Vân Lĩnh, nơi xuất phát của đoàn quân đi mở đường Trường Sơn

Có lẽ chưa nhiều người biết đến địa danh điểm xuất phát của đoàn quân đi nhận nhiệm vụ mở đường 559 Trường Sơn hay còn được gọi là đường mòn Hồ Chí Minh, đó là nông trường Vân Lĩnh huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Cách đây 65 năm Vân Lĩnh là nông trường của quân đội do trung đoàn 210, Sư đoàn 305 quản lý. Từ năm 1958, họ là một trong những đơn vị làm kinh tế của Bộ Quốc phòng đến Vân Lĩnh phục hóa, khai hoang để xây dựng nông trường quân đội.

Cựu chiến binh quê Quảng Nam về thăm lại Vân Lĩnh nhân ngày truyền thống Trung đoàn 210 (ngày 19-5)

 

Những người mở đất, lập nông trường ở vùng đất Tổ, ra đi xây dựng con đường huyền thoại mang tên Trường Sơn - Hồ Chí Minh

Ngày 19/5/1959, Tổng Quân ủy (Bộ Quốc phòng) giao nhiệm vụ cho Ban cán sự Đoàn công tác đặc biệt do ông Võ Bẩm, Thượng tá làm Trưởng đoàn, tổ chức lực lượng một số đơn vị của sư đoàn 305 để thành lập Đoàn 301 đi mở đường Trường Sơn đầu tiên. Đây là nhiệm vụ bí mật từ Tổng Quân ủy mở con đường chiến lược để hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày 26/5/1959, gần 500 cán bộ, chiến sỹ tập trung tại hội trường sư đoàn ở Đồi Chiêu đãi sở gần trung tâm nông trường Vân Lĩnh để nghe công bố quyết định thành lập Đoàn 301 và nhận nhiệm vụ mới. Những người con ưu tú của trung đoàn ở miền Trung vốn mang tên Chiến sĩ Ba Tơ tập kết ra Bắc sau Hiệp định Giơnevơ 1954 được cấp trên lựa chọn thực hiện nhiệm vụ vẻ vang này âm thầm trở lại miền Nam bắt đầu những ngày quyết liệt, gian khổ, hy sinh. Ngày 19/5 đã trở thành ngày truyền thống của đoàn 301. Ngày 12/6/1959, đoàn 301 hành quân bộ ra ga Tiên Kiên lên tàu vào Nam.

Vùng Vân Lĩnh xưa kia dân cư thưa thớt, những xóm nhỏ chỉ vài gia đình sống dọc những con suối, họ trồng lúa, trồng sắn, trồng chè và khai thác lâm sản. Đất đai nơi đây khá mầu mỡ, trước năm 1958 rừng tự nhiên chiếm 80 % diện tích. Lúc mới thành lập địa bàn nông trường nằm trên vùng đất 3 huyện 7 xã: huyện Thanh Ba là 2 xã Thanh Vân, Đông Lĩnh; huyện Hạ Hòa là xã Yên Kỳ; huyện Đoan Hùng là xã Ngọc Quan, Tây Cốc, Ca Đình, Yên Kiện.  Trục đường giao thông chính có quốc lộ 2 phía Bắc huyện Đoan Hùng, tỉnh lộ 311 chạy từ Bắc thị xã Phú Thọ qua Thanh Ba sang Hạ Hoà. Các đoạn đường liên xã ngày nay trong khu vực Vân Lĩnh, Vân Hùng xưa chỉ là những lối mòn, đường xuyên rừng nó đã được các chiến sĩ Trung đoàn 210 đào đắp xây dựng, tu bổ trong hơn 10 năm. Khi mới đặt chân đến Vân Lĩnh, trung đoàn bắt tay vào công việc xây dựng lán trại, khảo sát đánh giá địa hình khu vực đóng quân, khu vực sản xuất, quy hoạch đồi trồng chè, vườm ươm chè giống khu vực chăn nuôi, đặt Sở chỉ huy lâm thời gần đồi Chiêu đãi sở, cử những đơn vị đảm nhiệm sản xuất vật liệu phục vụ làm đường giao thông… Có thể nói, một vùng đất hoang vu dưới bàn tay của những người lính đã biến thành vùng đất trù phú với những đồi chè cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy chè Đào Giã do Liên Xô giúp ta xây dựng. Trở lại những năm 60 của thế kỷ trước, chỉ với dụng cụ thủ công như cuốc,xẻng, xà beng, thuổng, đôi quang gánh đất cộng với ý chí sắt đá, hăng say sản xuất của anh bộ đội Cụ Hồ, họ dần khai phá vùng đồi hoang vu thành những đồi chè xanh, đồi trồng cây công nghiệp và một mạng lưới đường giao thông nối liền các xã xung quanh. Trong 4 năm (từ 1958 đến 1962) họ đã cải tạo 400 ha cũ từ đồn điền chè bỏ hoang của Pháp để lại, khai hạ rừng trồng mới 2800ha chè, đào đắp hàng chục km đường ô tô, đường liên xã, liên thôn, đường công vụ trên đồi. Hằng năm, đơn vị chăn nuôi 500 con bò, trên 1000 con lợn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm kinh tế. Cũng từ năm 1960, Trung đoàn 210 cử người về Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình vận động các nữ thanh niên tuổi từ 18 đến 22 lên Vân Lĩnh xây dựng nông trường, vùng kinh tế mới. Đã có hàng trăm người lên vùng đất mới xây dựng quê hương thứ hai, cuộc sống tuy vất vả nhưng tình yêu đã nảy nở, nhiều đôi chồng là bộ đội miền Nam tập kết nên duyên với cô công nhân nông trường, họ dựng những căn nhà tranh tre nứa lá yên tâm với công việc đang làm, cùng nhau xây dựng cuộc sống gia đình, người chồng sẵn sàng lên đường về Nam chiến đấu khi có lệnh cấp trên. Thanh Ba vốn là đất chè những câu ca dao, hát Ví đồi chè từ xa xưa đã ăn sâu trong đời sống văn hoá tinh thần của mọi người dân. Giữa nương chè xanh bát ngát ở Vân Lĩnh, cô công nhân cất lên câu ca: Đến đây thì ở lại đây; Bao giờ bén rễ, xanh cây thì về. Người nghe là anh bộ đội mặc áo công nhân rất cảm động trước tấm lòng chân thành của cô gái anh đáp lại: Lạ lùng ta mới tới đây/ Thấy chè thì hái biết cây ai trồng/ Chè đâu thơm lạ thơm lùng/ Thơm cả người hái người trồng cũng thơm. Hay như câu ví vừa nói được cây chè vùng Thanh Ba vừa nói được nguyện vọng của người con trai với người con gái: Lạ lùng ta mới tới đây/ Thấy gốc chè mạn, thấy cây chè đồi/ Thấy em được nết, được người/ Cho nên anh quyết ở đời với em. Tình yêu đã nảy nở trong lao động rồi được kết nối thành những gia đình trẻ ở vùng quê mới.

 Trở lại câu chuyện nông trường Vân Lĩnh những năm 60 của thế kỷ trước, do biết lựa chọn mục tiêu chính sản xuất chè, sắp xếp lực lượng lao động hợp lý trong thực hiện nhiệm vụ bộ đội làm kinh tế, biết động viên khơi dậy tiềm lực vốn có của những người lính mang tên chiến sĩ Ba Tơ, những diện tích đơn vị khai hoang trồng chè cho hiệu quả kinh tế cao. Điều đó đã nâng cao vị thế, uy tín của Trung đoàn 210 để trở thành đơn vị kiểu mẫu dẫn đầu trong khối 29 nông trường do quân đội quản lý. Mô hình kiểu Nông trường Vân Lĩnh với những thành quả lao động đáng tự hào trong bối cảnh một nửa đất nước chưa được giải phóng, miền Bắc vừa ra khỏi khói lửa chiến tranh đang từng ngày từng giờ hàn gắn vết thương, bên cạnh đó còn nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam khiến các chuyên gia các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, Liên Xô, Hungary, Trung Quốc, Triều Tiên khi sang thăm hết sức ngạc nhiên, khâm phục ý chí và thành quả lao động của những con người bản xứ. Đây có thể coi là hiện thân của nông trang XHCN mà nếu không đến tận nơi, không nhìn tận mắt thì rất khó hình dung được. Cuốn sổ lưu bút hiện còn lưu ở UBND xã Vân Lĩnh ghi những dòng hết sức xúc động của các chuyên gia là bằng chứng sống về tinh thần lao động sáng tạo, hình mẫu nông trường XHCN ở Việt Nam trong thời kỳ gian khó nhưng rất đỗi tự hào. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã về thăm nông trường 2 lần,Tại đây, Đại tướng đã tặng Trung đoàn 210 bức tranh lớn và trồng cây lưu niệm tại nông trường. Những năm sau nông trường không ngừng phát triển cấp trên đồng ý cho tách thành hai: Vân Lĩnh và Vân Hùng.   

Thời kỳ miền Bắc đương đầu với chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, công nhân Nông trường Vân Lĩnh tay cuốc, tay súng bám nông trường sản xuất, sẵn sàng đánh trả máy bay tầm thấp của địch. Họ luôn suy nghĩ mình phải gắng sức làm làm việc bằng hai vì đồng bào miền Nam ruột thịt, cho ngày thống nhất đất nước lại gần. Sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, nhiều người của nông trường Vân Lĩnh xưa đã trở về quê hương Quảng Nam, Quảng Ngãi sinh sống. Lớp con em của họ đã khôn lớn trưởng thành, người ở lại Vân Lĩnh, người toả đi khắp mọi miền đất nước. Cái đọng lại lớn nhất của lớp bộ đội mặc áo công nhân cùng con em họ là tình cảm thân thương, trìu mến với Vân Lĩnh mỗi lần đến dịp kỷ niệm sinh nhật Bác 19/5 cũng là dịp kỷ niệm thành lập Đoàn 301 nhận nhiệm vụ vinh quang của Tổ quốc giao: lên đường vào Nam mở đường  Trường Sơn - Hồ Chí Minh được thể hiện một cách sinh động nhất, cháy bỏng nhất với quê hương Vân Lĩnh, nơi được lịch sử ghi nhận là điểm xuất phát của đoàn quân đi mở con đường huyền thoại khởi đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam. Nhiều năm qua, họ đã và đang tiếp tục ủng hộ xây dựng quê hương Vân Lĩnh thêm giàu đẹp. Những thế hệ con em của Trung đoàn 210 năm xưa phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông luôn vươn lên trong học tập và công tác để cống hiến nhiều nhất cho Vân Lĩnh. Vào dịp 19/5 hằng năm, các Cựu chiến binh trung đoàn, con em các thế hệ và đông đảo người Vân Lĩnh lại tụ hội ôn lại kỷ niệm không thể nào quên những năm tháng gian khổ xây dựng nông trường, những ngày mở đường Trường Sơn đầy gian khó hy sinh bằng lời ca, tiếng hát, điệu múa cất lên từ đáy lòng. Không chỉ có vậy, họ còn nhiều hình thức tri ân vùng đất, con người nơi đây như thăm hỏi động viên, tặng quà thể hiện sâu nặng nghĩa tình đồng đội. Năm 2018, bằng nguồn xã hội hóa, họ đã xây dựng ở Vân Lĩnh tấm bia lưu niệm: “Nơi đây, Nông trường quân đội Vân Lĩnh do Trung đoàn 210 Sư đoàn 305 khai phá, xây dựng, được thành lập ngày 1/5/1958 và chuyển thành Nông trường quốc doanh Vân Lĩnh ngày 22/12/1960” để luôn khắc ghi trang sử hào hùng mà các thế hệ đã viết lên từ trong khói lửa đạn bom của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, của những ngày vất vả nhưng đầy tự hào xây dựng, kiến thiết quê hương Vân Lĩnh thân yêu.

Dấu ấn Vân Lĩnh hôm nay

Hôm nay đây, nhìn lại chặng đường 65 năm kể từ khi thành lập nông trường, trải qua nhiều thăng trầm biến đổi nhưng có một điều được khẳng định chắc chắn: Vân Lĩnh đã vững bước đi lên. Họ rất tự hào về truyền thống hào hùng đó. Đây cũng chính là điểm tựa tinh thần giúp các thế hệ con em những người lính năm xưa vững vàng trước mọi thử thách.

Trước đây, địa danh này có tên gọi Thị trấn nông trường Vân Lĩnh. Đến năm 2009, thực hiện nghị định số 05/ NĐ- CP “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã, thành lập xã thuộc huyện Phù Ninh, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ”, xã Vân Lĩnh được thành lập. Hiện tại xã có diện tích 927,45 ha, dân số 3.440 người với 940 hộ gia đình. Tuy mới 15 năm thành lập nhưng Vân Lĩnh với đội ngũ lãnh đạo có nhiều kinh nghiệm, có sự tiếp nối của thế hệ lãnh đạo trẻ, năng động, cán bộ nhân dân đoàn kết một lòng đã xây dựng quê hương có bước phát triển ấn tượng, khai thác tốt tiềm năng lợi thế, huy động có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế.

Theo số liệu báo cáo nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Đảng uỷ xã Vân Lĩnh, cơ cấu kinh tế của xã phát triển cân đối, quy mô  các ngành  kinh tế tăng mạnh theo đà tăng trưởng của địa phương. Năm 2024, tỷ trọng ngành thương mại dịch vụ chiếm 44,7 %; nông lâm nghiệp chiếm 44%; tiểu thủ công nghiệp chiếm 8,3%. Các công ty, doanh nghiệp hậu cần nông nghiệp, các cơ sở sản xuất và kinh doanh hộ gia đình hình thành và phát triển nhanh có đóng góp đáng kể vào ngân sách, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, tiêu biểu là công ty TNHH đầu tư và phát triển trà UT ở khu 1 xã Vân Lĩnh do bà Lê Thị Hồng Phương làm Giám đốc với sản phẩm chè tím đạt tiêu chuẩn  OCOP  4 sao, năm 2023 đạt doanh số 57 tỷ đồng xuất khẩu , 3 tỷ đồng thị trường nội địa; vươn ra xuất khẩu sản phẩm chè tím túi lọc sang thị trường một số nước châu Âu như Anh, Đức, Pháp, thị trường mới Ma Rốc, Đài Loan (Trung Quốc). Không chỉ có sản phẩm truyền thống mà công ty còn đa dạng mặt hàng như trà bột Matcha từ chè tím, làm đồ uống, bánh, kẹo, thạch… Mới đây, công ty mở rộng đầu tư một số đồi chè trở thành điểm du lịch trải nghiệm như kiểu đồi chè Long Cốc - Tân Sơn để thu hút khách thăm quan, phối hợp với các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng. Đây là hướng đi rất mạnh dạn, phù hợp với chủ trương phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh Phú Thọ. Đảng bộ Vân Lĩnh lấy cây chè làm cây công nghiệp mũi nhọn, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, đây cũng là cây trồng giúp bà con nông dân làm giàu. Đến cuối năm 2018, xã đã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới. Năm 2024, tổng diện tích trồng chè của xã 433,77 ha trong đó có 285 ha của Công ty chè Phú Bền; 148, 77 ha chè của người dân; năng suất bình quân 18 tấn/ha; tăng trưởng kinh tế của xã đạt 7,3%, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,6% xuống còn 6,02%. Xã có 5 khu dân cư đạt danh hiệu Nông thôn mới, 3 khu đạt Nông thôn mới kiểu mẫu, tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hoá 92%. Từ  một địa phương mới thành lập khó khăn về nhiều mặt, đến nay, xã đã xây dựng hệ thống cơ quan, cơ sở hạ tầng khang trang, 70% hệ thống giao thông được bê tông hóa, hệ thống kênh mương thuỷ lợi, nước thải đã được đầu tư, hệ thống thiết chế văn hóa,  thông tin liên lạc được xây dựng khá đồng bộ; các hoạt động xây dựng văn hóa cơ sở, cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh, Gia đình văn hóa liên tục có bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng, phong trào văn nghệ quần chúng, hát dân ca được nhiều người hưởng ứng. Đặc biệt, việc xã hội hóa các hoạt động văn hóa được tiến hành tốt từ khu dân cư, kêu gọi được nhiều Mạnh Thường Quân tài trợ nên nhiều năm qua phong trào ở Vân Lĩnh được các cấp ghi nhận, đánh giá cao.

Phát huy những truyền thống tốt đẹp của các thế hệ người Vân Lĩnh! đặc biệt là truyền thống vừa chiến đấu giỏi vừa sản xuất giỏi của những anh bộ đội Cụ Hồ thuộc Trung đoàn 210 Sư đoàn 305 năm xưa, cán bộ, nhân dân Vân Lĩnh hôm nay, trong đó có các thế hệ con cháu cán bộ, bộ đội nông trường Vân Lĩnh không ngừng phấn đấu để quê hương vừa mạnh vừa giàu. Trong số họ, nhiều người đã trải qua thời kỳ vất vả nhất của nông trường từ ngày đầu khai phá đất hoang trồng chè, mở đường giao thông, xây dựng xóm làng và hiểu hơn ai hết cái thế đi lên từ hai bàn tay và khối óc để có cơ ngơi như ngày hôm nay. Trong sâu thẳm tâm khảm của họ còn đau đáu một việc mong nông trường Vân Lĩnh sớm được tỉnh cấp bằng công nhận di tích lịch sử : Điểm xuất phát của đoàn quân đi mở đường Hồ Chí Minh (Đường 559). Hiện nay, địa phương đang hoàn thiện thủ tục đề nghị công nhận di tích gửi về Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ thẩm định trình UBND tỉnh ra quyết định. Mong sao nguyện vọng của cán bộ, nhân dân nơi đây sớm trở thành hiện thực.

 

TRẦN VĂN QUANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 579, tháng 8-2024

;