Nghiên cứu tài nguyên du lịch Bát Xát, Lào Cai trong xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương

Trên cơ sở tìm hiểu, phân tích một số tài nguyên tự nhiên và văn hóa có tính đặc thù ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, bài viết gợi ý một số sản phẩm du lịch đặc thù (SPDLĐT) có thể xây dựng được từ việc khai thác các tài nguyên này, nhằm góp phần đẩy mạnh các hoạt động du lịch, và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương theo hướng bền vững.

Bát Xát là huyện biên giới, nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Lào Cai với diện tích tự nhiên 105.662,36 ha. Toàn huyện có dân số 82.733 người (1), trong đó dân tộc Mông chiếm 31,07%, Dao: 26%, Giáy: 17,5%, dân tộc Kinh 18,2%, Hà Nhì 5,53%, còn lại là các dân tộc khác. Huyện Bát Xát gồm 23 xã, thị trấn và 201 thôn bản, 10 xã biên giới, chiều dài đường biên giới với Trung Quốc là 84,84km. Là huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai, Bát Xát có nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa độc đáo. Nếu có thể tận dụng khai thác được thế mạnh này để phát triển các sản phẩm du lịch nói chung, SPDLĐT nói riêng không những góp phần giúp du lịch Bát Xát phát triển mạnh mẽ, mà còn dễ dàng xây dựng thương hiệu du lịch Bát Xát, đồng thời giúp chính quyền địa phương phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân. Trên cơ sở nhận thức về tầm quan trọng của SPDLĐT và sự phong phú, độc đáo về tài nguyên du lịch ở Bát Xát, bài viết tập trung nghiên cứu hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa ở Bát Xát trong xây dựng SPDLĐT.

SPDLĐT được hình thành trên cơ sở khai thác các dạng tài nguyên độc đáo, đặc trưng. Tính độc đáo của tài nguyên được đánh giá trong phạm vi so sánh với các lãnh thổ khác trong khu vực. Nếu so sánh trong phạm vi vùng Tây Bắc và tỉnh Lào Cai, Bát Xát có nhiều tài nguyên du lịch độc đáo, hấp dẫn có thể khai thác để phục vụ phát triển du lịch.

Tài nguyên du lịch tự nhiên

Bát Xát nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm mưa nhiều. Do ảnh hưởng của địa hình nên khí hậu huyện Bát Xát được chia thành hai khu vực khác nhau: vùng cao (khu vực cụm Y Tý, Ngải Thầu) và vùng thấp (khu vực Quang Kim, Bản Vược). Khí hậu vùng cao của huyện Bát Xát trong lành, thoáng đãng thích hợp với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, ngắm cảnh rất đặc trưng. Đặc biệt, về mùa đông, thường có hiện tượng băng tuyết - sự khắc nghiệt của khí hậu cũng chính là sự khác biệt, là tiềm năng không phải nơi nào cũng có để phát triển các loại hình du lịch đặc thù (các lễ hội tuyết, trải nghiệm săn mây...).

Bát Xát có địa hình khá phức tạp, toàn bộ nền địa hình được kiến tạo bởi nhiều dải núi cao, tạo nên hệ thống hợp thủy phong phú: Ngòi Phát, suối Lũng Pô, suối Quang Kim. Địa hình cao dần, điểm cao nhất có độ cao 3.046m (đỉnh Ky Quan San), điểm thấp nhất có độ cao 88m. Kiến tạo địa hình Bát Xát hình thành hai khu vực: vùng thấp (gồm 6 xã và 1 thị trấn), vùng cao (gồm 16 xã). Trong đó, vùng núi cao có độ chia cắt lớn, thung lũng hẹp khe sâu, độ dốc lớn; vùng thấp (ven sông Hồng, bồn địa nhỏ) là nơi tập trung các dải đồi thấp, thoải, địa hình tương đối bằng phẳng. Chính sự chia cắt địa hình đã tạo cho Bát Xát những dãy núi và nhiều đỉnh núi độc đáo: đỉnh Pu Ta Leng (3.096m), đỉnh Ky Quan San (3.046m), đỉnh Nhìu Cồ San (2.965m), đỉnh Lảo Thẩn (2.860m)… thích hợp khai thác các loại hình du lịch mạo hiểm, treckking - loại hình du lịch chỉ có ở vùng núi cao. Bên cạnh đó, những đặc điểm của địa hình Bát Xát cũng tạo nên những dòng suối, ngọn thác đẹp như thể hiện sự ưu ái của thiên nhiên: thác Rồng, thác Ong, suối Mường Hum, suối Lũng Pô...

Tài nguyên rừng của Bát Xát phong phú và đa dạng hơn so với các huyện khác của tỉnh Lào Cai. Theo số liệu thống kê, huyện Bát Xát có 59.564,24ha chiếm 56,37% diện tích tự nhiên, trong đó: rừng tự nhiên có 50.780,09 ha chiếm 85,25% diện tích đất có rừng toàn huyện. Hệ sinh thái rừng tự nhiên của Bát Xát còn tương đối tốt, nhiều động thực vật quý hiếm còn tồn tại đặc biệt ở vùng cao Trung Lèng Hồ, Nậm Pung. Hệ thực vật rừng có sự giao nhau giữa hệ thực vật rừng nhiệt đới và hệ thực vật rừng ôn đới. Hiện nay vẫn còn tồn tại đa dạng nhóm, họ, bộ nhưng chủ yếu là dổi bà, gội tía, sến mật, de, trám, đa quả xanh..., đặc biệt còn tồn tại một số loại gỗ quý hiếm như Pơ Mu ở Dền Sáng, Trung Lèng Hồ. Ngoài ra, còn xuất hiện các loại thực vật rừng thân thảo mộc như dây leo, song mây, sa nhân, dẻ, giang, vầu, nứa, trúc lùn cùng phát triển mạnh. Động vật rừng phong phú về chủng loại, đặc biệt có nhiều loài động vật quý hiếm và đa dạng các loài chim muông thú khác chủ yếu ở khu vực rừng già và trên các đỉnh núi cao. Nhờ tài nguyên rừng phong phú, Bát Xát có thể xây dựng các sản phẩm du lịch tham quan rừng già Y Tý với các loại động thực vật quý hiếm; nghiên cứu thiết kế hệ thống nhà cây hệ thống đường mòn trong rừng già, tổ chức các chương trình trải nghiệm lưu trú nhà cây (trong rừng già Y Tý) hoặc tổ chức thực hiện các dịch vụ cắm trại ngày/đêm trong rừng...

Tài nguyên du lịch văn hóa

Với đặc điểm là nơi chung sống của 15 dân tộc anh em, Bát Xát là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể to lớn của tỉnh Lào Cai. Tiêu biểu có thể kể đến hệ thống lễ hội truyền thống, các phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số cùng với các di sản văn hóa như kiến trúc nhà cửa, ruộng bậc thang, ẩm thực, chợ phiên và các di tích lịch sử văn hóa khác.

Huyện Bát Xát có nhiều lễ hội trong năm, mỗi lễ hội đều mang màu sắc đặc trưng của các dân tộc: lễ hội xuống đồng của người Giáy, lễ hội Khoi Kìm, Pút Tồng của người Dao đỏ, lễ hội Khô Già Già, Gạ Ma Do, Mu Thu Do của người Hà Nhì đen… Từ hệ thống lễ hội phong phú, được trải đều hầu hết các tháng trong năm, bên cạnh việc tổ chức các chương trình du lịch trải nghiệm hệ thống lễ hội của đồng bào các dân tộc địa phương, trong thực tiễn, còn có thể xây dựng dữ liệu, thiết kế và tổ chức các tour du lịch trải nghiệm lễ hội truyền thống ở địa phương theo hình thức du lịch ảo. Tuy nhiên, hình thức này đòi hỏi phải có sự đầu tư đáng kể về cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật để xây dựng phòng du lịch ảo.

Ngoài những giá trị phi vật thể, tập quán sinh hoạt, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc huyện Bát Xát cũng tạo ra những giá trị vật thể to lớn. Tập quán canh tác của các dân tộc vùng cao huyện Bát Xát đã tạo ra các thửa ruộng bậc thang trải dài, tươi đẹp. Đó là dấu ấn của thời gian, sản phẩm của những bàn tay lao động cần cù, chịu khó và thông minh. Ruộng bậc thang Thũng lũng Thề Pả được xếp hạng là di tích quốc gia, danh lam thắng cảnh. Bên cạnh việc chiêm ngưỡng di sản ruộng bậc thang một cách tự nhiên, có thể tạo ra các sản phẩm, các dịch vụ có tính đặc thù như: ngắm cảnh, check in những ruộng bậc thang từ vị trí độc đáo, được xây dựng với độ cao phù hợp, với vị trí đứng ngắm (cảnh quan xung quanh) được mô phỏng theo một huyền thoại của tộc người địa phương; hoặc bay dù lượn trên không để ngắm một số ruộng bậc thang đã được thiết kế các hệ thống bờ ruộng mô phỏng theo các biểu tượng văn hóa của tộc người Hà Nhì đen.

Mỗi dân tộc huyện Bát Xát đều có những kiến trúc đặc trưng, nhưng nổi bật nhất là kiến trúc nhà trình tường của người Hà Nhì. Từ việc chọn địa điểm, chọn đất, trình tường,... đều được tiến hành cẩn thận. Hình dáng ngôi nhà vuông 4 mái là sự minh chứng cụ thể nhất sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, với lớp tường đất dày 40cm, ngôi nhà ấm về mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Cách bày trí không gian trong ngôi nhà trình tường cũng độc đáo, nhưng cũng rất khoa học, thể hiện được tín ngưỡng, văn hóa, đời sống sinh hoạt văn hóa của người Hà Nhì. Kiến trúc nhà trình tường và các không gian văn hóa trong nhà trình tường của người Hà Nhì đen có thể tổ chức các tour du lịch tham quan, trải nghiệm lưu trú trong nhà trình tường kết hợp với tham quan các không gian văn hóa cộng đồng, dòng họ, gia đình truyền thống của người Hà Nhì đen.

Chợ phiên là vốn văn hóa truyền thống được hun đúc từ bao đời nay của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Những phiên chợ ở Bát Xát từ lâu đã trở thành điểm đến của những ai ưa khám phá như: chợ phiên Y Tý, Mường Hum. Mỗi phiên chợ đều mang một nét độc đáo riêng của cư dân bản địa. Những cô gái, chàng trai ở bản làng đi chợ không chỉ để mua bán mà còn đi để tìm hiểu, để vui chơi, tìm bạn tình, vì thế ai cũng làm đẹp chẳng kém gì đi dự ngày hội. Từ tài nguyên văn hóa này, có thể khôi phục thêm một số nét văn hóa độc đáo của các dân tộc địa phương để tạo ra SPDLĐT ở phương diện: đa dạng hóa một cách tối ưu các sản phẩm phục vụ khách du lịch tại chợ phiên. Ví dụ tại mỗi phiên chợ, bên cạnh các hoạt động mua bán bình thường của người dân địa phương, cần hoạch định các không gian để xây dựng thêm các sản phẩm du lịch mới như: khu vực tổ chức các chương trình văn nghệ biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc địa phương tại không gian của chợ; hoặc khu vực trình diễn một số phong tục tập quán truyền thống của đồng bào các dân tộc địa phương (bắt vợ của người Mông, đám cưới của người Dao, mừng cơm mới,...); khu vực tổ chức một số nghề thủ công truyền thống của các dân tộc địa phương tại không gian của chợ (làm thổ cẩm sáp ong của người Mông và làm thổ cẩm của các dân tộc; nấu rượu ngô của người Mông; nấu bia của người Hà Nhì đen; nghề chạm khắc bạc của người Dao; nghề rèn của người Mông; nghề đan lát mây tre của người Hà Nhì đen...); khu vực tổ chức các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho khách du lịch tại chợ (bán dược liệu địa phương, tắm lá thuốc của người Dao, ngâm chân bằng thuốc lá của người Dao,...); khu vực tổ chức các gian hàng ẩm thực truyền thống của địa phương để phục vụ du khách (thắng cố, thịt lợn muối của người Mông; khâu nhục, xôi bảy màu, thịt trâu khô của người Tày - Nùng - Giáy; các loại bánh giày, bánh trôi,... của người Hà Nhì đen)...

Cột cờ Lũng Pô tại vị trí cột mốc biên giới 92, xã A Mú Sung được xây dựng trên diện tích 2.100m2, với chiều cao 31,43m. Lá cờ có diện tích 25m2 tượng trưng cho 25 dân tộc anh em ở Lào Cai. Đường dẫn lên đỉnh cột cờ được thiết kế với 125 bậc hình xoắn ốc. Cột cờ được xây dựng với ý nghĩa tưởng nhớ chiến công thầm lặng, sự hy sinh của những người lính biên phòng xã A Mú Sung đã chiến đấu và ngã xuống bảo vệ đường biên giới của Tổ quốc. Với di tích lịch sử văn hóa này, có thể xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tham quan cột cờ Lũng Pô. Đứng từ trên đỉnh cột cờ, du khách có chiêm ngưỡng toàn cảnh núi non hùng vĩ, trực tiếp ngắm nhìn ngã ba sông - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, nơi đã trở thành biểu tượng của ý chí tinh thần xung kích tình nguyện và sự quyết tâm của người Lào Cai trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương. Sản phẩm du lịch đặc thù thăm quan Cột cờ Lũng Pô, trải nghiệm cảnh quan tự nhiên và văn hóa bản làng các dân tộc thiểu số địa phương ở A Mú Sung sẽ để lại trong du khách niềm tự hào và cảm xúc thật khó quên.

Việc nghiên cứu, khai thác các tài nguyên du lịch có tính đặc thù để phát triển SPDLĐT tại Bát Xát cần tuân thủ theo các nguyên tắc của phát triển du lịch bền vững: đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế; bền vững về tài nguyên môi trường và sự bền vững về văn hóa - xã hội. Tất cả hướng tới mục tiêu vừa giúp du lịch địa phương phát triển mạnh mẽ, vừa đem lại lợi ích kinh tế cho địa phương, cộng đồng dân cư và vừa bảo vệ được cảnh quan sinh thái, di sản văn hóa địa phương.

_______________

1. Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và nhà ở tháng 4-2019.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Phạm Hùng, Văn hóa du lịch, Nxb Đại học Quốc gia, 2019, Hà Nội.

2. Nguyễn Phước Hưng, Nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Bạc Liêu, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học KHXH&NV, 2018.

3. Phòng Quản lý Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Bát Xát, Báo cáo hoạt động du lịch huyện Bát Xát.

4. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Luật Du lịch, 2017.

5. Tổng cục Du lịch, Chiến luợc phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Hà Nội, 2016, tr.2.

Tác giả: Đặng Thị Oanh - Hoàng Mạnh Linh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 446, tháng 12-2020

;