Ngày xuân trảy hội Lồng tồng

Hằng năm cứ vào những ngày đầu tháng giêng âm lịch, đồng bào dân tộc tày, Nùng ở các tỉnh vùng núi phía Bắc nô nức trảy hội Lồng tồng. Hội Lồng tồng (hay còn gọi là Hội Lồng tông, Lễ hội xuống đồng) là một lễ hội của người Tày, Nùng được xem là hoạt động tín ngưỡng chứa đựng những khát vọng của người nông dân từ xã hội cổ xưa. Ngày nay, Lễ hội Lồng tồng vẫn được bảo tồn, tuân theo những quy định chung mang tính cộng đồng, chú trọng những yếu tố tín ngưỡng mang tính bản địa, vừa là hội vui xuân, vừa là lễ cầu mong cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no.

Lễ hội Lồng tồng của người Tày ở Yên Bái

Đậm bản sắc văn hóa truyền thống

Ðược tổ chức vào dịp đầu xuân - thời điểm giao mùa của trời đất, Lễ hội Lồng tồng (Lễ hội xuống đồng) là lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống, được lưu truyền từ lâu đời trong đời sống văn hóa tinh thần và xã hội của người Tày, Nùng. Ðặc biệt, đồng bào dân tộc Tày coi lễ hội Lồng tồng là tài sản văn hóa tinh thần vô giá, bởi nó chứa đựng mong ước, niềm tin thiêng liêng của mỗi người dân về một cuộc sống ấm no. Ðồng thời cũng chứa đựng những nét tinh túy trong bản sắc văn hóa của người Tày, như: văn hóa ẩm thực, nghệ thuật dân ca, dân vũ, phong tục tập quán, trò chơi dân gian...

Nghệ nhân nhân dân Hoàng Thị Bích Hồng, người dân tộc Tày quê ở Ðịnh Hóa, Thái Nguyên kể rằng: “Ðã là người Tày thì phải có Lễ hội Lồng tồng, vì lễ này là để mở cửa rừng, mở cửa đất đầu năm mới, mời tất cả các vị thần về chứng kiến, phù hộ cho dân bản một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu… Người Tày dù sống ở đâu, từ miền núi Tây Bắc đến Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang… năm mới là phải đi trảy hội Lồng tồng!”.

Lễ hội Lồng tồng năm 2023 của đồng bào Tày ở xã Xuân Giang, huyện Quang Bình tỉnh Hà Giang

Bà kể, Lễ hội Lồng tồng của người Tày là một lễ hội cầu mùa điển hình, cả phần lễ lẫn phần hội đều tập trung phản ánh ước nguyện được mùa, người người khoẻ mạnh, sinh nhiều con cháu. Lễ hội tập trung cả một hệ thống tín ngưỡng để phản ánh ước vọng này, các tín ngưỡng đan xen, thường bao quanh các yếu tố ảnh hưởng đến nông nghiệp như: sinh sản, nước, mặt trời, cây lúa.

 Hội Lồng tồng là hội mở đầu một chu kỳ sản xuất, nên nó luôn phản ánh ước mong sinh sôi nảy nở. Vì vậy tín ngưỡng phồn thực được thể hiện bằng các nghi lễ dân gian và cả các trò chơi như tung còn. Khi ném còn nghi lễ, mở đầu cuộc ném là nam giới, bên nhận còn là nữ giới. Khi ném trúng phông còn, ông mo còn tung hạt giống tượng trưng năng lượng thiêng cho mọi người. Ðặc biệt tính phồn thực còn thể hiện rõ nhất ở điệu múa kiếm và mộc thường có ở Hội Lồng tồng huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. 

 Nước là yếu tố quyết định của nền nông nghiệp lúa nước, vì vậy dấu vết cầu mưa phản ánh khá đậm nét trong Lễ hội Lồng tồng. Nước để cúng trong ngày hội phải là nước nguồn mang tính chất tinh khiết chảy mãi không cạn. Trước đây, Lễ hội Lồng tồng thường diễn ra vào khoảng tháng 3, tháng 4 âm lịch, là thời điểm đón những cơn mưa đầu mùa. Về sau hội mở vào tháng Giêng ngay trong dịp Tết Nguyên đán. Nước được người dân đánh chiêng rước về, đặt trên bản thờ ông mo. Trong các thần linh về dự hội, bên cạnh những thần núi (nam thần) còn có thần mỏ nước (nữ thần) - biểu hiện của âm dương hoà hợp. Ðặc biệt, ngay sau lễ cúng, ông mo còn niệm chú rồi ngậm nước phun 4 hướng - hành động mô phỏng cầu mưa. Tín ngưỡng này còn thể hiện rõ trong trò kéo co, với phần kéo giữa người thượng nguồn và hạ nguồn con suối, nếu phía thượng nguồn thắng thì năm đó sẽ mưa thuận gió hoà và được mùa: “kéo lên nguồn - nguồn thắng - nước tràn bờ, đầy khe”.

 Trò chơi đánh đu tại Lễ hội Lồng tồng thu hút nhiều người trẻ tham dự

Tín ngưỡng thờ mặt trời cũng phảng phất trong Lễ hội Lồng tồng. Bàn thờ chính sắp các mâm cúng quan trọng nhất thường đặt ở hướng Ðông - hướng mặt trời mọc. Mâm cúng của gia đình nào cũng có 2 đĩa xôi chính: xôi đỏ (tượng trưng cho mặt trời), xôi vàng (tượng trưng cho mặt trăng). Mâm cúng của ông mo đặt ở vị trí trang trọng nhất, màu đỏ gần như là màu chủ đạo: đĩa xôi đỏ to, 2 con chim yến bằng giấy đỏ, đĩa tiết gà màu đỏ… đặt trên vuông giấy đỏ, phía sau mâm là nền xanh của lá đao rừng, liên tưởng đến hình tượng mặt trời. Tín ngưỡng thờ mặt trời càng trở lên sống động hơn trong trò chơi ném còn thường gặp trong Hội Lồng tồng. Một bên phông còn màu đỏ tượng trưng cho mặt trời, quả còn được ném từ Ðông sang Tây (hướng đi của mặt trời). Và hình nộm chim én cũng bằng giấy đỏ - biểu tượng của mặt trời cũng bày la liệt trên các mâm cúng. Trò chơi đánh én được mở đầu bằng nghi thức ông mo tung én (biểu tượng của mặt trời) theo hướng Ðông Tây. Trong trò kéo co, bên thắng cuộc phải là hướng Ðông (mặt trời mọc). Ngay vòng xoè quanh cột còn cũng chuyển động từ phải sang trái - chiều chuyển động ảo của mặt trời. Ðường vòng trong khép kín này có ý nghĩa là biểu tượng của mặt trời. Tất cả những tín ngưỡng trên đều nhằm một mục đích mong cây lúa sinh sôi nảy nở. Cây lúa và hạt thóc trở thành hình tượng trung tâm của ngày hội.

Lễ hội Lồng tồng ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang hiện đang được coi là Lễ hội Lồng tồng lớn nhất cả về quy mô, nội dung hình thức tổ chức. Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Lễ hội Lồng tồng được tổ chức tại nhiều địa điểm của 5 huyện: Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình, Hàm Yên và Sơn Dương. Lễ hội Lồng tồng của người Tày ở các tỉnh, ngoài những nét tương đồng - đều được tổ chức vào những ngày đầu xuân, thời điểm giao hòa âm dương, cầu mong mùa màng, muôn vật sinh sôi nảy nở và cầu an cho cộng đồng bước vào năm mới người người khỏe mạnh, thì cũng có nhiều sự khác biệt, đó là sự thể hiện khá đậm nét yếu tố tín ngưỡng, tâm linh riêng biệt mỗi vùng. 

Náo nức ngày hội xuống đồng

Lễ hội Lồng tồng luôn là một ngày hội thực sự của bản làng. Lễ vật cúng tế được chuẩn bị rất chu đáo với các món ăn ngon, tinh túy, cầu kỳ, đẹp mắt hàm ý phô bày sự khéo léo của người phụ nữ trong việc nội trợ với các món ăn truyền thống như bánh khảo, bánh giầy, chè lam, bánh bỏng... Trên mỗi mâm đều có một chiếc bánh hình bông hoa nhiều màu sắc. Mâm cúng có gà luộc, có bánh chưng, thịt lợn, trứng luộc nhuộm phẩm màu, xôi đỏ, xôi vàng tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng, cho âm dương. Trên mỗi đĩa xôi có một con én màu đỏ làm bằng giấy đậu lên, tượng trưng cho những mơ ước, những khát vọng. Có những vùng còn có thêm đôi quả còn được làm bằng vải màu, trong nhồi cát và bông, có tua rua nhiều màu sặc sỡ. Lễ khấn cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt được thực hiện do các thầy tào, thầy mo uy tín tiến hành, xin Thành hoàng làng mở hội, tạ Thiên Ðịa, cầu Thần Nông, thần Núi, thần Suối…ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, ấm no.

Lễ hội Lồng tồng năm 2023 của đồng bào dân tộc Tày huyện Định Hóa, Thái Nguyên

Trong nghi lễ cầu mùa này, nghi thức xuống đồng đóng một vai trò quan trọng. Một người đàn ông to khỏe, đức độ, cày giỏi, làm ăn giỏi nhất làng và một con trâu tốt nhất được chọn để vạch những đường cày đầu tiên của vụ mới, mở đầu cho một mùa sản xuất bội thu. Trong phần hội còn có hoạt động thi cấy lúa trên mảnh ruộng nước đã được bừa ngầu từ hôm trước. Mỗi làng, xã sẽ chọn ra những phụ nữ nhanh nhẹn nhất, cấy giỏi nhất để tham gia hội thi.

Phần lễ nhanh chóng kết thúc nhường cho phần hội với nhiều trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống, đặc biệt là trò tung còn. Khi quả còn được tung trúng đích, báo hiệu điềm may mắn, dấu hiệu của một năm mùa màng bội thu, ông mo cho dừng tung còn, công bố tên người ném trúng, sau đó phát lộc ngay tại chân cột cây còn. Cùng lúc đó cũng diễn ra các trò chơi dân gian: cầu leo, bắn nỏ, đánh yến, đánh pam, đánh đu, chọi gà, chọi chim, cờ tướng, đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co, đấu vật... Tất cả không chỉ đơn thuần là trò chơi vui xuân, mà đều hàm chứa những ý nghĩa thiêng liêng, thể hiện khát vọng của con người về sự hòa hợp trời đất và sự mong ước một năm mới thật nhiều sức khỏe, mùa màng bội thu. Trong các trò vui chơi của người Tày, trò hát then, Sli, lượn thu hút nhiều khách thập phương hơn cả. Các trò này được kéo dài từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc lễ hội, được đưa vào nhà và khắp thôn bản đều hát. Nội dung các bài hát chủ yếu là hát giao duyên, hát chúc tụng, hát mừng xuân mới, đặc biệt các đôi trai gái tìm hiểu nhau để sau này trở thành vợ chồng...

Bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của Lễ hội Lồng tồng

Hội Lồng tồng bao gồm cả phần lễ và phần hội như một bể trầm tích các lớp tín ngưỡng văn hóa. Là sinh hoạt cộng đồng đặc sắc nhất của người Tày với nhiều giá trị về dân tộc học, xã hội học, nghệ thuật dân gian… Hội Lồng tồng còn là động lực phát triển văn hóa xã hội.

 Trong nghi lễ cầu mùa này, nghi thức xuống đồng đóng một vai trò quan trọng

 Năm 2012, Lễ hội Lồng tồng của người Tày tỉnh Tuyên Quang đã được Bộ VHTTDL đưa vào “Danh sách di sản văn hóa vật thể quốc gia”. Ðây là điều kiện rất thuận lợi để tỉnh Tuyên Quang nói chung và các tỉnh miền núi phía Bắc bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Lồng tồng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Tày, Nùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển kinh tế du lịch của mỗi tỉnh.

Ðể lễ hội Lồng tồng được bảo tồn và phát huy giá trị, các địa phương nơi có đông đồng bào Tày, Nùng sinh sống đã đưa lễ hội Lồng tồng vào danh mục các hoạt động lễ hội cần được gìn giữ, tổ chức trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư. Công tác bảo tồn được các địa phương thực hiện bằng nhiều hình thức, biện pháp như sưu tầm, ghi chép các tư liệu liên quan đến lễ hội Lồng tồng để lưu trữ. Công việc này được các nghệ nhân dân gian tại các bản dày công nghiên cứu và sưu tầm. 

 Với đặc thù có ý nghĩa gắn kết cộng đồng, là lễ hội mở màn vào mùa xuân, khởi đầu của năm mới, vì vậy, các bản làng ở vùng cao đã tổ chức lễ hội hằng năm để đưa Lồng tồng vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng, vào môi trường diễn xướng thực tế, sinh động, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân. Từ đó, mỗi người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Tày không chỉ tham gia, góp công sức vào tổ chức lễ hội mà còn tự hào và có ý thức gìn giữ, trao truyền nét đẹp văn hóa của cộng đồng.

 Nghi lễ rước mâm tồng trong Lễ hội Lồng tồng ở tỉnh Tuyên Quang

Lễ hội Lồng tồng đã trở thành điểm nhấn văn hóa hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước tới tham gia, tìm hiểu nét đẹp văn hóa đặc sắc của mỗi vùng. Ðây cũng là một hướng bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội Lồng tồng một cách hiệu quả. Gắn với phát triển du lịch cộng đồng, các điểm du lịch ở mỗi vùng đã tổ chức các không gian văn hóa của cộng đồng các dân tộc, trong đó có lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày. Du khách đến đây có thể dừng chân chiêm ngưỡng và cảm nhận được nét độc đáo và giá trị nhân văn của lễ hội gắn với nghề trồng lúa của đồng bào vùng cao.

NGÔ HỒNG VÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 559, tháng 1-2024

;