Những câu chuyện từ trái tim

Hiện là Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Phó trưởng bộ môn tim mạch, trường Đại học Y Hà Nội, PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu là chuyên gia đầu tiên về can thiệp tim bẩm sinh cho trẻ em tại Việt Nam. Ông vừa được giao điều hành trung tâm hồi sức 500 giường trên địa bàn tỉnh Bình Dương để hỗ trợ, cứu chữa cho các bệnh nhân COVID-19. Trước khi cùng đồng nghiệp xông pha trên tuyến đầu chống dịch, PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu vừa nhận niềm vui kép khi ông được tái đắc cử đại biểu quốc hội khóa XV (đại biểu quốc hội tỉnh Bình Định) và cuốn sách Câu chuyện từ trái tim của ông cũng vừa được Nhã Mam phát hành cùng một buổi giao lưu trực tuyến với tác giả.

Trên tuyến đầu chống dịch

Trên diễn đàn Quốc hội, PGS - TS Nguyễn Lân Hiếu được biết đến với những phát ngôn thẳng thắn, đầy trách nhiệm về nhiều vấn đề của đất nước như y tế, giáo dục, môi trường. Bước qua một nhiệm kỳ, ông tiếp tục được cử tri tín nhiệm bầu vào Quốc hội khóa XV (đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định). Là 1 trong 14 đại biểu của ngành Y tham gia nghị trường nhiệm kỳ mới, ông từng bộc bạch, thêm một nhiệm kỳ nữa giúp ông có thêm thời gian để tiếp tục đáp ứng những mong mỏi chính đáng của cử tri.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp ở Bình Dương, Bộ Y tế đã xây dựng trung tâm hồi sức với 500 giường trên địa bàn tỉnh Bình Dương để hỗ trợ, cứu chữa cho các bệnh nhân COVID-19. PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu được giao điều hành trung tâm hồi sức bệnh nhân COVID-19 ở Bình Dương đặt tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex Bình Dương. Bước đầu, ông chia sẻ với báo chí chiến lược phòng chống dịch lấy xã, phường làm “pháo đài”, tăng cường y tế đến tận xã, phường để quản lý sớm người bệnh và giảm tải cho các tuyến trên đi cùng với việc triển khai xét nghiệm diện rộng để tìm và sàng lọc F0 đã đạt được kết quả tích cực. Được biết, hiện tỉnh Bình Dương đã thực hiện phân tầng điều trị quy mô 3 cấp để giảm tải cho các cơ sở điều trị tuyến tỉnh trong đó tầng 1 chiếm 60%; tầng 2 chiếm 35%, tầng 3 chiếm 5%. Hệ thống y tế 3 tầng này đã phối hợp nhuần nhuyễn, giúp các bệnh viện tầng 2 đã được giảm tải hơn, tỉ lệ bệnh nhân tử vong đã được khống chế, không như những ngày đầu chống dịch từng bị tình trạng quá tải y tế tầng 2 dẫn đến có những ca tử vong rất đáng tiếc.

Trong lúc dõi theo các bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch với những đóng góp và hy sinh thầm lặng, độc giả cũng có thể tìm đến những cuốn sách viết về bác sĩ hoặc do các bác sĩ viết để có thể hiểu hơn về những gì giấu kín trong tâm hồn mà họ muốn chia sẻ, để mọi người có thể hiểu và đồng cảm với những “thiên thần áo trắng”. Câu chuyện từ trái tim là một cuốn sách như thế.

Những nỗi niềm giấu kín trong tim

Bệnh viện vẫn luôn là nơi chứng kiến rõ nhất vòng “sinh, lão, bệnh, tử” của đời người, nơi hiển hiện cả thực tế trần trụi khốc liết nhất, cũng là nơi chứng kiến những nỗi đau đớn nhất, là nơi chứ đựng những điều tử tế nhất, những tấm lòng chân thực nhất. Chính vì vậy, các bác sĩ cũng là những người luôn đối diện với những sự thật này, bởi vậy mà đã có không ít những cuốn sách do các bác sĩ viết, hoặc viết về bác sĩ, gây xúc động sâu sắc cho độc giả.

Điều đặc biệt là cuốn sách Câu chuyện từ trái tim do GS Ngô Bảo Châu - người bạn thân của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu - viết lời giới thiệu

Từng có nhiều cống hiến cho nền y học nước nhà, đồng thời là chuyên gia đầu ngành về tim mạch, PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu cũng có nhiều năm trải nghiệm trong môi trường nghề nghiệp. Tất cả đã được ông trải lòng trong Câu chuyện từ trái tim - một tập ghi chép giàu tính thời sự nhưng thấu đáo và chân thành, chứa đựng những câu chuyện về bác sĩ cùng những bài phân tích về y tế, giáo dục, môi trường và nhiều vấn đề xã hội dưới lăng kính của một bác sĩ kiêm đại biểu Quốc hội.

Câu chuyện đầu tiên được bác sĩ “rút ruột” chia sẻ chính là con đường trở thành bác sĩ và những được, mất từ đó. “Thế hệ chúng tôi vào đại học khi đất nước vừa qua thời bao cấp, kinh tế khó khăn, đồng tiền mất giá, ai cũng nghèo, cả lớp cắm đầu vào học vì mục tiêu học bổng... trong khi sinh viên các trường khác đều đã tốt nghiệp, có việc làm nuôi thân thì chúng tôi vẫn phải học và thi hết kỳ này đến kỳ khác”. “Có rất nhiều người đã hỏi tôi về những được và mất khi trở thành bác sĩ. Tôi trả lời rằng: sự được - mất biến đổi rất nhiều theo thời gian”.

Áp lực công việc khủng khiếp đè nặng cùng đồng lương còm cõi từng khiến chàng sinh viên y khoa vừa chập chững vào nghề Nguyễn Lân Hiếu nản lòng, nghĩ tới chuyện bỏ sang làm trình dược viên. Nhưng khó khăn nhất trong giai đoạn này chính là quan hệ với đồng nghiệp và bệnh nhân - những bài học xương máu không một trường lớp nào dạy dỗ. Ông bộc bạch: “Những cái xấu trong xã hội sẽ va vào bạn ở mọi góc cạnh, làm bạn nghiêng ngả. Tôi mất nhiều và không bỏ nghề bác sĩ chỉ vì tiếc gần mười năm đèn sách và “sợ bố mẹ buồn”.

Phần đầu của cuốn sách còn là những nỗi niềm vẫn luôn giấu kín trong tim của vị bác sĩ hơn 20 năm trong nghề với bao thăng trầm. Đó là sự phản biện cho tư duy “bác sĩ là những vị cứu nhân độ thế”, “ngành y là một ngành cao quý, phải cứu người”... Nhưng vị bác sĩ nhận ra rằng anh cùng đồng nghiệp cũng chỉ là những con người bình thường và cũng đầy khuyết điểm, sai lầm. Bởi vậy mà “đối với các y bác sĩ, từ “chữa bệnh” chắc chắn sẽ nhẹ nhàng và chính xác hơn từ “cứu người”. Mỹ từ “cứu người” cao cả có lẽ không nên dành riêng cho các nhân viên y tế, mà nó là dành cho tất cả mọi người - những người có trái tim nhân hậu, sẵn sàng dang tay cứu giúp những ai đang gặp khó khăn, gặp tình huống nguy hiểm đến tính mạng con người.

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phụ trách Bệnh viên dã chiến điều trị COVID-19

tại Bệnh viện quốc tế Becamex giới thiệu với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

hoạt động điều trị chung của Bệnh viện dã chiến qua hệ thống giám sát trung tâm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Là một người trong cuộc, tác giả không ngần ngại chỉ rõ những vấn nạn vẫn tồn tại bấy lâu nay trong ngành y và không giấu nổi nỗi xót xa. Đọc những chia sẻ từ trái tim này, độc giả có thể hiểu được triết lý giáo dục “Không nói dối” của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đề xuất trong giai đoạn bản lề hiện nay được ông rút ra từ thực tiễn công tác là một giảng viên của Trường Đại học Y Hà Nội và cũng là trải nghiệm của ông trong hơn 20 năm làm nghề. Để rồi qua bao thăng trầm, ông nhận ra điều giản dị rằng “bạn sẽ không còn phân biệt cái được hay mất khi làm bác sĩ nữa. Những niềm vui nho nhỏ khi thành công một ca mổ khó hay chẩn đoán được một bệnh thật hiếm cũng chỉ còn là món gia vị ngon trong cuộc sống bộn bề. Nhưng, những nỗi buồn lại ngày càng hiện hữu… Sai sót nếu có, dù rất nhỏ cũng không thể được chấp nhận. Bạn chính thức trở thành một ông già khó tính, tóc bạc trắng hai mai”.

Đọc Câu chuyện từ trái tim, độc giả cũng có thể tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi: “ Vì sao một vị bác sĩ tim mạch hàng đầu vốn chỉ muốn tập trung vào chuyên môn, thậm chí không phải là đảng viên, lại đột ngột quyết định dấn thân sang chốn nghị trường ở độ tuổi bốn mươi lăm?”.

PGS, TS Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đang giới thiệu công tác điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến hồi sức cấp cứu

Cơ duyên ấy đến từ một cuộc trò chuyện giữa bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu với Bộ trưởng Bộ Y tế Myanmar. Vị Bộ trưởng đã bày tỏ sự thán phục trước những gì nền y tế Việt Nam đã làm được, đặc biệt là bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi và chia sẻ với ông rằng: “Chữa được một ca bệnh đã khó, thay đổi được tư duy làm chính sách để giúp cho hàng triệu trẻ em là điều đáng quý vô ngần. Myanmar của ông chưa làm được như Việt Nam bởi ở nước họ nhiều năm liền không có nhà chuyên môn y khoa nào lên tiếng trong Quốc hội”. Những lời tâm sự chân tình này đã khiến bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu quyết định dành quỹ thời gian ít ỏi của mình cho một hoạt động hoàn toàn mới - làm đại biểu Quốc hội - để có thể đóng góp và giúp được nhiều trẻ em hơn.

Xen kẽ những bài phân tích thẳng thắn và sắc sảo về các vấn đề xã hội, người đọc vẫn bắt gặp rất nhiều thông điệp sống tử tế, quan tâm, yêu thương con người với một trái tim chân thành. Bởi những gì xuất phát từ trái tim, sẽ chạm đến được trái tim.

LƯƠNG MINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 475, tháng 9-2021


 

;