Mùa Xuân về trên những nhà giàn

Hàng ngàn tấn quà Tết do các cá nhân, tổ chức trên khắp cả nước gửi tặng chiến sĩ Nhà giàn DK1

 

Chong mắt nhìn thật kỹ mới nhận ra trên sợi chỉ tít tắp chân trời, những đảo nổi, đảo chìm hiện ra chỉ là những doi đất, những rẻo đất hay những vệt rất nhỏ. Còn những nhà giàn DKI càng nhỏ hơn, bé xíu, cheo leo giữa mênh mông biển cả.

Cụm Kinh tế - Khoa học kỹ thuật - Dịch vụ (DKI) được Nhà nước ta xây dựng trên vùng biển và thềm lục địa phía Nam, thuộc sự quản lý hành chính của Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo từ năm 1989. Qua sự “sàng lọc” nghiệt ngã của thiên nhiên, 4 nhà giàn bị bão nhấn chìm, 1 nhà giàn hư hỏng nặng, hiện chỉ còn 15 nhà giàn DKI, hoạt động trên “6 lô” (được ghi từ 1 - 6) tại các bãi đá ngầm và san hô giữa biển (gồm: Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường và Ba Kè). Hầu hết các nhà giàn DKI đều có diện tích nhỏ, lại đóng chốt ở những nơi mà điều kiện thiên nhiên hết sức khắc nghiệt. Trung bình mỗi năm có 4 tháng bão, tần suất bão rất lớn. Các tháng trong năm đều có giông, áp thấp nhiệt đới, chế độ thủy triều không ổn định, thời tiết biến đổi thất thường…

Khu vực DKI có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của nước ta, đặc biệt khu vực biển hoạt động nhạy cảm và hết sức phức tạp. Các tàu nước ngoài thường cải trang là tàu cá thăm dò, nghiên cứu địa chấn, trinh sát, quấy rối… Điều kiện khắc nghiệt của khí hậu, hải văn và tình hình phức tạp chung tạo ra nhiều khó khăn cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại các nhà giàn trong việc tuần tra, kiểm soát, chốt giữ, bảo vệ chủ quyền vùng biển, hải đảo và thềm lục địa của Tổ quốc.

Các chiến sĩ hải quân cho biết, mỗi năm có nhiều đoàn công tác từ đất liền ra thăm, tặng quà động viên cán bộ, chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa nhưng rất ít đoàn đến được các nhà giàn, bởi nơi đây thường có sóng to, gió lớn. Việc tiếp cận các nhà giàn DKI, gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ là hết sức khó khăn. Trên biển, nhiều khi chỉ cách nhau 200m (từ tàu lớn tới nhà giàn) mà xa xôi, cách trở tưởng chừng hàng ngàn hải lý. Thế mới biết, tinh thần vượt gian khổ, sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy để bảo vệ bình yên biển đảo và thềm lục địa Tổ quốc của bao lớp cán bộ, chiến sĩ hải quân trên các nhà giàn ở trên quần đảo Trường Sa đáng quý biết bao.

Người ta nói, ai có may mắn mới được đến Trường Sa và may mắn lắm mới đến được các nhà giàn DKI. Trong suốt chuyến đi, ai cũng mong sóng yên gió lặng để đến được các đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn. Bởi đến Trường Sa là chuyến đi đặc biệt và quý nhất trong đời. Náo nức, bồi hồi là tâm trạng chung. Tôi có tham vọng phải gặp gỡ thật nhiều, ghi chép thật nhiều vào cuốn “Nhật ký bỏ túi” và lưu lại từng giọng nói, những khoảnh khắc sinh động nhất của cuộc sống nơi đảo xa…

Biển cả rất bao dung và cũng thật… vô tình ! Tiếc nuối vì không vào được đảo An Bang (do biển bất chợt sóng lớn) rồi cũng bất chợt sau một đêm say sóng ngất ngưởng, ngày hôm sau biển lại yên ả. Mọi người phấn khởi khi thấy thủy thủ neo tàu, đưa từng người lần lượt xuống các xuồng cứu hộ để lên thăm Nhà giàn DKI/8 (bãi Quế Đường). Do không gian nhỏ nên đoàn công tác chia nhau từng tốp để leo lên Nhà giàn. Thật bất ngờ so với những gì chúng tôi mường tượng, cuộc sống, sinh hoạt, lao động và chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ trên Nhà giàn rất tươm tất, vui nhộn và ấm tình đồng chí. Một hội trường sinh hoạt tập thể được trang trí rất gọn và đẹp, trên cao đặt tượng Bác Hồ. Bên cạnh đó là tủ sách “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với vài trăm đầu sách, hệ thống liên lạc, phòng làm việc, phòng nghỉ, bếp ăn… bài trí ngăn nắp. Dù diện tích nhỏ, thiếu nước ngọt (chủ yếu dựa vào nước mưa) nhưng xung quanh hành lang, trên các lối đi, trên Đài quan sát Nhà giàn xanh tươi các loại rau cải, bí, bầu, mồng tơi, lá mơ… Chiến sĩ Nhà giàn DKI/8 cho biết, ngoài nhiệm vụ, anh em còn tranh thủ trồng rau và câu cá, nuôi cả vịt, gà nhưng rau và gia súc không sống được trong những tháng bão nổi…

Công tác tại Nhà giàn đều là sĩ quan chuyên nghiệp, khá nhiều sĩ quan trẻ và mỗi người một quê (hơn chục tỉnh, thành khắp Bắc, Trung, Nam) có mặt trong một khối nhà vài chục mét vuông giữa bao la trời nước. Thiếu tá Trương Văn Thủy - Trưởng Nhà giàn DKI/8 chia sẻ: Mỗi năm, có hơn 6 tháng (từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau) là mùa mưa nên nhiều bão, nước biển dâng rất cao và đập vào làm rung chuyển cả Nhà giàn nhưng anh em đã quen, động viên nhau tích cực công tác, cải thiện cuộc sống, tiết kiệm trong sinh hoạt. Do đặc thù nhiệm vụ, nhiều anh em mấy năm nay chưa về đất liền, cuộc sống nơi đây luôn đặt mọi người trước thử thách và luôn chấp nhận hiểm nguy…

Những công dân sống ở đảo, thời gian đi qua chẳng cần tính tháng, đếm ngày. Khi thấy trời xanh, sóng lặng, họ nhận ra mùa nắng đã sang, mùa xuân sắp về. Và đó là thời điểm mà cán bộ, chiến sĩ trên các đảo, nhà giàn khấp khởi chờ đợi người thân, bạn bè từ đất liền mang niềm vui ra đảo! Ở nơi tận cùng bão giông, mỗi dịp xuân đều về mang theo niềm vui và bao nhiêu khát vọng.

Mùa xuân về, các đảo, điểm đảo bừng lên sức sống mới. Rau xanh được trồng non tươi, trườn ra trước nắng gió; lợn, gà được chăn thả rong ruổi tìm kiếm thức ăn bên mé nước dập dềnh; các loài hoa cỏ may, hoa lá kim, hoa muống biển nở tím những triền cát trắng… Tất cả tạo nên bức tranh miền biên cương sinh động và lãng mạn vô cùng.

Hiện tại, lực lượng hải quân được trang bị thêm một số tàu có trọng tải lớn, các thiết bị hiện đại, đủ sức chống chọi với bão lớn nên mỗi năm trước thềm xuân mới, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đều phối hợp với các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành đưa các đoàn công tác vượt gió to, sóng dữ, có khi những trận bão bất thường để mang những chuyến quà Tết từ đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ Trường Sa.

Song, vào những ngày giáp Tết, Biển Đông vẫn đang trong mùa mưa bão. Để đưa được hàng Tết đến với cán bộ, chiến sĩ trên các đảo, điểm đảo và nhà giàn DKI, có khi các đoàn công tác lênh đênh trên biển cả tháng trời. Nhiều khi, tàu chỉ cập được các đảo nổi, một số đảo chìm, còn các Nhà giàn không thể vào được. Một số đồng nghiệp là phóng viên báo chí tâm sự, đứng trên tàu lớn nhìn cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn vẫy tay mà đoàn công tác tặng quà Tết không thể vào được, bởi sóng quá to, quá hung dữ… Nghe thế, thấy thật thương!

Trường Sa, dù chỉ là những rẻo đất, những mỏm đá san hô nhô lên giữa bao la trời biển nhưng ở đó, có những con người thầm lặng hiến cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.

Có lẽ, trong tình cảm nhiều người, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ sống, công tác trên các Nhà giàn DKI được lưu lại sâu sắc nhất. Bởi đó là nơi khó khăn và hiểm nguy hơn cả nhưng cũng rực cháy tình yêu đất nước thiết tha nhất. Nơi họ đang đứng là “một chút máu thịt” trong hình hài Tổ quốc hiện hữu quá đỗi thiêng liêng để họ sẵn sàng xả thân gìn giữ. Họ sống tựa vào nhau, trẻ trung, yêu đời và rực sáng một thứ niềm tin có sức mạnh gấp trăm lần bão giông, cuồng phong của biển cả và hiểm nguy tứ phía chực chờ…

Một mùa xuân nữa lại về với đất trời, với Trường Sa, các nhà giàn DKI, với người lính biển. Những người từ đất liền ai cũng muốn gửi tới cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa tình cảm và niềm tri ân sâu sắc nhất. Bởi các anh đang từng ngày, từng giờ giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân, sẵn sàng xả thân để Tổ quốc mãi mãi trường tồn.

 

THANH DƯƠNG HỒNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 486, tháng 1-2022

;