Phát động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật với chủ đề “Sống mãi với thời gian”

Tối 18-12, tại Hải Phòng đã diễn ra Lễ phát động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật chủ đề “Sống mãi với thời gian”. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã tới dự buổi lễ.

Cùng dự Lễ phát động có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đinh Công Sỹ; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng Đỗ Mạnh Hiến; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, UBND TP Hải Phòng, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT), các Hội VHNT chuyên ngành trung ương và địa phương cùng đông đảo các văn nghệ sĩ.

Cuộc phát động là sự kiện hướng tới chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 – 3/2/2030) và 85 năm Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2030), do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND TP Hải Phòng, giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì cùng Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng tổ chức.

Lễ phát động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022-2025 là một trong nhiều hoạt động được Bộ VHTTDL tổ chức nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022-2025

Phát biểu tại Lễ phát động, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Trong lịch sử phát triển của nhân loại nói chung - Việt Nam nói riêng đều khẳng định VHNT là một thứ vũ khí đấu tranh có hiệu quả trên mặt tư tưởng, ý nhĩa nhân văn sâu sắc “Nghệ thuật là vũ khí, nghệ sĩ là chiến sĩ”. Từ những câu ca dao, tục ngữ mang nội dung châm biếm, đả kích giai cấp thống trị đến các câu truyện cổ tích, truyện cười có nội dung đấu tranh xã hội cao. Những áng văn chương lớn trong văn học như Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, thơ Hồ Xuân Hương… đều có giá trị về tư tưởng và có tinh thần đấu tranh mạnh mẽ, được lưu danh muôn thủa. Tuy không có tiếng súng, kẻ thù không trực tiếp, nhưng tính chất phức tạp và quyết liệt của mặt trận VHNT, cũng rất khốc liệt và cam go hơn bất cứ cuộc chiến tranh nào khác, đã được thực tiễn lịch sử chứng minh. “Đời không duyên nợ thà không sống/ Văn có non sông mới có hồn”, Á Nam Trần Tuấn Khải cũng xem văn chương thực sự có khí phách và linh hồn khi gắn với hồn thiêng đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cuốn Đường cách mệnh với mong muốn thay đổi quan niệm phong kiến trước đây, bằng cách tạo ra một thế giới quan mới cho thế hệ thanh niên yêu nước, với ước ao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết với nhau mà làm cách mệnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, trong nhiều năm qua, lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, từ Đề cương văn hóa năm 1943 đến Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất, được tổ chức năm 1946 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, cho đến khi đất nước bước vào giai đoạn hội nhập sâu và rộng với quốc tế. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" đã xác định văn học nghệ thuật là một trong 10 nhiệm vụ trọng tâm. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" tiếp tục khẳng định: Phát triển văn học nghệ thuật  là một trong các nhiệm vụ then chốt.

Các đại biểu tham dự buổi lễ

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 cũng đã đặt ra mục tiêu, hằng năm có 10-15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình VHNT chất lượng được công bố; có 20-30 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới đất nước; có 2 tác giả đạt giải thưởng văn học ASEAN; và năm 2021 vừa qua, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII được Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm Bác Hồ chủ trì Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất, đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn hóa gắn với xây dựng con người Việt Nam.

Lễ Phát động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” hướng tới 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 85 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày hôm nay, là minh chứng cụ thể trong việc triển khai, thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ Nghị quyết, Chiến lược của Đảng, Nhà nước đã đề ra. Bộ VHTTDL ý thức sâu sắc rằng, không phải ai xa lạ mà chính những văn nghệ sĩ của chúng ta hôm nay với tinh thần yêu nước, sức sáng tạo không giới hạn, phẩm chất trân quý sẽ là chủ nhân của các tác phẩm văn học đó trong tương lai.

Với tình cảm trân trọng, nồng ấm và quý mến, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn sau Lễ phát động, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, địa phương cùng các văn nghệ sĩ sẽ nhiệt tình hưởng ứng bằng nhiều hoạt động động thiết thực, có ý nghĩa, để lan tỏa mục đích, ý nghĩa của Lễ Phát động.

Thay mặt Bộ VHTTDL, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chúc đội ngũ văn nghệ sĩ luôn bút sắc, tâm trong, trí sáng cùng khát vọng đưa đất nước Việt Nam hùng cường. Bộ VHTTDL sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương liên quan, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội chuyên ngành để từng bước nâng cao hiệu quả của hoạt động văn học nghệ thuật trong thời gian tới, tạo môi trường thuận lợi cho các văn nghệ sĩ phát huy khả năng của mình, tiếp tục phát huy những thành tựu của các thế hệ đi trước, kiến tạo nhưng thành tích mới tự hào cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam.

 

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đại diện đội ngũ văn nghệ sĩ phát biểu tại Lễ phát động

Đại diện đội ngũ văn nghệ sĩ, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, “Lễ phát động “Sống mãi với thời gian” hôm nay ở một tầm cao mới, quy mô chưa từng có và mang một tinh thần khác biệt… Thông qua Lễ phát động sáng tác văn học nghệ thuật , tư tưởng, tinh thần của các văn nghệ sĩ sẽ là một điểm cất cánh để mang lại những tác phẩm đẹp đẽ… Đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước sẽ đặt cược lòng tin vào từng trang viết, những người đang cầm bút sẽ sáng tạo để trả nợ đất nước - nơi đã mang cho chúng ta những niềm hạnh phúc, kiêu hãnh, vinh quang…”.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ phát động sáng tác các tác phẩm VHNT “Sống mãi với thời gian”

Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ phát động, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ, cuộc phát động sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật “Sống mãi với thời gian", hướng tới 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 85 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một hoạt động rất có ý nghĩa, nhằm tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật trong thời kỳ mới, thiết thực triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn học nghệ thuật  Việt Nam.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận, biểu dương sáng kiến của Bộ VHTTDL trong việc tổ chức cuộc phát động này. Đồng thời, đánh giá cao TP Hải Phòng đã phối hợp tốt để triển khai sự kiện quan trọng này tại tỉnh nhà. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ, nêu cao ý thức, trách nhiệm công dân, rèn luyện đạo đức, bám sát thực tiễn sinh động của công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ mới, để sáng tạo nên các tác phẩm phản ánh hơi thở cuộc sống, có giá trị phụng sự đất nước và nhân dân. Những sáng tác văn học, nghệ thuật góp phần bồi đắp, nâng cao tư tưởng, tâm hồn, nhân cách, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam; dẫn đường và đồng hành với công chúng vươn đến tầm cao về tư tưởng, nghệ thuật và thị hiếu thẩm mỹ; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các hội VHNT chuyên ngành Trung ương và địa phương tiếp tục phát huy vai trò là mái nhà chung, nơi quy tụ văn nghệ sĩ cả nước trong sự chan hòa tình đồng nghiệp và niềm vui của sự sáng tạo, cống hiến, thực sự là nơi đại diện cho ý chí, nguyện vọng và là cầu nối giữa đội ngũ văn nghệ sĩ với Đảng và Nhà nước. Khuyến khích những sáng tạo, tìm đường cho các giá trị của văn học, nghệ thuật truyền thống hiện diện trong hơi thở của thời đại; quan tâm hơn nữa đến sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật  dành cho thiếu nhi. Hạn chế sự lệch lạc, sa đà theo các trào lưu, xu hướng hời hợt, thoảng qua, thiếu bền lâu trong lòng công chúng. Không ngừng khuyến khích, động viên, cổ vũ, nhất là những nỗ lực của giới trẻ, cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi để văn nghệ sĩ tiếp tục đi sâu vào thực tiễn sinh động, để lấy tư liệu và cảm hứng, sáng tạo nên những tác phẩm có thể “sống mãi với thời gian”.

Về phía Bộ VHTTDL tiếp tục quan tâm, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ, những tài năng nghệ thuật của đất nước; tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ văn nghệ sĩ hoạt động, phát huy khả năng sáng tạo nghệ thuật, xây dựng các tác phẩm có chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; quyết tâm tạo bước chuyển biến rõ nét trong nhiệm vụ xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa, văn học, nghệ thuật lành mạnh. Có kế hoạch, giải pháp phổ biến các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về nội dung tư tưởng và nghệ thuật trong cuộc phát động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian" hôm nay...

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đinh Công Sỹ; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ

Các tiết mục nghệ thuật chào mừng Lễ phát động sáng tác văn học nghệ thuật

 

Cuộc phát động sáng tác văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” dành cho các tác giả, tập thể tác giả là công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập, lao động ở trong và ngoài nước, người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, học tập, lao động tại Việt Nam. Về thể loại sáng tác, đối với Văn học là Tiểu thuyết và Trường ca; với Sân khấu là Kịch nói, Tuồng, Chèo, Cải lương, Ca kịch; với Âm nhạc là Giao hưởng, Hợp xướng, Nhạc kịch; với Múa là Thơ múa, Tổ khúc và Kịch múa. Ban tổ chức không hạn chế về số lượng tác giả tham gia. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều đề cương, bản thảo tham gia.

Các sáng tác dự thi hướng tới đề tài về cách mạng trong thời kỳ đổi mới; ca ngợi về truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, những thắng lợi và thành tựu to lớn của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; phản ánh hiện thực xã hội; người tốt việc tốt; xây dựng nhân cách con người Việt Nam trước tình hình và yêu cầu mới; học tập, làm việc theo tấm gương đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh; đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, các quan điểm, hành vi sai trái, suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống tiêu cực…

Đồng thời, tác giả có đề cương, bản thảo tác phẩm tham gia sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật phải sáng tác đúng thể loại, chủ đề, có tính phát hiện, tính sáng tạo; ngôn ngữ thể hiện mới, đạt chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật; Đề cương, bản thảo tác phẩm phải thể hiện được những giá trị lớn của “Chân - Thiện - Mỹ” và những giá trị nhân văn, có tính giáo dục, có chiều sâu của tư tưởng, tinh thần đoàn kết và truyền thống yêu nước vẻ vang của dân tộc. Ngoài ra, đề cương, bản thảo tác phẩm phải được sáng tác trong thời gian từ năm 2022; chưa được giải thưởng của cuộc thi khác, chưa được đăng trên các tạp chí, báo, truyện hoặc trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào trước khi tham gia cuộc sáng tác này.

Bên cạnh đó, tác giả được quyền đứng danh bản quyền sáng tác cho tác phẩm được chọn và đề cương, bản thảo tác phẩm được chọn, hoàn thiện sẽ được Nhà nước đầu tư chuyển thể, dàn dựng thành tác phẩm VHNT ở các thể loại phù hợp theo Quyết định số 2898/QĐ-BVHTTDL ngày 8-11-2022 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL; được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đề cương, bản thảo tác phẩm phải được sáng tác trong thời gian từ năm 2022; chưa được giải thưởng của cuộc thi khác, chưa được đăng trên các tạp chí, báo, truyện hoặc trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào trước khi tham gia cuộc sáng tác.

Ban tổ chức sẽ tổ chức Trại sáng tác cho 45 - 50 tác giả có đề cương các tác phẩm tham gia cuộc phát động, lựa chọn (dự kiến trong 7 ngày, trung tuần tháng 9-2023), công bố từ 30 - 35 đề cương để xuất bản, chuyển thể và dàn dựng thành các tác phẩm văn học nghệ thuật (đầu tháng 10-2023); xuất bản, chuyển thể và dàn dựng từ 30 - 35 đề cương thành các tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng (từ tháng 10-2023 đến 12-2024); đánh giá, tổng kết (dự kiến ngày 3-2-2025)..

 

NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH

;