Nhiếp ảnh Việt Nam: Đoàn kết, đổi mới, phát huy truyền thống 70 năm xây dựng và phát triển

Chiều 15-3, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp với Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953-15/3/2023) và trao giải thưởng nhiếp ảnh xuất sắc năm 2022. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.

Các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm

Cùng tham dự có các đại biểu: Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng; Phó Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc; nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Lê Doãn Hợp; Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương Nguyễn Thế Kỷ; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội Đặng Xuân Phương; Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ly; Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam Đỗ Hồng Quân; cùng đại diện lãnh đạo các Hội nghề nghiệp, chuyên ngành, các nghệ sĩ nhiếp ảnh đạt giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước; các nhà nhiếp ảnh đã từng tham gia kháng chiến chống Mỹ vùng Tây Nam bộ và các hội viên Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu diễn văn tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông cho biết, nền nghệ thuật Nhiếp ảnh Việt Nam bắt nguồn từ các Hội Ái hữu Nhiếp ảnh ở Hà Nội, Sài Gòn những năm 1937-1938, và phát triển mạnh mẽ trong cách mạng Tháng Tám, toàn quốc kháng chiến, rồi phát triển rực rỡ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Các bức ảnh tiêu biểu của Nhiếp ảnh Việt Nam trong giai đoạn này hầu hết là đề tài chiến tranh và cách mạng. Rất nhiều tác phẩm ảnh quý trở thành tư liệu vô giá, là di sản, là bằng chứng lịch sử, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trước những kẻ thù tàn bạo. Trong số đó, tiêu biểu là các tác phẩm ảnh đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước.

Cho đến hôm nay, bao nhiêu năm đã trôi qua, vẫn nguyên vẹn trong mỗi chúng ta những hình ảnh: Đạo quân xông lên đánh chiếm Bắc bộ phủ tháng 8/1945; Cây gậy trong tay người chiến sĩ Thành đồng Tổ quốc; Những chiến sĩ xung phong đạp qua xác giặc ở trận Phố Ràng; Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các chiến sĩ ở mặt trận Đông Khê; Bộ đội kéo pháo ở Điện Biên Phủ… Đó là những dấu mốc lịch sử, là những hình ảnh chân thực, mộc mạc mà mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Trải qua hai cuộc kháng chiến, người chiến sĩ Việt Nam đối mặt với kẻ thù cả trên không, mặt đất và trên biển. Tác phẩm Nhằm thẳng quân thù mà bắn của Nguyễn Hân; tác phẩm Tải đạn ra chiến trường - Lê Chí Hải… đã ghi lại tư thế dũng cảm, thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của người chiến sĩ.

Trên những nẻo đường hành quân, những đoàn quân trập trùng ra trận, những đoàn xe vượt qua trọng điểm đã để lại những hình ảnh đáng nhớ như phóng sự ảnh Đường ra tiền tuyến - Nguyễn Đình Ưu, Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước - Minh Trường, Chống lầy - Lương Nghĩa Dũng, Mười hai cô gái Ngã ba Đồng Lộc - Văn Sắc, Cầu người - Văn Thính… và rất nhiều, rất nhiều tác phẩm khác không thể kể hết của nhiều tác giả như Lâm Hồng Long, Nguyễn Bá Khoản, Nguyễn Tiến Lợi, Triệu Đại, Vũ Ba, Trịnh Hải, Chu Chí Thành, Lâm Tấn Tài, Nguyễn Đặng, Minh Lộc, Nguyễn Đức Chính… đã đưa đến cho chúng ta những cảm giác sống động, hào hùng, quyết liệt, vừa thân thương vừa ấm áp và rất đỗi tự hào về những người chiến sĩ trong công cuộc giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, đó là tiêu điểm sáng chói mà các nhà nhiếp ảnh Việt Nam đã ghi lại được, viết lên một thời oanh liệt, gian khổ và hy sinh của Nhân dân ta để đổi lấy độc lập, tự do cho dân tộc...

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông phát biểu diễn văn khai mạc tại Lễ kỷ niệm

“Những tác phẩm nhiếp ảnh của các nghệ sĩ, nhà nhiếp ảnh chụp trong giai đoạn này để lại mãi mãi về sau một bộ tư liệu ảnh khổng lồ quý báu. Đây là những hình ảnh cao đẹp, là di sản vô giá của đất nước. Tên tuổi các anh, lớp nghệ sĩ nhiếp ảnh đi trước đã làm rạng danh nền Nhiếp ảnh Việt Nam”- Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông nhấn mạnh.

Sau ngày đất nước thống nhất, lực lượng nhiếp ảnh cách mạng hai miền đã phát huy những thành tựu đạt được, hướng vào tình cảm thống nhất dân tộc, tập hợp đội ngũ, đoàn kết rộng rãi anh chị em nhiếp ảnh ở mọi vùng miền, nhất là các vùng mới giải phóng với nguyện vọng cùng nhau làm nghề và sáng tác ảnh, xây dựng phong trào nhiếp ảnh phát triển mạnh mẽ hơn.

Bước sang giai đoạn mới, giai đoạn phát triển kinh tế, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đổi mới và hội nhập, tất cả mọi người, mọi ngành phải phấn đấu rất cao mới có thể thoát khỏi tụt hậu. Dưới ánh sáng Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết 23/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển Văn học Nghệ thuật trong thời kỳ mới; Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đã chắp cánh tư duy mới cho giới văn nghệ sĩ, trong đó có nhiếp ảnh. Đặc biệt là tại Hội nghị văn hóa toàn quốc cuối năm 2021 dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã tạo ra cho giới văn học nghệ thuật nhiều cơ hội lớn, nhưng cũng đặt ra những yêu cầu mới, rằng văn học, nghệ thuật phải đồng hành cùng sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước để có nhiều tác phẩm đỉnh cao.

Cùng với sự phát triển của đất nước trong đổi mới và hội nhập quốc tế, các nghệ sĩ nhiếp ảnh, các nhà nhiếp ảnh, các phóng viên ảnh, các nhà báo ảnh và những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh càng có nhiều cơ hội, điều kiện để thực hiện niềm đam mê của mình. Sân chơi nghệ thuật nhiều hơn, quần chúng yêu thích nhiếp ảnh đông hơn, quy mô lớn hơn và tính chuyên nghiệp cao hơn. Định hướng sáng tác xuyên suốt, nhiếp ảnh phải phản ánh trung thực cuộc sống của nhân dân trong lao động, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; phải mang hơi thở của đời sống xã hội, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, có trách nhiệm với công chúng, với xã hội và đất nước. Mỗi bức ảnh phải là một thông điệp có giá trị “Chân - Thiện - Mỹ” gửi đến người xem để góp phần xây dựng giá trị văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập…

Toàn cảnh buổi lễ kỷ niệm

Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cùng các ngành, các cấp đã thường xuyên tổ chức các cuộc thi, các cuộc triển lãm ảnh, trong đó đầu tiên phải nói đến là đã tổ chức thành công gần 40 cuộc thi và triển lãm ảnh cấp quốc gia. Từ năm 1986 đến nay, Liên hoan ảnh ở 8 khu vực được duy trì thường xuyên, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, thiết thực trong việc đưa văn hóa về cơ sở. Ngoài ra, bình quân hằng năm đã có từ 40-70 cuộc thi và triển lãm cấp tỉnh, thành phố, triển lãm ảnh cá nhân, nhóm tác giả.

Cùng với hoạt động sáng tác và triển lãm trong nước, Nhiếp ảnh Việt Nam đã tích cực, chủ động vươn xa, hội nhập với Nhiếp ảnh thế giới. Năm 1991, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã trở thành thành viên của Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế (FIAP), một tổ chức có uy tín của các nhà nhiếp ảnh trên thế giới. Có thể nói, đây là giai đoạn hội nhập rõ nét nhất trong tiến trình phát triển của Nhiếp ảnh Việt Nam từ trước đến nay. Năm 1996, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã tổ chức cuộc thi và triển lãm ảnh quốc tế đầu tiên, và kế tiếp sau đó triển lãm ảnh quốc tế đã được tổ chức thường niên tại Việt Nam hai năm một lần...

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho biết, với 70 năm phát triển, đội ngũ nhiếp ảnh Việt Nam đã phát triển vượt bậc. Phát huy truyền thống của Đoàn Nhiếp ảnh thuộc Hội Văn nghệ Việt Nam ở chiến khu Việt Bắc (1949), đến nay Hội đã có hơn 1.000 hội viên, với các thế hệ cầm máy, sinh hoạt ở hầu hết khắp các tỉnh thành trong cả nước; hàng chục ngàn nhà nhiếp ảnh không chuyên, người yêu ảnh hoạt động trong hàng trăm câu lạc bộ ảnh trên cả nước. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động sáng tác nhiếp ảnh của nước ta hiện nay.

Cùng 79 Chi hội Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, ở các địa phương còn có các Hội Nhiếp ảnh, các phân hội Nhiếp ảnh thuộc Hội Văn học Nghệ thuật các tỉnh, thành phố cùng một hệ thống câu lạc bộ nhiếp ảnh ở các địa phương… Đó là một lực lượng sáng tác ảnh với hàng ngàn người, thường xuyên có mặt trong các hoạt động nhiếp ảnh từ địa phương, khu vực, quốc gia, quốc tế, trong các sự kiện lớn nhỏ của đất nước. Đây thực sự là lực lượng sáng tạo, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần, góp phần sôi động các hoạt động của văn học nghệ thuật địa phương và cả nước; Trình độ của các nhà nhiếp ảnh cũng ngày được nâng cao. Từ năm 2001, Khoa Nhiếp ảnh ở Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đã chuyển lên đào tạo ở bậc Đại học, từ đó bổ sung vào đội ngũ  nhiếp ảnh những người có trình độ học vấn chuyên ngành ngang tầm với các chuyên ngành nghệ thuật khác.

Đến nay, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã có Trung tâm lưu trữ và Triển lãm ảnh Nghệ thuật Việt Nam tại Hà Nội. Đây là sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước với nhiếp ảnh, đáp ứng niềm mong mỏi của các thế hệ nhiếp ảnh Việt Nam. Hiện nay, Hội đang tiến hành xây dựng đề án để biến nơi đây thành Không gian sáng tạo và chuyển đổi số tác phẩm nhiếp ảnh Việt Nam. Khi hoàn thành, Trung tâm sẽ có các chức năng: Không gian trải nghiệm, sáng tạo; Trung tâm lưu trữ và khai thác dữ liệu số; Bảo tàng, triển lãm nhiếp ảnh công nghệ số; Trung tâm đào tạo trực tuyến và Tổ chức sự kiện, giao lưu hợp tác quốc tế về nhiếp ảnh. Không gian chuyển đổi số này sẽ được thiết kế mở, sáng tạo, hấp dẫn theo tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới về lĩnh vực nhiếp ảnh…

“70 năm một chặng đường, vị trí của nhiếp ảnh Việt Nam đã từng bước được nâng cao và có vị thế trong đời sống xã hội; nhiếp ảnh thực sự đã có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Với những thành tích đó, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì; 45 Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, nhà nhiếp ảnh được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước, đã có 5 nhà nhiếp ảnh Việt Nam vinh dự được nhà nước đặt tên đường. Những kết quả trên là minh chứng rất sinh động cho thấy 70 năm qua, nhiếp ảnh Việt Nam đã có những bước tiến dài. Vị thế của Nhiếp ảnh Việt Nam trên thế giới đã được nâng cao. Tuy vẫn còn những vấn đề bất cập, nhưng chặng đường đi qua của Nhiếp ảnh Việt Nam thật đáng tự hào” - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông nhấn mạnh.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: "Nhiếp ảnh phải mang hơi thở của đời sống xã hội, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, có trách nhiệm với công chúng và những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh"

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, có thể nói rằng, nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam đã tạo nên một pho sử bằng ảnh vô cùng quý giá về đất nước, con người Việt Nam trong chiến đấu, trong lao động sản xuất; góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam trong xã hội và ra toàn thế giới.

Mỗi giai đoạn, mỗi thời khắc quan trọng của đất nước, của dân tộc đều có sự song hành của các nghệ sĩ nhiếp ảnh, các nhà nhiếp ảnh. Đặc biệt là các thế hệ nhiếp ảnh kháng chiến - những nhân chứng lịch sử đã trực tiếp cầm máy ảnh ra trận như các chiến sĩ cầm súng chiến đấu trên chiến trường để ghi lại những hình ảnh hùng tráng của quân và dân ta, tất cả vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Trong kháng chiến ác liệt, gian khổ, thiếu thốn máy móc, hóa chất, phim, giấy ảnh... các nhà nhiếp ảnh vẫn chụp, in phóng được nhiều bức ảnh quý. Nhiều nghệ sĩ, chiến sĩ nhiếp ảnh đã hy sinh trên các chiến trường, tô thắm thêm lá cờ đỏ sao vàng và để lại những tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị, sống mãi với thời gian.

“Những thành tựu của nhiếp ảnh đã góp phần làm phong phú cho hoạt động văn học, nghệ thuật, là bằng chứng sinh động và chân thực cho lòng yêu nước, ý chí quật cường, tinh thần quả cảm, quyết tâm chiến đấu đến cùng, không ngại gian khổ, hy sinh, vì độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân” – Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Với đặc trưng và thế mạnh là tính chân thực, tính tư liệu và giàu cảm xúc, dễ tiếp cận, dễ thuyết phục với mọi đối tượng và mọi tầng lớp nhân dân, nhiếp ảnh được xem là “ngôn ngữ không biên giới”. Chỉ một khoảnh khắc nhưng nhiều bức ảnh đã ghi lại những thời khắc lịch sử quan trọng, đầy thuyết phục và đáng tự hào của dân tộc ta, làm lay động hàng triệu trái tim người Việt Nam và bạn bè trên thế giới, góp phần vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng quê hương. Các tác phẩm nhiếp ảnh tiêu biểu có giá trị trường tồn và mãi mãi là di sản của dân tộc Việt Nam.

Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam nhận Cờ của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam do Chủ tịch Đỗ Hồng Quân trao tặng

Những năm gần đây, nhiếp ảnh Việt Nam đã có bước phát triển mới với nhiều khởi sắc, nhiều khuynh hướng sáng tạo, hình thành một bức tranh đa dạng, phong phú về một chuyên ngành nghệ thuật độc đáo, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị, nâng cao nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân và là một nhịp cầu nối Việt Nam với thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Bên cạnh các tác giả lão thành, đội ngũ nhiếp ảnh hôm nay đã xuất hiện một thế hệ nhiếp ảnh trẻ nhanh nhạy, năng động với nhiều tìm tòi, sáng tạo thể hiện tư duy tươi mới. Đặc biệt, với sự góp mặt đông đảo của các tác giả không chuyên, đã nắm bắt từng khoảnh khắc, mọi ngõ ngách của cuộc sống sinh động và khả năng tương tác giữa những người sáng tác, giữa tác giả với cộng đồng đã và đang mở ra thời cơ để nền nhiếp ảnh có những bước phát triển đột phá.

70 năm, một chặng đường dài với biết bao cống hiến, đóng góp nhưng cũng nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh, Nhiếp ảnh Việt Nam đã từng bước trưởng thành, phát triển, tự khẳng định mình qua từng giai đoạn cách mạng của đất nước, đồng hành với cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, xây dựng và phát triển đất nước.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam Trần Thị Thu Đông trao giải thưởng Nhiếp ảnh xuất sắc năm 2022 cho các nghệ sĩ

Nhiếp ảnh Việt Nam rất tự hào khi được Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao bằng các phần thưởng cao quý, đã trao tặng cho Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam; Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 1995, Huân chương Hồ Chí Minh năm 2003 và nhiều danh hiệu cao quý như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trân trọng ghi nhận và chúc mừng những thành tựu, đóng góp quan trọng của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, các nghệ sĩ nhiếp ảnh, trong suốt quá trình phát triển rất đáng tự hào 70 năm qua.

Nhân dịp này, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa gửi lời tri ân đến các gia đình của các liệt sĩ nghệ sĩ nhiếp ảnh, phóng viên ảnh đã anh dũng hy sinh trong công cuộc chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc; cảm ơn những đóng góp của các thế hệ nhiếp ảnh Việt Nam.

“Tôi tin tưởng rằng, tiếp nối truyền thống 70 năm qua, ngành Nhiếp ảnh Việt Nam, mà nòng cốt là Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, với lực lượng hơn 1.000 hội viên, cùng hàng trăm nhà báo, phóng viên ảnh hoạt động trong các cơ quan báo chí truyền thông, hàng ngàn người yêu ảnh đang sinh hoạt trong các câu lạc bộ nhiếp ảnh trên cả nước, sẽ là động lực thúc đẩy nhiếp ảnh tiếp tục có những bước phát triển mới, đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu tham quan triển lãm ảnh

Năm 2023, giới văn nghệ sĩ, trí thức cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân vui mừng kỷ niệm 80 năm ngày Đảng ta ban hành bản Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023). Đây là một văn kiện lịch sử có tầm vóc, phương hướng phát triển và ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đề cương đã vạch ra cho nền văn hóa, văn học nghệ thuật - nền tảng tinh thần của quốc gia - dân tộc theo ba nguyên tắc: dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Năm 2023 cũng là năm chúng ta tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; chuẩn bị cho việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; tổng kết 50 năm văn học, nghệ thuật sau ngày đất nước thống nhất...

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, trong thời gian tới, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, phát huy truyền thống 70 năm nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam, củng cố phong trào, xây dựng hội theo hướng tích cực, hiệu quả, chuyên nghiệp. Hội cần phát huy tốt vai trò của tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp để định hướng sáng tác cho hội viên, nhiếp ảnh phải đi sâu, đi sát với đời sống, phản ánh trung thực cuộc sống của nhân dân trong lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; nhiếp ảnh phải mang hơi thở của đời sống xã hội, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, có trách nhiệm với công chúng và những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh. Mỗi bức ảnh phải là một thông điệp có giá trị Chân - Thiện - Mỹ, góp phần làm phong phú cho đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, tiếp tục phản ánh chân thực, sâu rộng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bám sát các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn học, nghệ thuật. Thời gian tới, hội cần có chương trình hành động cụ thể tập trung thực hiện nghiêm túc kết luận của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, coi đây là một cơ hội, một nhiệm vụ chính trị, một định hướng của sự phát triển chuyên ngành.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, đặc biệt là Bộ VHTTDL thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, các nhà nhiếp ảnh Việt Nam phát triển, tiếp tục cống hiến tài năng cho đất nước.

Chủ tịch Hội Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam Đỗ Hồng Quân phát biểu tại Lễ kỷ niệm

NSNA Chu Chí Thành - đại diện nghệ sĩ nhiếp ảnh qua các thời kỳ phát biểu tại buổi Lễ

Tại buổi lễ, nghệ sĩ Chu Chí Thành - là người với hơn 50 năm làm phóng viên chiến trường, phóng viên Chính trị ngoại giao, cũng như khi phụ trách ảnh của TTXVN và Hội NSNAVN, đồng thời được tiếp cận với lịch sử nhiếp ảnh của Đức, Pháp, Nga, Mỹ, và Trung Quốc, ông chia sẻ "Chúng ta có thể tự hào rằng, Hội NSNAVN, Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ đều phát huy được truyền thống tốt đẹp của nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam. Hàng nghìn hội viên của hai hội, tay máy, tay bút lấy nhiếp ảnh làm phương tiện thông tin, phản ánh hiện thực đất nước đang phát triển. Hội nhà báo Việt Nam với hàng trăm nhà nhiếp ảnh báo chí xuất sắc, tác phẩm của họ thường xuyên phản ánh được các sự kiện quan trọng của cuộc sống. Và chúng ta cần ghi nhớ điều cơ bản này, rằng ảnh báo chí xuất sắc không nằm ngoài nhiếp ảnh nghệ thuật. Còn Hội NSNAVN được Nhà nước giao cho nhiệm vụ chuyên sâu về lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật, thu hút cả những tác giả, tác phẩm ảnh báo chí xuất sắc về Hội để dung lượng và chất lượng nghệ thuật mạnh hơn, chứ không phải đối lập với ảnh báo chí".

Một số tác phẩm nhiếp ảnh tại Triển lãm

NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH

 

;