Nhìn lại 2 năm thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại xã Phú Cường (Hà Nội): Nhiều chuyển biến rõ nét

Ngày 8/12/2017, Bộ VHTTDL đã ký quyết định 4843/QĐ-BVHTTDL ban hành thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” nhằm xây dựng một hệ thống chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa trong mỗi gia đình Việt Nam, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi thành viên... qua đó ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội. Năm 2019, Bộ chủ trương triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước với mỗi nơi chọn 2 đơn vị cơ sở để thực hiện, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Trong số các xã của thành phố Hà Nội và huyện Ba Vì thì xã Phú Cường được thí điểm triển khai.

Qua hai năm thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình của Bộ VHTTDL, xã Phú Cường đã có nhiều chuyển biến rõ rệt trong xây dựng gia đình Văn hóa
 

Sau hai năm, Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình đã đi vào đời sống của các hộ dân đăng ký thực hiện. Phú Cường là xã nằm ở phía Bắc huyện Ba Vì, với tổng dân số là 6.475 nhân khẩu, 1.628 hộ gia đình. Các hộ gia đình hầu hết là sản xuất nông nghiệp, trình độ văn hóa, nhận thức xã hội của người dân còn chưa được đồng đều. Kinh tế chủ yếu dựa vào nguồn thu nhập từ chăn nuôi và trồng trọt. Thực hiện mô hình thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử văn hóa trong gia đình, xã Phú Cường đã có 300 hộ gia đình đăng ký, trong đó có 60 hộ gia đình có người tốt nghiệp đại học trở lên (chiếm 20%); 140 hộ gia đình có người tốt nghiệp Trung học phổ thông (chiếm 46,7%); Trung học cơ sở có 100 hộ gia đình (chiếm 33,3%). Các gia đình được lựa chọn thực hiện thí điểm bộ tiêu chí là những gia đình trẻ, gia đình trung niên và gia đình cao tuổi.

Mặc dù lần đầu được triển khai  nhưng nội hàm của Bộ tiêu chí là những vấn đề hiện hữu, cần thiết trong cuộc sống hằng ngày. Ngay sau khi được lựa chọn, UBND huyện hướng dẫn công tác tổ chức triển khai thực hiện thí điểm và tổ chức lễ phát động vào tháng 9-2019. Sau đó UBND xã đã chỉ đạo, hướng dẫn các thôn thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Bộ tiêu chí do Bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận thôn làm trưởng ban, trưởng thôn làm phó ban, các thành viên còn lại là chi hội trưởng các đoàn thể trong thôn. Chi bộ thôn đã kịp thời có nghị quyết lãnh đạo và chỉ đạo tổ chức thực hiện. Trong đó, nghị quyết của chi bộ nêu rõ: Kết hợp thực hiện  Xây dựng “ Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa” với thí điểm Bộ tiêu chí “ứng xử trong gia đình” nhằm tạo bước chuyển biến rõ nét phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng nếp sống văn minh văn hóa từ trong gia đình. Bên cạnh đó, các hình thức tuyên truyền được triển khai đồng bộ, hiệu quả: Tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh: đảm bảo mỗi ngày 1 lần với các nội dung về các tiêu chí ứng xử chung trong gia đình, tiêu chí ứng xử vợ chồng; tiêu chí ứng xử của cha mẹ, ông bà với con, cháu; con cháu với cha mẹ, ông bà và anh chị em trong gia đình. Tuyên truyền trực quan qua hệ thống băng-rôn, pa-nô, áp phích trong thời điểm kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 18/1 hằng năm trên các đường trục chính trong thôn và khu trung tâm UBND xã. Nội dung băng-rôn, pa-nô, khẩu hiệu, phướn, tờ gấp theo chủ đề về “ Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”. Tổ chức các hội nghị toạ đàm tại các điểm Nhà văn hóa thôn theo nội dung tiêu chí ứng xử cụ thể trong gia đình, theo từng đối tượng áp dụng cụ thể theo từng tiêu chí. Trong quá trình tổ chức tọa đàm, người dân đã được thảo luận, trao đổi thẳng thắn về những kinh nghiệm trong xây dựng gia đình, các vấn đề bất cập trong gia đình hiện nay cũng như các giải pháp để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của mỗi thành viên về cách ứng xử trong gia đình.

Sau hai năm thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, nhận thức về mục đích yêu cầu nội dung, sự cần thiết của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình của mọi người dân, đặc biệt là những gia đình đăng ký thực hiện thí điểm đã được nâng lên rõ rệt. Ở 300 gia đình đăng ký thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử đã  không xảy ra những tiêu cực về đạo đức và các mối quan hệ trong gia đình. Không xảy ra các hiện tượng bất bình đẳng, vợ chồng đánh chửi nhau, cãi vã, ly hôn. Người già, người cao tuổi, trẻ em được tôn trọng, quan tâm chăm sóc, không xảy ra hiện tượng ngược đãi ông bà, bố mẹ, trẻ em. Anh chị em đoàn kết chia sẻ giúp đỡ nhau. Từ việc củng cố các mối quan hệ trong từng gia đình ngày càng tốt đẹp đã góp phần làm cho mối quan hệ giữa các gia đình trong thôn càng được keo sơn gắn bó hơn. Nội bộ xóm giềng càng đoàn kết, thống nhất. Nhân dân đồng thuận, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy chi bộ và các tổ chức đoàn thể trong thôn. Các phong trào thi đua ngày càng sôi nổi, hiệu quả và chất lượng. Cụ thể, năm 2020 đại diện hộ gia đình tham gia Liên hoan Gia đình văn hóa tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 19 năm Ngày Gia đình Việt Nam huyện Ba Vì, kết quả đạt giải Nhì.

Có thể nói, những kết quả đạt được sau 2 năm thực hiện thí điểm Bộ quy tắc ứng xử trong gia đình đã tạo hiệu ứng gắn kết tình đoàn kết trong gia đình, làng xóm. Các hiện tượng tiêu cực trong thôn  giảm hẳn, các hoạt động phong trào thi đua được nâng lên, mang lại đời sống ấm no hạnh phúc, tiến bộ trong mỗi gia đình.

 

HỒNG ĐẠT

Nguồn: Tạp chí VHNT số 480, tháng 11-2021

;