Tham gia Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI tại tỉnh Lạng Sơn, đồng bào dân tộc Tày tại Thái Nguyên đã tái hiện trích đoạn lễ nghi cầu an, cầu phúc. Qua đó, đông đảo người dân, du khách hiểu thêm về phong tục văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, thể hiện sự thành kính với thần linh, tổ tiên, ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người Tày ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.
Lễ cầu an, cầu phúc của người Tày thường được tổ chức vào dịp cuối tháng Giêng, đầu tháng 2 âm lịch hằng năm. Lúc đó, người Tày nô nức chuẩn bị và tổ chức lễ cầu an, cầu phúc, cùng thành kính hướng về tổ tiên và cầu mong một năm mới an bình, no ấm. Đồng thời là dịp để mọi người tụ họp, giao lưu thể hiện niềm thành kính với thần linh, tổ tiên, biểu đạt ước vọng trong sáng về một cuộc sống hạnh phúc, an bình, no ấm…
Để tổ chức Lễ cầu an, cầu phúc, cần chuẩn bị các vật phẩm dâng lễ, một phẩm vật không thể thiếu đó là cây chuối khé
Các vật phẩm dâng lễ cầu an, cầu phúc, gồm 3 loại: Lễ tam sinh (có gà, vịt cả chín và sống); Lễ chay gồm các loại: bánh dầy, bánh dợm, bánh ngải, bánh chè lam; Thanh bông hoa quả gồm hoa, quả chuối. Lễ vật được sắp xếp trên ban thờ tam cấp. Người Tày quan niệm, có đầy đủ các lễ vật, khi làm lễ sẽ được các đấng siêu nhiên, được những Pụt Luông (Phật lớn) và Đằm (tổ tiên) phù trợ. Trên ban thờ Lễ cầu an, cầu phúc các loại giấy màu, lễ vật, sản vật bánh trái hoa quả bày biện theo thứ tự. Và một phẩm vật không thể thiếu đó là cây chuối khé.
Bên cạnh đó, tại Lễ Cầu an có Nàng Hương (chậu slay), Chàng Khóa. Trước kia, chậu slay hay còn gọi là Nàng Hương, người sẽ giúp lễ thầy, phải luôn là người thùy mỵ, nết na, trong trắng và đặc biệt phải chưa chồng (nhằng slao).
Bốn cây chuối thể hiện ở các cung của các quan vận hạn. Trong lễ này mời các quan về để giải hạn cho mọi người trong năm đó. Điều đặc biệt là hoa chuối khé phải thẳng lên trời chứ không cong xuống dưới đất mới linh ứng. Cây chuối khé là phương tiện để giao tiếp, mời các quan xuống công nhận và phù hộ cho gia chủ.
Nghi lễ cầu an, cầu phúc của người Tày Phú Lương
Lễ Cầu an, cầu phúc của người Tày Phú Lương trước đây thường được tổ chức khi đêm xuống và làm trọn một đêm. Nhưng hiện nay, nghi lễ này đã chuyển sang tổ chức ban ngày, do điều chỉnh theo sinh hoạt thường nhật. Thực hiện nghi lễ này chủ yếu là vai trò của nam giới chủ chốt trong gia đình nhưng phụ nữ cũng có vai trò quan trọng. Hầu như năm nào các gia đình người Tày cũng đều tổ chức, mặc dù gia chủ có thể không mời hoặc mời rất ít (chủ yếu là anh em trong nhà), nhưng khi chuẩn bị làm lễ rất nhiều bạn bè hàng xóm đến giúp làm mọi thứ. Khi làm lễ, bà con trong bản thường đến rất đông, việc góp mặt của bà con trong bản chính là thể hiện sự quan tâm chia sẻ giữa con người với con người. Sau khi nghi lễ kết thúc, thầy cúng sẽ buộc chỉ vào cổ tay cho từng thành viên trong gia đình và những người có mặt với ý niệm sợi chỉ sẽ như một vật thiêng bảo vệ, mang an lành đến cho người được buộc chỉ.
Thầy cúng sẽ buộc chỉ vào cổ tay cho từng thành viên trong gia đình và những người có mặt
Nghi lễ hoàn tất, thầy cúng tiến hành nghi thức hóa vàng. Lễ cầu phúc, cầu an, cầu lộc của đồng bào Tày cầu chúc cho dân làng và mọi người một năm mới may mắn, làm ăn tấn tới, mạnh khỏe, bình an.
Lễ Cầu an là một trong những nét văn hóa đặc sắc còn giữ lại được trong đời sống tinh thần của đồng bào Tày và phát triển cao trên cơ sở nền tảng tâm linh và nghệ thuật diễn xướng. Đó cũng chính là lý do để mỗi khi Tết đến xuân về, nhà nhà lại nô nức chuẩn bị mở và dự lễ Cầu an với một niềm thành kính hướng về tổ tiên và cầu mong một năm mới an bình, no ấm.
AN NGỌC - Ảnh: TUẤN MINH