NGHỆ THUẬT THƯ PHÁP

         Thư pháp là nghệ thuật viết chữ đẹp thông dụng là chữ Hán của Trung Hoa cũng như các loại chữ khác của nhiều dân tộc ở châu Á. Nhưng chỉ có thư pháp Trung Hoa là lâu đời nhất, truyền bá rộng rãi và có quan hệ mật thiết với văn hóa dân tộc.

Thư pháp tưởng rất đơn giản, ngỡ như bất kỳ người nào đều có thể viết được. Thực ra không phải như vậy. Là sáng tác nghệ thuật huyền diệu và sâu sắc, thư pháp là ngòi bút lông vận động biến hóa trên giấy trắng, để lại những đường nét đậm nhạt có ý nghĩa, cho nên có thể nói thư pháp là nghệ thuật cấu tạo đường nét. Cây bút lúc nhanh lúc chậm, bay bổng, linh hoạt, trở thành sự thể hiện nội tâm, tâm tư tình cảm, tính cách, học thức, sự cảm thụ thế giới quan của người sáng tạo. Tóm lại, thư pháp là một loại hình nghệ thuật có tính tổng hợp cao. Do vậy, người ta thường hay nói chữ giống người, chữ viết là bức tranh văn hóa. Trong mỹ thuật Trung Quốc, thư pháp và hội họa thống lĩnh các bộ môn nghệ thuật khác, và được xếp vào hàng đầu. Người ta thường đặt thư pháp trước hội họa, gọi là thư họa hay thư họa đồng nguyên.

Chữ viết thư pháp rất đa dạng, có thể là lối chữ xa xưa trên giáp cốt (chữ khắc trên mai rùa), là các ký tự mô phỏng hình dáng trong tự nhiên (chữ long giống con rồng, chữ thủy giống dòng nước…), chữ khắc trên đồng... Có thể là chữ triện, chuyên dùng trong khắc dấu, có vẻ đẹp mạnh mẽ khỏe khoắn hoặc chữ lệ, phần lớn đã được khái quát thành các ký hiệu tượng hình, chữ chân, hay còn gọi chính thư, được dùng nhiều trên các sách vở, thi cử, in ấn, văn thư hành chính hay các tấm biển… Nhìn chung chữ chân đơn giản không gây rắc rối cho người đọc, nhưng lại rất khó các nhà thư pháp, vì viết không ngay ngắn thì chân chẳng thành chân, chính không ra chính, ngược lại ngay ngắn quá thì khô cứng, vô hồn. Có người ưa lối hành thư, thường dùng trong việc viết thư từ, hoặc nhật ký. Lối chữ này nét bút nhẹ nhàng dễ đọc, dễ cảm nhận. Có người lại thích kiểu chữ viết nhanh, thoáng, không lệ vào nguyên tắc cân xứng, bố cục to nhỏ, hoàn toàn ứng hoạt theo vận khí người viết, đó là kiểu chữ thảo đầy sáng tạo. Rất khó đưa ra quy ước chung cho lối viết thảo, vì lối viết này ứng với tính cách của từng tay bút. Có người nét bút mạnh mẽ cuồng nhiệt, có người nét bút nhẹ nhàng bay lượn... theo trạng thái tình cảm của riêng mình...

Nói đến lịch sử thư pháp người ta nghĩ đến các bậc thày như Vương Huy Chi, Thời Đông Tấn và sau ông là hàng loạt các nhà thư pháp nổi tiếng khác. Còn ở Việt Nam có những cây bút nổi tiếng như Lê Thánh Tông và Nhị Thập bát tú thời Lê hoặc chữ của Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát thời Nguyễn. Và nhiều công trình văn hóa, di tích lịch sử đình, đền, chùa, miếu, lăng tẩm và các gia đình, dòng họ còn lưu giữ được nhiều tác phẩm thư pháp quý báu. Đặc biệt, ngày nay, chữ quốc ngữ được các nhà thư pháp phát triển thành nghệ thuật thư pháp chữ quốc ngữ, chưa từng có. Các tác phẩm văn thơ cổ hay hiện đại như Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ của Hồ Chủ tịch... được viết trên lụa, giấy dó đóng thành từng quyển hay trục cuốn, thể hiện tinh thần của tác phẩm cũng như bút pháp tài hoa của các nhà thư pháp ngày nay.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 325, tháng 7-2011

Tác giả : Hoàng Duy

;