Người lưu truyền những giá trị văn hóa truyền thống

Khi đến thăm làng biển Nhân Nam, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình không ai không biết đến nghệ nhân Phạm Thị Niếu, người suốt bao năm qua đã không ngừng truyền ngọn lửa đam mê đối với các giá trị văn hóa truyền thống đến ngư dân làng biển Lý Nhân Nam.

Mặc dù bộn bề với công việc gia đình nhưng với tình yêu bỏng cháy đối với các làn điệu dân ca, dân vũ của quê hương cùng ước mong khôi phục, phát triển các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống đặc sắc của vùng biển, bà đã khắc phục khó khăn, sắp xếp thời gian hợp lý để tổ chức các buổi sinh hoạt và mở lớp dạy cho các bạn trẻ trong xã thực hành, biểu diễn các bài hò biển, các điệu múa bông, chèo cạn đặc sắc của quê hương. Nghệ nhân Phạm Thị Niếu kể rằng: Thời còn thanh niên, khi tham gia các buổi hội làng, bà bị thu hút bởi tiếng rộn ràng, giục giã của trống chầu và dàn nhạc lễ cũng như sự uyển chuyển, linh hoạt của các loại hình diễn xướng dân gian như hò khoan, chèo cạn… Rồi cứ thế, những âm điệu ấy ngấm dần vào tâm hồn, máu thịt của bà. Từ đó, bà tìm tòi, học và biết chơi những nhạc cụ, học hò, học xướng ca, học múa… và trở thành một trong những hạt nhân văn nghệ tiêu biểu của xã trong những năm tháng chiến tranh, giải phóng quê hương.

Tuy nhiên,  do phải đối mặt với muôn vàn khó khăn của cuộc sống trong công cuộc tái thiết, xây dựng lại quê hương sau chiến tranh nên những hoạt động văn hóa dân gian tại Nhân Trạch thưa dần và gần như mai một. Bà tâm sự: hằng năm trong các dịp hội làng, nội dung biểu diễn các loại hình văn hóa dân gian không còn được thực hiện phong phú, đều đặn như trước nữa. Vì vậy, cũng chẳng còn mấy người biết chơi các bài nhạc lễ truyền thống. Các điệu hò biển, điệu chèo cạn, múa bông chỉ còn lại trong ký ức một vài người lớn tuổi như bà. Với tình yêu mãnh liệt đối với văn hóa quê hương, bà trăn trở và quyết tâm bằng mọi giá khôi phục lại vốn văn hóa truyền thống của làng xã mình. Ban đầu, việc khôi phục lại các hoạt động sinh hoạt văn hóa làng biển gặp rất nhiều khó khăn, bởi vì cuộc sống đang quá vất vả, mọi người còn phải bôn ba kiếm sống nên không mấy ai ủng hộ bà trong công cuộc phục sinh lại các giá trị tinh thần của làng biển. Nhưng với sự thúc giục của tiếng trống chầu, bà đã vừa làm kinh tế xây dựng gia đình vừa vận động các bà, các ông cùng lứa tuổi có am hiểu về các loại hình văn hóa dân gian của quê hương để tập luyện lại những bài nhạc, điệu múa đặc trưng của miền biển Nhân Trạch.

Với lòng nhiệt thành, sự đam mê bỏng cháy các giá trị văn hóa quê hương, bà đã từng bước khôi phục lại các loại nghệ thuật dân gian truyền thống trên quê hương Nhân Trạch. Từ hạt nhân ban đầu là “Đội văn nghệ Mệ Niếu” theo cách gọi của người dân làng biển Nhân Trạch  với gần 20 thành viên vừa chơi nhạc, vừa hò, xướng và cả múa bông đến nay đã thu hút được hàng trăm người bao gồm mọi lứa tuổi tham gia vào các hoạt động văn hóa truyền thống tại Nhân Trạch. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và UBND huyện Bố Trạch, Câu lạc bộ văn hóa dân gian xã Nhân Trạch đã ra đời do nghệ nhân Phạm Thị Niếu làm Chủ nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu truyền và phát triển các loại hình văn hóa dân gian cũng như góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Việc truyền dạy lại cho thanh, thiếu niên trong trong vùng cách sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống trong dàn nhạc lễ, các điệu hò, điệu múa dân gian của quê hương mình được bà chú trọng. Vào mùa hè, khi các em học sinh được nghỉ học, bà lại mở các lớp truyền dạy các làn điệu hò biển cho các em. Bà được ví như người thắp lửa đam mê và dìu dắt lớp lớp thanh niên gắn bó, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.

Bên cạnh việc tổ chức sinh hoạt và truyền dạy các loại hình văn hóa dân gian, nghệ nhân Phạm Thị Niếu còn rất hăng hái trong mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương. Bà là gương mặt không thể thiếu và là niềm tự hào của người dân làng biển Nhân Trạch mỗi dịp giao lưu văn hóa truyền thống trong và ngoài huyện.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, bà đã được tặng thưởng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Đó là phần thưởng cao quý nhưng cũng là động lực thúc đẩy bà cố gắng hơn nữa trong việc bảo vệ và phát triển văn hóa truyền thống của quê hương. Tin tưởng rằng với nhiệt huyết và tình yêu cháy bỏng đối với các giá trị văn hóa dân gian, nghệ nhân  Phạm Thị Niếu sẽ tiếp tục cống hiến, góp phần lan tỏa bản sắc văn hóa độc đáo của quê hương mình cho các thế hệ  miền biển Nhân Trạch.

 

LÊ HỮU LỢI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 480, tháng 11-2021

 

;