NHỮNG THAY ĐỔI CỦA NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC HIỆN ĐẠI

Qua nhiều giai đoạn phát triển, nghệ thuật điêu khắc hiện đại đã thay đổi cả về diện mạo, nội dung và phương thức thể hiện. Căn nguyên chính là bởi điều kiện xã hội, kinh tế và con người thay đổi trong những hoàn cảnh lịch sử mới. Bối cảnh khởi đầu cho sự thay đổi (đoạn tuyệt với truyền thống) được xem là thời điểm bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp và xã hội tại các nước phương Tây, bắt đầu khi cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 chấm dứt, nhân loại bắt đầu chuyển từ lao động bằng tay sang lao động bằng máy, từ nền văn minh nông nghiệp sang nền văn minh công nghiệp.

         Thay đổi đầu tiên của nghệ thuật điêu khắc hiện đại cần được đề cập đến là thái độ của nghệ sĩ đối với cái được gọi là phong cách. Trước đây, phong cách của mỗi thời chỉ đơn giản là phương pháp thực hiện mọi thứ. Người ta làm theo nó vì nghĩ rằng đó là cách tốt nhất để đạt tới những hiệu quả chắc chắn (1). Đến giai đoạn này, người nghệ sĩ đã bắt đầu thử nghiệm và đề xuất những trào lưu mới vốn hay làm dấy lên các quan điểm trái chiều. Tiếp đến là đề tài của tác phẩm điêu khắc cũng được mở rộng. Chủ đề liên quan đến đời sống thế quyền và thần quyền không còn chiếm ưu thế nữa. Chính điều này đã gián tiếp “cởi trói” cho nghệ sĩ được tự do sáng tạo mà không bị ràng buộc với những áp đặt từ bên ngoài, hay sự tiếp nối những giá trị từ truyền thống. Sự đoạn tuyệt của truyền thống trong nghệ thuật điêu khắc không diễn ra ngay lập tức mà có biến chuyển từ từ song lại gây ảnh hưởng sâu rộng đến tác phẩm. Tuy nhiên, sự thay đổi trong điêu khắc giai đoạn cuối TK XVIII đầu TK XIX không nhiều mà phải đến khi chủ nghĩa biểu hiện (2) xuất hiện, mới tạo nên một cú hích cho những trào lưu tiên phong. Theo đó, thiên nhiên bị bóp méo và các nghệ sĩ của chủ nghĩa này đưa người xem xa rời cái đẹp. Trào lưu của chủ nghĩa biểu hiện nở rộ tại nước Đức, vào thời điểm đảng Quốc xã nắm quyền (1933) (3). Nghệ sĩ điêu khắc tiêu biểu là Ernst Barlach (1870 – 1938) với tác phẩm Người đàn bà khóc. Tác phẩm có sức diễn tả mạnh mẽ trong từng cử chỉ, lôi kéo người xem. Bức tượng được tạc trong tư thế đứng khom và người đàn bà ngước mắt lên với nét mặt đau khổ. Khó có thể coi một tác phẩm như thế này là đẹp hay xấu bởi nó biểu đạt những xúc cảm riêng của tác giả. Quan điểm nghệ thuật của nhà điêu khắc Barlach nói riêng và chủ nghĩa biểu hiện nói chung là nghệ thuật không cốt ở sự mô phỏng thiên nhiên mà ở sự diễn tả cảm xúc, nói cách khác một tác phẩm nghệ thuật đích thực bao giờ cũng bộc lộ những ý nghĩ và cảm xúc thực, không giả tạo, vay mượn. Lúc này, đã có những người xem nghệ thuật là một phương tiện để biểu lộ ý niệm và ở mức độ nào đó, những tác phẩm theo khuynh hướng này được ủng hộ bởi một bộ phận công chúng và nhà phê bình nghệ thuật.

         Điêu khắc gia người Thụy Sĩ Alberto Giacometti (1901 – 1966) đã biến một phiến đá cẩm thạch thành tác phẩm Cái đầu. Mục đích của nhà điêu khắc không phải đưa đến cho công chúng tin rằng ông đã từng thấy cái đầu như vậy, cũng như khác với quan niệm của Michelangelo là đem ra ngoài cái hình thể như đang ngủ yên trong khối đá, mà là truyền sức sống và chuyển động cho nó trong khi vẫn giữ lại đường nét đơn giản của khối đá. Điều mà Giacometti muốn là người nghệ sĩ có thể giữ lại bao nhiêu phần hình dáng nguyên thủy của phiến đá trong khi vẫn biến đổi nó để diễn tả một cái đầu người. Ông thấy chẳng cần phải khoét lỗ làm mắt để phá hư bề mặt phiến đá. Ông chỉ mài sơ hai khoảng trũng hình thù đơn giản và hy vọng sự ngạc nhiên khi nhận ra cái giống nơi cái không giống sẽ kích thích ta hơn khi ngắm một cái đầu nặn bằng sáp với đầy đủ lông nheo và mọi thứ (4).

         Nghệ sĩ có ảnh hưởng và có nhiều tác phẩm điêu khắc tác động mạnh mẽ đến thị hiếu thẩm mỹ giai đoạn này là Pablo Picasso (1881 – 1973). Ông đã làm thay đổi cách nhìn về nghệ thuật điêu khắc khi tạo ra tác phẩm bằng cách kết hợp nhiều đối tượng khác nhau. Mọi hình tượng của ông đều bắt nguồn từ hiện thực nhưng điều trắc ẩn lại nằm trong phương châm sau này của ông: không vẽ theo thiên nhiên mà vẽ trước thiên nhiên và cùng với thiên nhiên (5). Với trào lưu này, người nghệ sĩ chỉ đưa ra những chỉ dẫn hữu ích, giúp người xem có được những cảm xúc nghệ thuật hay cảm nhận được tình huống mà trong đó, người nghệ sĩ tìm thấy chính mình.

         Theo thời gian, các nhà điêu khắc hiện đại bắt đầu thử nghiệm với nhiều vật liệu mới và có những cách tiếp cận khác nhau để tạo ra tác phẩm. Đa dạng quan điểm sáng tạo của những trường phái hiện đại như siêu thực, trừu tượng, lập thể… được nhiều nhà điêu khắc vận dụng. Việc xử lý bề mặt và kết hợp nhiều dạng vật liệu khác nhau đã trở thành đặc trưng của nhiều tác phẩm điêu khắc hiện đại. Bên cạnh đó còn có xu hướng biến đổi của điêu khắc hiện đại theo những dạng thức khác nhau.

            Lý giải cho sự xuất hiện và thay đổi nhanh chóng của các tác giả, tác phẩm điêu khắc hiện đại giai đoạn này chính là nhu cầu tất yếu của người nghệ sĩ khi muốn thực hiện được một thứ gì đó mà trước nay chưa hề có. Tác phẩm của những nhà điêu khắc hiện đại không phải là bản sao một vật có thật bởi dù khéo léo đến đâu, mọi bản sao cũng chỉ là sự tái hiện lại mà thôi. Điều mà người nghệ sĩ muốn thấy (sáng tạo ra) phải là thứ khác với những cái đã hiện hữu trong thế giới hiện thực. Chính sự biến đổi cả về hình thức lẫn nội dung trong những tác phẩm điêu khắc hiện đại mà nhiều người, đặc biệt là công chúng thưởng ngoạn, đã và đang băn khoăn với câu hỏi “điêu khắc thời buổi này là gì?” hay “người nghệ sĩ đang muốn nói gì qua những tác phẩm điêu khắc của mình?”.

         Phải nói rằng, điêu khắc hiện đại có phần phức tạp trong cách diễn giải, đa dạng về chất liệu. Rất nhiều các chất liệu, hình thức, kỹ thuật và khái niệm của điêu khắc đã, đang và sẽ không ngừng biến đổi. Điều đó cho thấy các nguyên lý, quy luật trong điêu khắc hiện đại sẽ còn liên tục vận động, không còn tuân theo những qui định, ràng buộc cụ thể. Thật vậy, nhiều tác phẩm điêu khắc được bắt nguồn từ những thứ tưởng chừng rất phi lý, hầu như bất cứ vấn đề gì cũng có thể được phản ánh trong tác phẩm điêu khắc. Nhiều dạng thức thực hành của nghệ thuật đương đại cũng sử dụng những chất liệu vốn là đặc trưng của điêu khắc. Điều này có căn nguyên từ chính những đổi thay của xã hội, khi có những bước đột phá, phát minh về khoa học công nghệ, cũng như việc ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu này vào trong cuộc sống. Những biến đổi nhanh chóng đó đã tác động trở lại đời sống khiến con người dần thay đổi cách thức tư duy về chính bản thân cũng như các khái niệm về chất liệu, không gian. Yếu tố không gian tinh thần đã xuất hiện mạnh mẽ trong sáng tạo điêu khắc và nhà điêu khắc không còn ràng buộc vào không gian vật lý. Ngoài ra, cách thức mà nhà điêu khắc đưa tác phẩm của mình đến với công chúng cũng đã thay đổi.

         Như vậy, một trong những thay đổi khá nổi trội của tác phẩm điêu khắc hiện đại chính là mở ra xu hướng việc sáng tạo không còn quá chú trọng với mục đích được đặt hàng, dành cho nhà phê bình, triển lãm hay đem bán thu tiền. Chính khi không bị ràng buộc bởi thị trường hay câu chuyện mua bán, các nghệ sĩ dễ dàng cảm nhận biến động sâu sắc của thế giới xung quanh hơn. Sau những thay đổi của nghệ thuật điêu khắc hiện đại, thật khó để bàn về một tác phẩm nghệ thuật đẹp hay dở nhưng cũng rất sai lầm nếu kết luận rằng, mọi giá trị đều là tương đối bởi mỗi tác phẩm nghệ thuật ra đời đến với công chúng đều có cuộc sống của nó và hãy để cho chúng tồn tại với cuộc đời một cách tự nhiên như chính việc chúng xuất hiện.


         _______________

          1, 3, 4. E.H.Gombrich, Câu chuyện nghệ thuật, Nxb Văn nghệ TP.HCM, 1998, tr. 376, 449, 464.

         2. Là khuynh hướng nghệ thuật xuất hiện vào khoảng đầu TK XX ở Đức, đề cao thế giới nội tâm cũng như những xúc cảm riêng của người nghệ sĩ.

         5.Thái Bá Vân, Tiếp xúc với nghệ thuật, Viện Mỹ thuật, Hà Nội, 1998, tr.250.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 382, tháng 4-2016

Tác giả : ĐINH GIA LÊ

;