Bức tranh lịch sử về xứ Bắc Kỳ đầu thế kỷ XX

Trình bày những triết lý văn hóa phương Đông dưới góc nhìn đậm chất phương Tây, tác phẩm Xuân thu sử thi Bắc Kỳ của tác giả Pierre Foulon được coi như một sự giao thoa của văn hóa Đông - Tây. Đầu tháng 7 vừa qua, Viện Pháp tại Hà Nội đã tổ chức chương trình giới thiệu sách và tọa đàm khoa học với chủ đề “Xuân thu sử thi Bắc Kỳ - nhìn từ tiếp xúc Pháp - Việt đầu thế kỷ XX”.

Sự giao thoa của văn hóa Đông - Tây

Cuốn Xuân thu sử thi Bắc Kỳ (dịch giả Phan Tín Dụng, Nxb Khoa học Xã hội và MaiHaBook phát hành) của tác giả Pierre Foulon giới thiệu và bàn luận khái quát câu chuyện về văn hóa Việt Nam qua góc nhìn của một trí thức người Pháp về xứ Bắc Kỳ Việt Nam. Nơi đây Pierre Foulon - khi ấy là giáo sư triết học Trường Lycée du Protectarat (Trường Bảo hộ, tức Trường THPT Chu Văn An hiện nay) và gia đình từng sinh sống qua ba thế hệ. Pierre Foulon đã có quãng thời gian khá dài sống và làm việc tại Việt Nam và Xuân thu sử thi Bắc Kỳ được ông viết với mục đích đầu tiên là cho con gái mình có thể đọc để hiểu về vùng đất mà cô sinh ra. Nhưng vượt lên trên mục đích cá nhân rất riêng tư ấy, cuốn sách đã trở thành một tác phẩm rất đặc biệt. Pierre Foulon từng bộc bạch: “Tôi viết sử thi theo kiểu triết học sinh thái”, Xuân thu sử thi Bắc Kỳ được viết với một bút pháp độc đáo. Nó cho thấy một góc nhìn khác biệt của tác giả so với các học giả Pháp viết về Việt Nam trước đó nằm ở sự đối thoại. Cuốn sách là tổng hòa của cuộc đối thoại giữa khoa học, triết học với nghệ thuật văn chương; cuộc đối thoại giữa phương Đông và phương Tây với lối viết rất giản dị, tinh tế và thật độc đáo với cuộc đối thoại vô hình trong tưởng tượng giữa hai nhà hiền triết Đông - Tây là Khổng Tử và Socrates trong phần “Palinodie”.

4 chương của cuốn sách được gọi tên bằng 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, trong đó những vấn đề đầy lý luận như thơ ca, triết học, nghệ thuật dân gian, chính trị, thời cuộc, cho tới khía cạnh gắn liền với hiện thực như lối sống, nghi lễ, dịch bệnh, công việc đồng áng hay những chủ đề siêu thực về cái chết, bóng đêm đều được tác giả phân tích sâu sắc.

Có thể coi đây là một giai phẩm đúng nghĩa, khi thiết kế trình bày sách được thực hiện bởi chính danh họa Tô Ngọc Vân - một trong tứ trụ của hội họa Việt Nam. Tranh bìa được họa sĩ Nguyễn Tiến Lợi làm từ tranh khắc dân gian thường bày bán trong dịp giáp Tết trên hè phố và chợ Bắc Kỳ với mô típ tranh Tam Đa quen thuộc, vừa dân dã vừa hoài cổ mang đến sự tổng hòa đặc sắc về nghệ thuật. 

Các độc giả tham dự buổi tọa đàm

Mở cuốn sách với lời dẫn đầu được viết bằng một phong cách rất thơ: “Lời ngỏ bên thềm” (Paroles sur Le Perron), 4 chương của cuốn sách được viết dựa trên cảm hứng “triết học tứ quý” của Kinh Xuân Thu và sách Lễ ký của triết học Khổng Tử. Nhưng điều Foulon bàn luận tới có lẽ cởi mở hơn vì Xuân thu sử thi Bắc Kỳ chứa đựng những trang sách hấp dẫn về khía cạnh tôn giáo của lễ hội, trong khi nhà hiền triết của nước Lỗ cho rất ít thông tin về đời sống tín ngưỡng trong tác phẩm của mình.

Ở chương Mùa Xuân, tác giả đưa ra những miêu tả về 4 tầng lớp trong xã hội Việt Nam lúc đó (gồm sĩ, nông, công, thương); về đời sống văn hóa nghệ thuật thời ấy với những miêu tả thú vị về tám nhạc cụ (bát âm). Theo chân Paul Giran - tác giả cuốn Phù thuật và tín ngưỡng An Nam, Pierre Foulon góp thêm cái nhìn về tư duy tôn giáo, tín ngưỡng của người dân bản địa. Trong chương này, Pierre Foulon cũng lý giải về sự khác biệt giữa Tết Nguyên đán và Tết Tây để khẳng định rằng đó là những nét tinh túy mà xét ở góc độ nào đó, người Pháp vẫn có thể thấu hiểu người Việt vì đều có gốc gác là “hai dân tộc nông dân.”

Ở chương Mùa Hạ, tác giả tập trung hơn vào lối sống, nghi lễ, công việc đồng áng và sinh hoạt thị thành. Những phân tích, liên tưởng độc đáo của tác giả được thể hiện rõ hơn ở chương Mùa Thu khi ông gắn mùa Thu với đời sống văn hóa - văn học. Tác giả Pierre Foulon dành nhiều lời khen ngợi cho các nhà thơ có nhiều bài thơ hay về mùa thu như Tản Đà, Nguyễn Khuyến…

“Xuân thu sử thi Bắc Kỳ” khép lại với chương Mùa Đông, hé lộ những cảm xúc cá nhân, những câu chuyện về gia đình tác giả trải qua ba thế hệ làm ăn, sinh sống ở ngoại thành Hà Nội.

Cảm thức từ cái nhìn hôm nay

Tại buổi tọa đàm Xuân thu sử thi Bắc Kỳ nhìn từ tiếp xúc Pháp Việt đầu thế kỷ XX do Viện Pháp tổ chức, các diễn giả đã có những đánh giá, chia sẻ xung quanh các vấn đề được đề cập trong tác phẩm này với cảm thức từ cái nhìn hôm nay.

Buổi tọa đàm có sự tham dự của GS,TS Đỗ Quang Hưng - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; TS Vũ Đức Liên - Giảng viên Khoa Lịch sử - Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, với vai trò chuyên gia văn hóa lịch sử; TS Nguyễn Tiến Dũng - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội là người đảm nhận vai trò điều phối chương trình.

Tọa đàm giới thiệu và bàn luận khái quát câu chuyện về văn hóa Việt Nam với góc nhìn của một trí thức người Pháp - Pierre Foulon. Các diễn giả đều đánh giá rằng giá trị của cuốn sách nằm ở sự giao lưu văn hóa Đông - Tây mà tác giả là một trong những “người phương Tây bị phương Đông mê hoặc”, viết với mong muốn tìm hiểu văn hóa phương Đông.

TS Vũ Đức Liêm cho rằng, khác với mô típ viết sử quen thuộc của ta, cuốn sách là một cuốn nhật ký thời gian, viết về những gì mà người xứ Bắc Kỳ làm trong một năm, được ghi chép hằng ngày với ngòi bút giản dị của Pierre Foulon. Với việc dạy học tại trường Bưởi và an cư tại làng Nhật Tân, ông đã cảm nhận và lý giải sâu sắc về những điều gần gũi trong cuộc sống người Việt bằng hiểu biết của mình. Độc giả sẽ như những nhà du hành tiến vào khu đất Bắc kỳ ngày xưa, khám phá lịch sử qua cái nhìn triết học, văn hóa, tôn giáo. Điểm độc lạ tạo nên giá trị của cuốn sách ở chỗ tác phẩm như một bài thơ về sự giao cảm của con người với thời gian, với sinh thái, với triết học, với tôn giáo. 

Từ trái qua phải GS.TS Đỗ Quang Hưng, TS Nguyễn Tiến Dũng và TS Vũ Đức Liên

GS,TS Đỗ Quang Hưng cũng nhận định đây là một lối tiếp cận lịch sử đặc sắc với cách ghi sử đặc biệt: “Với lối viết sử nhẹ nhàng, dù Xuân thu sử thi Bắc Kỳ mang tính hàn lâm cao, các độc giả vẫn sẽ dễ dàng tiếp cận được. Foulon khi ấy là một thầy giáo, đã ghi chép hết sức chi tiết và mô tả cụ thể về một Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc với những áng văn gần gũi, chân thật. Tác phẩm phản ánh đời sống tinh thần, vật chất, không sa lầy sự kiện chính trị, hiểu được lịch sử Bắc Kỳ qua tâm thức nhân vật với chất liệu viết sử đặc biệt. Hơn nữa, Foulon viết sử Bắc Kỳ dưới góc nhìn triết học, văn hóa, tôn lên chiều sâu cái đáng quý của người Việt Nam trong đời sống sinh hoạt, lễ nghi, thể hiện đậm nét giá trị triết lý tinh thần. Tất cả những điều đó làm nên giá trị của cuốn sách”.

Trong bốn điều quan trọng GS,TS Đỗ Quang Hưng tâm đắc về cuốn sách này, đặc biệt nhất chính là cảm thức của tác giả về mối quan hệ khác biệt. Foulon đã yêu Bắc Kỳ, yêu ngôi nhà của ông ở làng Nhật Tân và cả những con người giản dị ông gặp mỗi khi trên con đường từ trường Bưởi về nhà. Ông nhấn mạnh: “Cảm thức khác biệt là một trong những thứ tôi cho là điều quý nhất trong cuốn sử thi này. Khi chúng ta có một cảm thức tốt, vừa dân tộc vừa thời đại, chúng ta có thể vượt qua những rào cản ý thức hệ. Về góc nhìn cá nhân trong cuốn sách, tác giả đã thể hiện tấm lòng của mình với những cảm thức của con người cá nhân đầy chân thực”.

MINH THƯ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 541, tháng 7-2023

;