Một số giải pháp tăng cường liên kết phát triển du lịch sinh thái vùng Đông Nam bộ

Vùng Đông Nam Bộ có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, nhưng hiện nay việc khai thác tiềm năng này chưa hiệu quả. Nguyên nhân là do khâu liên kết phát triển du lịch sinh thái còn lỏng lẻo, thiếu cơ chế phối hợp. Do vậy, việc đẩy mạnh liên kết trong phát triển du lịch ở Đông Nam Bộ cần khắc phục những hạn chế trong liên kết, cũng như tận dụng các tiềm năng để thúc đẩy liên kết du lịch sinh thái của vùng.

1. Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái vùng Đông Nam Bộ

Về tự nhiên

Vùng Đông Nam Bộ nằm trên vùng đồng bằng và bình nguyên rộng, chuyển tiếp từ cao nguyên Nam Trung Bộ đến đồng bằng sông Cửu Long; vùng khí hậu cận xích đạo với nền nhiệt độ cao và hầu như ít thay đổi trong năm, các diễn biến thất thường về khí hậu quanh năm rất nhỏ, ít có thiên tai, không quá lạnh, ít ảnh hưởng của bão; là khu vực có các con sông lớn và dài với mật độ phân bố tương đối thấp 0,5km/km (1), có nhiều hồ lớn và hệ sinh thái rừng đa dạng… thuận lợi cho phát triển du lịch.

Vùng Đông Nam Bộ có chiều dài bờ biển gần 180km với thềm lục địa rộng trên 100.000 km2 có nhiều bãi biển đẹp tại Bà Rịa - Vũng Tàu; hệ sinh thái đất ngập mặt tại Cần Giờ… Bên cạnh đó, còn có tài nguyên du lịch sinh thái gắn liền với vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn, các khu rừng ngập mặn như: Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, hệ thống các vườn quốc gia: Cát Tiên (Đồng Nai), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Bù Gia Mập (Bình Phước), Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh).

Du lịch sinh thái - tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Ảnh: bariavungtautourism.com.vn

Tài nguyên du lịch gắn liền với cảnh quan núi có ý nghĩa đối với phát triển du lịch như: núi Bà Đen (Tây Ninh) - còn được công nhận là Quần thể di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng núi Bà, núi Bà Rán, núi Dinh, núi Chứa Chan…
Tài nguyên du lịch tự nhiên gắn liền với cảnh quan, hệ sinh thái sông, hồ như: sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, sông Đồng Nai…; hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An (Đồng Nai), hồ Thác Mơ (Bình Phước)…

Về bản sắc văn hóa vùng miền

Đông Nam Bộ là vùng địa linh nhân kiệt, là cái nôi của phong trào cách mạng trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, nên đã để lại nhiều di tích lịch sử, văn hóa cách mạng, trong đó nhiều di tích lịch sử được công nhận cấp quốc gia đặc biệt như: Khu di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh), di tích dinh Độc Lập (TP.HCM), di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), di tích lịch sử đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (huyện Lộc Ninh, Bù Gia Mập - Bình Phước)… có 150 loại di tích lịch sử - văn hóa, công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn đã được công nhận cấp quốc gia và địa phương, trong đó có nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; quần thể di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng núi Bà tại Tây Ninh được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, di chỉ khảo cổ di chỉ văn hóa Óc Eo, Bưng Bạc, Bưng Thơm… tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Lễ hội văn hóa dân gian có: lễ hội của các tôn giáo như: lễ hội Phật giáo, Thiên chúa giáo, Cao Đài, Hòa Hảo…; lễ hội gắn liền với phong tục tập quán của các cộng đồng dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Tà Mun, S’tiêng, Mạ…; lễ hội gắn liền nghề biển như lễ hội cầu ngư tại các làng chài ven biển, lễ lên rẫy, lễ vào mùa…

Ẩm thực vùng Đông Nam Bộ khá phong phú với các món ăn truyền thống như: bánh canh, báng tráng phơi sương Trảng Bàng (Tây Ninh); ẩm thực biển (Bà Rịa - Vũng Tàu); gỏi măng cụt Lái Thiêu, bánh bèo bì (Bình Dương), chè bưởi Tân Triều (Đồng Nai),…

Nghề thủ công truyền thống: nghề gốm xã Tân Vạn, nghề dệt thổ cẩm Tài Lài; tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có nghề đúc đồng xã Anh Nhứt, rượu Hòa Long, bánh cuốn An Ngãi; tỉnh Bình Dương có làng nghề sơn mài Tân Bình Hiệp; tỉnh Tây Ninh có làng nghề bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, nghề đồng…

Về hạ tầng, vật chất kỹ thuật

Về hàng không: có hệ thống cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và cảng hàng không nội địa Côn Sơn và Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), cảng hàng không Biên Hòa (Đồng Nai).

Hệ thống đường bộ: vùng có 13 đường quốc lộ kết nối với hệ thống đường quốc gia và quốc tế như đường quốc lộ 22, 22B và 13 nối với Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát (Tây Ninh) và Hoa Lư (Bình Phước), đường mòn Hồ Chí Minh; đường bộ nối với các vùng du lịch như: quốc lộ 1A, 50. N2 nối các tỉnh vùng du lịch Nam Trung Bộ, duyên hải và Tây Nam Bộ, quốc lộ 20, 14, 13, 14C nối với vùng du lịch Tây Nguyên; đường bộ nối các tỉnh, đô thị, các khu vực trong vùng và hệ thống đường đến các khu tuyến điểm du lịch...

Hệ thống đường thủy: tuyến đường biển nối biển Đông với vùng Đông Nam Bộ qua Vũng Tàu đến cảng Sài Gòn qua các sông Soài Rạp, Cái Mép, sông Tiền; tuyến đường thủy liên tỉnh; tuyến đường thủy nội vùng trên sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, sông Đồng Nai… thuận lợi cho việc bố trí các tuyến điểm du lịch cho khách tham quan du lịch.

Đường sắt và nhà ga: tuyến đường sắt quốc gia đi qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM với chiều dài 110km có 13 nhà ga đạt tiêu chuẩn để phục vụ hành khách và khách du lịch

Hệ thống cảng đường không, các cửa khẩu quốc tế, đường bộ, đường sắt đồng bộ của vùng Đông Nam Bộ là yếu tố quan trọng, thuận lợi cho khách du lịch đi và đến tham quan các điểm du lịch.

2. Thực trạng liên kết phát triển du lịch sinh thái vùng Đông Nam Bộ

Những hoạt động liên kết phát triển du lịch sinh thái

Trong những năm qua, hoạt động liên kết phát triển du lịch sinh thái tại các tỉnh thuộc vùng Đông Nam tập trung vào các vấn đề cả ở tầm vĩ mô và vi mô.

Ở góc độ vĩ mô, nội dung liên kết chủ yếu trong quản lý khách du lịch quốc tế, đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, trao đổi và cung cấp thông tin phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về du lịch, thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh du lịch.

Khách du lịch quốc tế rất đa dạng và đến từ nhiều nước và khu vực khác nhau, hoạt động của họ tại điểm đến có thể phát sinh nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến các vấn đề an ninh, quốc phòng, chính trị, y tế dự phòng, tội phạm xuyên quốc gia,… đòi hỏi ngành Du lịch và các cơ quan hữu quan như an ninh, quân đội, y tế, hải quan,… phải có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý các hoạt động xuất nhập cảnh của du khách quốc tế cũng như các hoạt động của họ tại điểm đến du lịch. Cơ sở hạ tầng du lịch đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu rất lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, vì vậy, thường sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Việc liên kết đầu tư góp phần tận dụng tối đa nguồn lực của các ngành, các địa phương để đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng du lịch, góp phần phát triển du lịch nhanh và bền vững. Tuy có chức năng quản lý nhà nước về du lịch, nhưng ngành Du lịch không thể thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra một cách toàn diện nếu thiếu đi sự liên kết, phối hợp với các ngành hữu quan cũng như chính quyền các địa phương. Sự khác biệt bởi địa bàn và đối tượng tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch cho thấy hoạt động liên kết giữa các tỉnh vùng ở Đông Nam Bộ và với các địa phương khác trong nước đã phần nào giúp đảm bảo hiệu lực và hiệu quả của công tác thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh du lịch. Ngoài các nội dung trên, hoạt động liên kết còn thể hiện trong quy hoạch du lịch giữa các địa phương, liên kết trong bảo tồn và tôn tạo tài nguyên du lịch, liên kết xúc tiến, quảng bá hình ảnh quốc gia, điểm đến...

Ở góc độ vi mô, hoạt động liên kết thể hiện ở một số nội dung như: Xây dựng, tổ chức quản lý và thực hiện chương trình du lịch. Nội dung hoạt động liên kết tập trung vào phát triển các chương trình du lịch trên cơ sở khai thác các tuyến, điểm, khu du lịch. Sử dụng và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Nội dung liên kết gồm: liên kết sử dụng lao động khắc phục tình trạng mất cân đối về cung - cầu lao động ở mỗi điểm đến và liên kết đào tạo phát triển nguồn nhân lực của các doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp thuộc các ngành hữu quan, từ đó nâng cao năng lực của các doanh nghiệp, đồng thời tiết kiệm chi phí đào tạo của mỗi doanh nghiệp. Xúc tiến quảng bá chương trình và sản phẩm du lịch, tạo dựng hình ảnh chung cho sản phẩm của điểm đến du lịch, trong đó có hình ảnh của mỗi doanh nghiệp. Từ đó, mỗi doanh nghiệp có điều kiện tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả của hoạt động quảng bá, mở rộng thị trường khách,...

Liên kết thống nhất giá sản phẩm du lịch trong nội vùng, cùng nâng cao sức cạnh tranh của du lịch mỗi tỉnh. Liên kết sử dụng các kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm dịch vụ của các doanh nghiệp khác, vừa tiết kiệm nguồn lực cho doanh nghiệp, vừa tận dụng được năng lực của các đối tác, đồng thời tăng khả năng tiếp cận hàng hóa, dịch vụ cho khách du lịch tại điểm đến. Liên kết trao đổi, cung cấp thông tin, đặc biệt các thông tin về thị trường khách, đặc điểm và nhu cầu của từng thị trường khách. Liên kết đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, tận dụng được cơ sở vật chất kỹ thuật của các doanh nghiệp khác, vừa đảm bảo tiết kiệm chi phí đầu tư cho doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý và khai thác các cơ sở vật chất kỹ thuật. Liên kết bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững, giảm chất thải và tiêu thụ quá mức tài nguyên và năng lượng, quản lý đa dạng tự nhiên, sinh thái theo hướng bền vững. Ngoài các nội dung liên kết phổ biến ở trên, vùng Đông Nam Bộ còn thực hiện các liên kết khác như: liên kết phát triển các dịch vụ khách hàng, liên kết tư vấn và quản lý đầu tư,... Các mối quan hệ liên kết góp phần nâng cao năng lực và lợi ích các chủ thể tham gia liên kết du lịch.

Những hạn chế trong hoạt động liên kết phát triển du lịch sinh thái vùng Đông Nam Bộ

Thứ nhất, hoạt động liên kết phát triển du lịch sinh thái của các tỉnh còn mờ nhạt, chưa được cụ thể hóa bằng văn bản, kế hoạch và lộ trình cụ thể. Hoạt động liên kết chưa được cụ thể hóa thành các kế hoạch cụ thể, xác định lộ trình và cách thức thực hiện cho từng nội dung. Chưa xây dựng kế hoạch và triển khai việc điều phối, hỗ trợ thực hiện các cam kết mà các doanh nghiệp đã ký kết tại các hội thảo. Các cam kết trong liên kết hợp tác giữa các địa phương vẫn chỉ mang tính chung chung theo kiểu ghi nhớ, hứa hẹn, chưa có lộ trình cụ thể.

Thứ hai, công tác quản lý nhà nước về du lịch đã bộc lộ nhiều hạn chế, như: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý nhà nước về du lịch còn nhiều bất cập; đội ngũ công chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch còn thiếu và yếu, thiếu nhân lực được đào tạo về chuyên ngành Du lịch; hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về du lịch chưa thống nhất; chưa có cơ chế phối hợp và thiếu tính chủ động về đặc thù vùng, miền trong phát triển du lịch.

Thứ ba, khu vực Đông Nam Bộ thiếu sản phẩm du lịch độc đáo mang tính đặc thù vùng đồng bằng sông Cửu Long và của mỗi địa phương trong vùng.

Thứ tư, thiếu hụt nguồn nhân lực làm du lịch sinh thái. Vùng Đông Nam Bộ phải tăng cường công tác phối hợp, mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng cho hướng dẫn viên cũng như chuẩn hóa giáo trình giảng dạy nâng cao tay nghề đội ngũ làm nghề du lịch, hướng tới xây dựng một lực lượng làm du lịch có tay nghề cao, có như vậy mới đủ nội lực để thu hút và phục vụ tốt du khách trong và ngoài nước

3. Một số giải pháp tăng cường liên kết phát triển du lịch sinh thái vùng Đông Nam Bộ

Các tỉnh cần sớm thống nhất về cơ chế phối hợp, chia sẻ lợi ích và cơ chế kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện cam kết giữa các địa phương trong khu vực, giữa các địa phương trong phát triển kinh tế vùng để thúc đẩy liên kết kinh tế, khuyến khích hợp tác nhằm tăng trưởng nhanh hơn, phát triển bền vững hơn. Phải xây dựng được cơ chế liên kết du lịch giữa các địa phương một cách hiệu quả, cụ thể. Trong các biên bản liên kết, các cam kết hợp tác giữa các địa phương cần cụ thể hóa cơ chế liên kết nhằm xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mỗi địa phương. Sự chỉ đạo, điều phối của Bộ VHTTDL và chủ trương của lãnh đạo các địa phương giữ vai trò quyết định. Vì vậy, các tỉnh cần tạo ra kênh đối thoại thông qua các diễn đàn, hay tổ chức gặp gỡ định kỳ giữa các nhà lãnh đạo địa phương. Sở VHTTDL các địa phương cần thống nhất cách thức quản lý các hoạt động kinh doanh du lịch, lữ hành, hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn để đảm bảo sự liên kết không rời rạc.

Xác định mô hình liên kết trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội toàn khu vực, vùng, địa phương đã được phê duyệt. Trong xây dựng và thực thi các chính sách phát triển du lịch của mỗi tỉnh cần tham khảo và lồng ghép với các tỉnh khác trong và ngoài vùng có thỏa thuận hợp tác, phát huy kinh nghiệm, nhưng đồng thời hạn chế sự trùng lắp, sao chép máy móc giữa các tỉnh.

Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật và kết cấu hạ tầng tạo điều kiện cho sự hợp tác, liên kết. Trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, nhất là các chính sách về đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng, quản lý đô thị, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...

Phối hợp xây dựng kế hoạch khảo sát các tour, tuyến, điểm du lịch mới nhằm khai thác kết nối tour du lịch với các doanh nghiệp du lịch của 6 tỉnh. Qua đó, trao đổi, cung cấp thông tin phát triển các loại sản phẩm du lịch mới của từng địa phương và đẩy mạnh chương trình hợp tác trao đổi khách du lịch góp phần quảng bá sản phẩm du lịch của 6 tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ.

Hợp tác kết nối tour, tuyến để khai thác thế mạnh du lịch của mỗi vùng, miền, làm cầu nối đưa các doanh nghiệp du lịch gặp gỡ nhau trao đổi kinh nghiệm, kết nối chương trình du lịch, có chính sách hỗ trợ giá lẫn nhau. Phối hợp với Hiệp hội Du lịch của các địa phương tổ chức các đoàn famtrip để quảng bá, tiếp thị sản phẩm du lịch, xúc tiến điểm đến của các tour, tuyến điểm và sản phẩm du lịch.

Xây dựng và triển khai thực hiện chương trình phát triển nguồn nhân lực du lịch cho từng địa phương phù hợp với định hướng phát triển du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tăng cường công tác đào tạo tại chỗ, đào tạo ngắn hạn đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực du lịch trước mắt cũng như lâu dài của từng địa phương và phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế. Chú trọng đào tạo các kiến thức, kỹ năng cơ bản về du lịch cho cộng đồng. Nâng cao chất lượng, kỹ năng, tính chuyên nghiệp trong phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Tác giả: Đặng Thị Hồng Hạnh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 432, tháng 6-2020

;