Những kiệt tác âm nhạc Văn Cao

Là một nghệ sĩ lớn nhưng Văn Cao luôn khiêm nhường và vô cùng bình dị. Ông đã sống như một người bình thường, yêu thương và trân trọng tất cả những gì xung quanh mình. Chính từ những điều bình thường ấy đã tích tụ dần, hình thành trong ông những khát vọng như mang cả tâm tư con người trong một thời đại. Những kiệt tác của ông đã từng được yêu chuộng trong những thập kỷ qua, sẽ còn đồng hành với con người và dân tộc Việt Nam trên những chặng đường mới, trong thế kỷ mới. Văn Cao là trường hợp điển hình về một nghệ sĩ đã đồng hành cùng dân tộc và thời đại mình để bằng tài năng và tâm huyết sáng tạo nên những tác phẩm bất hủ.

“Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng”- Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có lần đã phải thốt lên như thế.

 Không ai có thể tưởng tượng được, một người thanh niên mảnh mai, thư sinh lãng tử như Văn Cao lại có một sức sáng tạo mãnh liệt đến nhường ấy. Chỉ trong vòng chưa đến mười năm, từ ca khúc đầu tiên Suối mơ 1939 đến khi ra đời Trường ca Sông Lô 1948, Văn Cao đã làm nên một sự nghiệp to lớn với những tác phẩm bất hủ đánh dấu bước chuyển biến chưa từng có của nền âm nhạc Việt Nam. 

Văn Cao xuất hiện khi nền tân nhạc nước nhà vẫn còn trong giai đoạn hình thành. Cũng như nhiều nhạc sĩ cùng thời, ông ảnh hưởng sâu sắc âm nhạc phương Tây, đầu tiên là các bài thánh ca trong các giáo đường, và làm quen với nhạc nhà binh, với những đội kèn đồng, dần dần tiếp cận với nhạc khiêu vũ, nhạc cổ điển châu Âu. Văn Cao bắt đầu học âm nhạc là ở trường Trung học Saint-Joseph của các sư huynh La San tại Hải Phòng. Sau đó, ông gia nhập nhóm Đồng Vọng do nhạc sĩ Hoàng Quý thành lập quy tụ nhiều nhạc sĩ tài năng như Phạm Ngữ, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Canh Thân, Tô Vũ…

Từ năm 16 tuổi, Văn Cao đã có ca khúc đầu tay là Buồn tàn thu được đồng nghiệp đánh giá cao và được người nghe ưa chuộng. Tiếp đó Văn Cao đã cắm những cái mốc trong âm nhạc với Suối mơ, Thiên Thai, Cung đàn xưa, Bến xuân, Thu cô liêu… Đó là những nhạc phẩm trở thành đỉnh cao của nền tân nhạc nước nhà, được công chúng yêu thích và có sức sống lâu bền. 

Xu hướng lãng mạn ở Văn Cao thể hiện sinh động qua việc tạo nên một không gian tinh khiết, một cõi vắng xa hoặc sa vào kỷ niệm với những lưu luyến, nhớ tiếc về tình yêu dang dở, chia ly. Âm điệu lúc dịu êm tha thiết, ngân vọng, lúc lắng sâu vào những nỗi niềm u uẩn. 

“Đêm mùa thu chết

Nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng

Em ngồi đan áo

Lòng buồn vương vấn

Em thương nhớ chàng…” .

          (Buồn tàn thu)

  “Âm ba thoáng rung cánh đào rơi

Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời

Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan

Quê hương dần xa lấp núi ngàn

Bâng khuâng chèo khua nước Ngọc Tuyền

Ai hát trên bờ Đào Nguyên…”

          (Thiên Thai)

Điều đặc biệt ở Văn Cao mà có lẽ không nhạc sĩ đương thời nào có được là ở chỗ từ thiên hướng lãng mạn, chỉ trong một thời gian ngắn, ông chuyển sang hùng ca. Điệu tâm hồn ông đã khác. Xa dần với những những bản tình ca, ông bắt đầu viết về lịch sử, về dân tộc, về cái khí thế hào hùng của thời đại. Những tác phẩm gây ấn tượng như Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca đã đưa Văn Cao đến với Việt Minh. Năm 1944, khi mới 21 tuổi tại tại căn gác nhỏ số nhà 171 phố Mông-gơ-răng (nay là 45 phố Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội) ông đã viết Tiến quân ca, để rồi sau đó bài hát lần đầu tiên được in trên báo Độc Lập vào tháng 11/1944 và được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quốc dân đại hội Tân Trào chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam vào tháng 8 năm 1945. 

Trong ký ức của mình, Văn Cao không thể nào quên được hình ảnh ngày 18/8/1945, trong một cuộc mít tinh tại Nhà hát Lớn. Thật bất ngờ khi trên bao lơn của Nhà hát, một lá cờ đỏ sao vàng rất lớn được thả xuống, một thành viên trong Đội danh dự Việt Minh sau khi tung cờ, nhảy xuống cầm micro hát bài Tiến quân ca. Rồi ngay sau đó, cả một biển người cùng cất tiếng hát. Lời bài hát vang lên như sấm rền giữa đoàn người rùng rùng chuyển động. Văn Cao gọi giờ khắc ấy là giờ khắc Tiến quân ca thuộc về nhân dân và nước mắt ông trào ra vì cảm động.

“Đoàn quân Việt Nam đi

Chung lòng cứu quốc

Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa

Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước

Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca…”

 Từ đó, Quốc ca đã trở thành khúc hát thiêng liêng, in hằn vào tâm tư của hàng triệu con người Việt Nam suốt gần 80 năm với biết bao oanh liệt, đau thương và hào hùng của dân tộc.

Trong những năm sau cách mạng, Văn Cao tiếp tục mạch hùng ca và đã sáng tạo nên những nhạc phẩm được xếp vào hàng kiệt tác.

Trường ca sông Lô mở đầu bằng hình ảnh một dòng sông trong không gian rộng lớn, huyền ảo và gợi dần vẻ điêu tàn mang gương mặt của chiến tranh. 

Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u.

Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu

Sông Lô, sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang

Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô xưa.

Bài hát dần tái hiện niềm vui chiến thắng của nhân dân Việt Bắc và hình ảnh đời sống muôn mặt trong sản xuất, chiến đấu của nhân dân ta. Có thể nói, Trường ca sông Lô là một tổng phổ phức hợp, vô cùng phong phú cả về nội dung và hình thức. Tất cả hòa quyện trong những cung bậc tinh tế, sinh động vừa hùng tráng, vừa trữ tình sâu lắng. Nhạc sĩ Phạm Duy đã đánh giá rất cao Trường ca Sông Lô. Ông cho rằng: “Về hình thức, bài hát chẳng thua gì bất cứ một tuyệt phẩm nào của loại nhạc cổ điển Tây Phương. Nét nhạc của trường ca rất mạnh khỏe, rất tươi sáng. Nhịp điệu vô cùng phong phú với những chuyển đoạn rất tài tình. Bài này đánh dấu sự trưởng thành của Tân nhạc.” Ông nhấn mạnh: “Nếu Thiên Thai chỉ nằm trong một giọng Re (mineure và majeure) và Trương Chi chỉ chuyển nhịp, chuyển điệu trong hai giọng Re và Sol… thì Trường ca sông Lô có tới sáu lần chuyển âm (modulations) cũng như chuyển tiết tấu (changing rythmes). Trường ca sông Lô là bản hát dài đầu tiên của chúng ta là một tuyệt phẩm mà những người đi sau Văn Cao (như tôi) đã học hỏi được rất nhiều ở ông để tiếp tục làm giầu cho âm nhạc Việt Nam.”

Sự nghiệp Văn Cao còn ghi dấu với những ca khúc nổi tiếng Ca ngợi Hồ Chủ tịch được đánh giá là bài hát hay nhất về Bác Hồ, bài Làng Tôi, Ngày mùa nói tới vẻ đẹp của nông thôn Việt Nam trong chiến tranh và niềm vui lao động. Hay bài Tiến về Hà Nội với âm nhạc hùng tráng, rộn vang gợi tả niềm vui chiến thắng ngày trở về của quân ta. Điều đặc biệt là bài hát này đã chứng tỏ khả năng dự báo của Văn Cao. Được viết từ năm 1948 và sáu năm sau thì những điều mơ ước trong bài hát đã thành sự thật. Có thể nói, đây là bài hát hay nhất về niềm vui chiến thắng của dân tộc và suốt mấy chục năm nay nó vẫn luôn cất lên trong những đêm nhạc hoành tráng in dấu ấn một thế kỷ hào hùng.

Trong khoảng 20 năm từ 1956 đến 1976 Văn Cao ít viết bài hát. Cuộc sống của ông giai đoạn này cũng có nhiều khó khăn, bất trắc. Nhưng trong cái im lặng tưởng chừng vô tận ấy, từ tâm khảm Văn Cao đã dần hun đúc nên một khát vọng, một tư tưởng lớn lao để rồi viết nên một kiệt tác bất tử: Mùa xuân đầu tiên

Chiến tranh qua rồi sẽ đến hòa bình. Đó là quy luật tất yếu của lịch sử. Nhưng đó cũng là niềm mong ước lớn lao, thẳm sâu nhất của một dân tộc suốt ba mươi năm chìm trong chiến tranh máu lửa. Bài hát này của Văn Cao xuất hiện trong khoảnh khắc đặc biệt đó, khoảnh khắc mùa xuân hòa bình đầu tiên sau chiến tranh và ca lên cái giai điệu thanh bình, thiết tha mà sâu lắng:

“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về

Mùa bình thường mùa vui nay đã về 

mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên

Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông

một trưa nắng cho bao tâm hồn”…

“Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân

vui đầu tiên

Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời

êm ấm

Từ đây người biết quê người

Từ đây người biết thương người

Từ đây người biết yêu người.”

Nói về kiệt tác này của nhạc sĩ Văn Cao, nhà phê bình Đỗ Anh Vũ cho rằng: “Mùa xuân đầu tiên là một ca khúc được viết theo điệu Valse, một điệu thức trước đó nhiều lần được Văn Cao sử dụng qua các nhạc phẩm như Cung đàn xưa hay Ngày mùa. Nhưng với bản Valse mùa xuân này, tưởng như đây là một điệu luân vũ dặt dìu bất tận trong niềm hạnh phúc khôn nguôi, khi những giọt nước mắt lặng lẽ rơi xuống nghẹn ngào trong cả người nghe, người hát và chính người sáng tác.”

Mùa xuân đầu tiên được xem như kiệt tác cuối cùng khép lại cuộc đời sáng tác âm nhạc đầy thành tựu của Văn Cao. Trong cảm thức của người Việt Nam, thế giới âm nhạc của Văn Cao mãnh liệt, hào hùng có sức cổ vũ lớn lao toàn dân tộc trong một thời kỳ lịch sử đầy máu lửa, nhưng đó cũng là thế giới của những điều bình thường, giản dị mà sâu lắng, nơi những rung cảm của trái tim cất lên thành giai điệu ngọt ngào tha thiết của nó, nơi những khát vọng ngàn đời của cả một dân tộc dồn tụ lại.

THIÊN SƠN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 544, tháng 8-2023

;