Nơi thắp sáng ước mơ

“Thư viện nhỏ này sẽ phần nào giúp các em học sinh mở mang kiến thức, giúp nông dân tiếp cận được những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Chúng ta có thể nghèo về vật chất nhưng không thể nghèo về tri thức” - Đó là những lời tâm sự của ông Nguyễn Phương Chăm ở tổ dân phố Lai Sơn, phường Đồng Tâm (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc). Gần 20 năm qua, bằng công sức và trí tuệ, bằng cái tâm và tình cảm, ông đã chắt chiu, vun bồi, xây dựng, phát triển thư viện của tổ dân phố, “biến” nhà mình thành một thư viện nhỏ để phục vụ nhu cầu đọc sách của nhân dân.

Về tổ dân phố Lai Sơn hỏi thăm ông Nguyễn Phương Chăm không ai là không biết. Người lớn, trẻ con đều tấm tắc khen ngợi. Không chỉ là tổ trưởng tổ dân phố gương mẫu, nhiệt tình, ông còn gắn bó với công việc thủ thư của tổ dân phố suốt gần 20 năm qua.

Thư viện tổ dân phố Lai Sơn bắt đầu được hình thành khi tỉnh Vĩnh Phúc có chủ trương đầu tư xây dựng Lai Sơn - nơi đã được Bác Hồ về thăm (1958) - thành làng văn hóa trọng điểm. Ông Chăm được nhân dân tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ dân phố kiêm thủ thư.

Ngày mới thành lập, thư viện chỉ có hơn trăm đầu sách. Theo lời ông Chăm, ban đầu, công việc tìm kiếm nguồn sách cho thư viện tương đối khó khăn. Để khắc phục, ông và một số thành viên trong tổ dân phố đã tích cực đến từng nhà để gặp gỡ, kêu gọi đóng góp, tuyên truyền về lợi ích của việc xây dựng thư viện, gây dựng văn hóa đọc cho làng. Vốn là miền quê giàu truyền thống hiếu học nên việc làm ý nghĩa của ông Chăm đã được người dân Lai Sơn hưởng ứng nhiệt tình. Là người từng công tác trong quân đội nhiều năm, khi về nghỉ hưu, ông Chăm đã tặng toàn bộ số sách mình có cho thư viện. Ông nhớ lại: Khi còn là người lính, mỗi lần nghỉ phép về quê thấy bọn trẻ trong làng nhiều em hiếu học nhưng vì nhà nghèo không có tiền mua sách đọc, tôi tự nhủ với mình khi nghỉ hưu phải làm gì đó để giúp bọn trẻ không còn thiếu sách”. Những nỗ lực của ông và các thành viên trong tổ dân phố đã đạt được kết quả. Nhờ sự hỗ trợ của một số tổ chức, cá nhân trong tỉnh, thư viện tổ dân phố Lai Sơn giờ đây đã có trên 500 đầu sách gồm sách văn học, lịch sử, địa lý, sách tham khảo, trồng trọt, chăn nuôi, khoa học kỹ thuật… phục vụ bà con.

 Khi vốn sách đã kha khá, ông Chăm tìm cách “kéo” bạn đọc đến với thư viện. Ngoài việc tuyên truyền bằng pano “10 lợi ích của việc đọc sách” treo ngay tại phòng đọc, trong các cuộc hội họp cũng như sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Cựu chiến binh, Phụ nữ, Hội Người cao tuổi trong tổ dân phố… ông đều tranh thủ tuyên truyền giới thiệu sách mới, sách hay phù hợp với từng đối tượng. Việc mở cửa phục vụ cũng rất linh hoạt, ngoài các ngày quy định là một tuần 2 lần vào thứ 5 và Chủ nhật, trước các buổi sinh hoạt tổ dân phố, ông đều tranh thủ mở cửa phục vụ mọi người.

Nhận thấy thư viện đặt ở Nhà văn hóa của tổ dân phố, cách xa khu dân cư, không tiện cho bà con đến mượn sách, ông đã trình bày ý tưởng của mình với lãnh đạo xã. Nhận được sự nhất trí, ủng hộ, ông đưa sách về gia đình để phục vụ bà con. Mặc dù số sách không nhiều nhưng ông Chăm sắp xếp các đầu sách tại nhà khá bài bản, chuyên nghiệp. Sách được đặt trên giá, phân chia thành các lĩnh vực để bạn đọc dễ tra cứu như sách thiếu nhi, truyện tranh, sách văn học nghệ thuật, sách khoa học kỹ thuật, sách chính trị xã hội… Những cuốn sách cũ được phân loại, giữ nếp phẳng phiu. Ông Chăm còn bố trí bàn ghế phục vụ người dân ngồi đọc báo, tạp chí tại chỗ.

Từ khi mang sách về gia đình phục vụ bà con, “thư viện tại gia” của ông Chăm hoạt động khá hiệu quả. Ông chia sẻ: “Nhiều người cứ nói thời buổi công nghệ thông tin làm giảm số lượng bạn đọc đến thư viện nhưng riêng ở đây, từ ngày đưa sách về gần dân, số lượng bạn đọc không giảm mà thậm chí còn tăng lên”. Sổ theo dõi của ông Chăm cho thấy, mỗi tuần “thư viện tại gia” của ông phục vụ từ 100 đến 150 lượt người mượn sách. Đối tượng đọc gồm nhiều lứa tuổi, thành phần, họ thường xuyên đến mượn các sách về chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp, tâm lý, cách nuôi dạy con…

Bà Nguyễn Thị Vui (60 tuổi), một độc giả thường xuyên của thư viện, bộc bạch: “Ngồi đọc ở đây, vừa không phải đi xa, vừa được thư giãn, lại có thêm nhiều thông tin bổ ích. Chúng tôi cũng rất có ý thức cùng bác Chăm bảo quản sách, báo để mọi người cùng đọc”. Phía góc trong phòng đọc, ông Bình, một người dân của tổ dân phố đang chăm chú đọc cuốn “Bạn của nhà nông”. Ông chia sẻ: “Đây là cuốn sách mới của thư viện. Tôi mới đọc một số trang nhưng cảm nhận có nhiều thông tin hữu ích”. Ông Bình cẩn thận ghi chép những thông tin hữu ích với mình ra một cuốn sổ tay: “Chép vào đây để tham khảo khi cần đến”, ông Bình nói.

Em Nguyễn Linh Dương, học sinh lớp 6B, trường THCS Tích Sơn cho biết: “Nhà cháu gần nhà bác Chăm. Ngày cuối tuần nào cháu cũng dành một buổi đến nhà bác Chăm để tìm đọc và mượn về những cuốn sách cháu thích mà chưa có thời gian đọc tại đó. Tủ sách của bác Chăm rất đa dạng, không chỉ có sách liên quan đến học tập mà còn có cả sách viết về giáo dục, khoa học… Đến tủ sách của bác, cháu còn được hướng dẫn tìm kiếm sách phù hợp, những sách nên đọc. Giờ đọc sách đã thành thói quen của cháu. Mỗi ngày cháu đều dành 2 tiếng đồng hồ để đọc sách, bởi nó mang lại cho cháu rất nhiều kiến thức bổ ích”.

Chia sẻ với tôi về công việc làm thủ thư suốt gần 20 năm qua của mình, ông Chăm nói: “Bản thân người phụ trách thư viện phải có tâm, tận tụy với công việc mới gây được niềm tin của lãnh đạo, nhân dân và bạn đọc, từ đó mới có được sự ủng hộ về tinh thần cũng như kinh phí hoạt động”.

 Với quan niệm “Văn hóa đọc không bao giờ mất, có sách là có tri thức”, ông Nguyễn Phương Chăm đã duy trì và phát triển Thư viện Lai Sơn bằng tinh thần tự nguyện. Nói về “thư viện ông Chăm”, ông Lê Văn Minh, Giám đốc Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc cảm kích: “Việc duy trì thư viện của tổ dân phố là điều không dễ dàng, đặc biệt là việc đưa sách về gia đình để phục vụ bà con. Đây là điểm sáng trong hoạt động văn hóa đọc, lan tỏa những kiến thức và tinh thần vì cộng đồng rất đáng quý. Chúng tôi rất trân trọng và ghi nhận việc làm đầy ý nghĩa này của ông Chăm”.

Trong khi không ít thư viện lớn đang thiếu vắng bạn đọc, văn hóa đọc bị lấn át bởi văn hóa nghe nhìn thì việc làm của ông Chăm thật đáng trân quý. Đó là một việc làm ý nghĩa, góp phần tạo thói quen đọc sách cho đông đảo người dân và thế hệ trẻ.

 

ĐỖ HẦ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 492, tháng 3-2022

 

 

;