Những bài học đắt giá từ điện ảnh Hàn Quốc

Là một trong những sự kiện nổi bật của Liên hoan phim (LHP) quốc tế Hà Nội lần thứ VI, Hội thảo “Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc” vào sáng 9-11 đã thu hút đông đảo các nghệ sĩ trong nước và quốc tế.

Toàn cảnh Hội thảo

Điện ảnh Hàn Quốc đang là điểm sáng của châu Á khi liên tiếp giành giải tại các LHP danh giá trên thế giới. Với khán giả Việt Nam, văn hóa Hàn Quốc trong đó có phim ảnh, từ lâu đã là món ăn tinh thần yêu thích. Đến với hội thảo, ông Park Ki Yong – Chủ tịch Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc (Kofic) gây bất ngờ với loạt câu hỏi, qua đó lý giải sự phát triển mạnh mẽ cũng như thành công của phim Hàn Quốc suốt một thời gian dài, đặc biệt là những thành tựu nổi bật trong một, hai thập niên gần đây.

Câu hỏi đầu tiên ông đặt ra là: Điện ảnh Hàn Quốc đang ở đâu trên thị trường điện ảnh quốc tế? Với hàng loạt dẫn chứng về các giải thưởng mà phim Hàn đạt được trong mấy năm gần đây như Ký sinh trùng, Trò chơi con Mực, Quyết tâm chia tay, Nhà môi giới… ông Park Ki Yong cho biết, điện ảnh Hàn Quốc đang nổi lên như một hiện tượng tại nhiều LHP quốc tế. Với hàng loạt tác phẩm gây chú ý, các đạo diễn Hàn Quốc đang chứng tỏ với giới điện ảnh toàn cầu, khi từng bước biến các LHP quốc tế thành sân chơi của phim Hàn, khi mang đến nhiều tác phẩm, tham dự ở hầu hết các hạng mục, và một số trong đó gây ấn tượng mạnh với các giải dành cho phim, đạo diễn hay nam, nữ diễn viên chính…

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành - Trưởng ban Tổ chức phát biểu đề dẫn Hội thảo

Ngược dòng lịch sử, điện ảnh Hàn Quốc từng là nền điện ảnh trẻ và đi sau điện ảnh Nhật Bản, nhưng họ đã có bước bứt phá ngoạn mục, để giờ đây chính thức đi trước Nhật Bản 5 năm như lời một đại diện Nhật Bản thừa nhận. Vậy làm thế nào để thành công như điện ảnh Hàn Quốc, và các yếu tố cần có để thành công là câu hỏi thứ hai mà ông Park Ki Yong đặt ra trong hội thảo. Dùng một loạt slide (bản trình chiếu) để minh họa, ông Park đã lần lượt nêu ra các yếu tố làm nên thành công của điện ảnh Hàn Quốc. Thứ nhất là những kinh nghiệm được tích lũy từ các mặt kinh tế, chính trị, xã hội… được các đạo diễn chuyển hóa thành các đề tài, chủ đề trong phim. Điểm này, theo ông điện ảnh Việt Nam cũng có nhiều nét tương đồng, khi cuộc sống có khá nhiều thay đổi tạo cơ hội, đề tài cho phim ảnh. Yếu tố thứ hai làm nên thành công là văn hóa Bibim (Bibim Culture) được hiểu như một sự giao thoa, trộn lẫn của nhiều loại hình trong một bộ phim. Yếu tố thứ ba là Hàn Quốc có một nền công nghiệp điện ảnh trẻ, với sự phát triển nhanh và đa dạng hóa các thể loại.

Chỉ trong vòng 67 năm, tính từ mốc 1955, theo ông Park, điện ảnh Hàn Quốc đã có đến 3 thời kỳ phục hưng. Trong đó giai đoạn từ 1955 – 1961 được xem là thời kỳ phục hưng thứ nhất. Xen giữa hai thời kỳ là giai đoạn kéo dài từ 1962 – 1984: Đây được xem như khoảng đen của điện ảnh Hàn Quốc, khi bị kiểm soát gắt gao bởi tư tưởng độc tài, dẫn đến điện ảnh kém phát triển. Thời kỳ phục hưng thứ 2 bắt đầu từ năm 1985 – 2010: các phim được tự do phát triển dẫn tới sự bung tỏa của các loại đề tài, chủ đề. Đây cũng là giai đoạn điện ảnh Hàn Quốc ghi nhận nhiều bộ phim thành công, nổi tiếng bên ngoài biên giới. Thời kỳ phục hưng thứ 3 bắt đầu từ 2010 đến nay, ghi nhận bước tiến vượt bậc của điện ảnh Hàn Quốc, với hàng loạt bộ phim được công chúng toàn cầu biết đến như In another coutry (2013), Train to Busan (2016). Cũng từ đây, nhiều bộ phim Hàn Quốc không chỉ thành công về mặt thương mại, mà còn được đánh giá cao về mặt nghệ thuật như Ký sinh trùng, Nhà môi giới, Quyết tâm chia tay…

Ông Park Ki Young - Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc phát biểu tại Hội thảo

Có được thành công đó ngoài các chính sách, sự hỗ trợ của Nhà nước thì chính các hiệp hội trong đó có Kofic, với những hỗ trợ cụ thể từ lên kế hoạch sản xuất, quay phim đến phát hành… đã giúp nhiều bộ phim Hàn Quốc có cơ hội đến với khán giả. Không chỉ hỗ trợ sản xuất, phát hành, các nghiên cứu, tổng kết về văn hóa, kỹ thuật làm phim, bồi dưỡng nhân tài, hỗ trợ hợp tác, phát hành xuyên biên giới… cũng đóng góp rất nhiều vào sự phát triển và thành công của điện ảnh Hàn Quốc.   

Ngoài những kinh nghiệm, bài học, yếu tố làm nên thành công, điện ảnh Hàn Quốc còn thể hiện sự nhanh nhạy, khi các lãnh đạo ngành, người đứng đầu các hiệp hội nghề nghiệp, phát hành cùng đặt ra câu hỏi: Sau COVID điện ảnh sẽ phát triển theo hướng như thế nào? Câu hỏi này hiện đang là nỗi trăn trở của các nhà quản lý, làm phim khi họ xác định: một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới sự phát triển là tốc độ. Cần phải làm nhanh để phản ánh những vấn đề đang đặt ra trong xã hội một cách nhanh nhất. Để làm được điều đó, việc xây dựng chiến lược, tầm nhìn rất quan trọng, trong đó chú trọng đến đào tạo thế hệ kế tiếp và hướng tới toàn cầu hóa.

Vấn đề tối ưu hóa cho các rạp, cụm rạp chiếu phim cũng được các đại diện Hàn Quốc đặt ra, trong đó kinh nghiệm từ nước bạn là kết hợp chiếu phim và các hoạt động biểu diễn, trình chiếu, triển lãm nghệ thuật, trình diễn nhạc kịch… ngay trong các rạp, cụm rạp để thu hút đông đảo khán giả.

Đại diện cho Học viện Nghệ thuật điện ảnh Hàn Quốc, ông Gunshik Jo – Giám đốc Học viện, đồng thời là thành viên Ban giám khảo hạng mục phim dài tại LHP quốc tế Hà Nội cho biết: Một trong những mục tiêu của Học viện là chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài cho nền công nghiệp điện ảnh.

Ông Ko Jae Soo - Tổng giám đốc Công ty TNHH CGV Việt Nam chia sẻ, quỹ phát triển văn hóa của CGV đã giúp nhiều phim đến được với khán giả. Công ty thông qua các cuộc thi cũng giúp tìm kiếm, hỗ trợ các tài năng trẻ của điện ảnh Việt Nam. Cũng theo ông, Việt Nam với dân số gần 100 triệu người còn khá nhiều dư địa để phát triển, khi lượt xem tính trên đầu người mới đạt 0,56 phim/người/năm so với tỷ lệ 4,4 phim/người/năm tại Hàn Quốc.

Ông Jung Tae Sun – Tổng Giám đốc của CJ HK lạc quan khi đặt mốc 200 triệu lượt khán giả sẽ tới xem phim trong một tương lai gần, khi đánh giá điện ảnh Việt Nam đang có sự tham gia, nhập cuộc của nhiều nghệ sĩ trẻ. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn chỉ ra nhược điểm của điện ảnh Việt Nam hiện nay nằm ở nội dung, chất lượng các phim chứ không phải tại hệ thống rạp. Cần phải phát triển khán giả nội địa cho phim, bằng cách gia tăng sự phong phú, chất lượng cho phim Việt, tránh tình trạng khán giả đến rạp tìm chọn phim nước ngoài hơn phim Việt Nam. Đây đã từng là tình trạng của điện ảnh Hàn Quốc, và điện ảnh Việt Nam cần có thêm nhiều bộ phim hay để phá vỡ định kiến của khán giả.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Một ý kiến cũng thu hút sự chú ý của các đại biểu tham dự hội nghị, khi chi phí cho một bộ phim Hàn Quốc hiện cao gấp 10 lần chi phí cho một bộ phim Việt Nam, và đây cũng là một trong những lý do để phim Việt khó bứt phá về mặt chất lượng. Đây cũng là một vòng luẩn quẩn, khi thị trường điện ảnh Việt Nam chưa đủ lớn, nên khó thu hút được các nguồn kinh phí lớn cho một bộ phim. Trong tương lai, theo các đại biểu Hàn Quốc, điện ảnh Việt Nam cần nhiều cơ hội hơn nữa để khán giả yêu thích và ủng hộ phim nội.

Cuối hội thảo nhiều nhà quản lý, các nghệ sĩ Việt Nam đã đặt nhiều câu hỏi với các đại diện hiệp hội, các công ty Hàn Quốc nhằm làm rõ hơn một số ý, các kinh nghiệm của điện ảnh Hàn Quốc.

Tổng kết hội thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết: Việt Nam cụ thể là Bộ VHTTDL cũng có các chương trình, kế hoạch đưa các sinh viên giỏi ra nước ngoài đào tạo về nghệ thuật, trong đó có điện ảnh. Nhưng rào cản lớn nhất hiện nay là ngoại ngữ, khiến các sinh viên khó tiếp cận. Đây là điểm yếu mà Việt Nam cần khắc phục sớm để tiếp cận với các lớp, các chương trình đào tạo quốc tế, nhằm kéo gần khoảng cách giữa điện ảnh Việt Nam và điện ảnh quốc tế.

NGUYÊN AN - Ảnh: TUẤN MINH

;