"Người lạ hoàn hảo" – vở diễn hấp dẫn

“Người lạ hoàn hảo” được đạo diễn trẻ Trần Nhật Quang chuyển thể thành vở diễn sân khấu từ kịch bản của bộ phim cùng tên, đã được Việt hóa một cách đặc sắc với câu chuyện, nhân vật có tính cách riêng. Vở diễn dự kiến sẽ thu hút đông đảo khán giả đến với sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ trong tháng 4 năm nay.

Sân khấu chỉ một chiếc bàn tiệc dài với tám chiếc ghế trắng

Người lạ hoàn hảo (tên tiếng Anh: Perfect Strangers) là một bộ phim tâm lý - hài của Italia, đạo diễn là nghệ sĩ Paolo Genovese được chiếu ra mắt tại Italia vào ngày 11-2-2016. Đây là phim đạt được thành công cả về mặt thương mại và nghệ thuật. Bộ phim đã chiến thắng hạng mục Phim xuất sắc nhất ở giải David di Donatello và thu được hơn 16 triệu Euro ở riêng Italia. Sau đó, bản quyền của phim được nhiều nước mua lại để sản xuất. Tính đến tháng 7-2019, sách kỷ lục Guinness công nhận đây là bộ phim được làm lại nhiều nhất trên thế giới và đến nay, bộ phim đã có 30 phiên bản khác nhau của Ý, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Ba Lan, Hàn Quốc... Việt Nam cũng có phiên bản riêng phát hành năm 2020 mang tên Tiệc trăng máu. Nhưng lần đầu tiên kịch bản của phim này đã được Nhà hát Tuổi trẻ chuyển thể thành vở diễn sân khấu, lại của một đạo diễn rất trẻ.

Sân khấu chỉ một chiếc bàn tiệc dài với tám chiếc ghế trắng, cùng ba chiếc đèn chùm trang trí và ánh sáng, âm nhạc… đem tới cảm giác của một khung cảnh xa hoa, giàu có; nhưng đã tiềm ẩn những bi kịch khi con gái của chủ nhà vẫn còn đang tuổi cắp sách đến trường lại muốn trốn mẹ đi chơi với bạn trai. Dù là một chuyên gia tâm lý, song, người mẹ lại rất khó để tiếp cận con, đúng như cách người ta hay than phiền: “dao sắc không gọt được chuôi”. Màn bốp chát của hai mẹ con qua đi, vợ chồng chủ nhà trẻ trung, tài sắc đón đợi từng cặp đôi đến mừng tân gia. Lần lượt, những cặp đôi xuất hiện với những ấn tượng ban đầu khác biệt: người thì mau mồm mau miệng, kẻ lại trầm ngâm… Tất cả hồ hởi, tay bắt mặt mừng, khơi gợi những giao đãi về kỷ niệm của thời niên thiếu bên nhau, những lời thoại tưởng như vô thưởng vô phạt, những câu từ rất đời, rất hấp dẫn. Cặp đôi cuối cùng được chờ đợi lại chỉ có một người. Mọi người nâng ly và như bất kỳ cuộc gặp nào, những tiếng báo chuông nhắn tin, điện thoại cứ vang lên cắt ngang giữa họ. Thế là một trò chơi được đưa ra: mọi người cùng để điện thoại lên bàn, công khai các cuộc gọi đến, những tin nhắn cần nhận… Chấp nhận cuộc chơi tường chừng như vô hại, là họ đã đánh cuộc với tình cảm của lứa đôi, của tình bạn bởi những bí mật sâu kín dần dần được vén màn.

Xung đột ban đầu chỉ là chuyện lừa dối lẫn nhau ở vài chi tiết nhỏ, nhiều tình huống dở khóc dở cười bắt đầu phát sinh, từ đó câu chuyện bắt đầu tiến triển theo một hướng ngày một cao hơn, sâu hơn… Bài “trắc nghiệm” về lòng tin vừa hài hước, vừa đầy ẩn ý giữa bốn người bạn xưa, nay đã là bốn gia đình cuốn người xem vào vòng xoáy trải nghiệm của tâm lý, kịch tính không thể rời mắt, bởi sự sâu sắc trong ngôn ngữ thoại và tư duy sáng tạo của tác giả kịch bản.

Cảnh trong vở "Người lạ hoàn hảo"

Đã lâu rồi, người xem không được thưởng thức những lời thoại mà ẩn sau những “ý trên mặt chữ” là những tầng ngữ nghĩa khác. Không hẳn là sâu sa như các kịch bản kinh điển, nhưng vẫn cứ vang lên, khá chắt lọc và gợi mở khiến người xem vừa thích thú, vừa tò mò, vừa không thể nhịn được tiếng cười như phá ra ở các tình tiết thật, giả, dối trá và chân tình… Cũng lâu lắm rồi, người xem háo hức đón đợi từng câu thoại, từng sự phát triển của kịch tính. Sự bóc trần các mối quan hệ tưởng như vô cùng tốt đẹp giữa các cặp đôi, giữa những người bạn lâu năm… khiến vở kịch trở nên cuốn hút. Đó là sự cuốn hút giữa những màn đối đầu vừa trực diện vừa né tránh, vừa như những sự khám phá bí mật được chôn chặt giữa người và người. Niềm tin, tình yêu, tình thân… đã bị những bí mật, những sự thật làm lung lay. Câu chuyện kịch cũng khiến người xem thấy được tầm quan trọng trong việc thấu hiểu, chấp nhận nhau trong các mối quan hệ của cuộc sống đương đại.

Đêm diễn được khen ngợi, có những cảm nhận tích cực ngay sau khi kết vở, trước hết là do kịch bản gốc Perfect Strangers đã là một kịch bản rất hay với những diễn biến, xung đột tâm lý từ các nhân vật chính, mà qua đó nhiều thông điệp xã hội được chuyển tải dưới thể loại “hài đen” (có thể hiểu là “hài châm biếm”, là hài nhưng chuyển tải nội dung bi kịch).

Đặc biệt đáng ngợi khen là kịch bản Người lạ hoàn hảo của đạo diễn trẻ Trần Nhật Quang đã được Việt hóa một cách nhuần nhuyễn với câu chuyện, nhân vật có tính cách riêng, lời đối đáp  rất Việt. Ngay cả căn nguyên mấu chốt để các nhân vật bước vào trò chơi, bộc lộ tất cả nội dung điện thoại cá nhân, để rồi sau đó nảy sinh tấn bi hài kịch này cũng không gượng ép, mà rất tự nhiên. Đạo diễn cho biết, hai bạn biên kịch đã nhận rõ ý đồ của anh để làm mới toàn bộ lời thoại một cách trôi chảy nhất, để đem tới phiên bản sân khấu đầy tính châm biếm về những góc khuất trong tâm lý con người, mối quan hệ của con người trong thời đại số, chuyện những gia đình “kiểu mẫu” tưởng vô cùng hạnh phúc nhưng  cũng có ngoại tình, chuyện phụ nữ hay nói xấu sau lưng nhau, vấn đề con dâu không muốn ở chung mẹ chồng nên tìm cách đưa vào Viện dưỡng lão… để rồi cái kết vỡ òa vừa làm người xem bất ngờ mà lại như thấu hiểu...

Vở diễn thu hút đông đảo khán giả đến với sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ

Đạo diễn quyết định tuân thủ cái nguyên tắc được đề ra từ thế kỷ XVII của chủ nghĩa cổ điển trong kịch: nguyên tắc Tam duy nhất. Đó là cả câu chuyện kịch chỉ diễn ra tại một không gian duy nhất, nơi tiếp khách của gia đình; thời gian chỉ đúng một bữa tiệc; hành động kịch là cùng làm sáng tỏ những sự thật lẩn khuất của mỗi người… Vở kịch cuốn hút với tiết tấu nhanh, trực diện, cô đọng, mang đến những điều bất ngờ, lạ lẫm mà ít khi khán giả đoán trước được nội dung. Đạo diễn cũng tỏ ra rất hài lòng với diễn xuất của dàn diễn viên rất chuyên nghiệp của Nhà hát Tuổi trẻ. Theo anh, các diễn viên đều là những nghệ sĩ đã thành danh nhưng không hề chảnh, họ đã rất nhanh nhập vai, hiểu rõ nhân vật để rồi tung hứng, tương tác… làm nổi rõ tích cách, tình huống kịch… Các nghệ sĩ như NSƯT Quang Ánh, NSƯT Thanh Bình, Lương Thu Trang, Chí Huy, Anh Thơ, Quỳnh Dương, Ngô Lệ Quyên, Quỳnh Kool... đã thực sự dẫn dắt khán giả trong suốt 90 phút của vở diễn.

CAO NGỌC

;