NHẠC GIAO HƯỞNG LÀ GÌ

 

Thuật ngữ Symphonic music - nhạc giao hưởng, bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp với ý nghĩa là hòa hợp âm hưởng. Nội hàm của nó để chỉ những tác phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng biểu diễn trong một phòng hòa nhạc lớn. Mỗi loại nhạc cụ trong dàn nhạc có một âm sắc riêng. Khi thưởng thức thể loại này, do cách kết hợp, pha trộn nhiều âm sắc của các loại nhạc cụ, người thưởng thức sẽ thấy được sự phong phú muôn màu, muôn vẻ của tác phẩm. Nhạc giao hưởng gồm có các loại: liên khúc giao hưởng (còn gọi là bản giao hưởng), tổ khúc giao hưởng, côngxectô (concerto), uvéctuya (ouverture), thơ giao hưởng, những khúc rapxôđi (rhapsodie) và phăngtedi (fantaisie) giao hưởng...

 Nhạc giao hưởng (symphony) đầu tiên xuất hiện trong nhạc kịch của Alessandro Scarlatti (1660-1725) thuộc trường phái Naples của Ý. Khi đó, giao hưởng là khúc nhạc mở màn cho nhạc kịch với cấu trúc gồm 3 chương tương phản: nhanh - chậm - nhanh (presto - adagio - presto). Tuy nhiên, Joseph Haydn (1732-1809) - nhạc sĩ thiên tài người Áo - mới được coi là cha đẻ ra bản giao hưởng viết cho dàn nhạc biểu diễn độc lập. Trước J.Haydn cũng đã có hình thức sơ khai của thể loại này như các bản concerto grosso Brandenburg của Johann Sebastian Bach (1685-1750) nhạc sĩ vĩ đại người Đức, hay trong các bản giao hưởng dài của các nhạc sĩ ở Mannheim (cháu của J.S. Bach). Những tác phẩm giao hưởng sơ khai này chủ yếu là bản hòa tấu cho các nhạc cụ dây, đôi khi có bổ sung thêm một vài nhạc cụ hơi. Phải đến J.Haydn, những nguyên tắc viết giao hưởng mới được khẳng định. Giao hưởng của ông thường có từ 3 đến 4 chương tương phản sử dụng liên khúc sonata, trong đó có một chương viết ở hình thức sonata.

Chương một thường viết ở nhịp độ nhanh và cấu trúc hình thức sonata nên thường gọi là chương sonata allegro. Đây là chương trung tâm tư tưởng của tác phẩm, với các chủ đề âm nhạc tương phản nhau tạo ra sự kịch tính trong quá trình phát triển.

Chương hai thường tương phản với chương một, có nhịp độ chậm, trữ tình, diễn tả những cảm xúc suy tư, sâu lắng trong thế giới nội tâm của con người.

Chương ba với nhịp độ nhanh, diễn tả những cảm xúc vui tươi, nhảy múa, liên quan đến cảnh trí sinh hoạt, hội hè. Tính vũ khúc được xây dựng từ chất liệu âm nhạc của Mơnuyê (Menuet) - điệu nhảy cung đình Pháp - nên còn gọi là chương Mơnuyê.

Chương bốn (kết) được diễn tấu với nhịp độ rất nhanh, có chức năng tổng hợp và tạo tính thống nhất cho toàn bộ tác phẩm, thường được xây dựng ở hình thức sonata hoặc rondo soanta. Phần lớn chương này, nội dung của nó thường miêu tả những bức tranh ngày hội của quần chúng.

Thông qua các tác phẩm, J.Haydn đã qui định thành phần của dàn nhạc giao hưởng gồm 4 bộ nhạc cụ: bộ dây (violin I, violin II, viola, cello, contrebass, còn gọi là double bass); bộ gỗ (flute, oboe, basson); bộ đồng (french horn, trumpet, thỉnh thoảng trong tác phẩm, ông có sử dụng thêm trombone); bộ gõ: 2 timpani.

Đây là những nhạc cụ chính trong dàn nhạc giao hưởng của J.Haydn. Các nhạc sĩ kế tiếp sau ông đã liên tục bổ sung thêm thành phần nhạc cụ vào dàn nhạc giao hưởng, làm cho dàn nhạc ngày càng thêm phong phú với nhiều âm sắc khác nhau. Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791) bổ sung thêm kèn clarinet vào biên chế dàn nhạc giao hưởng; Ludwig Van Beethoven (1770-1827), đưa trombone thành nhạc cụ chính thức của dàn nhạc giao hưởng. Ngoài ra, có sự thay đổi cơ cấu các chương, như trong bản giao hưởng số 02 của L.V.Beethoven, đã thay chương ba Mơnuyê bằng Skeczô (Scherzo).

Dàn nhạc giao hưởng cũng được phân làm hai loại: dàn nhạc nhỏ và dàn nhac lớn. Căn cứ vào số lượng nhạc cụ hơi tham gia dàn nhạc để người ta bố trí các nhạc cụ khác cho phù hợp. Dàn nhạc một quản, các nhạc cụ hơi mỗi loại chỉ có một cây. J.Haydn và W.A.Mozart thường dùng dàn nhạc giao hưởng nhỏ hai quản, còn L.V.Beethoven hay dùng dàn nhạc giao hưởng lớn từ ba đến bốn quản.

Có thể thấy rằng, TK XVIII, trong lịch sử âm nhạc châu Âu, nghệ thuật giao hưởng được định hình và phát triển mạnh mẽ. J.Haydn đã để lại cho nhân loại hơn một trăm tác phẩm giao hưởng, có thể coi là khuôn mẫu cổ điển để các nhạc sĩ lớp sau kế thừa và phát triển. Trong các tác phẩm giao hưởng của ông, thường toát lên niềm tin vào cuộc sống, những ước mơ khát vọng về một tương lai tươi sáng. Chính vì lẽ đó, hầu hết tác phẩm giao hưởng, ông đều viết ở giọng trưởng, đặc biệt là không có tiêu đề mà chỉ đánh số. Đỉnh cao là 12 bản giao hưởng ông viết cuối đời trong những năm sống ở Luân Đôn (Anh) - gọi là 12 bản giao hưởng Luân Đôn.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 310, tháng 4-2010

Tác giả : Tuệ Minh (sưu tầm)

;