Nâng cao hiệu quả quản lý di tích lịch sử - văn hóa ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình hiện nay

Huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình là địa bàn có số lượng di tích lịch sử - văn hóa (DTLSVH) đa dạng và phong phú. Trong thời gian qua, công tác quản lý các DTLSVH trên địa bàn huyện đã được sự quan tâm của các cấp, các ngành, góp phần vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống các di tích trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, trong công tác quản lý di tích cũng đang đặt ra nhiều vấn đề từ thực tiễn đòi hỏi cần phải nghiên cứu để đưa ra các giải pháp hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý DTLSVH trên địa bàn huyện Thái Thụy. Trong bài viết này, tác giả tập trung vào các vấn đề: khái quát hệ thống, thực trạng quản lý, các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý DTLSVH ở huyện Thái Thụy.

Toàn cảnh Đền Côn Giang ở xã Sơn Hà (huyện Thái Thụy), một trong những di tích lịch sử cấp quốc gia nổi tiếng ở Thái Bình - Ảnh: thaibinhtv.vn

1. Khái quát về hệ thống DTLSVH ở huyện Thái Thụy

Thái Thụy là một huyện ven biển nằm ở vị trí Đông Bắc tỉnh Thái Bình, có diện tích lớn và dân số đông nhất tỉnh. Địa giới Thái Thụy được bao bọc bởi 3 mặt sông và 1 mặt biển, bờ biển có chiều dài 27km kể từ sông Thái Bình đến cửa sông Trà Lý. Thái Thụy là một huyện mới được thành lập từ 2 huyện cũ là Thụy Anh và Thái Ninh. Hai bộ phận Thái và Thụy được phân chia bởi sông Diên Hộ. Hiện nay, huyện gồm 47 xã và một thị trấn là thị trấn Diêm Điền (1). Trải qua quá trình đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, cư dân huyện Thái Thụy đã sớm hình thành những truyền thống tốt đẹp đáng tự hào: cần cù, dũng cảm trong lao động sản xuất, chinh phục cải tạo thiên nhiên, giàu kinh nghiệm thâm canh, có ngành nghề thủ công truyền thống, có truyền thống hiếu học và đặc biệt là truyền thống yêu nước, bất khuất kiên cường, đấu tranh chống giặc ngoại xâm (2).

Theo số liệu của Sở VHTTDL tỉnh Thái Bình, tính đến tháng 12-2023, trên địa bàn huyện Thái Thụy có 418 di tích, gồm: 35 di tích cấp quốc gia, 103 di tích cấp tỉnh còn lại là các di tích chưa xếp hạng. Các di tích được phân bố đều ở các xã, thị trấn trong toàn huyện (3). Một số xã có số lượng lớn di tích có thể kể đến như: xã Thụy Sơn có 19 di tích, xã Thụy Quỳnh có 16 di tích, xã Thụy Ninh có 14 di tích, xã Thái Giang có 14 di tích… Bên cạnh đó, có một số xã có số lượng ít các di tích như: xã Hồng Quỳnh có 2 di tích, xã Thái Hưng có 1 di tích, xã Thái Thủy có 2 di tích, xã Thái Hà có 1 di tích (4).

Các DTLSVH của huyện Thái Thụy tập trung vào hai loại chính: di tích là các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng và di tích gắn với các địa điểm lịch sử của địa phương và đất nước. Số lượng di tích chưa được xếp hạng trên địa bàn huyện Thái Thụy còn tương đối lớn. Là địa bàn có số lượng di tích lớn, phân bố đều khắp trong huyện do đó vấn đề đặt ra trong công tác quản lý di tích cũng gặp nhiều thách thức (5).

2. Thực trạng công tác quản lý DTLSVH ở huyện Thái Thụy

Được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, sự hưởng ứng của người dân trong những năm gần đây, công tác quản lý và phát huy giá trị di tích của huyện Thái Thụy ngày càng gặt hái được nhiều thành tựu. Những chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, cũng như các quy định của pháp luật về di sản văn hóa được tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể cộng đồng cư dân. Nhận thức và ý thức trách nhiệm đối với việc bảo vệ, gìn giữ các di tích được nâng lên rõ rệt. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao nhiệm vụ quản lý di tích được nâng cao. Công tác chỉ đạo thực hiện các nội dung chuyên môn sát sao, cụ thể, có hiệu quả. Việc xếp hạng, khoanh vùng bảo vệ di tích đã tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý và bảo tồn các di tích ở địa phương. Công tác tu bổ, tôn tạo từng bước đi vào nề nếp. Nguồn kinh phí cho hoạt động này đã được xã hội hóa nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp từ nguồn kinh phí của Nhà nước, từ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Dưới góc độ quản lý di tích thời gian qua, trên địa bàn huyện Thái Thụy đã đạt được một số ưu điểm sau:

Về tổ chức bộ máy quản lý, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thái Thụy đã xây dựng được kế hoạch thực hiện quản lý di tích lịch sử văn hóa khá cụ thể. Hệ thống quản lý di tích lịch sử văn hóa từ Phòng Văn hóa - Thông tin, Ban Quản lý di tích các xã, Tiểu ban Quản lý di tích… thường xuyên được kiện toàn hoạt động có hiệu quả. Thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch đề ra, đúng quy chế và đảm bảo an ninh trật tự, luôn tạo không khí trang nghiêm, lành mạnh trong từng di tích. Việc phân công nhiệm vụ cho các cán bộ làm công tác quản lý di tích được thực hiện một cách cụ thể trên tinh thần rõ người, rõ việc, đã đạt được hiệu quả cao (6).

Việc tham mưu ban hành các văn bản quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý di tích, lễ hội đảm bảo kịp thời, chất lượng và hiệu quả; đóng góp những ý kiến chính xác trong các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ như kiểm kê, xếp hạng di tích, kiểm kê cổ vật, bảo quản tu bổ, tôn tạo di tích, phát huy giá trị di tích… Phòng Văn hóa - Thông tin đã lập các biểu thống kê các di tích trên địa bàn huyện với những thông tin cần thiết cho cơ quan quản lý di tích: mẫu biểu thống kê các thông tin liên quan về các di tích trên địa bàn huyện; biểu thống kê các di tích được đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích; biểu thống kê nguồn kinh phí cho tu bổ, tôn tạo di tích (7).

Hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật cho cộng đồng được thực hiện, các văn bản mới nhất ban hành cũng được phổ biến để các tổ chức và cộng đồng dân cư được biết về các mặt giá trị của di tích.

Các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ được triển khai có hiệu quả thể hiện thông qua việc Phòng Văn hóa - Thông tin đã kết hợp cùng với Bảo tàng tỉnh Thái Bình tổ chức kiểm kê, xếp hạng cho các di tích trên địa bàn huyện. Hằng năm, thường xuyên kiểm tra tình trạng kỹ thuật của di tích để lập danh mục các di tích xuống cấp, huy động kinh phí cho công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (8).

Công tác phát huy giá trị di tích và lễ hội luôn được quan tâm, các chương trình quảng bá về di tích trên những phương tiện thông tin đại chúng đã được thực hiện bởi các báo đài, truyền thanh, truyền hình. Nhìn chung, việc quản lý di tích trong vài năm gần đây đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu và sự phát triển chung toàn xã hội.

Vấn đề đào tạo, nâng cao trình độ của cán bộ làm quản lý di tích ở các cấp được quan tâm: 100% cán bộ làm công tác quản lý di tích đã đạt được trình độ cao đẳng, đại học. Hằng năm, UBND huyện mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý di tích trên địa bàn. UBND huyện đã mời các chuyên gia đầu ngành, các lãnh đạo quản lý văn hóa thường xuyên tổ chức các lớp học về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, lịch sử phát triển của huyện… Điều đó đã dẫn đến kết quả giảm bớt các vi phạm nguyên tắc tu bổ di tích và nâng cao vai trò của cộng đồng trong quản lý di tích, lễ hội. Việc tu bổ, tôn tạo, bảo vệ di tích, cổ vật trong di tích, tổ chức lễ hội truyền thống mang tính xã hội hóa cao, đảm bảo tăng cường tình đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng dân cư.

Việc tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện kịp thời các vụ vi phạm di tích, các dự án tu bổ, tôn tạo di tích thực hiện chưa đúng, những sai lệch cần điều chỉnh ngay.

Bên cạnh những ưu điểm đã đạt được trong công tác quản lý di tích ở huyện Thái Thụy trong thời gian vừa qua cũng cần nhìn nhận một số khó khăn, thách thức sau:

Thứ nhất, nguồn nhân lực quản lý trong các tổ chức bộ máy từ cấp huyện đến cấp xã còn hạn chế về chuyên môn trong lĩnh vực quản lý di tích và lễ hội, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện có chức năng thực hiện toàn bộ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thông tin nhưng số lượng cán bộ hiện có chuyên môn về quản lý di tích đang rất thiếu. Công tác quản lý di tích có nhiều vấn đề cần thực hiện từ khâu điều tra phát hiện di tích, lập hồ sơ xếp hạng, tổ chức bảo vệ di tích, trùng tu tôn tạo, phát huy giá trị; cho tới các khâu khác như tuyên truyền pháp luật về bảo vệ di tích; huy động các nguồn vốn để tu bổ tôn tạo di tích; kiểm tra, xử lý các vi phạm; khen thưởng và kỷ luật. Vì thế, việc thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn làm công tác tu bổ di tích là điều hết sức đáng quan tâm.

Thứ hai, công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản nhà nước có liên quan đến di tích đã được tổ chức nhưng chưa thường xuyên nên người dân vẫn chưa thực sự hiểu và vận dụng các văn bản này vào công tác bảo tồn di tích. Việc tuyên truyền giáo dục bảo vệ DTLSVH, danh lam thắng cảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng thiếu tập trung, điểm nhấn.

Thứ ba, công tác hướng dẫn chuyên môn về quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích trong giáo dục truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở cũng chưa cụ thể, chưa sát tình hình thực tế, tính thiết thực và hiệu quả chưa cao. Việc tu bổ, tôn tạo di tích ở một số địa phương không đảm bảo tính nguyên gốc theo Luật Di sản văn hóa; có hiện tượng tự ý bổ sung các đồ thờ, tượng thờ và xây thêm các công trình phụ trợ trong khu vực di tích mà không xin phép cơ quan chuyên môn làm phá vỡ cảnh quan, không gian truyền thống của di tích, giảm giá trị của di tích.

Thứ tư, vấn đề phát huy giá trị của di tích chưa thực sự được quan tâm. Các di tích, nhất là di tích trọng điểm cũng thiếu tài liệu tuyên truyền, giới thiệu giá trị lịch sử, văn hóa của di tích. Công tác thuyết minh giới thiệu nội dung di tích cho khách tham quan chưa có. Công tác nghiên cứu khoa học, tư liệu hóa, xuất bản chưa được quan tâm, phát huy hiệu quả.

Nguyên nhân của hạn chế

Lực lượng cán bộ quản lý di tích đa phần là cán bộ trẻ, kinh nghiệm quản lý và thực tế công tác cũng hạn chế nên phần nào đó ảnh hưởng tới việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị ở cả cấp tỉnh và cơ sở. Các di tích đã xếp hạng cơ bản đều thành lập tiểu Ban Quản lý di tích nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao. Đồng thời, đội ngũ cán bộ quản lý ở một số điểm di tích trọng điểm trong tỉnh chưa được đào tạo cơ bản, không có chuyên môn trong lĩnh vực quản lý di tích.

 Công tác tu bổ, tôn tạo DTLSVH mới chú trọng vào các di tích đã được xếp hạng hoặc những di tích trọng điểm và triển khai chậm do thiếu kinh phí. Số các di tích còn lại chưa được quan tâm tu bổ, tôn tạo, mặc dù có nhiều giá trị về mặt giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc - nghệ thuật và đang có hiện tượng xuống cấp trong các hạng mục kiến trúc.

Vấn đề thanh, kiểm tra những vi phạm về di tích liên quan đến nhiều ban, ngành của xã, huyện và tỉnh nên đôi khi còn gặp khó khăn trong sự phối hợp, gây chậm trễ để sai phạm kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc bảo vệ di tích.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý DTLSVH ở huyện Thái Thụy trong thời gian tới

Một là, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý di tích; tổ chức kiểm tra thường xuyên và kiểm tra đột xuất việc quản lý và sử dụng di tích.

Hai là, hoàn thành công tác kiểm kê, phân loại, đánh giá hiện trạng di tích trên địa bàn huyện làm cơ sở xây dựng các kế hoạch hoạt động nghiệp vụ như xếp hạng, cắm mốc giới, sưu tầm bổ sung hồ sơ tư liệu di tích, tu bổ tôn tạo di tích và các hoạt động phát huy giá trị, gắn kết việc bảo tồn di tích với phát triển du lịch.

Ba là, tiếp tục xây dựng và triển khai các quy hoạch hệ thống di tích, quy hoạch di tích sau khi được phê duyệt; nghiên cứu xây dựng kế hoạch tu bổ, tôn tạo đối với các di tích xếp hạng bị xuống cấp, làm cơ sở phân kỳ đầu tư và huy động đóp góp tự nguyện trong nhân dân.

Bốn là, tập trung huy động các nguồn lực cho công tác tu bổ các di tích đã được xếp hạng đang trong tình trạng xuống cấp nặng; xây dựng kế hoạch, triển khai việc cắm mốc giới và tiếp tục giải quyết các vi phạm di tích trên địa bàn. Lập hồ sơ xếp hạng, nâng cấp xếp hạng và hoàn chỉnh hồ sơ xếp hạng từ những năm trước, tạo nguồn tư liệu cho công tác nghiên cứu, tu bổ tôn tạo và phát huy giá trị di tích.

Năm là, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về các lĩnh vực liên quan, nhằm nâng cao chất lượng tham mưu của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ; xây dựng kế hoạch học tập, trao đổi, hợp tác với các địa bàn có kinh nghiệm trong quản lý di tích, xây dựng các ấn phẩm lưu niệm về di tích nhằm góp phần quảng bá di sản văn hóa của huyện Thái Thụy.

4. Kết luận

Quản lý DTLSVH tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Thông qua nghiên cứu, có thể thấy rằng huyện Thái Thụy sở hữu một hệ thống DTLSVH phong phú với nhiều di tích có giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật cao. Tuy nhiên, công tác quản lý di tích ở đây còn gặp phải nhiều khó khăn, bao gồm thiếu nguồn lực tài chính, nhân sự quản lý có chuyên nghiệp môn sâu và ý thức bảo tồn của cộng đồng chưa cao.

Để nâng cao hiệu quả quản lý DTLSVH, bài viết đã đưa ra pháp cụ thể và đồng bộ. Trước tiên, chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn để xây dựng chiến lược quản lý bền vững, đồng thời tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch và bảo tồn. Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản văn hóa là vô cùng quan trọng. Đặc biệt, sự tham gia của cộng đồng vào công tác quản lý không chỉ giúp bảo tồn di tích mà còn phát triển du lịch bền vững, tạo nguồn thu nhập cho địa phương. Quản lý DTLSVH tại huyện Thái Thụy đòi hỏi sự nỗ lực phối hợp từ nhiều phía, từ cơ quan quản lý nhà nước đến cộng đồng địa phương. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

__________________

1, 2. Ban chấp hành Đảng bộ huyện Thái Thụy, Lịch sử Đảng bộ huyện Thái Thụy (1925-2005), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005.

3, 5, 6, 7, 8. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thái Thụy, Báo cáo công tác quản lý di tích năm 2023 và tổ chức lễ hội Xuân năm 2024, tài liệu lưu hành nội bộ, 2024.

4. Sở VHTTDL tỉnh Thái Bình, Danh mục kiểm kê di tích - danh thắng trên địa bàn Thái Bình, 2019.

TS NGUYỄN TRI PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 584, tháng 10-2024

;