Nghệ sĩ Lê Thanh Phong: "Nhắc đến ví, giặm là nhắc đến quê hương"

Là Trưởng Đoàn nghệ thuật UNESCO di sản dân ca xứ Nghệ tại Hà Nội, Lê Thanh Phong là một trong những nghệ sĩ trẻ hiện nay đang nỗ lực mang tình yêu âm nhạc dân gian đến với khán giả trong nước và quốc tế. Anh đã có cuộc trò chuyện chân thành, cởi mở với phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.

Thuộc thế hệ 9X, không lựa chọn những dòng nhạc mà giới trẻ yêu thích mà lại chọn dòng nhạc dân ca để theo đuổi, vì sao Thanh Phong lại có lựa chọn như vậy? 

- Khi còn bé, tôi đã từng tham gia cuộc thi “Tiếng hát hoa phượng đỏ” tại thành phố Vinh. Lúc chọn bài để thi, tôi có hát cho bố tôi nghe một số bài yêu thích, và bài cuối cùng là dân ca Thập ân phụ mẫu - điệu xẩm thương dân ca xứ Nghệ. Nghe xong, bố tôi rất thích bài dân ca này và nói với tôi nên lựa chọn bài này để đi thi. Mặc dù bố tôi là nghệ sĩ nhạc nhẹ, nhưng vẫn khuyên tôi rằng: “từ nay con cứ theo dòng dân ca cổ nhé”. Với bài dân ca Thập ân phụ mẫu, tôi đã giành giải Nhất cuộc thi. 

Cùng với sự yêu thích lời ca, tiếng hát, tôi còn có niềm đam mê với đàn bầu. Bố cũng đã đăng ký cho tôi đi học đàn bầu ở nhà văn hóa thiếu nhi Việt Đức, nhưng sau đó bị trả hồ sơ, vì không có ai đăng ký học. Vừa buồn, vừa tủi, hai bố con tôi đành phải trở về. Sau đó, bố tôi nhờ một người bạn thân là nhạc công tại Đoàn cải lương Nghệ An phải giải nghệ, chuyển sang làm thợ nhôm kính vì mối lo cơm áo gạo tiền thời kỳ mở cửa. Nhìn thấy sự nhọc nhằn của những người gắn bó với âm nhạc dân tộc, nên từ đó tôi lại càng quyết tâm hơn theo đuổi loại hình nghệ thuật âm nhạc dân gian.

Không chỉ yêu thích các giai điệu, ca từ, mà tình yêu với âm hưởng dân ca của Thanh Phong dường như được “nuôi lớn” qua những điệu ví dặm, câu hò từ những người thân yêu, phải chăng đó cũng là một trong những động lực để Phong theo đuổi âm nhạc dân tộc? 

- Với tôi, một đứa trẻ hạnh phúc là được nghe bà, và mẹ ôm vào lòng hát ru những câu hát quê hương. Chính những lời hát ru đó đã giúp cho hàng triệu người Việt Nam lớn lên giàu tình yêu thương, ước mơ, bản lĩnh và hoài bão. 

Từ bé tôi đã được nghe mẹ hát. Và mẹ cũng dạy tôi hát dân ca. Mỗi khi mẹ đi dạy, đi diễn, tôi đều ngồi dưới để nghe, từ đó thuộc hết các bài tập của mẹ. Chính những câu hát đó làm cho tôi thêm yêu quê hương và là vốn quý để bây giờ tôi nghiên cứu, học tập và thực hành biểu diễn.

Ca cảnh Bác Hồ với thiếu nhi trích trong vở diễn nổi tiếng Lời Người - lời của nước non

Ở cùng với bà ngoại, nên tôi cũng hay được nghe bà hát, trong đó có nhiều câu hát cổ mà tôi rất quan tâm. Những câu hát cổ làm tôi rất cảm động và cũng thấy lo lắng hơn khi thấy rằng, các cụ sẽ ngày càng già, rồi sẽ ra đi và mang đi hết vốn cổ dân ca xưa, vì thế, tôi phải cố gắng nhiều hơn trong việc sưu tầm, điền dã.

Không chỉ thành công trong các điệu hát dân ca, Thanh Phong còn được khán giả yêu thích khi thành công viết lời cho các làn điệu tân cổ ví, giặm, làm thế nào Phong có thể sáng tác những lời tân cổ thấm đẫm tình cảm đó? 

- Nếu hát thì chỉ cần có lời và nghe demo sẽ hát được, nhưng để soạn lời cho dân ca thì phải cần cả một quá trình. Khi đã nắm rõ về cấu trúc, tính chất làn điệu rồi thì sẽ thuận lợi hơn cho việc biên soạn lời cho dân ca. Cộng thêm kỹ năng sáng tác, chất liệu văn học và cảm xúc của bản thân nữa, để có những điều đó, đòi hỏi người sáng tác phải đi nhiều, đọc nhiều để có nhiều vốn kiến thức.

Rất may mắn, hiện nay Thanh Phong được cộng tác, làm việc tại Phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam - nơi lưu giữ và bảo tồn nhiều băng âm thanh làn điệu dân ca của cả nước, và liên tục phát sóng giới thiệu đến khán giả. Ở đây tôi được gặp nhiều nhạc sĩ, soạn giả nổi tiếng như bác Dân Huyền, Mai Văn Lạng, Tạ Xuân Thọ... các bác đã hướng dẫn thêm cho tôi về cách viết lời cho dân ca. Từ đó, tôi càng được phát huy và đã có nhiều bài dân ca do tôi soạn lời được Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh và phát sóng. 

Là một nghệ sĩ trẻ, bên cạnh các ca khúc về quê hương, Thanh Phong đã thành công khi chuyển soạn dân ca các tác phẩm như: Tình em câu ví làng sen, Ví giặm tình quê…, đặc biệt chuyển soạn các vở ca kịch dân ca về Chủ tịch Hồ Chí Minh như Dâng Người câu hát quê hương, Bác Hồ trong trái tim người lính, Nước non vạn dặmĐiều gì khiến cho Phong dành nhiều tình cảm và sáng tác các tác phẩm đó?

- Tình yêu quê hương đất nước luôn cháy bỏng trong trái tim những người con đất Việt, trong đó có Thanh Phong và nhắc đến ví, giặm là nhắc đến quê hương Bác Hồ kính yêu. Ngoài các bài dân ca lẻ, thì việc chuyển soạn, hay sáng tác vở diễn dân ca mới cần rất nhiều thời gian và tâm huyết. Mỗi khi đứng trên sân khấu hát các ca khúc về Bác Hồ, tôi đều dành được nhiều sự yêu mến của khán giả. Chính vì điều đó, tôi đã bàn và thống nhất với các nghệ sĩ trong Đoàn nghệ thuật, quyết tâm thực hiện các vở diễn dài hơn về Bác để phục vụ khán giả. Trong đó, vở diễn Dâng người câu hát quê hương phát sóng trên truyền hình quốc phòng dịp 19/5 đã gây tiếng vang lớn. Với vở diễn này, tôi và đoàn đã đi lưu diễn rất nhiều, phục vụ đồng bào chiến sĩ. Mới đây tôi vinh dự được PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ và đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên tin tưởng giao cho chuyển soạn hát ví giặm trong vở diễn Nước non vạn dặm - cũng về đề tài Bác Hồ. 

Nghệ sĩ Lê Thanh Phong trong tiết mục Dâng Người câu hát quê hương

Sở dĩ, tôi yêu thích và dành nhiều tình cảm về đề tài cách mạng, đặc biệt là Bác Hồ kính yêu vì trước đây tôi học chuyên sử ở phổ thông. Nên với mảng đề tài này, tôi luôn dành tình cảm lớn, cảm hứng bất tận với tấm lòng của thế hệ trẻ.

Đam mê và dành tình yêu cho dân ca ví giặm, Phong đã thành lập Câu lạc bộ UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ và hiện nay là đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp với tên gọi “Đoàn nghệ thuật UNESCO di sản dân ca xứ Nghệ”. Phong có thể chia sẻ đôi chút về các hoạt động của Đoàn cũng như các thành viên trong việc bảo tồn âm nhạc truyền thống?

- Các nghệ sĩ “Đoàn nghệ thuật UNESCO di sản dân ca xứ Nghệ” tại Hà Nội không chỉ quê Nghệ Tĩnh mà đến từ nhiều miền quê khác nhau. Đoàn chia thành hai đội nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa giải trí của nhân dân, đội một là biểu diễn dân ca kịch truyền thống, và đội hai là ca múa nhạc âm hưởng dân gian xứ Nghệ. 

Không chỉ tổ chức các chương trình nghệ thuật, Đoàn còn lưu diễn trong nước và biểu diễn ở nước ngoài. Mang dân ca dân tộc đến với khán giả là hạnh phúc của mỗi nghệ sĩ, nhất là trong các chuyến biểu diễn ở nước ngoài như ở Festival âm nhạc thế giới tại Uzbekistan, hay Lễ hội âm nhạc thời trang các nước sông Mekong tại Trung Quốc… khán giả rất yêu thích và dành nhiều lời khen cho đoàn Việt Nam. Sau các hoạt động chung của nước chủ nhà, Đoàn sẽ về diễn cho cộng đồng người Việt ở nước đó. Có những đêm, chúng tôi diễn rất mộc mạc, nhưng cả khán giả và diễn viên đều khóc, những giọt nước mắt không chỉ là sự nhớ nhà mà còn là niềm xúc động, tự hào là người con đất nước Việt Nam. 

Thành công trong việc đưa âm nhạc dân tộc vào đời sống xã hội, vậy Thanh Phong có thể chia sẻ đôi điều đối với các bạn trẻ đang theo đuổi dòng nhạc dân tộc, cũng như phát huy giá trị của nó trong giai đoạn hiện nay? 

Đam mê với những công việc cụ thể như kinh doanh, nghiên cứu thì chắc sẽ hiện hữu rõ hơn, còn đam mê với “di sản phi vật thể” mà tôi đang theo đuổi là dân ca ví, giặm thì trước đây và cả bây giờ thì vẫn còn nhiều người hoài nghi và cảm thấy quan ngại cho tôi. Tôi hay nói với các bạn trẻ rằng đã đam mê thì phải “dám nghĩ dám làm” và vượt qua chính mình. 

Trong khi các bạn đồng trang lứa đã đi hát, đi diễn show kiếm tiền từ nhiều thể loại, thì tôi vẫn đang chọn ngành học nghiên cứu. Bởi theo tôi muốn hát tốt, hát hay phải hiểu căn nguyên và cội rễ. Đồng thời, làm nghệ thuật thì luôn luôn phải sáng tạo, đổi mới, với nghệ thuật cổ truyền thì càng phải tinh tế hơn. Vì có thay đổi đến đâu, sáng tạo ra sao ở bên ngoài như phối khí, dàn dựng hình thức biểu diễn thì vẫn phải giữ được giá trị cốt lõi của di sản đó về làn điệu, rung luyến, hay lời cổ. Hát dân ca có đôi chỗ chấp nhận sự chông chênh một chút, không cần quá đúng về kỹ thuật thanh nhạc. Nhưng hát non, hát chưa đủ ngấm độ rung luyến hay hiểu ý niệm sâu xa trong câu hát thì khó mà hay được. Có được những sự ghi nhận, thì ai cũng thích, nhưng với Phong đó là động lực để tôi phấn đấu học tập và cố gắng hơn nữa. Với tôi, những bằng khen, giải thưởng chỉ để trưng bày ở góc trang trọng nào đó, còn bản thân tôi phải bước đi, đến những nơi có sân khấu, có khán giả, có nhân dân để biểu diễn, phục vụ bằng lời ca tiếng hát và trái tim cống hiến của người nghệ sĩ.

NGỌC BÍCH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 532, tháng 4-2023

;