Ca sĩ tham gia chương trình “Giai điệu Tổ quốc”: Cảm xúc dâng trào khi thể hiện các ca khúc đi cùng năm tháng

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Giai điệu Tổ quốc” diễn ra tối nay 27-8 tại Nhà hát Âu Cơ (Hà Nội) do Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với Đài TH Việt Nam thực hiện nhân kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28/8/1945 – 28/8/2023), hướng tới kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2023). Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV 1 lúc 20h, sẽ có sự góp mặt của nhiều ca sĩ tên tuổi thể hiện các ca khúc đi cùng năm tháng. NSND Tiến Thọ, ca sĩ Vũ Thắng Lợi và ca sĩ Mỹ Dung đã chia sẻ cảm xúc khi tham gia chương trình nghệ thuật nhiều ý nghĩa này trước giờ công diễn.

NSND Quang Thọ: Luôn tự hào là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa

Tôi rất vinh dự được tham gia chương trình nghệ thuật có quy mô lớn, là dịp kỷ niệm ngày trọng đại của đất nước - Kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9, và cũng là ngày kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành Văn hóa. Bản thân là một ca sĩ, một nghệ sĩ được đào tạo bài bản dưới mái trường Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, đã cống hiến hơn 50 năm cho ngành Văn hóa vì thế tôi luôn tự hào là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Trong suốt nhiều năm qua, tôi luôn tham dự các chương trình nghệ thuật kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. Trong chương trình này, tôi được vinh dự thể hiện bài hát ca ngợi về Đảng, đó là bài hát Lá cờ Đảng của nhạc sĩ Văn An cùng với dàn hợp xướng. Trong cuộc đời tôi đã nhiều lần hát ca khúc này, nhưng trong chương trình này, cảm xúc của tôi vẫn có sự khác biệt. Với lứa tuổi của tôi, hiện tại vẫn được trân trọng, được mời tham dự trong chương trình là một điều vinh dự.

Bản thân tôi vừa là ca sĩ, vừa là một người thầy dạy thanh nhạc, đã có rất nhiều thế hệ ca sĩ được tôi đào tạo đã trưởng thành trên con đường sự nghiệp như: NSND Quốc Hưng, NSƯT Đăng Dương, Trọng Tấn, Tùng Dương, Khánh Linh... Trong quá trình giảng dạy, tôi không chỉ truyền dạy về kỹ thuật thanh nhạc mà còn cả về kỹ năng sống. Đồng thời, những trải nghiệm mà tôi từng đi qua cũng được tôi truyền lại cho các em, thông qua đó khơi dậy cho các em lòng yêu nước, những kỳ tích mà thế hệ cha ông chúng ta đã trải qua, để các em hiểu nhiều hơn về lịch sử, về lòng dũng cảm, ý chí quật cường, đó chính là truyền thống văn hóa để các thế hệ học tập và noi theo.

Ca sĩ Vũ Thắng Lợi: Cảm xúc dâng trào khi thể hiện các ca khúc đi cùng năm tháng

"Giai điệu Tổ quốc" là chương trình nghệ thuật có ý nghĩa rất lớn và thiết thực, bởi chương trình không chỉ kỷ niệm ngày thiêng liêng của đất nước là Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, mà còn hướng tới kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành Văn hóa. Văn hóa hiện nay có vai trò rất quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã nhấn mạnh “văn hóa là hồn cốt của dân tộc", "văn hóa còn thì dân tộc còn”. Đồng thời, trong chương trình có nhiều bài hát đi cùng năm tháng, mỗi ca khúc đều gắn với một sự kiện của đất nước. Nên, mỗi khi cất lên các ca từ, giai điệu đó, đều mang đến cho ca sĩ cũng như người nghe rất nhiều cảm xúc, tình cảm thiêng liêng. Vì thế, tôi cảm thấy rất vinh dự khi được tham gia chương trình này.

Biển hát chiều nay là ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Hồng Đăng mà tôi và ca sĩ trẻ Minh Ngọc sẽ thể hiện trong chương trình. Một bài hát có nhiều thế hệ người dân Việt Nam đã quen thuộc với những ca từ giản dị và rất đẹp. Với tựa đề “Biển hát chiều nay”, chỉ nghe tựa đề mọi người đã có thể hình dung ra dải đất hình chữ S, với rừng vàng, biển bạc được thiên nhiên ban tặng rất phong phú. Trong bài hát có câu “vùi sâu dưới đáy những gì đau thương, biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương”. Đó là câu hát đắt nhất trong bài hát, khi những câu hát đó được vang lên, người nghe sẽ hiểu giá trị của bài hát, thông điệp mà nhạc sĩ Hồng Đăng muốn gửi gắm tới các thế hệ ngày hôm nay và mai sau.

Ca sĩ  Mỹ Dung: Gìn giữ văn hóa bằng âm nhạc

Là một trong những nghệ sĩ được tham gia chương trình nghệ thuật có quy mô lớn và mang nhiều ý nghĩa, tôi cảm thấy rất tự hào, vui sướng và đầy hào hứng. Chính vì thế, tôi luôn ý thức rằng, bản thân là một nghệ sĩ, một người làm văn hóa, nên phải biết trân trọng những công lao to lớn của các thế hệ cha ông đã hy sinh, đem lại hòa bình cho cho đất nước. Đồng thời, thông qua các bài hát mang những giá trị tốt đẹp của văn hóa như tình yêu quê hương, đất nước lan tỏa đến với những người yêu âm nhạc.

Mặc dù là thế hệ trẻ, được sống trong thời kỳ hòa bình, nhưng mỗi khi được hát về các ca khúc của các tác giả viết trong thời kỳ trước và trong kháng chiến, đều mang cho tôi những rung cảm đặc biệt như: Tình em (nhạc sĩ Huy Du), Mùa chim én bay (Hoàng Hiệp), Mùa xuân đầu tiên (Văn Cao)... Đó là những bản tình ca, ngợi ca quê hương, đất nước với những câu từ dung dị, trong sáng nhưng đi sâu vào lòng người mà tôi rất yêu thích. Tôi mong muốn, trong một dịp nào đó, tôi sẽ được thể hiện những ca khúc đó với các phối âm mới, mang phong thái trẻ trung, nhưng vẫn giữ được hơi thở của các bài tình ca tuyệt vời đó. Thông qua đó, sẽ làm lan tỏa giá trị của các ca khúc đi cùng năm tháng đến với thế hệ sau, cũng là cách để bảo tồn những bài hát đầy ý nghĩa và giá trị đó.

NGỌC BÍCH

;