Đưa sự quyến rũ của HANOK đến với đời

LTS: Kể từ số từ số 376, tháng 10- 2015 đến số 387, tháng 9 - 2016, tạp chí Văn hóa Nghệ thuật trân trọng giới thiệu series 12 bài viết về cách Hàn Quốc đưa những nét văn hóa đặc sắc đến với chính người dân nước mình và thế giới, trong những năm đầu thập niên thứ hai, TK XXI.

Bên cạnh việc bảo lưu các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống, những cách thức đưa các giá trị ấy hòa nhập vào đời sống Hàn Quốc hiện đại, giúp dân chúng thấm hiểu và cùng tìm cách giữ gìn, nuôi dưỡng, xây dựng hệ giá trị văn hóa nghệ thuật đương đại Hàn Quốc, chắc chắn là tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam trong bối cảnh xã hội mới, cũng như cho các nhà nghiên cứu phê bình văn hóa nghệ thuật, nghệ sĩ sáng tạo của nước ta trên hành trình sự nghiệp của mình. 
Các bài viết được chọn lọc từ tạp chí Koreana – giới thiệu văn hóa Hàn Quốc ra thế giới, nguyên bản tiếng Anh, kể từ số mùa xuân 2011 đến mùa đông 2015. Chương trình này được thực hiện với sự hỗ trợ của Văn phòng tại Việt Nam của Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc Korea Foundation.
 
Việc xây dựng một căn nhà gỗ truyền thống (hanok, trong tiếng Hàn) được thực hiện bởi các thợ mộc bậc thày. Họ dựng khung nhà và phụ trách các kiến trúc chính yếu. Cùng với họ là những bậc thày về chế tác đồ gỗ, những người hoàn thiện các thiết kế đồ gỗ về chi tiết. Sim Yong - sik là một người như vậy. Ông chuyên về làm cửa, gồm cửa ra vào và cửa sổ, theo phong cách truyền thống. Những công trình của ông trang hoàng cho rất nhiều cung điện và ngôi đền thờ Phật trên khắp đất nước Hàn Quốc. Gần đây, các tác phẩm, nếu có thể gọi như vậy, về cửa ra vào và cửa sổ của ông được giới thiệu để sử dụng trong các công trình xây dựng hiện đại, tạo nên một cái nhìn mới mẻ, kết hợp hài hòa giữa những ảnh hưởng truyền thống với kiến trúc Hàn Quốc hiện đại.
Nếu một ngôi nhà được ví như một gương mặt người thì hanok, ngôi nhà truyền thống Hàn Quốc, là một gương mặt đầy biểu cảm. Đó là nhờ vào những cánh cửa ra vào và cửa sổ được trang trí bởi những mẫu hoa văn hình lưới mắt cáo. Trong cấu trúc của một hanok, rất khó phân biệt đâu là cửa ra vào, đâu là cửa sổ nếu chỉ căn cứ vào mẫu hoa văn trang trí. Có chăng, cửa sổ có ngưỡng (meoreumdae) còn cửa ra vào thì không. Cho dù là cửa sổ hay cửa chính thì những biểu trưng tinh hoa của kiến trúc Hàn Quốc này đều được trang trí với những thiết kế hoa văn phức tạp, gồm hàng trăm mẫu hình đã được tiêu chuẩn hóa. Được lựa chọn là tài sản văn hóa phi vật thể số 26 của chính quyền thành phố Seoul, nghệ nhân đồ gỗ Sim Yong - sik, 63 tuổi, đã dành hầu hết cuộc đời mình sáng tạo nên những khung cửa này với vô vàn các mẫu hoa văn hấp dẫn.
Bộ đồ nghề làm mộc và cửa Hanok. Ảnh Ahn Hong-beom
 
Mẫu hoa văn mắt cáo thanh lịch
Xưởng của ông Sim, có tên Cheongwon Sanbang, ngụ tại khu vực Gye –dong, thuộc quận Bukchon, thủ đô Seoul, nơi tập trung nhiều nhất các căn nhà theo kiến trúc truyền thống Hàn Quốc. Xưởng của ông vừa như một bảo tàng các mẫu hoa văn trên cửa ra vào và cửa sổ truyền thống, vừa như một ngôi truờng cho học viên của ông, đồng thời là nhà riêng của vợ chồng ông. Hai hanok được kết hợp lại với nhau để tạo nên một khu liên hợp gồm nơi ở và triển lãm ở vị trí trung tâm, xưởng ở phía trước và trường học ở phía sau. Khắp khu liên hợp ngăn nắp này, những hoa văn mắt cáo phức tạp lại hợp thành một sự hài hòa dễ chịu. Những cửa sổ có mẫu hoa văn phỏng theo một số chữ Hán tượng hình, chia mặt phẳng theo chiều ngang và thẳng đứng, thành những phần như tranh trừu tượng kiểu của danh họa Hà Lan Mondrian, đơn giản và thanh lịch. Một số mẫu hoa văn khác lại phỏng theo môtip bông hoa một cách tinh tế như là hoa đào, mai, mẫu đơn. 
Năm 2006, ông và gia đình chuyển đến cư ngụ ở khu Bukchon, và từ đó, liên tục mở cửa xưởng đón công chúng quan tâm. Đây là cách thể hiện nỗ lực của ông trong việc thúc đẩy mối quan tâm chung của cả xã hội đến một giá trị truyền thống mà ông theo đuổi bấy lâu. Ghi nhận đóng góp này của ông, ngay từ năm 2006, chính quyền thủ đô Seoul đã quyết định đưa ông vào danh sách các tài sản văn hóa phi vật thể của thành phố. Ông là nghệ nhân đầu tiên trong lĩnh vực của mình được lưu danh như vậy. 
 
Nghệ nhân Sim Yong-sik bên một mẫu cửa sổ lấy sáng. Ảnh Ahn Hong-beom
 
“Trong hai mùa xuân và thu khi các gia đình thường đi dã ngoại, mỗi ngày có từ 200 đến 300 người đến thăm xưởng của tôi. Mặc dù rất bận với việc làm cửa theo đơn đặt hàng và hướng dẫn học viên, tôi vẫn cố gắng hết sức để giúp du khách có thêm chút kiến thức về công việc này cũng như về các mẫu hoa văn truyền thống trên cánh cửa. Trong quá trình thăm quan và trò chuyện cùng tôi, khách thường tỏ ra ngạc nhiên, phấn khích về vẻ đẹp của các mẫu hoa văn mắt cáo, sự phức tạp cũng như cấu trúc vững chắc của nó. Điều này cổ vũ tôi tiếp tục công việc thủ công của mình. Tôi đã nhận được sự giúp đỡ to lớn của không biết bao nhiêu người và giờ đây, tôi muốn chia sẻ những gì tôi có được. Việc này chỉ cần thêm chút nỗ lực của cá nhân tôi mà thôi” - ông Sim chia sẻ như vậy với gương mặt rạng rỡ. Phía sau ông, một ô cửa sổ tròn xinh xắn, đung đưa nhẹ nhàng nhờ một trục tre xoay tròn chậm rãi, tạo nên những ô nắng cũng như đung đưa theo. Các tấm giấy được làm từ cây dâu tằm, vuông vắn, gắn trên đó làm dịu ánh sáng chiếu vào, khiến cho căn phòng ấm áp và dễ chịu hẳn. Trong xưởng của ông, cửa sổ và cửa ra vào còn có thêm chức năng làm đẹp cho toàn bộ không gian. Có các ô cửa sổ nhỏ để thông gió và lấy ánh sáng tự nhiên: bong – chang (cửa sổ bịt kín), gyo - chang (cửa sổ ngang), và nunkkopjaegi – chang (cửa sổ nhỏ hơn, có các khe hở).
Sabunhap - mun (cửa ra vào kiểu trượt, có bốn cánh), thường có dán giấy dâu tằm trên cả hai bề mặt trước và sau, được ghép thêm một khung cửa sổ nhỏ có hoa văn mắt cáo (bulbalgi- chang: cửa sổ lấy sáng) vào chính giữa mỗi cánh để lấy thêm nhiều hơn ánh sáng cho căn phòng. Thiết kế hoa văn mắt cáo rất đa dạng, từ kẻ ô đơn giản đến những đường nét hình học tỉ mỉ. Một cửa ra vào có gắn cửa sổ hoa văn mắt cáo ở giữa giúp người ngồi bên trong nhà có thể quan sát bên ngoài được. Đây là một chức năng khá điển hình của cửa ra vào và cửa sổ trên một hanok truyền thống.
Khi thiết kế cửa sổ và cửa ra vào theo truyền thống, người thợ thường để ý tầm vóc cơ thể của người sử dụng để có thiết kế phù hợp. Một căn phòng bên trong điển hình bao gồm một ô cửa sổ mà người ngồi dưới sàn nhà có thể gác khuỷu tay lên đó một cách thoải mái mỗi khi muốn nhìn ra ngoài quan sát, ngắm nghía. Một số cánh cửa ra vào còn được sử dụng như là tấm bình phong cho các việc riêng tư, khi không cần đến, chúng lại được nhấc treo lên móc cao để tạo ra các không gian mở cho sinh hoạt gia đình chung hoặc vào lúc mùa hè nóng nực.
 
 
Một mẫu hoa văn cửa sổ. Ảnh Ahn Hong-beom
“Cửa sổ và cửa ra vào truyền thống được làm với sự cân nhắc về lượng ánh sáng, sức gió, kích thước căn nhà, phong cách sống và sở thích của chủ nhân – ông Sim lí giải – Với cửa sổ cho nhà hướng nam, nhiều ánh nắng, các thanh hoa văn mắt cáo nên chạy theo chiều thẳng đứng để ngăn và lọc ánh sáng một cách hiệu quả. Còn với nhà có nhiều cây lá bao quanh, các thanh hoa văn nên thấp, chạy theo chiều ngang để giúp cửa sổ lấy sáng được tốt hơn. Lượng ánh nắng và luồng gió cũng có tác động nhất định đến kích thước của một ô cửa sổ. Đối với các thiết kế hoa văn mắt cáo, tôi thường có các trao đổi rất sâu sắc với chủ nhà trước khi bắt tay vào thực hiện và thi thoảng, tôi tư vấn cho họ những mẫu thiết kế mà tôi nghĩ rằng phù hợp với con người họ”.
Ông Sim thường sử dụng gỗ thông để làm cửa và cửa sổ. Ngoài ra, ông còn dùng gỗ cây óc chó hoặc cây tuyết tùng Trung Quốc. Theo ông, mỗi năm, ông hoàn thiện bộ cửa cho chừng 10 căn nhà, mỗi căn cũng có đến hàng chục chiếc các loại. Cho dù nhiều là thế, lại phải cân nhắc kỹ lưỡng về đặc điểm môi trường, không gian, con người thuộc vào từng căn nhà trước khi bắt tay vào thiết kế, song ông cho hay, ông chưa từng làm ô cửa nào giống hệt, lặp lại ô cửa nào. “Sự đa dạng khôn cùng này đem đến cho công việc của tôi niềm hứng khởi, lấp đầy 40 năm lao động của tôi bằng niềm hạnh phúc” – ông vui vẻ nói.
Độ chính xác của kiến trúc truyền thống
Kết cấu khung của một hanok bao gồm rất nhiều yếu tố cấu trúc khớp nối với nhau theo chiều ngang, dọc, chéo mà không cần đến một chiếc đinh nào. Đa dạng các kỹ thuật được vận dụng để làm sao cho ngôi nhà có kết cấu vững chắc nhất mà lại tốn ít vật liệu nhất. Điều cá biệt, kỹ thuật căn bản nhất để khớp các yếu tố ngang và dọc lại với nhau chính là một dạng kỹ thuật mộng đuôi én (sagae matchum, trong tiếng Hàn). Đây là một phương pháp rất khéo léo để tạo nên khung nhà chính bằng cách khớp nối một cây cột với hai thanh xà rầm.
Cho dù không phải dùng đến một cái đinh nào, tất cả đầu khớp nối đều rất chính xác và vững chắc, giúp cho khung nhà vẹn nguyên ngay cả khi tất cả các bức tường bị dời chuyển. Những kỹ thuật này đồng thời được ứng dụng trong việc làm cửa và cửa sổ bằng gỗ, theo một quy trình kiến trúc rất phức tạp, bao gồm cả độ chính xác về mặt toán học lẫn sự khớp nối chuẩn xác và hoàn hảo.
Ông Sim nhớ lại: “Khi đến sửa cửa sổ và cửa ra vào của Injeongjeon – nơi ngự triều trong cung điện Changdeok, tôi thực sự nổi gai ốc khi quan sát những cấu trúc hoàn hảo của chúng. Cửa sổ và cửa ra vào truyền thống của Hàn Quốc, thoạt nhìn có vẻ đơn giản, song đều được thực hiện với độ chính xác về kiến trúc đến mức khắc nghiệt. Trong cả cung điện cũng vậy, những kết cấu bên trong của nó cũng được thực hiện một cách hoàn hảo, không cho phép xảy ra bất kỳ một sai sót nào, dù là nhỏ nhặt nhất. Chính vì thế, chuyến làm việc ở đó đã giúp tôi nhận thức được một cách rõ nét hơn bao giờ hết độ bền kỳ lạ với thời gian của các khung cửa và cửa sổ truyền thống của chúng ta”.
Không cường điệu chút nào khi nói rằng ông Sim đã đóng góp kỹ thuật của mình vào việc bảo tồn hầu như mọi công trình kiến trúc truyền thống tiêu biểu của Hàn Quốc, bao gồm các tòa nhà chính của cung điện Changgeyon, điện thờ Phật Như Lai (Birojeon) trong Đền thờ phật Haein (Haeinsa – một trong ba ngôi đền thuộc báu vật quốc gia Hàn Quốc), điện thờ Quán Thế Âm trong ngôi đền thờ phật giáo Naksan, điện thờ Kim cương trong ngôi đền Phật giáo Tongdo (Tongdosa - một trong ba ngôi đền thuộc báu vật quốc gia Hàn Quốc), điện thờ Địa tạng trong đền thờ Jogye và tòa nhà chính trong đền thờ phật giáo Songgwang (Songgwangsa - một trong ba ngôi đền thuộc báu vật quốc gia Hàn Quốc). Có khoảng 500 điểm ở những nơi nói trên cần đến bàn tay tài hoa của nghệ nhân này để sửa chữa, bảo tồn.
Ông cũng là người thực hiện các khung cửa sổ cho gallery của Quỹ Korea Foundation trong Bảo tàng Vương quốc Anh (the British Museum), theo những mô hình được tìm thấy trong một phòng vẽ của một học giả Hàn Quốc cách đây đã lâu. Bên cạnh đó, ông cũng được mời tham gia xây dựng Goam Seobang, một căn nhà truyền thống Hàn Quốc được làm ở Paris để tưởng niệm họa sĩ Yi Ung- no.
Những cửa sổ nhìn ra thế giới
Ông rất hứng thú để thế giới biết được nhiều hơn về những vẻ đẹp miên viễn của các khung cửa và cửa sổ truyền thống Hàn Quốc thông qua việc tổ chức các triển lãm từ Bắc Mỹ, qua Nam Mỹ và khắp châu Âu. Những triển lãm của ông đều được đón nhận hết sức nhiệt tình, nồng ấm, khuyến khích ông tiếp tục thực hiện các triển lãm khác nữa. Sim hồi tưởng về một triển lãm được tổ chức trong năm 2009 ở Argentina, khiến ông nhớ lại thời thanh xuân của mình. Trong suốt thời gian triển lãm ấy, khi ông bắt đầu công việc bào, đục, khán giả hồi hộp theo dõi đôi tay của ông. Chẳng mấy lúc sau, ông bắt gặp những cái liếc nhìn ông của một số người khi cúi xuống nhặt những mảnh gỗ bào nhỏ xinh, nhẹ nhàng đưa lên mũi ngửi, như thể chúng là những bông hoa đang tỏa hương vậy. Tương tự thế, cậu bé Sim 17 tuổi ngày nào cũng từng bị hấp dẫn bởi mùi hương đặc biệt quyến rũ của gỗ, thứ đã dẫn dắt ông đi theo công việc này từ năm 1969...
“Quê tôi là làng Deoksan, vùng Yesan, thuộc tỉnh Nam Chungcheong. Cạnh nhà tôi có một cửa hàng đồ gỗ. Ngày hai lần, tôi đi học qua đó. Tôi bị mùi hương gỗ ở đó cuốn hút và đôi khi, còn nhặt trộm mấy mảnh bào nhỏ, bỏ túi quần và giữ chặt chúng suốt cả ngày… - ông kể về tình yêu cũng như may mắn với nghề từ khi thơ bé. Ngôi đền Sudeok (Sudeoksa) cũng ở ngay gần nhà tôi. Như rất nhiều người đã biết, ngôi đền có một kiến trúc gỗ rất đẹp, thẩm mỹ lạ thường từ sự cân xứng có tính chất toán học về mặt kết cấu. Tôi thường lang thang suốt ngày ở đó, để bản thân tự do chìm đắm trong sự ngưỡng mộ vẻ đẹp của nó. Sau khi học xong tiểu học, tôi tiếp tục học lên bậc trung học cơ sở ở trường làng và bắt đầu làm việc tại cửa hàng đồ gỗ ấy, nơi tôi may mắn được gặp người thày đầu tiên của mình, Jo Chan- yeong” (một bậc thày về đồ mộc, đứng ở vị trí 18 trong danh sách tài sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Nam Chungcheong).
Kết quả tốt nhất của một tài năng chính là sự hài lòng của anh ta với công việc. Sim yêu công việc chế tác đồ gỗ và tình yêu này dẫn tuổi trẻ của ông theo công việc đóng bàn, tủ trong khi ông tiếp tục hoàn thành việc học nghề để trở thành một chuyên gia về đồ gỗ nội thất. Thời gian đó, cuộc sống của một thợ mộc đồng nghĩa với phận nghèo đói. Sư phụ của ông, Jo Chan- yeong, dù được công nhận là một trong những nghệ nhân đồ gỗ lỗi lạc nhất nước nhưng suốt đời sống trong nghèo khó, song niềm tự hào của Jo về công việc của mình thì không có đối thủ. Ngay khi có rất nhiều học viên đã tìm kiếm công việc khác, cậu học việc trẻ tuổi tên Sim vẫn tiếp tục niềm say mê của mình nhờ được truyền cảm hứng từ người thày lớn. Sim chưa từng nghĩ đến một công việc nào khác. Duy nhất có một lần ông tạm dừng làm đồ gỗ trong vòng hai năm rưỡi, sang Ảrập Xêut làm công nhân xây dựng, vì muốn kiếm tiền để tự mua gỗ làm đồ mộc với mong muốn có thể theo nghề một cách bền vững hơn.
Sau khi về nước, ông tiếp tục học hỏi từ rất nhiều nghệ nhân đồ mộc, đồ gỗ nổi tiếng của Hàn Quốc. Đặc biệt phải kể đến sự tiếp thu kỹ năng nghề mộc của ông từ Yi Gwang – gyu, một nghệ nhân bậc thày trong nghề mộc và chế tác đồ gỗ nội thất, người mà phần lớn kiến thức mang tính lý thuyết về hanok được truyền lại bởi Sin Yeong – hun, giám đốc Viện văn hóa Hanok. Năm 1996, ông Sim còn dành thời gian nghiên cứu nghệ thuật Phật giáo tại khoa sau đại học về nghiên cứu Phật giáo, thuộc đại học Dongguk. “Giáo viên của tôi đều là những con người liêm chính và tự trọng – ông Sim bày tỏ. Họ luôn gợi nhắc cho tôi đến hình ảnh cây thông, một loài cây luôn đứng thẳng dù là trong bão tuyết. Trong khi giảng dạy cho tôi, họ thường buộc tôi phải làm việc rất vất vả, căng hết não và thường rầy la mỗi khi tôi mắc lỗi. Nhưng tôi luôn cảm thấy có một lòng trắc ẩn ấm áp tự đáy lòng họ dành cho tôi. Giống như là một cây táo yêu thương, mỗi người thày của tôi đã cố gắng truyền dạy lại cho tôi tất cả kỹ năng và kiến thức họ có được. Tất cả họ đều yêu quý người khác và luôn giữ một quan điểm lạc quan về thế giới, song họ thực sự thờ ơ trước những toan tính lợi ích vật chất và họ không hề sợ cái nghèo. Một số người thày của tôi, trước khi qua đời, đã gọi tôi đến, gửi lại cho tôi tất cả những dụng cụ gắn bó với họ suốt bao năm tháng và với tôi, đó là kho báu”.
Cũng như những người thầy của mình, Sim là một nghệ nhân ngay thẳng và kiên quyết. Có lẽ chỉ một điểm hơi khác, ông học được thêm cách cư xử của một khung cửa sổ: thích được giao tiếp với thế giới bên ngoài. Thái độ sống này lý giải cho việc ông mở rộng cửa xưởng của mình đón công chúng, đề xuất sửa nhà miễn phí cho những gia chủ có thu nhập thấp và hỗ trợ tài chính cho những trẻ em có cuộc sống không cha mẹ chăm lo./.
Thụy An (dịch)
(Nguyên bản: A Master’s Woodwork Brings the Hanok’s Charm to Life, Koreana Vol. 25, No. 1, Spring 2011).
Hình ảnh trong bài: Ahn Hong beom
 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 376, tháng 10-22015

Tác giả : PARK HYUN SOOK

;