Nghi lễ trưởng thành và cấp sắc của người Dao tỉnh Lạng Sơn

Nghi lễ trưởng thành và cấp sắc (nghi lễ Phùn voòng) là một nghi lễ rất quan trọng, được chuẩn bị công phu trong 2- 3 ngày, dưới sự giúp đỡ của gia đình, dòng họ và cộng đồng làng bản. Đây là nghi lễ được bảo lưu, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng dân tộc Dao Lù Gang tỉnh Lạng Sơn.

Lạng Sơn không chỉ được thiên nhiên và tạo hóa ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng có giá trị về địa chất, địa mạo mà nơi đây còn lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể vô cùng đặc sắc được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Thầy cả dẫn các đệ tử cùng ra trước ban thờ để làm lễ lạy Bàn Vương và các vị thần linh, mời thầy và tổ sư

Trong vô vàn những những di sản ấy loại hình tín ngưỡng dân gian lễ trưởng thành và cấp sắc của người Dao được bảo lưu, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, những giá trị văn hóa ấy như những viên ngọc quý càng mài dũa càng lung linh tỏa sáng, tạo nên những sắc màu văn hóa đặc trưng riêng biệt, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng dân tộc Dao Lù Gang tỉnh Lạng Sơn.

Nghi lễ cấp sắc của người Dao rất phong phú đa dạng và tiêu biểu có mặt ở các huyện trong tỉnh Lạng Sơn như Lộc Bình, Cao Lộc, Bắc Sơn, Bình Gia và Tràng Định trong đó người Dao Lù Gang ở xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình có những nét văn hóa độc đáo riêng biệt. Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị năm 2024, các nghệ nhân dân tộc Dao xã Ái Quốc đã tái hiện lại nghi lễ trưởng thành, tiêu biểu, đặc sắc này.

Sau khi thỉnh mời thần tướng và tổ sư, cả đoàn sẽ nhảy nghi thức vào đường sinh đạo

Nghi lễ được thực hiện vào chính giờ lành, thầy cả dẫn các đệ tử cùng ra trước ban thờ để làm lễ lạy Bàn Vương và các vị thần linh, mời thầy và tổ sư, sau đó phát tấu sớ lên thổ công và gia tiên, các vị tổ nghề, thần linh trong gia đình người được cấp sắc. Sau khi thỉnh mời thần tướng và tổ sư, cả đoàn sẽ nhảy nghi thức vào đường sinh đạo.

Người Dao đã sinh sống, lao động, sản xuất gắn với nương rẫy, núi rừng. Thần rừng thần núi là các vị thần được tôn thờ, vì thế sau khi đi vào đường sinh đạo, cả đoàn lại quay ra bái lạy thần rừng, thần núi và tiếp tục nhảy múa.

Đệ tử mới được đưa ra để trình diện thần linh và thực hiện các nghi lễ cấp sắc

Sau đó, đệ tử mới được đưa ra để trình diện thần linh và thực hiện các nghi lễ cấp sắc. Đầu tiên là nghi thức rải khăn lên ghế và được gọi là ghế lão quân, đệ tử sẽ được dẫn ngồi ghế đó. Các thầy tiến hành nghi thức tẩy uế, giải đi những điều xấu, những thứ dơ bẩn của trần gian để thân thể đệ tử được thanh sạch. Tiếp nối, sẽ thực hiện động tác xiên kiếm qua vai với ý nghĩa xin khăn áo nhằm cấp đồ nghề của sư phụ cho đệ tử. Dải vải trắng được các thầy đeo lên vai đệ tử gọi là phù hiệu của người đã có chức sắc.

Nghi thức dựng đèn

Tiếp theo là nghi thức dựng đèn, thầy cả ra hiệu cho đệ tử đốt đèn sáng để thỉnh mời các vị tổ sư và thần linh Ngọc Hoàng, Thượng thanh, Thái Thanh, Bàn Vương và các vị Tổ sư chứng giám. Các thầy ra hiệu thượng 3 đèn và 7 đèn: 3 đèn là biểu tượng của nghi lễ trưởng thành. Đây là nghi lễ bắt buộc đối với nam giới người Dao, để từ đây họ trở thành người có trách nhiệm với gia đình, làng bản, thôn xóm và cộng đồng xã hội, chính thức được cấp tên tuổi người Dao. Còn 7 đèn là nghi thức cấp sắc, tấn phong và cấp quân mã, binh lính theo quan niệm dân gian để đi cứu nhân độ thế. Sau khi cấp đèn cả đoàn mừng vui nhảy múa xung quanh, gọi là điệu múa Dằng Coong.

Cả đoàn mừng vui nhảy múa điệu múa Dằng Coong

Nghi thức bước qua cầu trắng và cấp tên âm, cấp binh mã sẽ là bước tiếp theo, khi đó các thầy sẽ rải dải vải trắng, tượng trưng cây cầu nối hai thế giới âm dương, giữa trần gian và  các vị thần linh, tổ sư để truyền những điều hay lẽ phải cho đệ tử. Từ đây đệ tử sẽ chính thức trưởng thành và có binh mã đi theo, có ấn tín và sách vở để đi cứu nhân độ thế. Thầy dẫn đệ tử dẫm qua chiếc cầu 7 đồng xu. Với người cấp 3 đèn sẽ được cấp 36 binh mã; người cấp 7 đèn được cấp 72 binh mã.

Các thầy rải dải vải trắng, tượng trưng cây cầu nối hai thế giới âm dương theo quan niệm dân gian, giữa trần gian và các vị thần linh, tổ sư 

Các thầy sẽ cùng đi chéo chân qua cầu, với ý nghĩa cầu chúc những điều tốt lành

Tiếp đó các thầy sẽ cùng đi chéo chân qua cầu, trên cầu có nắm gạo và 2 cây kiếm vắt chéo, với ý nghĩa cầu chúc những điều tốt lành, chứng giám cho sự thông minh, sáng dạ và thành tựu về tương lai của người được cấp sắc. Các thầy tiếp tục làm phép thổi lệnh bài tức là thổi hạt ngọc, truyền ngọc thực, truyền phép và những điều tốt đẹp có ý nghĩa cấp quang cấp quyết cho nhà thầy cai mã được mạnh, cai binh được ác.

Các thầy tiếp tục làm phép, truyền ngọc thực, truyền phép và những điều tốt đẹp

Sau khi đệ tử được cấp sắc, cả đoàn cùng vui mừng nhảy múa điệu Dằng Coong

Sau khi đệ tử được cấp sắc, các thầy mời đệ tử đứng dậy, cả đoàn cùng vui mừng nhảy múa điệu Dằng Coong. Điệu múa này có ý nghĩa các vị thần nhập về chứng giám và chúc phúc cho đệ tử, gia đình làng bản, quê hương. Mọi người cùng nhảy múa xung quanh đệ tử và hát: “Hôm nay ngày tốt lắm/ Cấp phép, cấp binh mã cho hai đệ tử/ Xin thần linh ban phước lành cho bách gia trăm họ/ Cho các thầy được cao công tăng chức…”. Các thầy nhảy múa vây vòng như một lời căn dặn từ đây đệ tử mới sinh đã có thể theo thầy cả học, phải tôn trọng nghề tổ tiên và cầu chúc cho bách gia trăm họ, làng bản được bình an, hạnh phúc.

THÁI AN - Ảnh: TUẤN MINH

;