“Nếp” đánh giặc của dân miền sông nước

Ở đồng bằng sông Cửu Long, người ta không gọi mùa nước dâng cao, đổ về các đồng, các sông là “mùa nước lũ”, mà gọi là “mùa nước lên”, “mùa nước đổ” hay “mùa nước nổi”… Riêng cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng - người có thời gian dài sống và chiến đấu ở miền đất trầm thủy chiến khu Đồng Tháp Mười thì cho rằng, mùa nước về ở miền Tây là “mùa lũ đẹp”. Có lẽ, dòng nước cuồn cuộn, hung hăng của thượng nguồn Mê - kông sau khi đi qua đại ngàn, đổ vào sông Cửu Long, chan hòa ra các đồng ruộng, kênh mương mênh mông bát ngát; ban cho đồng ruộng nhiều phù sa và sản vật.

 

Sử cũ chép rằng, ngay từ thuở xa xưa, nơi đầu nguồn sông Cửu Long - vùng biên ải phía Tây - Nam, là một nơi có nhiều vùng trũng thấp, ruộng ngập “phèn chua, đất kém cây trồng; mỗi năm gánh chịu nhiều thiên tai từ nước lũ”, bên cạnh đó, nơi đây còn có nhiều con sông “dữ”, thiên nhiên như thách thức cả con người! Vậy nên ngay từ những ngày đầu khai hoang mở cõi, các bậc tiền nhân đã nghĩ ngay tới việc tìm cách chống chọi với thiên tai, cải tạo đồng chua, đất phèn và “làm quen” với lũ, tận dụng lũ mà sinh sống và bảo vệ xóm làng.

Năm 1818 - 1819, khi thống nhất giang sơn, thiết lập chính quyền quân chủ được hơn một thập niên, vua Gia Long đã lệnh cho Khâm sai Thống binh cai cơ Nguyễn Văn Thoại vào Nam nhận chức Trấn Thủ Vĩnh Thanh, đốc thúc dân binh đào kênh Thoại Hà và kênh Vĩnh Tế; khẩn hoang lập ấp, phát triển và bảo vệ vùng đất biên ải xa xôi, cách trở. Thuở ấy, mục đích đầu tiên của việc đào kênh là dẫn lũ, rửa phèn, đưa phù sa vào đồng ruộng, bón cho đất màu mỡ và trù phú. Có lẽ từ dạo đó mà người dân thượng nguồn sông Cửu Long bắt đầu dần chinh phục được lũ; tích góp kinh nghiệm về con nước và tập thích nghi, sống chung với lũ… Những cánh đồng được đánh thức, những mùa lúa vàng đồng được thu hoạch trên mảnh đất tưởng chừng bị phèn bao vây, lũ nhấn chìm.

Trong mạch nguồn Cửu Long, có một con sông “dữ” mang tên Vàm Nao - đây là nơi nước xoáy rất dữ, nhưng lại có nhiều chuyện tích mầu nhiệm, được nhà thơ Trần Hữu Dũng gọi đây là “vực xoáy tâm linh miền Tây”. Tương truyền, khi xưa, nơi đây là đường của voi, trâu rừng đi tìm nước uống. Dần dà đường hóa thành lạch nước, do sức ép của hai dòng sông Tiền và Hậu cặp ở hai đầu nên con nước ngày một phá lối rộng ra, trở thành sông. Cũng chính vì thế mà dòng Vàm Nao là một trong những dòng sông “dữ” nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Sông lúc nào cũng cuộn xoáy, mạnh và sâu. Từ thuở xa xưa đến nay, tàu bè đi ngang dòng sông này đều rất ái ngại, nên có thơ rằng “Núi Sập sấm rền vang tiếng muỗi, Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà...”. Cư dân coi sông như mẹ, biết rõ tính nết của dòng sông nên năm 1833, quan quân nhà Nguyễn đã lập phòng tuyến ở Vàm Nao, đánh tan và đẩy lùi cuộc xâm lược quy mô lớn của quân Xiêm.

Không chỉ là con sông “dữ”, Vàm Nao còn mang trong mình nhiều huyền thoại và truyền thuyết. Đơn cử như chuyện về lai lịch cái tên cá linh - loại cá “đặc sản” của vùng này, cũng như của cả vùng sông Cửu Long. Sử cũ chép lại rằng, cuối thế kỷ XVIII, một hôm trên đường bôn tẩu ra biển, chúa Nguyễn Ánh dong thuyền đến ngã ba sông Vàm Nao thì bỗng dưng có bầy cá nhảy vào trong thuyền. Ngẫm nghĩ điềm báo “chim sa cá nhảy” ắt có tai họa nên chúa rút lui. Sau mới biết, hôm ấy nếu không nhờ đàn cá lạ mách bảo thì chúa đã lọt vào trận địa mai phục cách đó không xa. Vậy nên sau khi lên ngôi, thống nhất giang sơn, Nguyễn Ánh đã ban cho loài cá năm xưa tên là cá Linh để tưởng nhớ sự linh thiêng và công ơn cứu mạng.

Không như cư dân đồng bằng sông Hồng coi việc trị thủy là chính yếu, cư dân vùng đất thượng nguồn sông Cửu Long chú trọng việc tận dụng và khai thác tối ưu mặt nước, quan tâm đến việc làm thủy lợi kết hợp với việc mở mang giao thông đường thủy. Một thống kê sơ bộ về sông ngòi ở đồng bằng sông Cửu Long có sự liên tưởng khá thú vị. Người ta ước tính tổng số chiều dài của công trình dẫn lũ với hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt ở đồng bằng sông Cửu Long tương đương với chiều dài của Vạn Lý Trường Thành. Điều đó cho thấy, cư dân miệt vườn sông nước miền Tây coi trọng việc: tận thủy - thủy lợi hơn là trị thủy.

Nói đến việc “tận thủy” của cư dân đầu nguồn sông Cửu Long, không thể không nhắc đến những trận thủy chiến từng xảy ra trên những con sông, kênh rạch ở vùng đất biên thùy Tổ quốc. Với sự tinh tường và am hiểu sâu rộng về những quy luật thủy triều, sông nước, ông cha ta đã tận dụng triều cường và môi trường trong lòng nước để đánh giặc. Đầu năm 1785, tại trận Rạch Rầm - Xoài Mút, nhân dân ta đã tận dụng đường thủy để dụ giặc Xiêm tiến sâu vào nội địa. Lợi dụng bề mặt, thế nước và triều cường để tạo trận địa giữ chân giặc, bao vây mà đánh; làm cho quân Xiêm đại bại trên dòng Cửu Long - con sông bao dung, hiền hòa với cư dân nhưng cũng rất quyết liệt, dữ dội với quân xâm lược.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam sau năm 1975, quân và dân vùng biên giới đã sử dụng địa thế núi, đồng và sông để đánh giặc, đặc biệt là vào những mùa nước nổi. Đây là một lợi thế để quân dân ta tạo nên những trận mai phục trong lòng nước. Những cánh đồng mênh mông nước, lác đác vài gốc gáo hoang, vài bãi điên điển vàng là nơi trú ẩn của quân dân ta, dung cách đánh du kích làm cho quân địch phải khiếp sợ. Những chiếc xuồng chèo nhỏ nhắn neo thủy lôi bên dưới lòng nước, đánh tan tàu chiến; những đoàn quân di chuyển hàng trăm cây số bằng xuồng ghe trên sông; những người lính khi đụng trận lặn dưới đáy sông mà vẫn chắc tay súng nhả đạn về phía giặc…

Con nước rong, nước kém, nước nổi, nước giật của cư dân vùng đất đầu nguồn biên giới Tây Nam làm người phương Tây phải bối rối. Họ không tài nào đoán được, người Việt có thể sinh sống, ăn ngủ và cả chiến đấu dựa vào con nước. Khó mà có thể nghĩ rằng, cư dân vùng trũng đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng “ngủ nước”, dựa vào nước để chống muỗi và ẩn nấp. Con nước ở miền Tây cũng gần gũi và tính nết giống như con người nơi đây, cũng yêu xứ sở nơi nó đã chảy qua và dang rộng vòng tay mỗi mùa nước nổi; con nước luôn chở che cho cư dân và đáp trả những cuộc xâm lăng bằng những đòn đánh bất ngờ.

Như nếp ăn, nếp ở từ thuở khai hoang, lập làng, mở mang bờ cõi, cái “nếp” đánh giặc, giữ nước của cư dân biên giới Tây Nam cũng dựa vào sông, vào con nước nổi mà đánh tan quân xâm lược, dẫu kẻ thù lớn mạnh và vũ khí hiện đại, tối tân.

 

LÊ QUANG TRẠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 498, tháng 5-2022

 

;