Một số phương pháp xử lý chất liệu mới ứng dụng trong ngành Thiết kế thời trang Việt Nam hiện nay

Những thành tựu vượt bậc của khoa học kỹ thuật đã tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội, tạo nên bước ngoặt mới trong lịch sử văn minh nhân loại, hình thành nền kinh tế tri thức với những đòi hỏi vô tận về sự sáng tạo. Chính vì những tác động lớn lao này, ngành Thiết kế thời trang cũng phát triển mạnh mẽ và áp dụng được nhiều thành quả của tri thức thời đại vào công đoạn thiết kế - sản xuất. Nhiều loại vải thông minh và thân thiện với môi trường ra đời, nhiều phương pháp xử lý chất liệu mới xuất hiện với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại đã tạo nên những hiệu quả thẩm mỹ mới cho ngành Thiết kế thời trang Việt Nam hiện nay.

1. Xử lý chất liệu và vai trò của xử lý chất liệu trong thiết kế trang phục

Trong ngành Thiết kế thời trang, chất liệu là linh hồn của sản phẩm, các phương pháp xử lý chất liệu chính là chìa khóa để tạo nên vẻ đẹp cho chất liệu và trang phục. Hiệu quả thẩm mỹ của trang phục được hình thành thông qua các yếu tố cấu thành nên trang phục như: chất liệu, kiểu dáng, màu sắc, họa tiết, hoa văn trang trí… Do đó, xử lý chất liệu trong thiết kế trang phục là việc sử dụng một hay nhiều phương pháp trang trí trên nền của chất liệu, nhằm tạo ra một bề mặt mới, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ của thời đại. Các phương pháp xử lý chất liệu cũng áp dụng các nguyên lý của cơ sở tạo hình trong bố cục, hòa sắc, đồng thời vẫn đảm bảo được mối liên kết giữa các nguyên liệu sử dụng cũng như độ bền nhất định cho chất liệu sau khi đã được xử lý.

Trong lịch sử trang phục Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, để tạo hoa văn trên bề mặt chất liệu, người ta sử dụng các phương pháp xử lý chất liệu truyền thống như: dệt, thêu, vẽ, in hoặc đính kết… Những phương pháp này có lịch sử phát triển lâu đời và được vận dụng phổ biển nhất trong thiết kế trang phục từ trước đến nay.

Tuy nhiên, từ nửa sau TK XX, sự phát triển của thời trang hiện đại bắt đầu chịu sự ảnh hưởng và tác động trực tiếp của khoa học kỹ thuật vào việc sản xuất chất liệu và xử lý chất liệu. Đặc biệt, trong những thập niên đầu tiên của TK XXI, khi khoa học và công nghệ đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu rực rỡ, ngành Thiết kế thời trang thế giới nói chung và ngành Thiết kế thời trang Việt Nam nói riêng cũng tiếp nhận những thành quả đó như một quy luật tất yếu.

2. Một số phương pháp xử lý chất liệu mới ứng dụng trong ngành Thiết kế thời trang Việt Nam hiện nay

Hiện nay, Việt Nam đã có những nhà thiết kế (NTK) rất tài năng. Nhiều người được đào tạo bài bản ở các quốc gia có nền thời trang phát triển. Họ trở về nước, tham gia giảng dạy hoặc thành lập thương hiệu thời trang cá nhân. Trong số đó có rất nhiều gương mặt tạo dựng được phong cách riêng biệt cho thương hiệu của mình như: Phương My, Huy Võ, Đỗ Mạnh Cường, Kelly Bùi… Đây chính là lực lượng thiết kế chuyên nghiệp với tư duy thiết kế đột phá, góp phần thúc đẩy ngành Thời trang Việt Nam phát triển. Đội ngũ này bắt nhịp rất nhanh với các xu hướng mới nhất của thời trang quốc tế và tiên phong trong việc vận dụng các phương pháp xử lý hiện đại vào quá trình thiết kế trang phục, nhằm nâng cao hiệu quả thẩm mỹ cho mỗi bộ sưu tập của mình.

Phương pháp in kỹ thuật số

Hiện nay, với sự hoàn thiện của những loại máy in đặc biệt có định dạng khổ rộng, kỹ thuật này có thể sử dụng trên nhiều chất liệu vải khác nhau. Mực sử dụng được chế tạo đặc biệt để phù hợp với từng loại sợi. Với công nghệ in kỹ thuật số, các mẫu hoa văn, họa tiết có thể được các NTK tạo ra bằng các phần mềm thiết kế đồ họa thông dụng như: Corel Draw, Photoshop, Illustrator… NTK có thể nhanh chóng thử nghiệm các ý tưởng của mình trên bề mặt chất liệu với hàng ngàn sắc độ trung thực. Với sự hỗ trợ của những công cụ thiết kế hiện đại, trí tưởng tượng của NTK được mặc sức bay bổng qua bảng màu phong phú trên máy vi tính. Các máy in với công nghệ tiên tiến đã đem lại sự tiện lợi cho việc in ấn. Kỹ thuật này cho phép in những chi tiết nhỏ trong từng thiết kế mà không mất quá nhiều thời gian như các phương pháp in truyền thống. NTK không phải chờ đợi hằng tuần, thậm chí hằng tháng để thấy mẫu thiết kế của mình hình thành, trái lại họ chỉ mất vài giờ hoặc có thể nhanh hơn để có thể tận mắt thấy được những sản phẩm ngay trước mắt. Độ phân giải cao đảm bảo hình ảnh chân thực và sắc nét. Khổ in cũng không giới hạn, do vậy các NTK mặc sức sắp đặt các họa tiết thiết kế theo đúng ý đồ của mình (1). Họ có thể thay đổi bản in hoặc màu sắc, họa tiết tùy theo mùa để phù hợp với yêu cầu của từng đối tượng khách hàng.

Trên thế giới, cụm từ vải in kỹ thuật số (digital textile printing) lần đầu được các biên tập viên thời trang sử dụng trên các tạp chí danh tiếng thế giới như: Vogue, Cosmopolitan, Marie Claire… vào mùa mốt Xuân Hè 2010. Vào thời điểm đó, tại bốn trung tâm thời trang lớn nhất của thế giới là: New York, London, Milan và Paris, hàng loạt bộ sưu tập của các NTK danh tiếng xuất hiện với những sắc màu biến ảo tài tình. Với ưu điểm vượt trội của công nghệ và thiết bị hiện đại, in kỹ thuật số trở thành một trong những phương pháp xử lý chất liệu thời thượng, được nhiều NTK lựa chọn và trở thành bí quyết thành công của họ trong những mùa mốt gần đây (2).

Trở lại với mùa mốt Xuân Hè 2010-2011, rất nhiều sự tán thưởng, khâm phục của giới thời trang đã dành cho bộ sưu tập của NTK tài năng Alexander McQueen. Hiệu ứng của họa tiết in trên vải đã tạo nên ấn tượng thị giác mạnh mẽ cho người xem thông qua sự trợ giúp của công nghệ in kỹ thuật số (3). Những gam màu đồng, bạc, ngọc trai, ánh nhũ hòa quyện vào nhau trên những họa tiết trừu tượng tràn ngập trên bề mặt chất liệu đã thể hiện trọn vẹn ý tưởng của Alexander McQueen về một thế giới thiên nhiên rực rỡ sắc màu của các loài sinh vật dưới đại dương.

Tại Việt Nam, phương pháp in kỹ thuật số đã được NTK Như Dương - một NTK trẻ Việt Nam hiện đang sống và làm việc tại Thụy Điển và Devon Nguyễn giới thiệu trên sàn diễn chương trình Elle Show Xuân Hè 2012. Cùng với Đẹp Fashion Show, Elle Fashion Show là một trong những chương trình thời trang có uy tín tại Việt Nam, được giới chuyên môn đánh giá cao về tính chuyên nghiệp. Dù quy mô của chương trình chưa thực sự lớn nhưng Elle Fashion Show đã cập nhật và đưa ra được những xu hướng thời trang mới nhất để giới thiệu tại thị trường Việt Nam.

Trong chương trình Elle Show Xuân Hè 2012, bộ sưu tập của Như Dương đã khai thác triệt để xu hướng xử lý chất liệu bằng in kỹ thuật số. Được đào tạo một cách bài bản về thiết kế thời trang tại châu Âu, Như Dương có nhiều kiến thức về chất liệu cũng như phương pháp xử lý chất liệu. Các bộ trang phục được giới thiệu trong chương trình này là những sản phẩm được Như Dương xử lý bằng phương pháp in kỹ thuật số trên lụa pha cao su tổng hợp. Đây thực sự là một thử nghiệm thú vị của NTK khi dùng kỹ thuật số để in những bức ảnh dường như bị lỗi trên nền một chất liệu không nuột nà và hoàn hảo như những chất liệu truyền thống khác. Trong quá trình xử lý chất liệu, Như Dương đã dùng phần mềm xóa đi một số thông tin đã được mã hóa trên những bức ảnh, làm biến dạng chúng đi trước khi in, tạo nên sự biến ảo lung linh cho bề mặt chất liệu, qua những họa tiết là cảnh sắc thiên nhiên rực rỡ. Trên những bộ trang phục được tối giản về kiểu dáng, những gam màu của Như Dương đã gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ.

Cùng với Như Dương, trong chương trình này, Devon Nguyễn cũng giới thiệu xu hướng in kỹ thuật số thông qua bộ sưu tập mang tên Moderm Baroque. Devon Nguyễn là một NTK trẻ, tốt nghiệp Học viện Thời trang London, từng có thời gian thực tập tại các thương hiệu thời trang lớn như Burbery, Alice Temperley, All Staints… Sau 8 năm học tập tại châu Âu, tích lũy nhiều kinh nghiệm quý giá, Devon Nguyễn quyết định trở về Việt Nam lập nghiệp. Các thiết kế của cô từng tham gia các chương trình thời trang lớn trong nước như Elle Fasshion Show, Đẹp Fashion Show và tạo được sự chú ý bởi tư duy thiết kế hiện đại. Đây cũng chính là bước ngoặt giúp cái tên Devon Nguyễn được biết đến nhiều hơn và dần khẳng định mình trong làng thời trang Việt Nam. Những bộ trang phục của Devon Nguyễn giới thiệu trong chương trình Elle Show Xuân Hè 2012 sử dụng chất liệu chính là lụa organza, một loại chất liệu rất phù hợp với phương pháp in kỹ thuật số. Lụa organza sau khi đã được xử lý thường tạo nên những màu sắc rất sống động trên bề mặt. Devon Nguyễn đã sử sụng những bức ảnh chụp các công trình Baroque nổi tiếng tại London, vẽ và tô màu lại, sau đó dùng kỹ thuật số để in các bức ảnh đó lên lụa với hiệu ứng 3D sống động.

Như vậy, bắt đầu từ những NTK trẻ có điều kiện học tập và làm việc tại nước ngoài, tiên phong thử nghiệm phương pháp tạo họa tiết bằng in kỹ thuật số trong thiết kế trang phục, hiện nay các NTK trong nước cũng nhanh chóng hòa nhịp cùng xu hướng này, tạo nên những bộ sưu tập phù hợp với xu hướng mốt quốc tế. Những thiết kế của họ đã mang đến một sắc thái mới, trẻ trung, hiện đại cho thời trang Việt Nam.

Phương pháp tạo họa tiết bằng tia laser

Kỹ thuật cắt laser là kỹ thuật sử dụng một chùm tia sáng có bước sóng xác định đối với mỗi loại hoạt chất phát tia và có tính định hướng cao. Người ta có thể dùng hệ thống quang học để điều khiển hướng đi của laser nhằm tập trung năng lượng tại một vùng diện tích nhỏ. Trong sản xuất công nghiệp, tia laser thường được dùng để cắt các loại vật liệu. Nó hoạt động bởi nguồn năng lượng cao, tác động vào bề mặt của vật liệu qua sự điều khiển của máy tính để thực hiện quá trình cắt. Vật liệu sau đó hoặc sẽ chảy, cháy, bốc hơi hoặc bị thổi tung bởi luồng khí và để lại bờ mép tại vị trí cắt một bề mặt mới.

Năm 1965, máy cắt laser đầu tiên được dùng để khoan lỗ kim cương tổng hợp. Máy này được trung tâm nghiên cứu Western Electric Engineering sử dụng. Vào năm 1967, máy laser có hỗ trợ luồng khí oxy của người Anh đã được ứng dụng trên kim loại. Vào đầu những năm 70 TK XX, công nghệ này được đưa vào sử dụng để cắt titan cho các ứng dụng hàng không. Cũng tại thời điểm này, laser CO2 (laser carbon dioxide) được áp dụng để cắt những vật liệu không phải là kim loại như vải. Đó là loại laser dạng khí đầu tiên do Kumar Patel thuộc phòng thí nghiệm Bell (Mỹ) phát minh năm 1964. Hiện nay, nó là loại laser chủ yếu được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống.

Trong thiết kế thời trang hiện đại, tia laser tham gia vào quá trình xử lý bề mặt của chất liệu nhằm tạo nên những họa tiết tinh xảo, tỉ mỉ. Phương pháp này cho phép tạo ra những đường nét, hoa văn sắc nét và phức tạp trên nhiều chất liệu, đạt hiệu quả thẩm mỹ cao cho từng sản phẩm. Họa tiết được xử lý trên bề mặt chất liệu một cách chính xác, liền mạch bởi công nghệ hiện đại. Tia laser có thể cắt được những chi tiết có mạch cắt cực nhỏ đến 2% của mm. Những chi tiết phức tạp có thể được cắt và khắc trên phạm vi lớn của vải, kể cả chất liệu cao su tổng hợp, cao su tự nhiên, đồ da, chất liệu cotton, chất liệu silk, polyester và các sản phẩm dệt công nghiệp khác. Các bước sóng laser sẽ tạo ra chi tiết, đường nét, hình khối, họa tiết có tính đối ứng, liên hoàn trên bề mặt chất liệu, tạo nên những hiệu ứng thị giác vô cùng thú vị. Chính vì vậy, kỹ thuật xử lý chất liệu mới này đang được nhiều NTK thời trang trên thế giới ưa chuộng và khai thác tối đa trong những năm gần đây.

Trên thế giới, phương pháp tạo họa tiết bằng tia laser đã thực sự trở thành một trào lưu trong mùa thời trang Xuân Hè 2012-2013. Rất nhiều NTK của các hãng thời trang nổi tiếng thế giới như: Ralph Lauren, Giles Deacn, Dolce & Gabanna, Dior, Chanel, Valentino, Louis Vuitton, Marchesa... đã áp dụng kỹ thuật xử lý chất liệu hiện đại này trong các bộ sưu tập mới nhất của mình.

Tại Việt Nam, kỹ thuật cắt họa tiết bằng tia laser được một số NTK trẻ Việt Nam giới thiệu tại Tuần lễ thời trang Thu Đông 2012. Tại sự kiện này, kỹ thuật cắt laser theo xu hướng phát triển của thời trang thế giới được khai thác và thể hiện trên nhiều chất liệu của Công ty May Việt Thắng. Đây là một trong số các công ty may Việt Nam tâm huyết với sự phát triển của thời trang trong nước thông qua việc tham gia thường xuyên các Tuần lễ thời trang Việt Nam. Trong mùa mốt Thu Đông 2012, Việt Thắng đã giới thiệu 120 mẫu thiết kế của 4 NTK trẻ đang làm việc tại công ty là: Bích Hà, Văn Khoa, Hồng Vương, Văn Hiền. Các mẫu trang phục sử dụng những chất liệu đa dạng như: nỉ, jeans, ren, cotton… được tẩy mờ và nhuộm bằng công nghệ hiện đại. Đặc biệt, kỹ thuật cắt laser được các NTK xử lý một cách hiệu quả trên nền vải da mềm với các họa tiết hình học khúc chiết, tạo nên hình ảnh mới lạ cho dòng trang phục dạo phố.

Phương pháp xử lý chất liệu bằng công nghệ in 3D

Công nghệ in 3D (3D printing technology) hay sản xuất đắp dần (additive manufacturing) là một công nghệ chế tạo sản phẩm thật (3 chiều) từ một mô hình số (digital model). Đây là một sáng tạo ra đời vào năm 1984 của Charles Hull - một nhà khoa học Mỹ. Công nghệ này tạo nên sự đột phá khi có thể in ra một đối tượng 3 chiều từ những dữ liệu kỹ thuật số. Nó được sử dụng để chế tạo ra các vật phẩm thật chỉ từ những hình ảnh trên máy tính. Công nghệ in 3D cho phép người sử dụng kiểm tra các mẫu thiết kế một cách nhanh chóng, chính xác trước khi quyết định đầu tư sản xuất hàng loạt.

Năm 1992, chiếc máy in 3D thương mại đầu tiên được sản xuất bởi Công ty 3D System (Mỹ). Chiếc máy này sử dụng chùm tia cực tím để làm đông cứng photopolymer (polymer quang hóa), biến chất lỏng có màu sắc và độ nhớt giống mật ong thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Mặc dù, sản phẩm tạo ra chưa hoàn hảo nhưng đã chứng minh cho thế giới một phương thức sản xuất mới, có thể sản xuất ra một sản phẩm có các bộ phận phức tạp một cách nhanh chóng và không cần bất kỳ tác động của con người trong suốt quá trình hoạt động.

 Năm 1999, công nghệ in 3D bắt đầu được ứng dụng để cấy ghép nội tạng trong y học, với nguyên liệu là tế bào con người. Năm 2006, chiếc máy in 3D SLS (selective laser sintering) đầu tiên được hoàn thiện. Công nghệ này sử dụng tia laser để làm chảy các vật liệu và liên kết lại tạo thành sản phẩm 3 chiều. Phương pháp này đã mở ra cánh cửa cho việc tùy biến trong sản xuất đồ vật hàng loạt. Từ năm 2010, công nghệ in 3D bắt đầu được ứng dụng trong thiết kế công nghiệp, người ta có thể in xe hơi, in bàn ghế, in trang sức và một số sản phẩm khác trong lĩnh vực thiết kế thời trang.

In 3D có thể coi là bước đột phá trong thiết kế và chế tạo của nhân loại, bởi lẽ công nghệ này hoạt động theo nguyên lý đắp thêm (additive process), đối lập với nguyên lý cắt gọt (subtractive process) vẫn được con người sử dụng trong quá trình sản xuất truyền thống.

Công nghệ in 3D đang dần phủ sóng sang lĩnh vực thời trang trong một thập niên gần đây. Sự giao thoa giữa thời trang và công nghệ trở thành công cụ độc đáo giúp các NTK dễ dàng hơn trong việc biến các ý tưởng của mình thành hiện thực. Những mẫu giày thiết kế và sản xuất dựa trên công nghệ in 3D bắt đầu xuất hiện vào năm 2010, khi các NTK trẻ có xu hướng tối ưu hóa công nghệ phục vụ cho công việc thiết kế. Hai hãng thiết kế đồ thể thao nổi tiếng thế giới là Nike và Adidas cũng không bỏ qua công nghệ này khi bắt đầu sử dụng in 3D để tăng tốc quá trình thiết kế các phiên bản mẫu giày thể thao trong năm 2013. Họ sử dụng công nghệ in 3D để in và sửa đổi mẫu giày đế nhựa với các đinh tán dành cho các loại giày thể thao. Bằng cách này, Nike và Adidas có thể chế tạo ra những mẫu giày nhanh nhất trong lịch sử thiết kế của hãng. Đại diện của hãng Adidas cho biết, công nghệ này cho phép rút ngắn thời gian sản xuất nguyên mẫu từ 4-6 tuần, do 12 người thực hiện trước đây còn 1-3 ngày dưới sự đảm nhiệm của hai người.

Phương pháp này đã thu hút sự quan tâm của một số NTK nổi tiếng thế giới, trong đó có Iris van Herpen - một NTK trẻ tuổi người Hà Lan. Những năm gần đây, cô nổi tiếng với những thiết kế ấn tượng với sự kết hợp ngoạn mục giữa nghệ thuật và công nghệ. Tại Tuần lễ thời trang cao cấp Paris 2013, có hai thiết kế của Iris van Herpen đã khiến người xem đặc biệt chú ý vì chúng không được cắt may và xử lý chất liệu theo kỹ thuật thông thường mà được ra đời từ công nghệ in ấn 3D (4).

Sự xuất hiện những mẫu váy hoàn thiện, ứng dụng công nghệ in 3D của Iris van Herpen trong Tuần lễ thời trang cao cấp Paris đã mang đến cho dòng thời trang cao cấp lối tư duy hiện đại của những NTK trẻ, cùng một thông điệp: thế giới đã thay đổi và thời trang cao cấp cũng cần phải thay đổi trong việc cân bằng giữa thực tế và ước mơ để tồn tại và phát triển.

Tại Việt Nam, ngành Thời trang đã bắt đầu ứng dụng kỹ thuật 3D vào thiết kế, sản xuất và tiếp thị các sản phẩm đến khách hàng. Tại một số trường đại học ở Việt Nam, giảng viên và sinh viên ngành Dệt may và Thiết kế thời trang đã ứng dụng công nghệ in 3D vào việc thiết kế trang phục.

3. Kết luận

Ngành Thời trang hiện nay đang phát triển mạnh mẽ với sự hỗ trợ đáng kinh ngạc của công nghệ hiện đại. Sự vận dụng các tri thức khoa học một cách linh hoạt vào quá trình xử lý chất liệu đã tạo nên những hiệu quả bất ngờ và mới mẻ trong lĩnh vực thiết kế trang phục. Trong quá trình đó, các NTK vẫn phải là chủ thể của mọi sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú của họ phải được hiện thực hóa và thăng hoa bởi công nghệ hiện đại.

Nhiều nhà kinh tế học dự báo rằng, trong giai đoạn tới “tương lai sẽ phụ thuộc vào quốc gia có tiềm năng ứng dụng”. Do đó, công nghiệp hóa, hiện đại hóa có thể coi là phương thức tối ưu để phát triển nền kinh tế của mỗi quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên, điều kiện lịch sử và văn hóa, xã hội của mỗi dân tộc có những sắc thái riêng biệt nên vấn đề đặt ra bao giờ cũng là làm thế nào để tiếp nhận được những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại một cách hiệu quả nhất, để có thể hội nhập vào văn minh nhân loại, đồng thời vẫn giữ gìn được bản sắc dân tộc của mình. Sự tiếp thu các giá trị của thời đại qua quá trình hội nhập của thời trang Việt Nam với thời trang thế giới chỉ thực sự có ý nghĩa trong chừng mực những giá trị đó được hòa trộn vào bảng giá trị tinh thần của dân tộc như những thành tố hữu cơ. Nói cách khác, chỉ có thể tiếp nhận những giá trị, chuẩn mực từ bên ngoài mà sự hiện diện của chúng không phá vỡ sự ổn định của những giá trị thẩm mỹ truyền thống. Đây chính là vấn đề mà các NTK Việt Nam cần phải lưu tâm trong quá trình áp dụng các phương pháp xử lý chất liệu tiên tiến của thời đại, để có thể nâng cao hiệu quả thẩm mỹ cho trang phục từ chính nguồn cội của mình.

_____________

1. Fashion Incubator, Introduction to digital fabric printing (Giới thiệu về in vải kỹ thuật số), fashion-incubator.com, 2013.

2. Hoàng Ngân, Biến ảo cùng vải in kỹ thuật số, Tạp chí Heritage Fashion, Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam, số 8-2012, tr.90-94.

3. Linda Felix, Những đóa hoa trên sàn diễn xuân hè 2013, Tạp chí Heritage Fashion, Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam, số 2-2013, tr.27-30.

4. Trần Thúy, Công nghệ 3D trên sàn diễn thời trang, songmoi.vn, 2013.

Tài liệu tham khảo

1. Sabine Seymour, Fashionable Technology - The Intersection of Design, Fashion, Science, and Technology (Công nghệ thời trang - Giao điểm của Thiết kế, Thời trang, Khoa học và Công nghệ), Springer Verlay, Wien, 2008.

 

PHẠM NGỌC THƯ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 542, tháng 8-2023

;