Tập trung nguồn lực đầu tư cho văn hóa

Chiều 17-12, tiếp tục phiên toàn thể của Hội thảo Văn hóa 2022, đã diễn ra thảo luận bàn tròn về chủ đề: Nguồn lực đầu tư cho ngành Văn hóa với sự điều hành của Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh.

Bàn về vấn đề cổ vật hiện nay đang được nhiều người quan tâm, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải cho biết, lãnh đạo tỉnh luôn xem văn hóa di sản là thế mạnh. Ứng xử với văn hóa di sản luôn luôn dành cho sự ưu tiên đặc biệt.

Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ thành lập hệ thống bảo tàng ngoài công lập. Trong thời gian ngắn, tỉnh đã thành lập được 5 bảo tàng ngoài công lập. Số bảo tàng ngoài công lập nhiều nhất so với các tỉnh và hoạt động rất hiệu quả. 

Thảo luận bàn tròn về chủ đề: Nguồn lực đầu tư cho ngành Văn hóa

Ngoài ra, về việc đưa bảo vật, cổ vật hồi hương, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ưu tiên nguồn lực và thể hiện tinh thần dũng cảm, mạnh dạn trong vấn đề này.

Tại tọa đàm, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh nêu câu hỏi với Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông.

“Vấn đề đưa cổ vật về nước đang rất được dư luận quan tâm hiện nay. Bên cạnh việc Nhà nước, rồi các Mạnh Thường Quân đấu giá đưa cổ vật về nước, từ những vụ việc vừa rồi, tới đây lãnh đạo Bộ VHTTDL sẽ có những định hướng, phương thức như thế nào về việc hồi hương cổ vật?” - ông Minh nêu.

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, Việt Nam trải qua một thời dài xảy ra chiến tranh, đã khiến tài sản, hiện vật bị phân tán ra nước ngoài nhiều. Năm 2005, Việt Nam cũng đã tham gia vào quỹ công ước của UNESCO-1970, trong đó có nội dung “cấm xuất nhập khẩu hoặc chuyển quyền trái phép các tài sản về văn hóa”. Luật Di sản văn hóa của nước ta ban hành 2001, sửa đổi bổ sung năm 2009 với quy định quản lý cổ vật với sự tham gia của các bộ, ban ngành và nhân dân.

Thời gian qua, có nhiều tin tức về các cổ vật là tài sản của Việt Nam và xuất phát có nguồn gốc từ nước ta trong các bộ sưu tập cá nhân và tại các bảo tàng trên  thế giới. Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, Bộ VHTTDL đã có có định hướng, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để thống nhất với các ban, bộ, ngành, trình Thủ tướng Chính phủ để từng bước tiến hành đưa cổ vật hồi hương. 

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông trả lời về vấn đề cổ vật đang được quan tâm

Theo Thứ trưởng, việc đưa cổ vật hồi hương rất khó khăn, phức tạp, chịu ảnh hưởng những quy định quốc tế, kiểm tra… Trong thời gian qua, Bộ VHTTDL rất cổ vũ, khuyến khích các hình thức kết hợp với tư nhân, công ty để đấu giá và mang hiến tặng các cổ vật này cho bảo tàng di tích. Sắp tới, trong việc tiến hành sửa đổi Luật Di sản văn hóa, sẽ đề cập đến các vấn đề về cơ chế chính sách để có thể huy động được nguồn lực xã hội thực hiện tốt việc đưa cổ vật có giá trị hồi hương.

Cũng tại phiên thảo luận này, ông Lê Quang Minh đã nêu vấn đề đối với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông: Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số vốn ngân sách từ nguồn đầu tư công trung hạn giai đoạn này cho phát triển văn hóa là 9.466 tỷ đồng, gấp 2,26 tỷ đồng so với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước. Để cụ thể hóa chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 thì Chính phủ cũng vừa có tờ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung 2.728 tỷ đồng để đầu tư cho một số công trình văn hóa. Đó là chưa kể hàng nghìn tỷ đồng từ các chương trình mục tiêu quốc gia.

Trả lời câu hỏi: con số này có lớn hay không và nếu so sánh với các ngành khác thì văn hóa được ưu tiên như thế nào? Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là sau Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, các bộ, ngành và các địa phương đã hết sức ưu tiên đầu tư cho văn hóa. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng, nguồn lực đầu tư cho văn hóa từ ngân sách nhà nước  đến từ hai nguồn lực. Nguồn lực thứ nhất là nguồn vốn đầu tư phát triển đầu tư cho các cơ sở vật chất kỹ thuật, các công trình, thiết kế văn hóa để đảm bảo cho hoạt động văn hóa. Nguồn lực thứ hai là nguồn lực chi từ kinh phí sự nghiệp để đảm bảo cho các hoạt động về tổ chức bộ máy, về chi lương, cho sáng tác và các kinh phí thường xuyên khác.

"Và tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì riêng về vốn đầu tư phát triển, đến thời điểm này, vốn đầu tư công trung hạn  tính cả đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế ,xã hội và vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì tổng mức đầu tư về vốn ngân sách Trung ương là khoảng 14.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,4% so với tổng chi đầu tư phát triển của nguồn vốn ngân sách Trung ương. Đối với ngân sách địa phương là 52.000 tỷ đồng vốn chi đầu tư phát triển . Như vậy, tính tổng lại chúng tôi thấy rằng, giai đoạn trung hạn 2021 - 2025 chúng ta đầu tư khoảng 66.500 tỷ đồng, tính trên tổng số vốn ngân sách đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 thì chiếm khoảng 2%. Tính toán như vậy, chúng tôi thấy rằng, cũng cơ bản đáp ứng được theo chiến lược phát triển văn hóa của chúng ta đến năm 2030, tức là chiếm khoảng 2% tổng chi đầu tư"- Thứ trưởng Trần Duy Đông nói. 

 Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng cho biết: "Ngoài ra, đối với chi sự nghiệp, Bộ Tài chính chủ trì, chúng tôi chưa có con số cụ thể nhưng con số này so với giai đoạn trước là 2016-2020 là tăng cao và thể hiện được sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất đồng tình với bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ VHTTDL. Tức là nguồn vốn này mới chỉ là nguồn vốn mồi và nhu cầu đầu tư cho văn hóa rất lớn. Bởi vì văn hóa là một lĩnh vực bao trùm rất rộng, vậy thì chúng ta cần tiếp tục có cơ chế chính sách để phát huy nguồn lực xã hội hóa, để đầu tư cho nhiều lĩnh vực khác, ngoài các lĩnh vực đã được đầu tư của ngân sách nhà nước. Đồng thời, nguồn lực ngân sách nhà nước hạn hẹp thì chúng ta tiếp tục rà soát để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các công trình quốc gia, trong các công trình mà phát huy được địa thế và khu vực tư nhân không đầu tư".

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông trả lời trong thảo luận bàn tròn

"Nói đến đầu tư cho văn hóa thì chúng ta không thể chỉ nói đến những con số mà phải nói đến cả những hiệu quả đầu tư. Bởi vì văn hóa là một lĩnh vực rất đặc thù, nếu như xây một công trình thì có thể đo đếm được về mặt cơ bản hiệu quả đầu tư như thế nào, nhưng đầu tư văn hóa thì tác động của nó rất khó để đo đếm. Vậy thì làm thế nào để đánh giá được hiệu quả đầu tư, thưa Thứ trưởng"? - ông Lê Quang Minh đặt tiếp câu hỏi cho Thứ trưởng Trần Duy Đông t.

Với câu hỏi này, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết: Lĩnh vực văn hóa rất rộng và chúng tôi thấy rằng, hoạt động văn hóa có những hoạt động không tạo ra giá trị về mặt tài chính, nhưng cũng có dịch vụ văn hóa thì tạo ra giá trị gia tăng về lợi nhuận rất lớn. Do vậy, khi đánh giá hiệu quả đầu tư của một công trình văn hóa từ ngân sách nhà nước thì chúng ta không chỉ đánh giá đơn thuần về mặt kinh tế, tức là về doanh thu, về lợi nhuận và tỷ lệ thời gian hoàn vốn… mà chúng tôi cho rằng, chúng ta phải đánh giá trên nhiều khía cạnh. 

Thứ nhất, chúng tôi thấy rằng, đối với các công trình văn hóa được đầu tư thực hiện hoàn thiện thì đóng góp về giá trị về kiến trúc của chính công trình đó rất lớn. Đơn cử như Nhà hát Lớn Hà Nội có kiến trúc đẹp thì nó sẽ góp phần phát huy giá trị kiến trúc đô thị của khu vực quanh Hồ Gươm hoặc thành phố Hà Nội.

Ngoài ta, khi công trình hoàn thành thì giá trị hiệu quả đánh giá còn đóng góp bằng tổ chức các hoạt động giao lưu, sáng tạo văn hóa và thụ hưởng về văn hóa từ các công trình đó. Từ đó cộng đồng, người dân có thể thẩm thụ được hệ giá trị quốc gia và các giá trị văn hóa. Do đó, chúng tôi cho rằng để đánh giá một công trình văn hóa thì phải ở nhiều khía cạnh như vậy chứ không đơn thuần là ở khía cạnh kinh tế.

Tiếp nối là câu hỏi: Các địa phương và các doanh nghiệp rất mong chờ sửa đổi Luật PPP từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xin mời ông Trần Duy Đông trả lời về vấn đề này? 

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết:  Khi ban hành Luật Đầu tư theo đối tác công tư (PPP), chúng ta không đưa lĩnh vực văn hóa vào trong lĩnh vực hợp tác công tư vì khi Chính phủ rà soát năm 2019, chúng tôi thấy rằng, không có dự án nào trong lĩnh vực văn hóa hoạt động PPP, chỉ có một dự án hoạt động theo hình thức BT tức là đổi đất lấy công trình. Mặt khác, chúng tôi đã rà soát và nhận thấy các nhà đầu tư khi đầu tư vào một dự án PPP thì họ phải thu hồi được lại lợi nhuận, do đó các công trình văn hóa cũng phải rà soát để đảm bảo là thu hồi được nguồn vốn. Bên cạnh đó, chúng ta phải đảm bảo một điều kiện là lĩnh vực đầu tư văn hóa, đặc biệt đối với nhà đầu tư nước ngoài phải đảm bảo đây là việc đầu tư có điều kiện. Tức là phải đảm bảo tính thuần phong, mỹ tục cũng như là đảm bảo được không xung đột với giá trị văn hóa truyền thống của chúng ta. 

Do vậy, chúng tôi đánh giá và tham khảo, nhận tham mưu của các công ty tư vấn, nhà đầu tư thì thời điểm đó, cuối cùng kiến nghị chưa đưa vào. Nhưng chúng tôi cũng nhận thấy rằng, Luật pháp thì không bao giờ có thể phản ánh được hết thực tiễn và thực tiễn thay đổi liên tục. Qua các đề xuất của TP.HCM của Hà Nội hay là Thừa Thiên  Huế thời gian gần đây, chúng tôi nhận thấy rằng, phải nghiên cứu để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét có thể triển khai thí điểm mô hình đối tác PPP trong lĩnh vực văn hóa. Chúng tôi thấy rằng, lĩnh vực PPP có thể thực hiện được trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, theo chiến lược văn hóa của chúng ta. Ví dụ như công nghiệp điện ảnh, công nghiệp âm nhạc, công nghiệp thời trang… 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo Chính phủ, để Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội xem xét trước mắt có thể thí điểm PPP trong lĩnh vực đó và có thể thí điểm ngay với TP.HCM. Bởi vì hiện nay TP.HCM cũng đang đề xuất thực hiện thí điểm ở lĩnh vực văn hóa. Chúng tôi sẽ rà soát cùng TP.HCM và các bộ, ngành để đảm bảo là các dự án đó khả thi trong thực tiễn và đảm bảo không xung đột về giá trị văn hóa của chúng ta".

NGỌC BÍCH - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

;