Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ của các thư viện Việt Nam (2017-2022)

Được sự đồng ý của Bộ VHTTDL, Thư viện Quốc gia Việt Nam phối hợp với Vụ Thư viện và các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị - Hội thảo “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ của các thư viện Việt Nam (2017-2022)” trong hai ngày 4, 5-11-2022 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Toàn cảnh Hội nghị - Hội thảo - Ảnh: Thu Trang

Hội nghị - Hội thảo nhằm tổng kết công tác ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2017-2022; xác định phương hướng, nhiệm vụ hoạt động từ 2022-2027 và định hướng đến năm 2030 trong các thư viện Việt Nam. Hội thảo có sự tham gia của hơn 100 đại biểu là đại diện lãnh đạo và người làm công tác công nghệ thông tin của các thư viện công cộng, thư viện đại học, thư viện chuyên ngành, thư viện lực lượng vũ trang, cơ sở đào tạo ngành thông tin - thư viện trong cả nước.

Tại Hội nghị - Hội thảo, 20 báo cáo tham luận và nhiều ý kiến trao đổi thảo luận xoay quanh các nội dung về tình hình triển khai, kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng cũng như phát triển thư viện điện tử/ thư viện số và chuyển đổi số tại các thư viện, trung tâm thông tin; Những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số (chính sách phát triển, cơ sở hạ tầng, dữ liệu, kinh phí, nguồn nhân lực...); Công tác tạo lập, quản lý, bảo quản và phổ biến các bộ sưu tập số; Cơ chế, chính sách và những yêu cầu đặt ra cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các thư viện và trung tâm thông tin trong thời gian tới; Đề xuất mô hình, các giải pháp công nghệ, phần mềm tiện ích, bài học kinh nghiệm, sáng kiến áp dụng hiệu quả công nghệ thông tin và chuyển đổi số của hoạt động thư viện Việt Nam và quốc tế; Vấn đề hợp tác, liên kết, chia sẻ tài nguyên thông tin trong và ngoài nước; Kế hoạch, đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ tại các thư viện.

Bà Kiều Thúy Nga, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị-Hội thảo - Ảnh: Thanh Hà

Phát biểu tại Hội nghị-Hội thảo, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Kiều Thúy Nga đã đánh giá cao những thành tựu của các thư viện Việt Nam mang lại, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác nghiệp vụ, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của các ngành, lĩnh vực và của xã hội, tiếp tục khẳng định sứ mệnh, vị trí, vai trò của thư viện đối với xã hội, văn hóa, giáo dục. Giai đoạn 2022-2027, định hướng đến năm 2030 được coi là giai đoạn quyết định của Chuyển đổi số hoạt động thư viện. Quá trình Chuyển đổi số, dữ liệu sẽ là trung tâm cho mọi hoạt động của thư viện, việc ứng dụng công nghệ thông tin tập trung giải bài toán về khai thác dữ liệu và tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ. Như vậy, có thể khẳng định mô hình tập trung, dùng chung hạ tầng, dữ liệu; tích hợp, chia sẻ tài nguyên thông tin sẽ là phương thức chủ đạo trong việc ứng dụng công nghệ thông tin cho ngành Thư viện Việt Nam trong giai đoạn tới.

Ths Trần Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Thư viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia trình bày tham luận “Ứng dụng công nghệ thông tin tại các thư viện trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và những hoạt động của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia” - Ảnh: Thu Trang

Ths Trần Nữ Quế Phương - Thư viện Quân đội trình bày tham luận “Ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số của hệ thống thư viện, phòng đọc trong quân đội” - Ảnh: Thu Trang

Hội nghị-Hội thảo đã thống nhất một số phương hướng phát triển trong giai đoạn tới với các mục tiêu cụ thể như:

Tiếp tục đóng góp lý luận và thực tiễn nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, các văn bản chỉ đạo liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện làm cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển sự nghiệp có tính chiến lược, lâu dài; hiện thực hóa các nội dung trong Luật Thư viện, triển khai liên thông thư viện; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động thư viện thực hiện các mục tiêu theo Quyết định số 206/QĐ-TTg; đảm bảo việc thực hiện đúng quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, an ninh mạng, an toàn thông tin mạng và các quy định liên quan.

Tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin. Nâng cấp các phần mềm ứng dụng, nhất là phần mềm quản trị thư viện số, đẩy mạnh áp dụng phần mềm quản lý các bộ sưu tập số, các phần mềm dùng chung, thích hợp cho hệ thống, ưu tiên áp dụng phần mềm mã nguồn mở. Tăng cường quảng bá, chia sẻ các phần mềm tiện ích, công cụ hiệu quả do cán bộ thư viện phát triển. Ứng dụng dịch vụ thư viện, bảo quản số, các công cụ, phần mềm ứng dụng khác trong thời gian tới.

Tiếp tục thống nhất và chuẩn hóa các chuẩn nghiệp vụ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu trong và ngoài nước. Hướng dẫn chỉ đạo việc sử dụng các chuẩn nghiệp vụ cho các loại hình tài liệu mới, các tiêu chuẩn dành cho tài liệu số, tiêu chuẩn lưu trữ, bảo quản tài liệu số; tích cực mở rộng hoạt động biên mục trước xuất bản, thực hiện biên mục tập trung cung cấp kết quả xử lý biên mục cho các thư viện trên cả nước.

Tăng cường nguồn lực thông tin dạng số, tăng cường số hóa các tài nguyên thông tin có bản quyền, ưu tiên các nguồn tài liệu quý hiếm, các tài liệu địa chí, các loại tài liệu nằm ngoài phạm vi bảo hộ bản quyền và các tài liệu nội sinh...; tăng cường khai thác, tích hợp, chia sẻ dữ liệu, hợp tác giữa các thư viện trong và ngoài nước, nhất là với những thư viện có nhiều điểm chung trong cùng hệ thống, cùng khu vực.

Các đại biểu tham quan, trao đổi kinh nghiệm tại Thư viện tỉnh Bình Định - Ảnh: Bùi Đức Hoàng

Đồng thời, chú trọng cải thiện chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin, trong đó các thư viện cần có chính sách xây dựng đội ngũ kế cận, đồng thời xây dựng các cơ chế chính sách đãi ngộ hợp lý cả về thu nhập và các điều kiện học tập nâng cao trình độ, tạo môi trường làm việc thuận lợi để người làm công tác công nghệ thông tin có thể phát huy năng lực, sở trường và gắn bó lâu dài với thư viện.

Bên cạnh đó, tăng cường nguồn lực tài chính cho thư viện ; mở rộng hợp tác liên kết với các thư viện trong hệ thống, để có sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, qua đó giảm bớt các gánh nặng về ngân sách; mở rộng các hoạt động dịch vụ, thu hút sự đầu tư từ các nguồn lực xã hội.

Cũng trong khuôn khổ chương trình hoạt động của Hội nghị-Hội thảo, các đại biểu đã đi tham quan, khảo sát, trao đổi kinh nghiệm tại Thư viện tỉnh và một số trung tâm văn hóa tỉnh Bình Định.

HỒNG VÂN

;