Nghệ thuật trên đồ đồng - tinh hoa của văn minh sông Hồng

Nếu như chỉ có một vài chiếc trống đồng được phát hiện rải rác có lẽ, câu chuyện về chúng sẽ được khuôn định lại trong một mức độ quan tâm nhất định. Nhưng những nỗ lực khảo cổ và nghiên cứu của người Pháp ở Việt Nam từ đầu thập niên 1920, và sau năm 1945, được ngành Khảo cổ học Việt Nam tiếp nối, đã mở ra những cánh cửa tìm hiểu rộng lớn hơn bao giờ hết, tiến tới khẳng định trống đồng nhóm I Heger, hàng loạt trống thuộc đủ 3 nhóm còn lại và vô khối hiện vật bằng đồng khác cùng niên đại, cách đây khoảng 2.000-2.500 năm là minh chứng đặc sắc cho một nền văn hóa của người Việt cổ, chứa đựng nhiều thành tựu phát triển xã hội, tri thức và tư duy thẩm mỹ.

Các chứng tích khảo cổ học đã giúp hé mở những thông tin về thời tiền sử của cư dân bản địa người Việt từ khoảng 600 nghìn năm trước Công nguyên (CN) với những biểu hiện của cư trú ở hang động, săn bắn và hái lượm. Những di chỉ khảo cổ học ở Hang Hùm, tỉnh Yên Bái cho thấy dấu hiệu biết sử dụng lửa (1) của con người sinh sống trong hang động từ khoảng 60-50 nghìn năm trước CN. Đây chính là bước ngoặt tiến hóa quan trọng của loài người. Họ bắt đầu có ý thức về sự sống - cái chết, biết tạo ra quần áo từ vỏ cây và chôn người chết. Đồ gốm sơ khai được làm với nguyên liệu đất, nước và lửa có từ khoảng 10 nghìn năm trước CN và thời kỳ này, họ đã bắt đầu thuần dưỡng động vật thành vật nuôi như chó, biết trồng hoa và cây có quả. 6 nghìn năm trước CN, họ bắt đầu trồng lúa nương (trồng lúa trên cạn, triền núi, đồi) và biết thuần dưỡng trâu. Tổ tiên của người Việt đã biết đóng thuyền độc mộc, mảng để đi lại và vận chuyển trên sông nước từ khoảng 5.000 năm trước CN, theo dòng nước xuôi về đồng bằng và biển sinh sống.

Nghề luyện kim được cho là xuất hiện từ khoảng 2.000 năm trước CN, qua các chứng tích khảo cổ học duy nhất là một số mẩu xỉ đồng, tìm được ở Phùng Nguyên, một làng thuộc xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Tên làng này sau được đặt tên cho một giai đoạn văn hóa dài khoảng 500 năm, tính từ khoảng 2.000 năm trước CN, với một phổ điểm khảo cổ học trải rộng qua nhiều tỉnh thành thuộc lưu vực sông Hồng và vùng duyên hải Hải Phòng. Đây cũng là giai đoạn được cho là hình thành các bộ lạc trên vùng đất Việt cổ và có những cạnh tranh nhau về sự hùng mạnh, thúc đẩy sự tiến bộ nhanh chóng hơn về tư duy của con người. Những huyền sử về sự ra đời của nhà nước Văn Lang, vua Hùng trên đất tổ của người Việt gắn liền với giai đoạn hậu kỳ đồng thau, từ khoảng 1.000 năm trước CN, với sự ra đời của những chiếc trống đồng đầu tiên (2).

Chiếc trống đồng Ngọc Lũ (3), đặc biệt là hình ảnh mặt trống, được chọn là một biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Chiếc trống này được đưa về Viện Viễn đông Bác cổ (École Francaise d’Extrême - Orient, EFEO) năm 1903. Trước đó, trống được thờ ở đình làng Ngọc Lũ (tên khác là làng Chủ, xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam). Trống có chiều cao 63cm, mặt trống có đường kính 79,3cm, chân trống có đường kính 80cm, có hai cặp quai trống. Theo chiều mặt cắt thẳng đứng từ trên xuống, trống được chia thành bốn phần: mặt trống, tang trống (phần phình to, bên dưới mặt trống), thân trống (phần hơi thon lại) và chân trống. Đây cũng là kết cấu chung của trống đồng Đông Sơn. Mặt, tang và thân trống được trang trí với vô số hình khắc sống động.

Năm 1889, trong một triển lãm quốc tế ở Pháp, tại gian hàng Đông Dương, một chiếc trống đồng khác đã được trưng bày. Chiếc trống này được phát hiện ở vùng sông Đà, do viên phó sứ M.E.Moulié, phụ trách việc cai trị vùng Mường gửi sang Pháp (4). Chiếc trống này hiện thuộc sưu tập của Bảo tàng Guimet, Paris, chuyên về nghệ thuật châu Á. Chiếc trống được gọi là trống Sông Đà, hoặc trống Moulié. Trống cao 61cm, mặt trống có đường kính 78cm. Tâm điểm của mặt trống là hình mặt trời có 14 tia, giữa các tia có trang trí được cho là giống hình trên đuôi chim công. Từ tâm điểm mặt trời này tỏa ra 12 vành hoa văn trang trí, trong đó có hai vành tả thực: vành số 6 tả cuộc sống của con người, vành số 8 có hình 16 con chim Lạc đang bay, xen với hình 2 con đang đứng hoặc đi có hình hài không hoàn toàn giống nhau. Vì thế, riêng vành tạo hình này không có sự đăng đối theo lệ thường, rất đáng chú ý.

Cũng trong những năm cuối TK XIX, một chiếc trống tương tự đã được một người Pháp sống tại Hà Nội, họ Gillet, sưu tập. Trống được đặt tên là trống Gillet.

Năm 1937, trong khi đào mương dẫn nước, người dân thôn Hoàng Hạ, thuộc huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông, nay thuộc xã Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội, phát hiện được một chiếc trống đồng tương tự như hai trống kể trên. Trống được đặt tên theo tên làng là trống Hoàng Hạ, ngay lập tức được đưa về Bảo tàng Louis Finot, thuộc Viện Viễn đông Bác cổ, ở Hà Nội khi đó. Hiện tại, trống Hoàng Hạ được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam mà tiền thân của nó chính là Bảo tàng Louis Finot. Trống Hoàng Hạ có chiều cao 61,5cm, mặt trống có đường kính 78,5cm, chân trống có đường kính 79,9cm, có hai cặp quai trống. Trên mặt trống, tâm điểm là hình mặt trời có 16 tia, giữa các tia có hoa văn trang trí được cho là giống hình trên đuôi chim công. Từ tâm mặt trời tỏa ra 15 vành hoa văn, trong đó nổi bật là vành số 6 có hình ảnh cuộc sống của con người và vành số 9 có hình 14 con chim mỏ dài, được cho là chim Lạc, đang bay.

Năm 1982, một chiếc trống tương tự khác được phát hiện ở xã Cổ Loa, ngoại thành thành phố Hà Nội, hiện thuộc danh mục sưu tập của Bảo tàng Hà Nội.

Trống Cổ Loa, cùng với trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà được xếp vào danh mục trống loại I Heger (5), tìm thấy ở miền Bắc Việt Nam. Đặc điểm tạo hình chung nổi bật nhất của nhóm trống này, biểu hiện qua 4/5 chiếc trống (trừ trống Gillet) là cao trong khoảng 53 đến 63cm, đường kính mặt trống trong khoảng từ 73,8 đến 79cm, không có mặt đáy. Tại tâm điểm của mặt trống có hình gợi đến mặt trời với 14 hoặc 16 tia nhọn tỏa ra, xen kẽ giữa các tia là những trang trí hình học đơn giản như chấm, vạch, hình gợi họa tiết trên lông chim công hoặc hình lá. Từ tâm điểm này, tỏa ra các vòng trang trí xen kẽ nhau giữa các trang trí hình học đều đặn, từ đơn giản đến phức tạp, và hai hoặc ba vòng miêu tả cảnh sinh hoạt của con người, hình ảnh chim, muông thú. Không dừng lại với mặt trống, tang trống và thân trống cũng có các vòng tròn trang trí hình học và miêu tả nói trên, từ 7 đến 10 vòng. Tất cả các vòng tròn ở hai khu vực trống đều thuận xoay ngược chiều kim đồng hồ. Riêng phần chân trống chỉ là đồng đúc trơn, không trang trí.

Trống đồng Ngọc Lũ là chiếc trống được trang trí vượt trội hẳn lên về sự phức tạp và tinh mỹ: trống duy nhất có ba vòng trang trí miêu tả cảnh thực, tang và thân trống cũng có nhiều hơn các vòng trang trí so với những trống còn lại, hình ảnh được lựa chọn để miêu tả cũng phong phú hơn. Các hình chim mỏ dài, mỏ ngắn, đang bay hoặc đi, hươu đực và hươu cái (phân biệt qua nét vẽ bộ phận sinh dục của con đực) đang chạy, đặc biệt là hình ảnh những nhóm người nam nữ với phong phú hình thái hoạt động, đã cho thấy rõ nét khả năng quan sát và miêu tả thực tế cuộc sống xung quanh của người làm nên những chiếc trống. Hơn nữa, chúng còn biểu lộ khả năng tư duy khái quát và ý thức chọn lọc hình ảnh biểu tượng của người xưa. Nếu nhìn nhận từ góc độ nghệ thuật, những vòng tròn hình ảnh ấy không đơn thuần chỉ có giá trị miêu tả hiện thực mà còn thể hiện được trình độ tạo hình, khả năng đồ họa và hướng tư duy thẩm mỹ của người tạo tác. Họ ưa thích sự đăng đối, hài hòa, đều đặn. Họ quan sát kỹ lưỡng dáng vẻ khác nhau của hai giống đực - cái trong tự nhiên, mọi hoạt động, bao gồm cả trong cộng đồng của họ lẫn trong thế giới chim muông xung quanh.

Đầu thập niên 1920, người dân ở ven sông Mã, thuộc địa phận làng Đông Sơn, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa (6) phát hiện được một chiếc trống đồng cổ và bán lại cho một nhân viên thuế quan người Pháp, tên là L. Pajot. Ông này, về sau được làm công việc “chỉ đạo kỹ thuật” trong cuộc khảo cổ đầu tiên của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, năm 1924. Cuộc khảo cổ này kéo dài tới tận năm 1928, ngắt quãng thành nhiều đợt nhỏ, đã phát hiện được không chỉ có các loại trống đồng lớn và nhỏ, có chiếc chỉ cao một vài centimet, mà còn có nhiều binh khí bằng đồng, đồ gốm, trang sức và các mảnh hiện vật bằng đồng có tạo hình người; không chỉ có hiện vật vùi trong đất cát mà còn có nhiều chứng tích cho như mộ táng, hệ thống cọc gợi đến mô hình nhà sàn, khuôn đúc, hình thù lò nung,... cho thấy dấu vết của những ngôi làng quần cư và có hoạt động đúc kim loại. Tổng cộng có đến 489 hiện vật. Đến năm 1938, cả khu vực Đông Sơn còn là hiện trường của ít nhất là 3 cuộc khảo cổ học khác của Viện này, với sự tham gia của các chuyên gia khảo cổ học quốc tế.

Năm 1929, V. Goloubew, chuyên gia lịch sử nghệ thuật và nhân viên của Viện Viễn đông Bác cổ, đã công bố nghiên cứu so sánh ban đầu về sự tương đồng của cách thức tạo hình trang trí và tính chất kim loại từ các hiện vật tìm được trong cuộc khai quật khảo cổ chính thức đầu tiên nêu trên với những trống đồng và đồ đồng lẻ tẻ trong nhiều sưu tập khác của người Pháp đương thời. Công trình này đã khuyến khích nhiều học giả quốc tế cùng quan tâm, mở ra các cách tiếp cận khác nhau về một thời kỳ văn minh xa xưa của người bản địa ở khu vực Bắc và Bắc Trung bộ Việt Nam. Năm 1934, thuật ngữ Văn hóa Đông Sơn được cho là phát kiến của nhà nghiên cứu dân tộc học và khảo cổ học người Áo Robert Heine - Geldern (1885 - 1968), nhanh chóng được sử dụng rộng rãi, góp phần khẳng định tính chất bản địa của các hiện vật đồ đồng, trong đó có trống đồng, thúc đẩy nhiều hơn nữa những nghiên cứu theo hướng này, tiến tới có thể giúp hình dung về một xã hội thời kỳ đồ đồng của người Việt cổ. Cho đến nay, Việt Nam đã phát hiện được khoảng 500 chiếc trống đồng, thuộc đủ cả 4 loại theo phân định của F. Heger. Việt Nam được xem là nơi tập trung nhiều nhất trống loại I Heger so với các nước Đông Nam Á cũng phát hiện được trống đồng cổ. Riêng tỉnh Thanh Hóa, nơi có huyện Đông Sơn, là địa phương có nhiều nhất trống đồng được phát hiện so với các địa phương khác thuộc lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Lam, địa bàn của văn hóa Đông Sơn. Theo thời gian, dường như không còn nghi ngờ gì về nguồn gốc bản địa của trống đồng và đồ đồng Đông Sơn (7).

Xã hội của người Việt cổ khi tạo ra nghệ thuật Đông Sơn đặc sắc ấy có hình hài như thế nào? Đời sống vật chất của họ có những đặc điểm gì? Những vòng tròn miêu tả hoạt động của con người trên trống đồng và thạp đồng khiến ta hình dung về một cuộc sống rất giàu màu sắc, gắn liền với sông nước. Con người đã dựng được nhà sàn, đóng thuyền dài, biết che chắn cơ thể và làm đẹp song cũng biết chế tác nhiều loại vũ khí. Nhưng con người vẫn sống hài hòa với tự nhiên; điều này được thể hiện qua những hình ảnh miêu tả con vật đơn giản mà sống động như chim, hươu, cá sấu, voi, trâu bò, miêu tả con người cũng như nhà và thuyền - những kiến trúc to lớn nhất thời đó - với các trang trí tương đồng với lông của loài chim mỏ dài. Một điều hết sức đáng lưu ý là sự nhấn mạnh đến yếu tố cặp đôi đực - cái, nam nữ trong các vòng tròn miêu tả người và chim muông. Thậm chí, trên nắp của chiếc thạp đồng Đào Thịnh cùng niên đại (8), còn lại rõ ràng tượng hai cặp nam nữ đang giao hoan và dấu vết của hai cặp còn lại, được bố trí đăng đối. Toàn bộ hình người chỉ dài khoảng 7-8cm, nhưng được tạc rất rõ bộ phận sinh dục nam đang giao phối với người nữ nằm ngửa bên dưới, cho thấy có sự phóng đại tỉ lệ nếu so sánh với tỉ lệ trong cấu tạo cơ thể người theo tự nhiên. Bên cạnh đó là dày đặc các lớp hoa văn trên thân thạp, trong đó nổi bật lớp hình vẽ thuyền dài, cong, chở đầy người và có cả những đàn chim bên trên, một hình ảnh tràn trề sự sống. Thạp Đào Thịnh, cao 98cm, đường kính miệng 61cm, đường kính đáy 60cm. Chiếc thạp này có kích thước lớn nhất và hoa văn trang trí phong phú nhất trong tất cả các thạp đồng được tìm thấy cho đến nay.

Một số chiếc đèn đồng cùng niên đại được tìm thấy trong các ngôi mộ táng thuộc lưu vực sông Lam (tên khác là sông Cả) cũng có tạo hình hết sức đặc sắc, trong đó nhấn mạnh bộ phận sinh dục nam như một biểu tượng cho sự thắp sáng, sự sống (9). Phải chăng, những biểu tượng, hình ảnh sinh thực khí thể hiện cho đức tin của người xưa vào lời cầu mong sự sinh sôi nảy nở sẽ ứng nghiệm trong cuộc sống của họ đồng thời vẫn tin vào sự sống sau cái chết, tin vào sự hồi sinh?

Cần nói thêm rằng, những chứng tích khảo cổ học cho thấy chiếc thạp đồng Đào Thịnh đã được dùng như một chiếc mộ táng. Trên những trống đồng có niên đại muộn hơn, thuộc loại II, III và IV Heger, người xưa còn gắn trên vành của mặt trống những cặp con vật có hình thù con cóc, có trống còn có hình cặp cóc đang cõng nhau, như đang giao hoan. Nếu căn cứ theo các biểu hiện trong tự nhiên, con cóc là loài vật thường kêu râm ran trước khi có mưa xuống. Vậy phải chăng trống được đánh lên trong các nghi lễ cầu mưa? Nhiều nghiên cứu văn hóa của các học giả trong và ngoài nước đã mạnh dạn kết nối những hình ảnh nói trên là biểu hiện mạnh mẽ cho tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ xưa. Tín ngưỡng ấy cho đến tận hôm nay vẫn sống động trong đời sống dân gian, thể hiện qua nhiều tục lệ, lễ vật trong hàng ngàn lễ hội truyền thống khởi thủy ở miền Bắc Việt Nam, và qua nhiều tập quán suy nghĩ, lời ăn tiếng nói trong cuộc sống thường nhật.

Đỉnh cao của nghệ thuật luyện kim của người Việt cổ được biểu hiện qua trống đồng. Những gờ khớp nối giữa các phần của trống còn cho thấy một kỹ thuật hàn kim loại rất điêu luyện. Một câu chuyện thú vị là cuối những năm 1978 - 1980, các cán bộ của Viện khảo cổ và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã thử nghiệm đúc trống đồng theo mẫu trống Ngọc Lũ, nhưng qua nhiều lần mà không thành công. Theo bản phụ lục của ghi chép về việc đúc thử này, soạn trong năm 1980, có cả thảy 87 đầu mục dụng cụ, trong đó có cả những thứ của thời hiện đại như nilon (dùng để bọc đất giữ ẩm), phấn viết (dùng để đánh dấu), bóng đèn di động (dùng đắp, sửa lòng khuôn), lò quạt điện,... “Điều đáng chú ý là nghề đúc đồng ở thời này (tức thời văn hóa Đông Sơn - NV), có nhiều có khó khăn như sử dụng phương tiện thủ công rất thô sơ. Nguyên liệu, dụng cụ thời đại (ấy) chỉ mới có đất, tre, gỗ, đồng, đá, chưa có sắt, thép, giấy. Nhưng người xưa đã đúc được hàng loạt trống đồng lớn tinh xảo như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Miếu Môn,... So với ngày nay, với trình độ, phương tiện dụng cụ, nguyên liệu hiện đại, được đem sử dụng trong việc đúc thí nghiệm như đã kể trên. Nhưng qua 3, 4 lần đúc vẫn không hoàn thành được một chiếc trống như ý muốn. Hình dung lại cách đúc trống đồng thời xưa, qua việc đúc thí nghiệm, qua tham khảo phương pháp đúc cổ truyền,… có thể nói thêm rằng: đó là một việc làm kỳ diệu... ta chưa thể hình dung hết nổi việc làm ấy” (10).

Người Việt trong thời đại đồ đồng không chỉ tạo tác được những sản phẩm kim khí to lớn, hoàn mỹ và tinh tế như trống đồng, thạp đồng, họ còn say mê tạo hình với nhiều kích thước nhỏ nhắn song không kém phần phức tạp và hoàn chỉnh. Có thể kể đến các chuôi, cán dao hình người mà tổng chiều dài chỉ khoảng 8cm, độ dày chỉ 0,1-0,2cm, nhưng làm hiện lên một cách sinh động bức tượng gần như toàn thân một người phụ nữ, với eo thon, gương mặt thanh tú, sử dụng trang sức như khuyên tai, vòng cổ, có vẻ như người thuộc tầng lớp bề trên. Tượng Hai người cõng nhau thổi khèn, một bảo vật quốc gia của Việt Nam, chỉ có chiều cao toàn tượng là 8,5cm, bề rộng nhất trên thân tượng cũng chỉ đến 9,5cm, nhưng hai nhân vật được thể hiện khá rõ nét từ kiểu tóc, trang phục, dáng điệu, thần thái. Những nét cong biểu hiện cho mái tóc búi, hình chiếc khèn, vành khăn, trang sức khuyên tai. Những nét gấp biểu hiện cho thế chân, động tác tay, miệng. Thật đơn giản mà sinh động vô chừng. Nếu biết rằng đây là một bức tượng đồng nguyên khối, hẳn ta sẽ không khỏi thêm một lần kinh ngạc trước kỹ thuật đúc đồng của người Việt cổ (11).

Trước thời kỳ văn hóa Đông Sơn, các di chỉ khảo cổ học ở miền Bắc Việt Nam ngày nay cũng đã giúp mở ra lối dẫn tới các thời kỳ văn hóa sơ khai hơn như văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Đồng Đậu, khoảng 2.000 - 1.000 năm trước CN, với các vết tích đơn giản hơn rất nhiều của kim loại đồng, như xỉ đồng, rìu, giáo, lao, lưỡi cày, khuôn đúc... Trống đồng có thể là một nhạc khí trong các nghi lễ cầu mùa, lễ hội, trong đám tang, là công cụ cổ vũ trong một cuộc đua thuyền, là đồ tùy táng (có nhiều trống loại nhỏ),... tức là tất cả những vật dụng có thể liên quan đến một hoạt động cộng đồng, một hoạt động hữu dụng. Nhưng có lẽ, trống đồng và các hiện vật khác không phải được sáng tạo với mục đích thuần túy một tác phẩm nghệ thuật như cách mà con người hiện đại chúng ta quan niệm? Mặc dù vậy, giá trị văn hóa và thẩm mỹ của chúng là hết sức to lớn. Về sau, những giá trị ấy tiếp tục được biểu hiện, hoặc kín đáo tế nhị, hoặc rõ ràng, mạnh mẽ trên nhiều công trình kiến trúc, điêu khắc, tạo nên một hằng số văn hóa và nghệ thuật của bản sắc văn hóa Việt Nam.

_________________

1. Hang Hùm, tên gọi khác là hang Ma Mút, thuộc xã Tân Lập, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, là khu vực khai quật khảo cổ học trong hai năm 1963 - 1964, với sự tham gia của các nhà khảo cổ học Việt Nam và sự trợ giúp của các chuyên gia khảo cổ học của Cộng hòa dân chủ Đức. Ở đây, họ đã tìm được răng hàm của giống Người khôn ngoan (Homo sapiens).

2. Nguyễn Phúc Long, Nước Việt Nam từ nguồn gốc đến cuối thời thuộc Hán - bảng niên đại, 1980, Tư liệu Viện Khảo cổ học, ký hiệu TL 104.

3. Theo thông tin từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, năm 1883, trống được tìm thấy trong một dịp người dân đào đất đắp đê Trần Thủy, thuộc xã Như Trác, huyện Nam Xang, nay thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

4. Victor Goloubew, L’age du bronze du Tonkin et dans le Nord- Annam (Thời đại đồ đồng thau ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Bộ), in trong Tập san của Viện Viễn đông Bác cổ, ký hiệu BEFEO - XXIX, 1929; bản dịch tiếng Việt của Viện khảo cổ học, năm 1969. Theo ghi chép này, vùng Mường, hay là tỉnh Mường, thời kỳ đầu thuộc Pháp gồm các khu vực có nhiều người Mường sinh sống, như Hà Nội, Hưng Hóa, Sơn Tây, Ninh Bình; tỉnh lỵ của tỉnh Mường đặt tại khu vực chợ Bờ, thuộc huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình ngày nay. Thời đó, địa phận tỉnh Mường mà có sông Đà chảy qua thì nay, chủ yếu thuộc phạm vi tỉnh Hòa Bình.

5. Trống Gillet và trống Moulié có lẽ từng được Franz Heger (1853 - 1931), nhà khảo cổ học người Áo, biết tới trong quá trình làm một nghiên cứu sâu sắc nhất đương thời về trống đồng cổ, qua khảo sát các hiện vật ở Vienna và châu Âu. Năm 1902, trong công bố của ông, nguyên văn Alte Metalltrommeln aus Südostasien (Trống kim loại cổ ở Đông Nam Á), ông phân chia trống đồng thành 4 loại, từ I đến IV, trong đó, loại I là loại cổ xưa nhất đồng thời đặc sắc nhất nếu xét ở góc độ nghệ thuật tạo tác và trang trí, là nguồn ảnh hưởng chính cho tất cả các loại trống còn lại. Cách phân loại của Heger đến nay vẫn nguyên giá trị sử dụng.

6. Tên huyện Đông Sơn có từ thời nhà Trần (1226 - 1400). Cũng như tất cả các địa phương khác ở miền Bắc, sau này là ở khắp Việt Nam, Đông Sơn cũng trải qua vô số lần tách, nhập địa giới hành chính. Trong miêu tả của V. Goloubew (xem chú thích 4), làng Đông Sơn cách thị xã Thanh Hóa khoảng 10km về phía Bắc - Đông Bắc, ở 22 độ 6’ vĩ độ Bắc, 114 độ 93’ kinh độ Đông. Làng nằm ở bờ nam của sông Mã, gần cầu Hàm Rồng. Làng hiện thuộc địa phận phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa.

7. Trong thông tin khái quát về trống Sông Đà, Bảo tàng Guimet (Paris) đã dùng thuật ngữ L’art Dongsonien (Nghệ thuật Đông Sơn).

8. Thạp do một người dân ở xã Đào Thịnh, thuộc địa phận tỉnh Yên Bái, tình cờ thấy được bên bờ sông Hồng, đoạn bị sạt lở, năm 1961.

9. Chiếc đèn đồng hình người quỳ, được nhà khảo cổ học Thụy Điển Robert Ture Olov Janse (1892 - 1985) tìm thấy trong một mộ táng ở làng Lạch Trường, tỉnh Thanh Hóa, năm 1935. Đèn cao 40cm, chiều rộng nhất 27cm. Các ngõng đèn được tạo hình cong chữ S, như những linga phóng đại. Chiếc đèn thuộc danh mục Bảo vật quốc gia Việt Nam. Dựa trên các hiện vật tìm được quanh ngôi mộ táng ấy, O. Janse đã dựng lại hình ảnh nguyên bản của chiếc đèn trước khi được đập vỡ thành nhiều phần để chôn theo người chết trong mộ táng.

10. Trần Khoa Trinh, Tìm hiểu kỹ thuật đúc “trống Đông Sơn” qua cuộc thí nghiệm đúc trống Ngọc Lũ, 1980, thư viện Viện Khảo cổ học, Hà Nội, ký hiệu TL33.

11. Tượng được tìm thấy trong đợt khai quật đầu tiên tại làng Đông Sơn của Viện Viễn đông Bác cổ - EFEO, giai đoạn 1924 - 1928, dưới sự chỉ đạo kỹ thuật của L. Pajot.

Tác giả: Đào Mai Trang

Nguồn: Tạp chí VHNT số 458, tháng 4-2021

 

;