Nghệ thuật đóng sách thủ công, với truyền thống hàng nghìn năm tuổi, đã đóng góp những tác phẩm xuất sắc và có giá trị to lớn cho nhân loại. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, những cuốn sách thủ công cũng dần thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả. Trần Trung Hiếu, là thợ đóng sách thủ công với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Cùng với Sao Bắc Bookbinding anh đã thực hiện rất nhiều ấn bản sách thủ công nghệ thuật cao cấp và nhận được sự đón nhận tích cực của độc giả.
Trần Trung Hiếu luôn yêu thích công việc hiện tại
Đam mê bắt nguồn từ tình yêu với sách
Có chút năng khiếu hội họa, ngay từ khi còn nhỏ cậu bé Trần Trung Hiếu đã rất thích các ngành nghề chế tạo. Cậu ngưỡng mộ những người có khả năng hiện thực hóa ý tưởng bằng chính đôi bàn tay của họ. Thi vào khoa Nội thất Trường Ðại học Mỹ thuật Công nghiệp, càng học Hiếu càng thấy mình… sai lầm khi đã chọn ngành này. Qua bạn bè, Hiếu tình cờ tiếp cận với việc tự làm sổ tay, từ đó mà anh hứng thú với việc đóng sách thủ công và tìm hiểu về nghề này qua các video hướng dẫn YouTube, kênh Bookbinder's Chronicle và mạng xã hội. Càng tìm hiểu về nghề đóng sách thủ công - Bookbinding, Hiếu càng thêm say mê nghệ thuật này.
Các dụng cụ để đóng sách của Trần Trung Hiếu
Trung Hiếu bộc bạch, Bookbinding (đóng sách) không phải là một ngành nghề truyền thống ở nước ta mà được bắt nguồn từ các nước châu Âu và Trung Ðông. Nghề đóng sách du nhập Việt Nam qua người Pháp (Pháp là một trong những đất nước có tiếng tăm nhất về đóng sách). Trải qua chiến tranh và nhiều yếu tố khách quan khác, nghề này ở Việt Nam cũng mai một dần. Thợ Việt vẫn có thể đóng sách, nhưng tiêu chuẩn ngày một thấp dần, đến khi không còn người thợ nào đạt tới trình độ hoàn thiện theo yêu cầu khắt khe của kỹ thuật đóng sách thủ công truyền thống (tại các nước châu Âu và Trung Ðông). Ngoài ra, nguồn tài liệu và đồ đạc dụng cụ về ngành nghề này cũng rất hạn chế. Với những người trẻ như Hiếu, lúc mới tìm hiểu về nghề này càng khó khăn hơn bởi ngoài việc không có thầy giàu kinh nghiệm ở bên để trực tiếp dạy nghề, phải tự mày mò tìm hiểu thì các dụng cụ chuyên dụng rất đắt tiền, sinh viên nghèo khó mà chạm tới. May mắn là vốn liếng ngoại ngữ của Hiếu khá tốt, đủ để tiếp cận các nguồn tài liệu hướng dẫn của nước ngoài. Và may mắn hơn là thông qua mạng xã hội, anh còn kết nối được với những người thợ đóng sách giàu kinh nghiệm như bác Mark Kirchner (Pháp). Nhận ra đam mê và nỗ lực học hỏi của Hiếu, ông đã hướng dẫn thêm cho Hiếu các kỹ thuật đóng sách khi anh tìm cách thực hành rồi gửi sản phẩm qua Pháp để nghe góp ý rồi chỉnh sửa hoàn thiện sản phẩm.
Các dụng cụ trang trí sách
Khi quyết tâm theo đuổi nghề này, Hiếu đã dành hơn một năm để đọc và nghiên cứu tài liệu. Mỗi khi gặp những từ chuyên ngành mà anh không hiểu được nghĩa hay những đoạn mô tả cách thức thực hiện mà anh không thể tưởng tượng, Hiếu không hề nản chí. Càng đọc, càng tìm hiểu anh càng rất hào hứng bởi mỗi ngày học được thêm một điều mới, thêm nhiều hiểu biết về nghệ thuật đóng sách thủ công mà mình yêu thích. Khi tự tay thực hành và được người thợ lành nghề Mark Kirchner chỉ dạy, càng ngày Hiếu càng “chắc tay” hơn, nắm rõ những cách xử lý phù hợp cho từng công đoạn, chất liệu khác nhau.
Nỗ lực truyền cảm hứng
Trung Hiếu tâm sự, những năm gần đây nghề đóng sách đã quay trở lại. Tại Việt Nam, có lẽ bắt đầu từ những ấn bản sách đặc biệt của các nhà sách như Ðông A và Nhã Nam. Từ một nghề mang tính chất như nghề thủ công, giờ đây Bookbinding (đóng sách) đã trở thành một ngành nghệ thuật thực thụ với nghiều người thợ trở thành nghệ nhân nổi tiếng, có người được coi như nghệ sĩ.
Một số công đoạn đóng sách thủ công
Với Hiếu thì Bookbinding - Nghề đóng sách là tổng hợp của nghệ thuật - Art, sách - Book và thủ công - Crafts. Ðây là một nghề sáng tạo rất đặc thù, pha trộn giữa lao động chân, tay, lao động trí óc và trí tưởng tượng của một nghệ sĩ sáng tác. Anh cho biết, Bookbinding bao gồm 5 công đoạn: đánh giá cuốn sách cần được đóng (tình trạng, thông số, cách làm), dỡ sách, tạo dựng cấu trúc, bọc bìa, trang trí. Mỗi công đoạn là một quá trình thực hiện rất tỉ mĩ, kỹ lưỡng, đòi hỏi kiến thức chuyên môn. Nguyên liệu chính để đóng sách là da dê và cần đến rất nhiều dụng cụ như: que xương, dùi lớn, dùi đục, kim, chỉ, dao rọc, búa, bảng gõ nấm, kéo, bút lông phết keo… để thực hiện.
Ðể đóng được một cuốn sách đẹp, đúng tiêu chuẩn, bên cạnh nguồn nguyên liệu chất lượng được nhập về từ nước ngoài còn cần sự tỉ mỉ, khéo léo, kiên trì và sự am hiểu về kỹ thuật của người thợ. Thông thường, để hoàn thiện một cuốn sách anh cần khoảng 2 tuần làm việc. Với các cuốn sách phức tạp và cầu kỳ hơn trong trang trí và thiết kế thì có khi vài tháng mới hoàn thiện. Công đoạn quan trọng nhất chính là tạo dựng cấu trúc sách - đây là phần việc quan trọng nhất và được anh dành nhiều thời gian nhất bởi một cuốn sách có chất lượng tốt, được trình bày đẹp mới có thể vừa là một tác phẩm nghệ thuật, vừa mang tính ứng dụng.
Một số công đoạn đóng sách thủ công
Trên trang Spiderum.com, Hiếu từng chia sẻ câu chuyện đáng nhớ nhất của anh trong vai trò một bookbinder (thợ đóng sách). Ðó là khi anh phục chế, đóng lại cuốn sách Chrestomathie Annamite (Lối văn nôm An Nam) của tác giả Edward Nordeman, xuất bản năm 1917. Cuốn sách được in kiểu typo cổ điển, đóng bìa mềm, gáy cong, có đóng nấm, khâu tay với chỉ dây gai loại tốt, không có đai hỗ trợ, các lỗ khâu được cưa thay vì đục. Bìa trước và sau đã rời mất, gáy sách không còn, để lộ ra lưng sách với các vết keo cũ. Nếp gấp ở các tay sách đã khô và rạn nứt. Hầu hết các đoạn chỉ đã bị mục và đứt, khiến các tay sách rất lỏng lẻo và rời ra. Toàn bộ cuốn sách bị hư hại nhẹ bởi nước. Có các vết mọt sách đục từ gáy vào trong ruột sách. Quá trình “làm mới” lại cuốn sách này được anh thực hiện công phu, chỉn chu mang lại một diện mạo hoàn toàn mới cho một cuốn sách quý. Hiếu làm công việc “khoác áo mới cho sách” ấy với niềm đam mê của một bookbinder và khát vọng lưu giữ tri thức còn mãi với thời gian. Anh chia sẻ, với những cuốn sách có tuổi đời hơn 100 năm hoặc là một số cuốn sách duy nhất còn sót lại thì việc xử lý sách đòi hỏi ở người thợ sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và cả sự tài hoa để nâng niu và gìn giữ “báu vật” của nước nhà.
Mỗi cuốn sách được đóng mới mang theo những kí ức cảm xúc nhất định của Trung Hiếu, bởi mỗi cuốn sách là một “độc bản”, nhất là những cuốn sách Hiếu tự thiết kế hay những cuốn sách cần “chữa lành”. Mỗi lần làm sách là một lần anh học được những điều mới, rút ra những bài học làm kinh nghiệm. Những cuốn sách được đóng bằng tay đúng kỹ thuật, từ dỡ sách, tạo dựng cấu trúc sách, bọc bìa đến trang trí với vật liệu chất lượng cao đều rất bền và có khả năng phục chế lại được sau quãng thời gian dài.
Một số sản phẩm của Sao Bắc Bookbinding
Mặc dù phải trải qua rất nhiều thử thách khi tiếp cận với loại hình nghệ thuật hiếm có nhưng Hiếu vẫn luôn yêu thích công việc hiện tại. Nhờ sự quan tâm ngày càng nhiều dành cho những phiên bản sách thủ công đặc biệt của những người yêu thích sách và cả những nhà xuất bản, Trần Trung Hiếu ngày càng được nhiều người biết đến trên hành trình theo đuổi đam mê. Từ việc đóng sách tại gia đình, nay anh đã làm việc tại xưởng đóng sách Sao Bắc và hợp tác cùng Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, thực hiện những ấn bản sách đặc biệt. Do khối lượng công việc ngày một nhiều, Hiếu đã tìm thêm những người đồng hành để truyền kinh nghiệm và chia sẻ công việc. Xưởng đóng sách thủ công Sao Bắc nằm trong ngõ 300 Nguyễn Xiển giờ đã được nhiều người biết đến, là nơi anh được làm nghề và chia sẻ đam mê của mình với khách hàng và những người thợ trẻ học việc. Với mong muốn đưa những cuốn sách đóng thủ công đến gần hơn với mọi người, đặc biệt là khơi gợi sự hứng thú của thế hệ trẻ với đóng sách thủ công, Trần Trung Hiếu đặt ra mục tiêu tạo nên những cuốn sách có chất lượng và giá trị thẩm mỹ cao nhất, đưa nghề đóng sách trở thành một nghề ở Việt Nam.
Một số sản phẩm của Sao Bắc Bookbinding
Những chia sẻ của anh trên trang Spiderum.com với hy vọng, mọi người có thể hiểu hơn về giá trị của một cuốn sách được làm thủ công, những khó khăn trong nghề và cả những điều kỳ diệu của một ngành thủ công vốn đã tồn tại rất lâu này. Hiếu cũng rất mong nghề đóng sách thủ công sẽ được phổ biến rộng rãi hơn, ngày càng nhiều các bạn trẻ Việt Nam quan tâm và theo đuổi nghề này để một ngày không xa, Việt Nam sẽ để lại dấu ấn ở lĩnh vực này trên trường quốc tế.
Một tác phẩm được Trần Trung Hiếu đóng bìa
HOÀNG KHANG ANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 568, tháng 4-2024