Nghị lực của một người khuyết tật

Không may bị bại liệt một chân từ nhỏ, chịu thiệt thòi hơn những người bình thường khác. Vậy nhưng chưa bao giờ anh Hoàng Xuân Thứ (53 tuổi trú tại tổ 5, thị xã Hương Trà-Thừa Thiên Huế) mất đi nghị lực vươn lên làm chủ số phận, để sống từng ngày hạnh phúc và ý nghĩa.

Anh Hoàng Xuân Thứ với những tấm huy chương

Đứng vững trên đôi chân của chính mình

Từ lúc còn nhỏ, anh Thứ không may bị bại liệt một chân. Nhưng điều đó càng khiến anh mong muốn mãnh liệt tự đứng vững trên đôi chân của chính mình. Anh Thứ cho biết, thưở bé anh đã đam mê môn cờ vua và anh tự mày mò chơi sau giờ học.

Anh chơi cờ vua với niềm đam mê, tự tìm tòi trên sách báo, Internet với những thế cờ hay chứ không được đào tạo bài bản với huấn luyện viên chuyên nghiệp.

Đầu tháng 7/2016, anh được Hội Người khuyết tật tỉnh Thừa Thiên Huế đăng ký tham gia đoàn vận động viên (VĐV) gồm 17 người tham gia thi đấu các bộ môn: bóng bàn, cầu lông, bơi lội, điền kinh, ném lao và cờ vua tại giải Vô địch trẻ và giải Vô địch thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2016. Anh Thứ tâm sự: “Lần đầu tiên tham gia thi đấu giải toàn quốc, tôi  như “từ ao làng ra sông lớn”. Qua thi đấu, tôi được tiếp xúc và hòa nhập với cộng đồng, hiểu nhau hơn về những người đồng tật.

Đặc biệt, tôi được tiếp xúc và thi đấu với các VĐV có tên tuổi, đẳng cấp quốc gia, quốc tế trong làng cờ vua người khuyết tật nước nhà. Qua đó, tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm trong thi đấu và phấn đấu tích cực rèn luyện để tham gia các giải những năm sau”. Tại giải này, anh Thứ cùng một đồng đội đã xuất sắc góp vào thành tích chung cho Đoàn vận động viên người khuyết tật tỉnh Thừa Thiên Huế khi giành Huy chương Đồng hạng thương tật nội dung Đồng đội nam cờ nhanh và Huy chương Đồng đồng đội nam hạng thương tật nội dung cờ tiêu chuẩn.

Anh Thứ tâm sự, trong thời gian tới,  anh sẽ mở một lớp đào tạo bộ môn cờ vua cho các cháu từ 5 đến 10 tuổi trên địa bàn. Đây cũng là nguồn bổ sung VĐV cho ngành GD&ĐT thị xã Hương Trà. Tuy nhiên, anh cũng mong muốn Hội Người khuyết tật thị xã, tỉnh hay Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ kinh phí mua đồng hồ bấm giờ thi đấu và vài bộ cờ để anh mở lớp.

Tư chất thông minh và sự cần cù, nỗ lực khiến anh học tốt nhiều môn, trong đó nổi trội nhất là Toán, Vật lý, Hóa học. Ngay từ khi còn là học sinh cấp II, cấp III nhiều bạn cùng lớp đã nhờ Thứ giảng giải cho những bài Toán khó. “Các bạn tin tưởng và yêu mến mới nhờ, nên mình sẵn lòng giúp. Truyền đạt lại kiến thức học được cho người khác cũng là đam mê của mình”, anh chia sẻ. Nhưng cái chân bị liệt đã làm trở ngại niềm đam mê của cậu học trò. Tốt nghiệp cấp III nhưng không đủ điều kiện sức khỏe để thi vào các trường đại học, cao đẳng…, anh Thứ tìm cho mình một con đường khác, đi đến ước mơ. Tin vào kiến thức, khả năng của mình, anh nhận dạy môn Toán ngay tại nhà cho học sinh nào muốn học thêm. Ban đầu là học sinh trong làng đến học và luyện môn Toán. Trong mỗi khóa luyện, nhiều em đỗ vào trường THPT chuyên Quốc học, đỗ Đại học… Tiếng lành đồn xa, từ đó, học sinh các làng lân cận, các xã khác ở huyện (nay là thị xã) Hương Trà và học sinh ở địa phương khác như Phong Điền, Quảng Điền cũng tìm đến nhà anh học thêm và luyện thi. Mấy chục năm nay, chưa bao giờ nhà anh vắng học trò. Lúc nào cũng có trên dưới 30 em theo học. “Tôi cũng từng là một học trò của anh ấy, cảm phục kiến thức, nghị lực và tình cảm của anh. Anh truyền đạt dễ hiểu, lại thương học trò. Em nào chưa hiểu, anh kiên nhẫn và nhẹ nhàng giảng cho đến lúc hiểu mới thôi. Anh dù bị liệt một chân nhưng bơi rất giỏi. Con sông Bồ ngay sau hè nhà là nơi anh từng tận tình dạy cho rất nhiều em bơi lội, hy vọng các em nâng cao kỹ năng sống. Vì thế, sau khi đã trưởng thành, dù là bác sĩ, kỹ sư hay công nhân, dù làm ăn sinh sống bất cứ ở đâu xa, ngày 20/11 và ngày Tết, rất nhiều học trò vẫn không quên gọi điện hoặc về thăm thầy”. Ánh mắt chị Tám – vợ anh Thứ rạng ngời khi kể về chồng.

Anh Hoàng Xuân Thứ dạy cô con gái môn Tin học

Nắm hạnh phúc

Cũng vì cảm phục, chị Tám - một điều dưỡng Trạm y tế phường Tứ Hạ yêu mến anh Thứ lúc nào chẳng hay. Nhưng là con gái nên chị giữ kín tình cảm ấy trong lòng. Lấy xong tấm bằng Nữ hộ sinh, ra đi làm nhiều năm, chị vẫn âm thầm dõi theo bước anh đi. Không chỉ thường xuyên mua sách về nghiên cứu, anh lên mạng để học Toán, học ngoại ngữ (tiếng Anh). Nhiều học trò học Toán còn tranh thủ mang bài tập tiếng Anh đến nhờ thầy kèm giúp. Anh đang học thêm để sắp tới thi Toeic. Không chỉ vậy, anh học cả sửa chữa đồ điện tử, nghiên cứu cách trồng, ghép, chăm sóc nhân giống các loại hoa. Vườn nhà anh lúc nào cũng có hoa khoe sắc, thông điệp của niềm lạc quan, yêu cuộc sống.

Có lẽ mải mê với công việc, với học hỏi, anh Thứ quên mất việc đi tìm “một nửa”. Khi anh đã ngoài bốn mươi và chị Tám ngoài ba mươi, cả hai nhận ra người này là một nửa của người kia. Đám cưới diễn ra trong sự vui mừng, chúc phúc của hai bên gia đình, bạn bè và rất nhiều học trò cũ của anh Thứ. Hai cô công chúa, kháu khỉnh lần lượt ra đời, ngôi nhà của họ càng đầy ắp hạnh phúc. Rất ngại nói về mình, nhưng khi nhắc đến vợ, anh Thứ cười thật rạng rỡ: “Cô ấy có một tâm hồn thật đáng quý. Khi mẹ tôi bị tai biến phải nằm một chỗ, cô ấy cùng tôi chăm sóc mẹ với tình cảm dịu dàng, đầy yêu thương. Nhờ vậy bây giờ mẹ tôi đã nhúc nhắc ngồi dậy được. Cô ấy là hạnh phúc của tôi”. Còn chị Tám lại một mực bảo mình may mắn mới có được người chồng đầy nghị lực, làm trụ cột vững chắc cho gia đình. Nghị lực sống của anh còn truyền cảm hứng cho nhiều người khác vươn lên trong cuộc sống. 

 

XUÂN TRƯỜNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 477, tháng 10-2021

 

;