Nghi lễ tang ma của người Si La ở xã Can Hồ, Mường Tè, Lai Châu

Nằm trong nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến, người Si La có nhiều tên gọi khác nhau như: Cù Dề Sừ, Khả Pẻ, Khờ Pướ, Pờ Mạ và Si La là tên gọi chính thức được Nhà nước công nhận. Hiện nay, người Si La ở nước ta có khoảng gần 600 người, riêng ở xã Can Hồ, Mường Tè, Lai Châu có 482 người sinh sống (1). Ở mỗi nền văn hóa, sự chiêm nghiệm, day dứt về sự sống và cái chết luôn là điểm khởi phát, sáng tạo ra nhiều nét văn hóa đặc trưng trong phong tục, nghi lễ. Người Si La ở huyện Mường Tè đã sáng tạo, duy trì những giá trị văn hóa đặc sắc qua những nghi lễ trong tang ma, góp phần vào việc khẳng định bản sắc văn hóa tộc người.

1. Quan niệm về cái chết của người Si La

Cái chết là hiện tượng cuối cùng khép lại sự sống của một con người trên trần gian. Người Si La ở Can Hồ quan niệm con người có hai phần là thể xác và linh hồn/vía (a ló), phụ nữ có 7 vía, nam giới có 9 vía. Con người chết là lúc tất cả các vía lìa khỏi thể xác, đi chơi mãi không trở về. Đó là quá trình tạm dừng sự sống ở thế giới trần gian để bắt đầu một sự sống mới ở thế giới khác. Với quan niệm xố tự La Sa quạ, cỏm Mồ Ly quạ - chết là vía trở về với bản La Sa, bản Mồ Ly (Trung Quốc) nơi sinh ra tổ tiên của người Si La (2). Người Si La tin rằng sau khi chết, con người vẫn tiếp tục sinh tồn, tức là tin vào sự bất tử của linh hồn/vía, vì thế tang lễ và những ứng xử với người thân qua đời có thể xem là biểu hiện của đức tin và triết lý về sự chuyển tiếp sau cái chết. Đồng thời, đó cũng là dịp để người sống thực hiện đạo lý với người đã khuất. Ngoài ra, người Si La cho rằng cái chết là sự mất mát lớn của cả gia đình và cộng đồng nên nghi lễ tang ma được tổ chức không chỉ để an ủi gia đình người chết mà còn là nghi lễ chuyển tiếp địa vị của người chết ra nhập vào thế giới của tổ tiên (xì chi).

2. Nghi lễ tang ma của người Si La

Tang lễ ngày nay của người Si La thường diễn ra trong 4 ngày 3 đêm với nhiều nghi lễ như lễ cúng chỉ đường (nờ bô phơ), lễ xua đuổi tà ma (ù khe dụ ơ), lễ phúng viếng (chi sư xư), lễ đưa người chết lên nhà mồ (pà pị ế), lễ gọi vía người sống trở về (ạ xạ a ló khú), lễ viếng mộ (à ve pho), lễ bỏ tang (gọ lề khớ pị), lễ nhập bàn thờ (xì chi thú) (3). Những nghi lễ này là một cuộc hành trình dài để tiễn người chết trở về thế giới tổ tiên.

Người Si La chia cái chết làm 2 loại là chết bình thường và không bình thường. Chết bình thường là những người chết do tuổi già, do đau yếu, bệnh tật. Chết không bình thường là những cái chết do bị thương tổn về thể xác như tai nạn, treo cổ, bị người khác giết, chết đuối... Khi trong nhà có người hấp hối khó qua cơn nguy kịch, gia đình đặt giường bên cạnh bếp thiêng (xì si kho ló) và phân công con cái, anh em túc trực chăm sóc người ốm. Trong thế giới tâm linh của người Si La quan niệm rằng vách sau nhà và bếp thiêng là thế giới bên kia, nơi tổ tiên trú ngụ, nên họ đặt người ốm ở đó là cách để cầu mong tổ tiên tiếp thêm sức mạnh vượt qua cơn trọng bệnh. Ngay sau khi người ốm trút hơi thở cuối cùng, người nhà chuyển thi thể của người chết ra gian chính của ngôi nhà. Người con trai trưởng trong gia đình mở những chiếc bem của người cha để cho vía của ông xem lại một lần nữa những đồ vật quý giá trong nhà, nếu không người chết sẽ không nhắm mắt được. Người nhà tắm rửa cho thi hài bằng nước lá thơm, thay quần áo mới (4). Sau khi tắm rửa xong, người chết được đặt nằm trên một chiếc giàn làm bằng 2 cây tre/vầu tươi bổ đôi dựng thành bốn cột đặt 2 thanh dọc và 4 thanh ngang, buộc cao hơn mặt đất khoảng 1m cạnh chiếc cột thiêng giữa nhà, đầu quay về hướng bàn thờ, hai tay để xuôi theo thân người, hai ngón chân cái được buộc sát vào nhau. Phía cuối giàn treo là một chiếc túi vải và một chiếc gùi để đựng lễ vật dâng cúng cùng những vật dụng mà gia đình chia cho người chết trong thời gian tang lễ diễn ra. Người con trai trưởng bỏ vào miệng người cha một ít cánh kiến/một đồng bạc, lòng bàn tay trái đặt một đồng bạc, lòng bàn tay phải đặt một ít giống lúa. Đây là hành động giao của cải và chia giống lúa cho người chết mang theo sang thế giới bên kia để có vốn liếng, tiếp tục sản xuất làm ăn. Họ phủ lên thi hài người quá cố một tấm vải trắng mới, đặt lên ngực một chùm nhạc ngựa. Trong suốt thời gian diễn ra lễ tang, người vợ luôn túc trực bên cạnh thi hài chồng.

Một người đàn ông khỏe mạnh nhanh nhẹn trong họ thay mặt gia chủ đi báo tin cho anh em, họ hàng trong bản ngoài xã đến giúp các công việc trong đám tang. Người đi báo tin thông báo cho các gia đình trong họ biết là ông A/bà B đã chết vào ngày, giờ nào, nguyên nhân chết và sẽ làm ma từ ngày nào đến ngày nào để cho anh em trong họ kiêng cữ (5). Lúc này, đối với vía người chết đang rơi vào trạng thái mơ hồ về ranh giới, không rõ thuộc hẳn về bên nào, không còn là người sống mà cũng chưa trở thành tổ tiên. Đó chính là lúc người chết cách ly với vị thế cũ, hay còn gọi là tiền ngưỡng. Các nghi lễ chỉ đường, lễ phúng viếng, lễ đưa người chết lên nhà mồ, lễ bỏ tang, lễ nhập bàn thờ là những nghi lễ chính và quan trọng nhất của lễ tang. Trong quá trình thực hiện các nghi lễ này, người chết ở giai đoạn chuyển tiếp hay còn gọi là giai đoạn ngưỡng. Đó là thời điểm nghi lễ phát huy hiệu lực trong việc loại bỏ cá nhân đó ra khỏi cộng đồng.

Người con trai trưởng cầm chiếc nón rộng vành (xẹ kho) để đi mời thày cúng về làm các nghi lễ tang ma cho cha. Theo phong tục, người Si La phải mời ba lần, thày cúng mới đến giúp gia đình làm lễ cúng ma. Lần thứ nhất, họ trình bày với thày cúng lý do người nhà mất và mời thày đến dẫn đường cho người chết về với tổ tiên; lần thứ hai, người ta đi đến nửa đường rồi quay về; lần thứ ba, người ta đi thẳng vào gian thờ chính của thày cúng trao chiếc nón cho thày và đưa thày về nhà làm lễ tang. Nếu thày cúng nhận lời ông sẽ nhận lấy chiếc nón. Khi đến nhà người chết, thày cúng không vào nhà ngay mà ngồi trước hiên nhà cùng với tang chủ để thoả thuận việc trả công cho những ngày cúng ma.

Trong thời gian đó, những thanh niên khỏe mạnh của dòng họ đi tìm gỗ để làm quan tài (sư khè). Gỗ để làm quan tài thường là gỗ xoan thân thẳng, không bị sâu, mục. Quan tài được làm từ thân cây gỗ khoét rỗng bên trong và làm thêm nắp đậy, làm xong được đưa từ rừng về bản nhưng phải qua giờ thân mới được đưa vào nhà. Một người đàn ông trong họ dùng dao đẽo một mảnh gỗ bên hông quan tài và giắt lên mái nhà trước khi người ta đưa quan tài vào trong nhà.

Người Si La không có nghĩa địa chung cho cả bản mà mỗi gia đình, dòng họ chôn riêng ở một nơi trên các sườn đồi, sườn núi riêng biệt. Họ thường chôn dọc quả núi, đầu hướng lên trên. Đi tìm huyệt mộ (lự khè) là việc hết sức quan trọng bởi đồng bào quan niệm, đó là nơi mà người quá cố sẽ sinh sống lâu dài. Người trưởng họ đi trước cầm cuốc, theo sau là một người đàn ông khỏe mạnh cầm một thanh củi/bó đuốc đang cháy. Khi chọn được nơi tốt có thể đào huyệt, trưởng họ cuốc một nhát, đặt hòn than xuống đó để đánh dấu vị trí sở hữu huyệt mộ cho người chết. Đến ngày thứ ba, sau khi thày cúng đã làm lễ chỉ đường, những người anh em họ hàng mới được tiến hành đào huyệt.

Ngày đầu tiên của lễ tang, người ta mổ một cặp gà (một trống, một mái) để tiến hành các nghi lễ cúng dẫn hồn người chết về với tổ tiên. Đầu và chân gà được cắt riêng, treo lên gác bếp sấy khô để làm lễ cúng chỉ đường, phổi gà được cắt làm 9 miếng, xâu vào que tre để dành cho các loại ma, thịt gà dành cho những người đi tìm quan tài và tìm đất đào huyệt. Trong khi làm lễ, thày cúng đầu đội nón, tay cầm dao, thay mặt cho gia chủ thực hiện các nghi lễ như cúng mở tai cho người chết, dẫn đường cho người chết không theo các loại ma xấu, ma ác.

Nghi lễ cúng chỉ đường do thày cúng thực hiện được diễn ra vào các buổi tối. Lễ vật trong lễ cúng này gồm: một ống điếu thuốc lào, một quả chuối xanh, một quả trứng nướng, một con gà nướng nguyên lòng mề được xâu vào chiếc lạt tre, một mảnh vải trắng phủ lên nắp bem, một túi vải rách và sáp ong được thắp sáng (6). Người ta để một cái lưới đan bằng vỏ dây sắn rừng, một chiếc vòng bạc, một cái rìu, một cái sọt, một cái sàng, một cái mẹt, một quả lắc nhạc bên cạnh thi thể của người quá cố. Thày cúng bắt đầu làm lễ mời người chết hút một điếu thuốc lào, một chén nước uống tượng trưng rồi bỏ tất cả những thứ đã cúng cho người chết vào cái túi rách dưới chân. Thày cúng khấn rằng: “Hãy theo đi, theo thày từng bước. Đừng rời từng ly. Theo thày mà đi tới. Qua cổng làng tới đến ngã ba đường ngõ. Lên đồi xuống núi vực sâu. Hãy theo chân bố mẹ của đường tổ tiên. Dấu chân tổ tiên, cha mẹ còn đó. Đường đi tới tổ tiên nhiều ma, nhiều quỷ. Chớ theo nhầm đường” (7). Lễ cúng dẫn đường kết thúc, người ta tiến hành nhập quan cho người chết. Quan tài được đặt tại gian bếp thiêng gần nơi thờ cúng tổ tiên của gia đình. Trước khi đặt người chết vào quan tài, thày cúng dùng bó đuốc đốt trong lòng quan tài và xung quanh người chết nhằm đuổi những vía của người đang sống không lưu luyến mà đi theo người chết. Những người anh em, họ hàng đặt người chết vào quan tài cùng với quấn áo, đồ trang sức, sau đó đậy nắp quan tài và dùng đất sét giã nhuyễn bịt kín những khe hở. Quan tài được đặt lên giàn và quây kín xung quanh bằng vải trắng. Người ta mổ một con chó lấy phổi cúng cho người chết với ý nghĩa để cho người chết mang đi làm con vật giữ nhà. Mâm cúng cho người chết được đặt trên quan tài để hàng ngày, thày cúng làm lễ cúng cơm cho người chết ăn.

Sáng ngày thứ hai, người ta mổ một con lợn nái để cúng cho người chết với ý nghĩa hiến sinh con vật biết sinh sản để người chết mang sang thế giới bên kia làm giống chăn nuôi. Đây là lúc anh em họ hàng dựng nhà mồ cho người chết trên mảnh đất đã tìm được từ hôm trước. Nhà mồ của người Si La được dựng bằng những vật liệu dễ kiếm như tranh, tre, nứa, lá. Nhà mồ được làm hình vuông mỗi cạnh dài khoảng 3m, 4 mái che được lợp bằng cỏ gianh, bao quanh có hàng rào. Buổi tối, thày cúng làm lễ cúng cơm và tiếp tục các nghi thức cúng chỉ đường dẫn hồn về với ông bà tổ tiên.

Ngày thứ ba, thày cúng làm lễ xua đuổi tà ma, cầu xin sức khỏe cho các thành viên trong gia đình người quá cố. Khi cúng, thày dùng một chiếc gậy gỗ buộc một con dao nhọn ở đầu chọc lên mái nhà với ý nghĩa để cho những ma xấu, ma ác cùng với các loại bệnh tật theo lỗ đó mà ra ngoài, không làm hại đến những người trong gia đình. Sau đó là lễ tung gạo của người con trai út, người này tung gạo, thóc, vỏ hến về phía anh em, họ hàng và mọi người dùng tay, vạt áo để cố hứng cho mình càng nhiều càng tốt, với mong muốn nhận được nhiều lộc của người chết, phù hộ cho chăn nuôi, trồng trọt được mùa.

Lễ phúng viếng của anh em họ hàng cũng được diễn ra trong ngày thứ ba của tang lễ. Lễ vật phúng viếng người chết bao gồm lợn, gà, rượu, trứng. Trong lễ viếng này, những người tuổi hạn có đuôi là số 7 và số 9 ví dụ như; 47, 49, 57, 59 và những người có cùng tháng sinh với người chết không được tới viếng. Người con trai út đội chiếc khăn tang trắng dài, những người con dâu đầu cài lá cỏ pu mì, choàng tấm khăn dài qua vai để làm các nghi thức phúng viếng cha mẹ, người Si La gọi là a chứ chư khe.

Lễ đưa người chết lên nhà mồ, thày cúng dùng dao gõ xuống đất gọi hồn người chết mau tỉnh dậy để cho con cháu chuẩn bị đưa lên nhà mồ. Tấm vải trắng bao quanh quan tài được bỏ ra, con cháu đi 3 vòng ngược chiều kim đồng hồ quanh quan tài với ý nghĩa tiễn biệt cha mẹ lần cuối. Thày cúng đốt sáp ong, mời thuốc, nước người chết lần cuối để tiễn đưa linh hồn về với thế giới tổ tiên. Thày cúng lấy mảnh gỗ quan tài đã gài trên mái nhà từ hôm trước đốt cháy để xua đuổi những vía xấu, những vía ác và gọi vía của thày trở về. Đến đây, vai trò của thày cúng kết thúc, ông đi thẳng ra cổng mà không nhìn lại phía sau để trở về nhà. Từ đây, những nghi lễ cúng ma cho người chết được người trưởng họ hay những người anh em trong gia đình biết cúng thực hiện.

Trước khi đưa quan tài ra khỏi nhà, phải dỡ bỏ tấm vách sau nhà để mở đường cho linh hồn về với thế giới tổ tiên và đưa quan tài đi chôn cất. Quan tài được buộc lên đòn tre cho 6 người anh em họ hàng khiêng. Khi hạ huyệt, người Si La kiêng đứng về phía mặt trời mọc do sợ bóng của mình sẽ bị vùi lấp cùng quan tài có thể dẫn đến ốm đau, bệnh tật sau này. Huyệt được lấp xong, người ta cùng nhau trang trí nhà mồ bằng những cờ, hoa chuối, tổ ong, cây đại bàng được đẽo bằng gỗ... Sau khi việc chôn cất kết thúc, người ta tiến hành gọi hồn cho các thành viên trong đoàn đưa ma trở về nhà.

Lễ viếng mộ được diễn trong 7 ngày đối với nữ và 9 ngày đối với nam. Hàng ngày, những người con mang một ít thuốc lào, lá rừng, hoa rừng lên mộ, tượng trưng cho cơm để cúng cho cha. Trong thời gian này, tại gian bếp thiêng, người ta trải một manh chiếu tượng trưng cho chỗ người chết nghỉ ngơi và về lấy những vật dụng còn thiếu trước khi về với thế giới tổ tiên. Hàng ngày, ba bữa, các con phải làm lễ cúng cơm cho cha/mẹ.

Đến ngày thứ 7 đối với nữ, thứ 9 đối với nam tính từ thời điểm sau khi người cha/mẹ tắt thở, người ta sẽ tiến hành làm lễ cúng tiễn hồn người chết về với tổ tiên. Anh em, họ hàng, những người đã giúp trong đám tang đều có mặt đông đủ để tiễn hồn người quá cố và cũng là để gọi hồn của mình một lần nữa trở về sau khi đám tang kết thúc. Lễ vật gồm có thịt sóc khô, cua đá, cá suối, trứng gà, rượu, nước được đặt lên chiếc chiếu bên cạnh bếp thiêng. Thày cúng thay mặt gia đình khấn rằng: “Nay đã đến ngày tuần bảy/chín ngày, gia đình làm cơm, rượu mời cha/mẹ trở về nhận lấy để mang đi về với ông bà, tổ tiên. Hồn không được đi lang thang mà hãy về cõi âm, nơi có ông bà, tổ tiên để hồn trú ngụ” (8). Sau đó, thày cúng dùng vòng bạc trắng, rọ đựng cơm, ống rượu cần để làm lễ gọi hồn cho tất cả mọi người đã tham gia trong đám tang trở về. Việc để tang sau đám tang của người Si La không quy định bắt buộc mà do điều kiệu của mỗi gia đình, dòng họ mà việc chịu tang có thể là ba tháng, một năm nhưng lâu nhất không quá ba năm.

Nghi lễ tang ma kết thúc bằng lễ bỏ tang, diễn ra vào dịp tết năm thứ ba sau khi chết. Đây là nghi lễ nhập hồn người chết vào bàn thờ của tổ tiên dòng họ tại nhà người trưởng họ. Lễ vật bao gồm bánh dày, 2 con sóc, 2 con cá bống, 2 con cua, 1 gói gạo, 1 gói cơm, vài củ khoai sọ, vài ngọn nến sáp ong mang đến nhà trưởng họ để cúng lễ. Số lượng các lễ vật được chuẩn bị theo nguyên tắc nếu như còn bố hoặc còn mẹ thì mang mỗi loại một lễ, nếu như cả bố và mẹ đều đã mất thì lễ vật mang đến nhà trưởng họ là một cặp. Lễ vật dâng cúng được dọn thành hai mâm: 1 mâm cúng cho người đã mất ở nhà, 1 mâm dâng lên các thế hệ bậc trên ở nhà trưởng họ. Từ đây, tang lễ chính thức kết thúc, vị thế của người chết đã được thay thế bằng một vị thế xã hội mới, đó là gia nhập vào bàn thờ dòng họ, trở thành vị thế tổ tiên. Tuy nhiên, trong cuộc sống của người Si La, vẫn còn nhiều nghi lễ khác tiếp tục diễn ra để duy trì sợi dây liên kết giữa tổ tiên và con cháu qua việc thờ cúng tổ tiên trong dịp ăn lúa mới và tết năm mới.

3. Kết luận

Nghi lễ tang ma của người Si La ở huyện Mường Tè, Lai Châu đã phản ánh tín ngưỡng của cộng đồng với quan niệm về linh hồn và cái chết. Đây là nghi lễ cuối cùng trong chuỗi nghi lễ vòng đời của người Si La, mang ý nghĩa chuyển đổi sâu sắc, từ thế giới trần gian sang thế giới tổ tiên của người đã mất. Nghi lễ dẫn đường và tiễn hồn người chết đã cho chúng ta biết về nguồn gốc, quá trình di cư và tụ cư của người Si La ở Việt Nam. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, giao lưu văn hóa ngày càng mở rộng, nghi lễ tang ma của người Si La đã có những biến đổi nhất định để phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, tuy nhiên sự biến đổi đó không làm mất đi những giá trị và chức năng tâm lý là giúp người sống vượt qua được cú sốc do cái chết của người thân tạo ra. Các nghi lễ tang ma được tổ chức một cách chặt chẽ theo quy định của truyền thống, với sự tham gia của người thân, họ hàng, làng bản, đã giúp con người vượt qua được nỗi đau tinh thần, chấp nhận cái chết của người thân và vì vậy, giúp tạo dựng lại trật tự xã hội trong bối cảnh không còn sự hiện diện của người đã mất. Tóm lại, nghi lễ tang ma của người Si La đã mang lại nguồn thông tin dồi dào về những thực hành văn hóa, xã hội và tâm lý tộc người, đánh dấu những bước chuyển tiếp quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người và tạo ra những đặc trưng văn hóa riêng, mang đậm bản sắc tộc người Si La ở Việt Nam.

______________

1. Ban chỉ đạo Tổng cục Thống kê, Tổng điều tra Dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009: Kết quả toàn bộ, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2010.

2. Phỏng vấn thày cúng Lý Chà Che (tên riêng trong bài viết đã được thay đổi để đảm bảo thông tin cho người được phỏng vấn), bản Sì Thao Chải, xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, tháng 12-2015.

3. Số liệu sử dụng trong bài viết này được ghi chép lại qua quan sát đám tang của ông Pờ Chà Bờ mất vào tháng 5 - 2018, thọ 61 tuổi, tại bản Seo Hai, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Thày cúng chính trong đám tang là thày cúng Lý Chà Che (1957) bản Sì Thao Chải, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

4. Chiếc áo này phải được cắt bỏ một ít gấu để trở thành chiếc áo cũ sờn gấu vì người Si La quan niệm, thế giới của người chết trái ngược với thế giới của người sống, bên này là áo rách thì bên kia sẽ trở thành áo lành.

5. Trong những ngày diễn ra lễ tang, các gia đình trong dòng họ kiêng không được đi làm nương rẫy vì sợ lúa không mọc, kiêng không đi chặt củi vì sợ sẽ bị trùng tang.

6. Người Si La quan niệm, đốt sáp ong để tạo ánh sáng soi đường cho linh hồn người chết thấy đường về với tổ tiên.

7. Đoàn Trúc Quỳnh, Lễ tang của người Si La huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, Nxb Mỹ Thuật, Hà Nội, 2016, tr.102.

8. Thày cúng Lý Chà Che, bản Sì Thao Chải, xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, 12-2015.

 

Tác giả: Phan Mạnh Dương

Nguồn : Tạp chí VHNT số 411, tháng 9 - 2018

;