Cần thay đổi nếp nghĩ truyền thống của người nông dân khi xây dựng nông thôn mới

Người nông dân Việt Nam ở nhiều miền quê phải sống trong môi trường thiên nhiên khắc nghiệt, thiên tai địch họa bất thường luôn xảy ra. Trong điều kiện như vậy, bà con trước đây vẫn duy trì một nền kinh tế tự cấp, tự túc với kỹ thuật lạc hậu, mùa vụ phụ thuộc vào thiên nhiên, năng suất không cao nên cuộc sống còn gặp rất nhiều khó khăn.

Muốn duy trì cuộc sống bình yên trong một môi trường khá khắc nghiệt với hoàn cảnh lao động thủ công và kỹ thuật cơ bắp, sở hữu ruộng đất và tư liệu sản xuất nói chung còn nhỏ bé và manh mún, người nông dân không còn cách nào khác ngoài việc hòa đồng với thiên nhiên, nương theo thiên nhiên làm lợi cho mình. Qua nhiều năm, nhiều thế hệ gắn bó với đồng ruộng, đồi gò… làng quê của mình, người nông dân ngày càng tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, tri thức về các đặc điểm thiên nhiên để ra sức khai thác mọi điều kiện tự nhiên từ môi trường cảnh quan ấy, kể cả những điều kiện bất lợi để xây dựng cho mình một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn - điều này thể hiện trước hết ở việc chọn cây lương thực chủ đạo, từ đó giải quyết một loạt vấn đề mà sự sinh trưởng của cây, cũng như các đặc thù của cảnh quan ở từng điểm tụ cư đặt ra như: xây dựng hệ thống thuỷ lợi, phân loại đất đai, sử dụng công cụ lao động, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, bố trí từng loại giống phù hợp với từng loại đất khác nhau... rồi dần dần tổ chức thêm nghề phụ, các hoạt động trao đổi để có nguồn thu bù đắp vào khoảng trống của thời gian, mùa vụ. Người nông dân chấp nhận thích nghi với điều kiện nghèo khổ, đề cao tiết kiệm. Họ quen sống với cuộc sống đạm bạc, bữa ăn của tuyệt đại đa số người lao động trước đây đều dựa trên nguồn lương thực, thực phẩm của nền kinh tế tự túc, tự cấp “Thịt cá là hương hoa, tương cà là gia bản”. Quen sống, quen chịu đựng với nghèo khổ, song người nông dân luôn tìm cách để cải thiện đời sống của mình hoặc chí ít cũng là để khắc phục một phần khó khăn thiếu thốn đó. Do vậy, họ luôn dự tính cho cuộc sống từ nhỏ đến lớn với ý thức trách nhiệm giữa thế hệ trước đến thế hệ sau, luôn đề cao tiết kiệm “Được mùa chớ phụ ngô khoai”. Đây là một đức tính đáng quý. Một lối sống dựa vào kinh nghiệm nên tuổi tác và người già được đề cao. Tục trọng lão của làng xã Việt Nam cũng xuất phát từ đó.

Một đặc điểm đáng quý trong lối sống truyền thống của người nông dân là đề cao tính cộng đồng, quan tâm giúp đỡ người khác, coi trọng tình làng nghĩa xóm, đề cao tinh thần đoàn kết và cấu kết làng xã; quan tâm đến việc công ích, tích cực đóng góp xây dựng làng xã, hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ đối với làng với nước. Điều này đã hình thành từ làng chạ thời các vua Hùng dựng nước và được tiếp nối đến ngày nay. Thế ứng xử hòa đồng với thiên nhiên, hướng theo thiên nhiên để làm lợi cho mình đã giúp cho người nông dân tạo thế cân bằng sinh thái giữa các khu vực trong không gian làng, giữa con người với khu vực bao quanh. Không phải ngẫu nhiên mà người nông dân hàng ngàn năm trong điều kiện lao động thủ công lạc hậu trước tác động của thiên nhiên đầy khắc nghiệt vẫn tồn tại được nghề trồng lúa nước - cơ sở của nền văn minh nông nghiệp Việt Nam.

Lối sống hòa đồng với thiên nhiên chính là bản sắc văn hóa của người Việt. Sự cân bằng giữa các yếu tố cảnh quan thiên nhiên mà họ tạo ra làm cho làng quê nào cũng có nét giống nhau, dễ thương, dễ mến. Làng với lũy tre xanh, mái đình, cây đa, bến nước, cánh cò bay lả bay la... đã hằn sâu vào tâm khảm của người nông dân, làm nảy sinh trong mỗi con người tình cảm gắn bó keo sơn với quê hương và nâng lên thành tình yêu đất nước. Đó cũng là động lực giúp họ và các thế hệ cháu con sẵn sàng đổ máu hy sinh để giữ gìn mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình.

Việc người nông dân chấp nhận và thích nghi với điều kiện nghèo khổ để đề cao tinh thần tiết kiệm cũng là một nét tích cực của truyền thống Việt Nam, ổn định cuộc sống gia đình, chung sức chung lòng xây dựng quê hương làng xóm. Lối sống tiết kiệm làm cho mọi người quý trọng sức lao động, giá trị lao động của mình làm ra. Lối tiết kiệm còn hình thành một ý thức và tinh thần trách nhiệm của các thế hệ, thế hệ đi trước luôn vun vén, lo toan, gây dựng cho thế hệ sau những điều tốt đẹp  nhất trong khả năng cho phép. Đó là một lẽ sống cao đẹp, một truyền thống đạo lý của người Việt Nam. Lối sống vì cộng đồng đề cao cái tâm, chữ tín, lòng hiếu nghĩa là truyền thống quý báu của người nông dân trong làng xã. Một sự tin nhau đối xử với nhau vì tình chứ không phải vì vật chất, tiền bạc giữa những người cùng xóm, thôn, làng, bản… còn trong gia đình thì “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, bố mẹ phải lo toan cho con cái và con cháu phải báo hiếu với bố mẹ, ông bà, anh em phải hòa thuận theo tinh thần “Chị ngã, em nâng”… Tất cả đã giúp người nông dân đoàn kết chặt chẽ với nhau, giúp đỡ nhau trong đời sống thường nhật, cùng nhau khắc phục mọi khó khăn, chung sức để xây dựng làng xóm. Tinh thần cộng đồng, lòng chung thủy, nhân nghĩa là những hằng số của đạo lý truyền thống dân tộc Việt Nam.

Khẳng định mặt tích cực trong lối sống truyền thống của người nông dân, ta không quên rằng, hầu hết những biểu hiện của lối sống đó đều mang tính hai mặt để lại cho làng xã và người nông dân những hậu quả tiêu cực. Trước hết, thế ứng xử hòa đồng với thiên nhiên làm cho con người luôn luôn thụ động và bất lực trước những diễn biến thất thường của thiên tai. Con người không dám và không đủ điều kiện để khai thác thiên nhiên một cách mạnh mẽ chủ động. Do vậy, họ không thể cải thiện căn bản đời sống của mình. Đã bao đời, người nông dân cứ “Ơn trời mưa nắng phải thì” hoặc “Trông trời, trông đất, trông mây”; mỗi khi có lũ lụt, hạn hán, sâu bệnh thì chỉ biết có lạy giời. “Sự bất lực của con người trước thiên nhiên đã tạo điều kiện để tệ mê tín dị đoan nảy nở và phát triển qua các lễ “cầu mát” “cầu đảo”, “đồng trùng”…  phiền phức và tốn kém, bị giai cấp thống trị và những kẻ buôn thần bán thánh lợi dụng. Lối sống tiết kiệm đến mức hà tiện đã làm cho người nông dân suốt đời sống kham khổ  “nhịn ăn nhịn mặc”, thiếu dinh dưỡng trong khi lao động hết sức vất vả. Phương thức “Giữ của làm giàu” theo kiểu tiết kiệm, hà tiện của người nông dân đã làm nảy sinh tâm lý e ngại không dám dùng đồng vốn của mình đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Có thể nói, trước đây, người nông dân không có sự nhạy cảm đối với việc quay nhanh đồng vốn trong sản xuất, bà con vẫn căn bản “Tính cốc phòng cơ”.

Lối sống dựa vào kinh nghiệm, coi trọng tuổi tác của các bậc cao niên có nhiều mặt trái mà trước hết nó làm cho người nông dân quen thoả mãn với vốn tri thức kinh nghiệm coi kinh nghiệm là trên hết, là duy nhất nên dễ dẫn đến bảo thủ, ngăn cản việc áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất. Ở đây, cũng phải đề cập thêm khía cạnh tâm lý “Sống lâu lên lão làng” tạo ra sự mất dân chủ, coi thường lớp trẻ trong làng xã. Đi cùng với nó là thái độ hưởng thụ “Ăn trên ngồi trốc”, thói gia trưởng hẹp hòi. Lối sống cộng đồng trong làng xã một mặt tạo nên những truyền thống quý báu cho người nông dân song mặt trái của nó cũng để lại cho họ nhiều hạn chế. Trước hết, họ phải co mình lại mất tính chủ động sáng tạo của cá nhân, phó mặc số phận mình cho cộng đồng theo kiểu “chết cả đống còn hơn sống một”. Từ đó, dễ nảy sinh ra thói đố kỵ, ghen ghét người tài, người có năng lực, có tư duy đổi mới...

Tổ chức cho cán bộ, hội viên, nông dân đi tham quan và học tập mô hình kinh tế hiệu quả

Ảnh: S.T

 

Thứ nữa, lối sống cộng đồng để lại những gánh nặng cho bất kỳ gia đình nào mỗi khi có việc. Ví dụ đám cưới trong làng thì phải cả làng đi ăn cỗ cưới, tương tự như vậy là đám tang. Trong làng xã lắm lúc chỉ vì miếng ăn mà hình thành những dư luận xấu của cộng đồng với cá nhân (ma chê, cưới trách).

Ngoài ra, còn phải kể đến óc cục bộ làng xã từ tâm lý dòng họ và tâm lý làng dẫn đến khuynh hướng hoặc là móc ngoặc, đưa người thân, người trong dòng họ đảm nhận những chức vụ lãnh đạo;  dựa dẫm, bao che lẫn nhau, hoặc có hành động quá tả vì danh dự quyền lợi của cộng đồng (họ mình, làng mình) mà mù quáng lao vào những vụ kiện tụng, tranh chấp, ẩu đả với dòng họ khác...

Lối sống theo luật tục không theo pháp luật ấy là một hạn chế lớn trong làng xã. Cho đến nay, người dân ở không ít vùng quê vẫn chưa hiểu hoặc chỉ hiểu một cách mơ hồ về luật pháp nên dễ dẫn đến những hành động mù quáng, gây ra một số tệ nạn xã hội đáng tiếc - điều này có lý do vì chịu ảnh hưởng lối sống theo luật tục truyền thống để lại.

Trong cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa, công tác tuyên truyền giáo dục luật pháp cho người dân là một việc hết sức cần thiết và cấp bách. Có hiểu biết pháp luật về những điều nghiêm cấm để tránh, biết pháp luật để bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của bản thân, gia đình, dòng họ. Từ việc nghiên cứu phong tục tập quán, lối sống truyền thống của các dân tộc, chúng ta nên chọn lọc những phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của cha ông để đưa vào cuộc vận động, kiên quyết gạt bỏ những phong tục lạc hậu, mê tín dị đoan, vận dụng những mặt tích cực của hương ước cũ trong quản lý làng xã để xây dựng quy ước văn hóa mới. Trong giai đoạn hiện nay, khi xây dựng nông thôn chuyển sang giai đoạn kiểu mẫu phát triển bền vững, đòi hỏi có sự thay đổi lớn không chỉ ở cấp lãnh đạo mà chính là sự thay đổi của người nông dân từ trong tư duy, lối sống truyền thống. Cuộc cách mạng 4.0 đặt ra vấn đề cần phải làm nông nghiệp theo kiểu công nghiệp, sản xuất hàng hóa lớn, nông nghiệp sạch, dồn đổi tích tụ ruộng đất, áp dụng mọi thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Trước những đòi hỏi ấy, người nông dân phải thích ứng ra sao? Hay nói một cách khác, lối sống truyền thống của người nông dân cần phải có những thay đổi gì để theo kịp xu hướng tất yếu đó? Theo tôi, trước hết, cần phải có tầm nhìn rộng hơn, loại bỏ tư tưởng bảo thủ, thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức của người nông dân. Những người nông dân trẻ tuổi, thậm chí trung tuổi vẫn có thể tiếp cận với tiến bộ KHKT bằng con đường học tập qua các trường lớp, hoặc tự học, tự nghiên cứu. Họ cần mạnh dạn thay đổi thói quen, thậm chí chấp nhận cả thất bại khi bắt đầu thực hiện KHKT vào đồng ruộng,đất đai của mình. Những kinh nghiệm kiểu “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” trong thời kỳ biến đổi khí hậu khô hạn nước nhiễm mặn thì quan trọng nhất là giống đã được cải tạo, chịu được mặn, chịu được hạn mới cho năng suất. Phải nhìn nhận vấn đề một cách thực tế để có sự điều chỉnh ngay từ trong nhận thức. Hiện nay, đã có rất nhiều tấm gương người nông dân sản xuất giỏi, tiếp thị hàng hóa nông nghiệp sạch, an toàn… đặc biệt là mặt hàng phục vụ xuất khẩu: vải thiều, nhãn lồng, xoài cát, thanh long, sầu riêng... Khi mỗi tỉnh, thành đều có chiến lược phát triển những mặt hàng nông nghiệp có thế mạnh của địa phương thì đây là những điều kiện tốt nhất cho người nông dân tiếp cận, thực hiện - ví dụ chương trình mỗi xã có 1 sản phẩm Ôcop. Rồi tấm gương của bà Lê Thị Dung ở xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình từ một nông dân vươn lên làm Chủ nhiệm Hợp tác xã, giám đốc doanh nghiệp nông nghiệp với nhiều sản phẩm được thị trường chấp nhận, năng suất của các mặt hàng được sản xuất theo phương pháp nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ an toàn không ngừng tăng nhanh. Ông Nguyễn Văn Đồng, xã Mỹ Lương, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp chuyển 30 công đất ruộng trồng lúa sang trồng sen và kết hợp nuôi trồng thủy sản (do biến đổi khí hậu, nước lũ sông Cửu Long không về).  Nhiều nông dân trẻ ở Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương... đã làm sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu. Họ từ phòng thí nghiệp bước ra thực tế sản xuất thông qua sự hướng dẫn của các chuyên gia, các nhà khoa học, trực tiếp thực hiện trên ruộng đồng, trong trang trại của mình… đã tạo nên một cuộc cách mạng thực sự trong sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sạch.

Một điều cần nói thêm, người nông dân ngày càng phải có hiểu biết về luật pháp, nhất là luật pháp có liên quan đến lĩnh vực sản xuất hàng hóa, xuất khẩu sản phẩm, các quy định về sàn giao dịch thương mại điện tử… Đây là trang bị tối cần thiết để mình không tự mắc phải sai lầm do sự thiếu hiểu biết khi tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm, xuất khẩu sản phẩm.

Tóm lại, cuộc sống xung quanh ta còn rất nhiều điều phải bàn bạc, nhiều kiến thức, kinh nghiệm cần tích luỹ, làm giàu. Trước những đòi hỏi của công nghệ số, thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0… lối sống truyền thống của người nông dân dù có nhiều điểm tốt, đáng quý vẫn cần  có những thay đổi kịp thời để thích ứng. Cha ông ta xưa cũng không bảo thủ đến mức khép kín thì không có lý do gì mà người nông dân thời 4.0 lại “đóng cửa” tự thỏa mãn với những gì ta có trước đây. Bà con cần phải năng động, cởi mở đổi mới từ trong nếp nghĩ, lối sống. Làm tốt điều này thì trong tương lai không xa, người nông dân sẽ dần làm chủ để quyết định những vấn đề mới mẻ, thiết thực làm giàu trên chính mảnh đất của mình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển bền vững.

 

Phong trào xây dựng NTM đã diễn ra sôi nổi ở khắp các địa phương trên cả nước

 

TRẦN VĂN QUANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 477, tháng 10-2021

 

 

;