Nghệ An nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Một góc nông thôn mới xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu, Nghệ An
 

Tỉnh Nghệ An có 21 huyện, thành phố, thị xã, 420 xã thị trấn trong đó có 10 huyện miền núi, với hơn 3 triệu người dân trên địa bàn. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các đoàn thể trong khối Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan báo chí trong tỉnh tổ chức tuyên truyền và phát động rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân để mọi người hiểu đúng đắn về mục tiêu, ý nghĩa xây dựng NTM. Các xã, thôn xóm mở nhiều cuộc họp ở khu dân cư để nhân dân đóng góp ý kiến, hiến kế xây dựng NTM sao cho có hiệu quả. Qua thảo luận, cán bộ và nhân dân hiểu đúng đắn về xây dựng NTM là do chính bà con làm và thụ hưởng, sự hỗ trợ của Nhà nước chỉ là đòn bẩy. Ai cũng nêu quyết tâm xây dựng Nghệ An ngày một ấm no, giàu mạnh, văn minh, xứng với quê hương của Bác Hồ, vùng quê địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng.

Gương mẫu đi đầu trong xây dựng NTM ở Nghệ An là hội viên các hội Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và Cựu chiến binh. Toàn tỉnh có 500.000 hội viên nông dân, các hội viên hầu hết đều năng động phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phối hợp nhịp nhàng với các Ban quản lý HTX nông nghiệp hoàn thành nhanh gọn tiêu chí số 13 NTM về tổ chức sản xuất ở khu dân cư, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Ban Giám đốc công an Nghệ An chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự, công an các huyện tăng cường giúp cơ sở huấn luyện quân sự, giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ bình yên cho nhân dân, nhanh chóng hoàn thành tiêu chí số 19 về xây dựng NTM. Từ những phong trào này, đã giúp cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ thành quả cách mạng trong sinh hoạt hằng ngày cũng như trong sản xuất, góp phần xây dựng môi trường nông thôn trong lành.

Điểm nổi bật ở Nghệ An là các đoàn thể trong khối Mặt trận ở huyện, thành thị chủ động đảm nhận thực hiện những tiêu chí trong xây dựng NTM. Ví dụ như Hội Nông dân phối hợp các cơ quan dịch vụ nông nghiệp đảm nhận chuyển dịch kinh tế, bố trí cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa. Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên đảm nhận làm giao thông nông thôn, làm thủy lợi nội đồng, xây dựng Nhà văn hóa, bãi rác thải tập trung, khu vui chơi giải trí. Đảng viên trẻ ở nông thôn đi đầu trong xây dựng mô hình cánh đồng cho thu nhập cao. Các cơ quan dịch vụ nông nghiệp cùng với Ban quản lý các HTX tập trung vào dồn điền đổi thửa, xây dựng vùng đồng lúa, trồng màu chuyên canh. Tỉnh, huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo tất cả các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn giải ngân cho hộ nghèo, gia đình chính sách vay vốn đầu tư vào sản xuất, phát triển thương mại dịch vụ, làm kinh tế trang trại theo mô hình VACR. Các xã dọc quốc lộ, tỉnh lộ dành mỗi nơi từ 4 - 6ha đất để xây dựng trung tâm thương mại, chợ nông thôn, chuyển 50% số lao động thuần nông sang làm thương mại, dịch vụ, đào tạo nghề cho thanh niên, vận động bà con trong họ hùn vốn cho con em đi xuất khẩu lao động, làm việc ở các khu chế xuất, khu công nghiệp. Các huyện tiếp cận nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung ương và tỉnh, cùng với kêu gọi các nhà đầu tư, con em làm ăn xa đầu tư xây dựng nhà máy, khu công nghiệp, các công trình phục vụ sản xuất vào đời sống dân sinh, có chính sách thông thoáng về giải phóng mặt bằng, sử dụng đất lâu dài, hỗ trợ kinh phí để khảo sát, quy hoạch các công trình. Bằng cách làm này, hai huyện Yên Thành, Diễn Châu đã có hàng chục nhà đầu tư, con em trong huyện hướng về quê hương đầu tư xây dựng nhà máy, khu công nghiệp nhỏ, trung tâm thương mại. Đến năm 2020, huyện Diễn Châu đã có 35 doanh nghiệp và con em trong huyện làm ăn xa đầu tư hơn 4500 tỷ đồng xây dựng nhà máy may công nghiệp, nhà máy giày da, siêu thị, trung tâm thương mại. Chỉ tính riêng tập đoàn Mường Thanh đã đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng xây dựng khu du lịch sinh thái rộng hơn 300 ha ở Diễn Lâm, siêu thị Phủ Diễn ở thị trấn Diễn Châu, bệnh viện đa khoa Phủ Diễn, trường THPT Nguyễn Du ở xã Diễn Yên. Còn ở huyện Yên Thành có hai doanh nghiệp nước ngoài đầu tư hàng chục nghìn đô la xây dựng nhà máy may công nghiệp ở thị trấn Yên Thành và nhà máy trồng chuối xuất khẩu ở xã Viên Thành, tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động. Với tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, bình quân mỗi năm, các huyện đầu tư từ 300 tỷ đồng đến 550 tỷ đồng/ huyện để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, cầu cống, đê sông, đê biển, hồ đập và các trạm bơm điện, trường học, trạm y tế. Đến nay, hầu hết các huyện đồng bằng ven biển, thành phố Vinh, huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương, thị xã Cửa Lò, Hoàng Mai, Thái Hòa đã xây dựng được 3 công trình cao tầng là trụ sở làm việc của xã, trường học, trạm y tế xã, phường. 100% số xã vùng đồng bằng, các thị xã, thành phố huyện Nam Đàn, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương hoàn thành các tiêu chí về tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân, xây dựng Nhà văn hóa, sân vận động đạt chuẩn, mỗi xã có từ 10 - 20km đường nhựa nối từ trung tâm xã đến các xóm và các trục quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua địa bàn. Các huyện rẻo cao như Quế Phong, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Tương Dương... xây dựng đường biên giới an toàn hữu nghị rộng rãi, phong quang. Hoàn thành việc giao đất, giao rừng cho dân sử dụng lâu dài, mỗi huyện xây dựng được từ 100 - 150 trang trại, gia trại, cho thu nhập từ 80 đến 150 triệu đồng/trại/năm. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 02 và Chỉ thị 08 của tỉnh Nghệ An về đẩy mạnh làm giao thông thủy lợi và dồn điền đổi thửa, đến nay, 100% số huyện, thị đã hoàn thành dồn điền đổi thửa tổng diện tích đất sản xuất hơn 200.000 ha, trong đó diện tích lúa xuân 94.000ha, diện tích trồng các loại cây màu có 35.000 ha, diện tích lạc có 18.000 ha. Đó là chưa kể 35.000 ha mía và hàng nghìn ha chè công nghiệp ở các huyện Tân Kỳ, Thanh Chương, Anh Sơn. Từ một tỉnh thiếu lương thực, nhờ chuyển đổi mùa vụ, bố trí công trồng theo hướng hàng hóa, bà con nông dân được đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học, Nghệ An đã làm nên những mùa vàng ấm no. Tổng sản lượng thực và nông sản đạt mỗi năm hơn 1,2 triệu tấn, đảm bảo an ninh lương thực và còn dư thừa để phát triển chăn nuôi.

Những hoạt động trên của các đoàn thể, chính quyền địa phương được toàn thể nhân dân đồng tình ủng hộ. Bình quân mỗi hộ dân đóng góp từ 80 -100 ngày công, từ 3 -  5 triệu đồng để dồn điền đổi thửa, làm đường giao thông nông thôn, xây dựng Nhà văn hóa, bãi rác thải tập trung. Trong số hơn 290 xã đạt chuẩn NTM thì bình quân mỗi xã đầu tư từ 250 - 300 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó nhân dân đóng góp 50%. Tính đến đầu năm 2018, người dân trong tỉnh đã hiến 5.980.682 m2 đất, góp hơn 8 triệu ngày công, cùng với hàng chục tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng NTM. Tiêu biểu như nhân dân huyện Diễn Châu hiến 400 ha đất, 3 triệu ngày công, hơn 10 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Ông Nguyễn Văn Tài ở xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu hiến 170 m2 đất,  giá trị hàng tỷ đồng. Tỉnh dự kiến nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM mỗi năm ở Nghệ An ước đạt từ 1.200 đến 1.500 tỷ đồng từ ngân hàng Trung ương phân bổ, ngân sách tỉnh và huy động những nguồn vốn hợp pháp khác. Về đầu tư nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 100% số huyện, thành phố, thị xã xây dựng  được nhà máy, trạm cấp nước và tôn tạo nâng cấp hơn 1.200 hồ nước, đập nước phục vụ nước sạch cho nông dân. Các chi nhánh ngân hàng còn giải ngân cho hộ nghèo vay vốn xây dựng bể đựng nước mưa và 3 công trình vệ sinh đúng quy cách. Đến nay, toàn tỉnh có 90% số hộ được sử dụng nước sạch và 100% số hộ có điện thắp sáng. Ngoài ra, tỉnh triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án vệ sinh môi trường nông thôn và ứng phó với biến đổi khí hậu, cái thiện môi trường sống cho người dân. Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong 2 năm qua, toàn tỉnh có hơn 40/50 sản phẩm đăng ký ban đầu đạt từ 3 - 5 sao. Đời sống của nhân dân được nâng cao với mức thu nhập bình quân từ 35 - 40 triệu đồng đối với miền núi, từ 46 triệu đồng đến 55 triệu đồng đối với các huyện đồng bằng, thành phố, thị xã.

Được biết, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Nghệ An phấn đấu đến năm 2024, công nhận thêm hai huyện Diễn Châu, Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò đạt chuẩn NTM, với 19/19 tiêu chí. Niềm vui nữa là sau hơn 10 năm xây dựng NTM (từ năm 2011 - 2020), Nghệ An đã có hơn 290/420 xã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM, có 4 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt huyện, thành, thị NTM là thành phố Vinh, huyện Nam Đàn, huyện Yên Thành và thị xã Thái Hòa. Theo đó, Nghệ An phấn đấu hoàn thành các tiêu chí hộ dân cư về dùng nước sạch đạt tỷ lệ 99%. Bình quân mỗi huyện, thị xã mỗi năm giải quyết việc làm cho từ 2.500 đến 4.500 lao động, tuổi từ 18 đến 60 với mức thu nhập đạt từ 46 - 60 triệu đồng người/năm/. Tỷ lệ bao phủ như bảo hiểm y tế trên 90%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1% đối với các huyện đồng bằng, các thị xã; từ 2 - 3% đối với 10 huyện miền núi, trong đó có 4 huyện giáp với biên giới nước bạn Lào. Tỉnh tiếp tục và nâng cao chất lượng các xã huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn và triển khai thực hiện xã NTM nâng cao, kiểu mẫu, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng nông thôn, phấn đấu năm 2025, có hơn 150 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

 

LÊ HOÀI THUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 480, tháng 11-2021

 

;