Đặc sắc lễ tỉa lúa đầu năm của đồng bào Bahnar làng Stơr

Trong đời sống tâm linh của người Bahnar sinh sống trên địa bàn huyện Kbang, tỉnh Gia Lai có nhiều lễ hội, phong tục tập quán, sinh hoạt văn hoá truyền thống được gìn giữ và duy trì từ bao đời nay.

Đồng bào Bahnar tại làng Stơr vẫn còn duy trì các lễ hội truyền thống từ bao đời nay, trong đó Tỉa lúa đầu năm là nghi lễ quan trọng gắn với đời sống nông nghiệp của người dân nơi đây
 

May mắn được tham dự phục dựng Lễ Tỉa lúa đầu năm của đồng bào Bahnar (tại làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) nằm trong chuỗi hoạt động của Ngày hội Du lịch huyện Kbang, tôi được biết thêm nhiều điều về nghi lễ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống của cộng đồng dân cư địa phương này.

Khi xã hội ngày càng biến đổi, các nghi thức văn hóa truyền thống trong cộng đồng dân tộc thiểu số đang dần phai nhạt. Để khôi phục những giá trị văn hóa tốt đẹp ấy, việc tổ chức phục dựng một số nghi lễ trên nền tảng tôn trọng tính nguyên bản vốn có là cách thức gần nhất để người dân thêm quý trọng và biết cách gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc cho thế hệ con cháu mai sau.

Sáng sớm nơi làng xa, bà con dân làng đã tụ tập khá đông tại sân nhà Rông làng Stơr. Hôm nay, trong làng có ngày hội lớn, khá đông du khách đến thăm làng để được trải nghiệm một buổi lễ truyền thống sắp được diễn ra nên mọi người đều háo hức, rộn ràng cả khoảng sân rộng. Mỗi người một việc, từ già trẻ, lớn bé, trai gái tự phân công công việc phù hợp với tâm thế vô cùng phấn khởi. Tuy là nghi lễ phục dựng nhưng mọi thứ đều được chuẩn bị cẩn thận và tiến hành theo đúng một lễ cúng tỉa lúa truyền thống của người dân bản địa.

Thông thường, để chuẩn bị cho buổi lễ cúng thật chu đáo, dân làng sẽ họp lại nhằm thống nhất, chọn được ngày lành. Sau đó, bà con dọn vệ sinh nhà cửa, phát quang sạch sẽ khu vực rẫy và nhà rông của làng. Lúc này, nghi thức và lễ vật cúng cũng được nhất trí đồng thuận thông qua già làng và những người có uy tín. Lễ cúng thường được tiến hành từ sáng sớm, lúc không khí trong lành, thoáng đãng nhất. Theo phong tục của người dân, thời điểm thích hợp để tiến hành lễ tỉa lúa là vào trước mỗi mùa gieo trồng, khoảng tháng 3 hằng năm.

Lễ tỉa lúa được cúng tại 2 địa điểm, sáng sớm lễ cúng sẽ diễn ra ngay tại rẫy, sau đó mọi người di chuyển về sân nhà Rông của làng tiếp tục tiến hành nghi thức cúng lần nữa và cùng vui hội.

Đồng bào Bahnar tại làng Stơr vẫn còn duy trì các lễ hội truyền thống từ bao đời nay, trong đó Tỉa lúa đầu năm là nghi lễ quan trọng gắn với đời sống nông nghiệp của người dân nơi đây
 

Già làng Đinh Grêng đã từng tham gia khá nhiều lễ cúng quan trọng ở làng. Hôm nay, ông đại diện dân làng thực hiện nghi lễ cúng tỉa lúa với vai trò thầy cúng. Các thành viên trong đội cồng chiêng làng Stơr sẽ cùng tham gia.

Thông tin về lễ vật dâng lên cúng các thần, Già làng Đinh Grêng cho biết: “Lễ vật cúng bao gồm: dụng cụ để tỉa lúa (theo tiếng Bahnar được gọi là cái phal), 1 con gà, 5 ghè rượu, con dao, bầu đựng nước, chiếc đàn Goong... đặc biệt là phải có sáp ong và nhựa của mủ cây được đốt lên cho thơm để Yang biết được tại địa điểm này đang diễn ra lễ cúng tỉa lúa mà về chứng giám, phù hộ. Lễ vật cúng do tất cả người dân trong làng cùng đóng góp, nhiều hay ít tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Điều đó thể hiện sự đoàn kết và trách nhiệm của từng thành viên cho lễ cúng”.

Về nghi lễ cúng sẽ được tiến hành theo trình tự như sau: Khi mọi thủ tục đã chuẩn bị hoàn tất, thầy cúng Đinh Grêng sẽ cầm vật phẩm đọc bài khấn xin Yang, thần Suối, thần Núi, thần Lúa cho trời mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng được mạnh khỏe, hạnh phúc, không đau ốm để mà cày cấy, làm ăn. Lúc này, các nghi thức được lần lượt tiến hành tượng trưng từ chọc đất gieo hạt, quay đầu gà (đây là nghi thức quan trọng nhất) để chọn người thích hợp tỉa lúa đầu tiên, sau đó uống rượu cần, lễ vật sau khi cúng được cắt nhỏ chia cho những người tham gia trong buổi cúng.

Nghi lễ cúng Tỉa lúa đầu năm được tiến hành dưới gốc cây cổ thụ bên hông nhà Rông làng Stơr

 

Sau khi các nghi lễ được thực hiện xong, thầy cúng sẽ phân phát lễ vật cho tất cả người dân trong cộng đồng cùng ăn, uống rượu ghè và trò chuyện với nhau về những điều đã trải qua trong năm cũ, giúp đỡ nhau để có được cuộc sống no đủ hơn trong năm mới. Lúc này, mọi người cùng múa xoang, đánh cồng chiêng quanh nhà Rông và tưng bừng vui hội.

Em Đinh Thị Lợi, thành viên trong đội cồng chiêng làng Stơr háo hức chia sẻ: “Bản thân em rất vui và phấn khởi lắm vì được tham gia trong lễ cúng. Nhiều ngày nay, cả đội đều tranh thủ thời gian rỗi để tập luyện lại các điệu xoang cho nhịp nhàng, thành thục để biểu diễn tốt nhất trong ngày chính thức diễn ra lễ. Các ông bà, cô chú và các bạn trong nhóm đánh cồng chiêng cũng chỉ bảo nhau hăng say ôn luyện. Em mong rằng những lễ hội truyền thống của làng sẽ thường xuyên được tổ chức để chúng em được có cơ hội tham gia và hiểu thêm về những ý nghĩa văn hoá đó”.

Xuất phát từ tín ngưỡng vạn vật hữu linh, đồng bào dân tộc Bahnar cho rằng mọi vật đều có tâm hồn. Lễ Tỉa lúa đầu năm ngoài cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, là dịp để bà con dân làng tạ ơn với Yang sri (thần Lúa) đã giúp dân làng có một mùa vụ bội thu, no đủ. Lễ hội còn là dịp để mỗi thành viên và cả cộng đồng cùng giao hòa với thế giới tâm linh trong cuộc sống thực tại, thể hiện sự gắn kết giữa người với người, giữa người với thiên nhiên. Với ý nghĩa đặc sắc đó, cho đến hôm nay, dù đời sống hội nhập và phát triển nhưng phong tục này vẫn được giữ gìn và phát huy trong thế hệ con cháu đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, góp phần duy trì, phát triển không gian văn hoá trong cộng đồng người dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Ông Đinh Rơi-Trưởng làng Stơr chia sẻ: “Tỉa lúa đầu năm là nghi lễ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống của cộng đồng dân cư tại chỗ gắn với nền nông nghiệp nương rẫy bao đời nay. Lễ cúng mong cho mùa vụ năm đó được thuận lợi hơn năm cũ, thóc lúa về đầy kho mang lại cho dân làng cuộc sống ấm no, đủ đầy. Vì vậy, nghi lễ này được người dân trong làng Stơr duy trì mỗi năm, có sự đồng thuận, ủng hộ từ chính quyền và sự đồng lòng góp công sức, đoàn kết nhất trí cao từ bà con”.

Bên cạnh thể hiện nét đẹp trong đời sống tâm linh của dân cư sinh sống lâu đời ở vùng đất Đông Trường Sơn nói riêng và Gia Lai nói chung, việc phục dựng lại các lễ hội truyền thống còn góp phần giúp người dân và du khách hiểu hơn về các giá trị văn hóa, di sản từ ngàn đời được trao truyền và phát huy mãi về sau.

Thời gian qua, ở Gia Lai, các lễ hội truyền thống đã được tiếp tục nhân rộng và duy trì, trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo trong hành trình trải nghiệm những bản làng vốn mang nhiều điều thi vị cho người lữ khách phương xa.

Nghi lễ cúng Tỉa lúa đầu năm được tiến hành dưới gốc cây cổ thụ bên hông nhà Rông làng Stơr

 

VÕ THANH THẢO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 579, tháng 8-2024

;