịu sự quy định chặt chẽ và tác động không ngừng của “đại tự nhiên” trên trái đất và vũ trụ bao la. Tuy nhiên, khác với thế giới sinh vật xung quanh, con người còn có một “không gian riêng”, một “thiên nhiên thứ hai” do con người sáng tạo ra bằng lao động và tri thức của mình. “Thiên nhiên thứ hai” đó chính là văn hóa - không gian trí tuệ, không gian tinh thần của nhân loại.

Nếu “đại tự nhiên” (không khí, nước, mặt đất, cây cối…) là “chiếc nôi” đầu tiên đáp ứng nhu cầu sinh lý để sinh tồn của con người, thì văn hóa là “chiếc nôi” thứ hai, nơi mà ở đó toàn bộ đời sống tinh thần và vật chất của con người được hình thành, nuôi dưỡng và phát triển.

Con người không thể tồn tại nếu như tách rời đại tự nhiên, nhưng cũng không thể trở thành người, nếu tách rời khỏi môi trường văn hóa, bao gồm cả văn hóa vật chất (ăn, uống, mặc, ở, đi lại đáp ứng nhu cầu sinh tồn), văn hóa tinh thần (ngôn ngữ, khoa học, văn học nghệ thuật, tín ngưỡng, tôn giáo đáp ứng nhu cầu về nhận thức, tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống, niềm tin, khát vọng).

Theo nghĩa Hán - Việt, “ẩm thực” chính là hoạt động “ăn” và “uống” của nhân loại. Từ xa xưa, ăn và uống là nhu cầu sinh tồn căn bản hằng ngày của con người. Hầu như dân tộc nào cũng phải “ăn” và “uống”, không phân biệt màu da, sắc tộc, tôn giáo. Tuy nhiên, mỗi cộng đồng dân tộc do sự khác biệt về điều kiện sống, hoàn cảnh địa lý, môi trường sinh thái, tín ngưỡng, truyền thống lịch sử… cho nên đã có những thức ăn, đồ uống khác nhau, những quan niệm về ăn uống khác nhau. Trải qua thời gian dần dần hình thành những tập quán, phong tục về ăn uống khác nhau.

Thời nguyên thủy, nhân loại giải quyết nhu cầu ăn uống hoàn toàn dựa vào những gì có sẵn trong thiên nhiên có thể nhặt, hái, lượm, mà người ta thường gọi là “ăn tươi, nuốt sống”, “ăn lông, ở lỗ”, tức là chưa hề có sự chế biến. Từ khi phát hiện ra lửa, nhân loại bắt đầu chế biến thức ăn chín và qua hàng ngàn năm lịch sử, sáng tạo ra vô vàn cách “làm chín thức ăn” (như nướng, luộc, chiên, xào, rán, hấp...). Việc nấu chín thức ăn, thức uống đã giúp cho con người tiến hóa, phát triển nhanh hơn và hình thành một lĩnh vực văn hóa rất riêng của từng dân tộc: Văn hóa ẩm thực hướng tới ngày càng ăn ngon hơn, hợp vệ sinh hơn, có văn hóa hơn, có tác dụng rất to lớn đến sức khỏe và đời sống của nhân loại.

Trên bề mặt trái đất hàng ngàn năm qua, cùng với sự phát triển dân số không ngừng, mở rộng khu vực cư trú và những tiến bộ trong hoạt động kinh tế, loài người đã vượt qua giai đoạn ăn uống những “thức ăn”, “thức uống” có sẵn trong thiên nhiên tiến đến giai đoạn phát triển văn minh nông nghiệp với hai việc phổ biến là trồng trọt thuần dưỡng chăn nuôi gia súc, tự tạo ra thức ăn, thức uống. Vấn đề ăn uống của con người chịu nhiều sự chi phối của hoàn cảnh của môi trường sinh thái, phương thức kiếm sống. Đây là những yếu tố chi phối đến tập quán và khẩu vị ăn uống của con người. Theo đó là văn minh công nghiệp và hậu công nghiệp với khoa học và nghệ thuật chế biến ẩm thực ngày càng hiện đại, đa dạng và phong phú.

Có thể nhận thấy cơ cấu của văn hóa ẩm thực gồm hai thành tố chủ yếu:

Một là, tri thức khoa học và nghệ thuật chế biến các món ăn cùng ý nghĩa, biểu tượng của các sản phẩm ẩm thực đạt tới các chuẩn mực chân, thiện, mỹ của cộng đồng, dân tộc, nhân loại.

Hai là, nghi thức ăn uống, biểu hiện cách ứng xử, giao tiếp trong ăn uống của con người.

Khi xem xét văn hóa ẩm thực phải tiếp cận ở hai góc độ: văn hóa vật chất (các sản phẩm ẩm thực) và văn hóa tinh thần (khoa học và nghệ thuật chế biến ẩm thực và nghi thức ăn uống).

Văn hóa ẩm thực được hiểu là những tri thức, tập quán tìm chọn món ăn, thức uống, những phương thức chế biến, bày biện, thưởng thức món ăn, thức uống thể hiện giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ và khẩu vị ăn uống của một cộng đồng xã hội hay một dân tộc, đồng thời văn hóa ẩm thực còn là nghi thức giao tiếp, cách ứng xử của con người trong ăn uống cùng với những tập tục kiêng kỵ trong ẩm thực.

Ca dao, tục ngữ người Việt xưa đã thấm đẫm giá trị văn hóa ẩm thực. Chẳng hạn như kinh nghiệm về lựa chọn gia vị chế biến món ăn: Con gà cục tác lá chanh/ Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi/ Con chó khóc đứng khóc ngồi/ Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng.

Về những món ăn chủ yếu của nông dân có câu tục ngữ: Tương cà, gia bản, có nghĩa rằng, đây là hai thức ăn chủ yếu của bữa cơm ở làng quê nông thôn xưa. Hay câu tục ngữ: Cơm tẻ, mẹ ruột (ăn cơm tẻ quan trọng nhất và tốt cho tiêu hóa); Thực túc, binh cường (nghĩa là ăn uống sung túc đầy đủ thì mới khỏe mạnh); Trời đánh còn tránh bữa ăn; Có thực mới vực được đạo; Dân dĩ thực vi tiên (người dân lấy ăn làm đầu); Ăn được ngủ được là tiên; Cơm chín tới, cải vầng non… và công thức ẩm thực phổ biến là: cơm + canh + rau + cá; Thực phẩm chủ yếu là: tôm + cua + cá + ốc + ếch… Tuy nhiên, văn hóa ẩm thực còn là tri thức dân gian về khoa học, khuyên ngăn, kiêng kỵ về ẩm thực: Thứ nhất phạm phòng, thứ nhì lòng lợn (đây là thức ăn độc hại nguy hiểm cho sức khỏe con người). Về các món ăn kỵ nhau, người xưa cũng răn dạy: Trứng vịt, lẫn tỏi, than ôi/ Ăn vào chắc chết, mười mươi rõ ràng; Mật ong, sữa, sữa đậu nành/ Ăn cùng tắc tử - phải đành xa nhau; Gan lợn, giá, đậu nực cười/ Xào chung, mất sạch bổ tươi ban đầu; Thịt gà, kinh giới kỵ nhau/ Ăn cùng một lúc, ngứa đầu phát điên; Thịt dê, ngộ độc do đâu/ Chỉ vì dưa hấu, xen vào bữa ăn.

Văn hóa ẩm thực thể hiện phương thức ứng xử của con người trong ăn uống: Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon; Ăn trông nồi, ngồi trông hướng; Lời chào cao hơn mâm cỗ...

Con người luôn khát khao trước hết là “ăn no, mặc ấm” để sinh tồn, sau đó khi kinh tế khá giả thì phấn đấu để thưởng thức “ăn ngon, mặc đẹp”. Ăn và uống đã trở thành một nét văn hóa riêng của các dân tộc trên phạm vi cả nước. Trên thế giới, hầu như nước nào cũng có văn hóa ẩm thực riêng biệt, thể hiện bản sắc văn hóa quốc gia, dân tộc mình, tạo nên sự hấp dẫn.

Tuy nhiên, văn hóa ẩm thực sẽ có hai điểm nổi bật là tính nhân loạitính dân tộc. Bất cứ đồ ăn thức uống nào cũng đáp ứng nhu cầu sinh tồn cho con người, ai cũng có thể thưởng thức, đó là tính nhân loại. Ẩm thực là phong cách, căn tính về “ăn, uống” của từng dân tộc, tộc người. Có thể nói, đây là những tiềm năng văn hóa của dân tộc có sức thu hút, hấp dẫn thực khách các vùng miền khác nhau trên cả nước, đặc biệt là thực khách, du khách quốc tế. Con người có nhu cầu khám phá văn hóa ẩm thực, thưởng thức những đồ ăn, thức uống mới lạ, kỳ thú. Văn hóa ẩm thực là tiềm năng đặc biệt của các vùng miền trong cả nước cần được nghiên cứu khai thác để phát huy lợi thế của từng địa phương trong phát triển du lịch hướng tới tăng trưởng kinh tế, góp phần đẩy mạnh phát triển văn hóa, xã hội.

2. Vai trò của văn hóa ẩm thực trong phát triển du lịch và góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương

TK XXI là một thời đại mới của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, phát triển du lịch trên diện rộng phạm vi thế giới. Sức hấp dẫn của một nền văn hóa được tạo ra bởi nhiều yếu tố văn hóa vật thể, phi vật thể; văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần. Đặc biệt, văn hóa ẩm thực là một lĩnh vực văn hóa có vai trò không nhỏ trong phát triển du lịch trong thời đại toàn cầu. Ngày nay, văn hóa ẩm thực được xuất hiện rất nhiều, nhanh chóng và sinh động trên các phương tiện truyền thông đại chúng như phát thanh, truyền hình, báo chí, xuất bản, quảng cáo, intrenet, mạng xã hội. Chính vì vậy, du khách thường dễ dàng được chiêm ngưỡng sự độc đáo về văn hóa ẩm thực của vùng miền trong cả nước cũng như văn hóa ẩm thực của các quốc gia dân tộc khác trên thế giới. Lợi thế du lịch không chỉ là di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên tươi đẹp hùng vĩ, sự hiếu khách của con người bản địa, mà còn là các sản phẩm văn hóa ẩm thực độc đáo hấp dẫn du khách, thực khách khám phá, thưởng ngoạn, tận hưởng cuộc sống hạnh phúc “ăn ngon, mặc đẹp”, để phát triển thể chất và tâm hồn, hướng tới hoàn thiện nhân cách con người.

Văn hóa ẩm thực có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch vùng miền trên các phương diện sau:

Văn hóa ẩm thực thông qua các sản phẩm đặc thù sẽ giới thiệu, quảng bá những đồ ăn, thức uống quý giá giúp nuôi dưỡng thể chất, thậm chí là có cả những bài thuốc ẩm thực dân gian quý giá đặc hiệu giúp chữa bệnh, đảm bảo sức khỏe cho con người, gợi dẫn những giá trị tiêu dùng thú vị, phát triển văn hóa tiêu dùng trong cộng đồng xã hội, đem lại những lợi ích kinh tế, đồng thời mở rộng, tích cực phát triển thị phần văn hóa ẩm thực quê hương, vùng miền trên thương trường trong nước và quốc tế.

Văn hóa ẩm thực thông qua các sản phẩm đặc thù sẽ thu hút du khách về những giá trị thẩm mỹ ẩm thực độc đáo (về màu sắc, hương vị, hình thức trình bày, kiểu dáng đồ ăn, thức uống, cùng với bao bì, nhãn mác, hình thức đóng gói có giá trị lưu niệm cho du khách thập phương mua về làm kỷ niệm…), từ đó tăng cường phân phối lưu thông, tăng thu nhập từ các sản phẩm văn hóa ẩm thực vùng miền, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Văn hóa ẩm thực thông qua các sản phẩm sẽ nâng cao nhận thức cho con người (địa phương và du khách) về tri thức khoa học gia truyền và nghệ thuật chế biến đồ ăn, thức uống, trải nghiệm thực tế sản xuất, chế biến tại cơ sở địa phương, cùng với các nghi thức đời người xung quanh các sản phẩm văn hóa ẩm thực, tạo ra tri thức thú vị về cuộc sống, đồng thời phát triển phong cách ẩm thực địa phương rộng rãi ở các vùng miền khác, phát triển thương hiệu sản phẩm văn hóa du lịch trên phạm vi trong nước và quốc tế.

Văn hóa ẩm thực với các hệ thống sản phẩm độc đáo sẽ tạo dựng và gia tăng cảm xúc của du khách đối với các địa phương vùng miền, từ đó gây thiện cảm tốt đẹp đối với con người và các miền quê như người xưa từng nói “miếng ngon nhớ lâu” gắn với địa danh địa phương. Tại Hà Nội có các sản phẩm như: khoai lang Triều Khúc; bánh cuốn Thanh Trì, bánh dày Quán Gánh; bánh đúc làng Kẻ, bánh tẻ làng Diễn; giò Chèm, nem Vẽ, chuối Xù; dưa La, cà Láng; cá rô đầm Sét. Tại Bắc Ninh có các sản phẩm: rượu Làng Vân; bánh đa Kế; tương Đình Tổ; nem Bùi Ninh Xá; bánh Phu thê Đình Bảng; bánh Tẻ làng Chờ; bún làng Tiền; cháo cá Tích Nghi; phở gan cháy; bánh khúc làng Diềm; thịt chuột Đình Bảng; gà Hồ…

Các sản phẩm văn hóa ẩm thực độc đáo sẽ làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo nên sự phong phú hấp dẫn, thu hút du khách thập phương, góp phần làm nên thương hiệu của tỉnh, tăng sức cạnh tranh trong các hoạt động kinh tế.

3. Xây dựng, quảng bá và phát triển các sản phẩm văn hóa ẩm thực trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và thời kỳ chuyển đổi số

Thời đại ngày nay đang có nhưng biến đổi rất nhanh về khoa học công nghệ và truyền thông đại chúng. Đây là những nhân tố mới đang tác động mạnh mẽ đến vấn đề xây dựng, quảng bá và phát triển các sản phẩm văn hóa ẩm thực. Có thể nhận thấy điều này trên một số phương diện như sau:

Thứ nhất, mỗi địa phương cần có chương trình khảo sát, nghiên cứu cụ thể về thực trạng hệ thống sản phẩm văn hóa ẩm thực truyền thống và hiện đại để lựa chọn những giá trị ẩm thực tiêu biểu, độc đáo riêng biệt của quê hương. Từ đó nghiên cứu một cách bài bản về lịch sử hình thành và quy trình chế biến của các sản phẩm ẩm thực, cũng như nghiên cứu về việc gieo trồng, nuôi dưỡng, chăm sóc các vật nuôi, cây trồng liên quan đến sản phẩm ẩm thực, giống như chương trình OCOP quốc gia phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện, hướng tới xây dựng sản phẩm văn hóa ẩm thực trở thành thương hiệu mạnh của địa phương.

Thứ hai, tích cực vận dụng thành quả của Cách mạng công nghiệp 4.0, đưa khoa học kỹ thuật, máy móc thiết bị và công nghệ mới vào chế biến, sản xuất các sản phẩm văn hóa ẩm thực hướng tới các giá trị chân, thiện, mỹ, tạo nên chữ tín trong sản xuất kinh doanh, lưu thông phân phối.

Thứ ba, cần chú trọng bảo tồn, giữ gìn các sản phẩm văn hóa ẩm thực truyền thống độc đáo gắn với các làng quê; trung thành với quy trình sản xuất, chế biến đã ổn định lâu đời và đảm bảo giá trị; không tùy tiện cắt xén các khâu của quy trình sản xuất, chế biến làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Nếu có vận dụng các yếu tố khoa học, công nghệ mới thì vẫn phải đảm bảo chất lượng và hình thức của sản phẩm được truyền tụng lâu đời.

Thứ tư, bên cạnh công tác marketing, quảng bá sản phẩm văn hóa ẩm thực trên sóng phát thanh truyền hình, báo chí, cần tận dụng tốt các không gian truyền thông công cộng, các trang mạng xã hội và internet để giới thiệu da dạng và sinh động các sản phẩm văn hóa ẩm thực song hành với các tour du lịch địa phương. Vận động những chủ thể hộ gia đình cần tự giác, nghiêm túc trong việc đảm bảo chất lượng của sản phẩm để giữ gìn thương hiệu quê hương, có hình thức xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thứ năm, có chính sách ưu tiên về vốn đầu tư sản xuất cho các hộ gia đình, các doanh nghiệp tư nhân sản xuất các sản phẩm văn hóa ẩm thực. Bên cạnh các hình thức tôn vinh nghệ nhân dân gian về ẩm thực, cần có chương trình đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp mới cho việc sản xuất kinh doanh, phân phối sản phẩm văn hóa ẩm thực trên phạm vi cả nước cũng như quảng bá sản phẩm văn hóa ẩm thực độc đáo trên thị trường quốc tế.

Thứ sáu, thường xuyên nghiên cứu nhu cầu của khách hàng, người tiêu dùng trong nước và quốc tế để cải tiến mẫu mã sản phẩm văn hóa ẩm thực một cách khoa học, chuyên nghiệp; liên tục làm mới sản phẩm, đa dạng hóa các hình thức sản phẩm văn hóa ẩm thực, tạo điểm nhấn tiêu biểu về đặc sắc vùng miền địa phương, từng bước xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chí sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia và quốc tế, đặc biệt phải đảm bảo sức khỏe lâu dài cho thực khách sử dụng sản phẩm văn hóa ẩm thực, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị quốc gia và hướng tới chuẩn mực chuỗi giá trị toàn cầu, tạo dựng thương hiệu bền vững cho văn hóa ẩm thực địa phương và cao hơn là thương hiệu văn hóa ẩm thực quốc gia để xuất khẩu.

4. Kết luận

Năm 2019, tại lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) lần thứ 26 dành cho khu vực châu Á và châu Ðại Dương, Việt Nam đã được vinh danh ở hạng mục Ðiểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á. Điều đó cho thấy, văn hóa ẩm thực Việt Nam ngày càng khẳng định sức hấp dẫn đối với du khách quốc tế. Thực tế cho thấy, giờ đây, nhu cầu về ẩm thực trong du lịch không chỉ là để phục vụ ăn uống đơn thuần của du khách, mà được xác định là một trong những mục đích chính của các chuyến du lịch. Theo báo cáo toàn cầu về du lịch ẩm thực của Tổ chức Du lịch thế giới, du khách thường chi trung bình 1/3 ngân sách chuyến đi cho ẩm thực. Ngày nay, du lịch ẩm thực chính là cơ hội lớn để thúc đẩy kinh tế các vùng miền địa phương và trên phạm vi cả nước, tạo điều kiện gia tăng chuỗi giá trị trong sản xuất chế biến thực phẩm, đồng thời giữ gìn và quảng bá văn hóa ẩm thực nói riêng và văn hóa quốc gia trên toàn thế giới. Văn hóa ẩm thực Việt Nam chính là mỏ vàng quý giá cần được tích cực khai thác để xây dựng, sáng tạo những sản phẩm du lịch ẩm thực mới để tiếp tục phát triển du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên những tầm cao mới…

__________________

1. C.Mác và Ph. Ăngghen toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.646.

2. C.Mác và Ph. Ăngghen toàn tập, tập 42, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.303.

3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.458.

4. Dẫn theo Dương Phú Hiệp (chủ biên), Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu văn hóa và con người Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 35-36.

Ths NGUYỄN VIỆT THÁI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 551, tháng 11-2023

;