Những vấn đề đổi mới trong đào tạo giáo viên Mỹ thuật đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới

Mỹ thuật trong Chương trình giáo dục phổ thông mới là sự cụ thể hóa mục tiêu giáo dục chung đã nêu trong chương trình tổng thể: giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, hình thành, phát triển năng lực mỹ thuật dựa trên kiến thức và kỹ năng mỹ thuật; nhận thức được mối quan hệ giữa mỹ thuật với đời sống, xã hội và các loại hình nghệ thuật khác; đồng thời, người học có ý thức trân trọng di sản văn hóa, nghệ thuật và khả năng ứng dụng kiến thức, kỹ năng mỹ thuật vào đời sống. Vì vậy, nhà trường sư phạm - nơi đào tạo giáo viên mỹ thuật cần phải nắm vững về thực tế giáo dục phổ thông, làm sao để các sinh viên mỹ thuật sau khi ra trường về các trường phổ thông công tác có trình độ chuyên môn tốt, có khả năng hiểu biết về giáo dục và tay nghề sư phạm vững vàng.

1. Đặt vấn đề

Những năm gần đây, môn học Mỹ thuật đã được đưa vào giảng dạy tại bậc học Phổ thông trung học, nhất là kể từ khi có Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới. Một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là hình thành, phát triển cho học sinh các phẩm chất chủ yếu (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm); những năng lực cốt lõi, gồm năng lực chung (tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo) và năng lực chuyên môn (ngôn ngữ, tính toán, tìm hiểu tự nhiên và xã hội, công nghệ, tin học, thể chất, thẩm mỹ) nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới. 

Trong đó, mục tiêu môn học Mỹ thuật căn cứ vào mục tiêu của chương trình mỹ thuật hiện hành (chương trình của năm 2006 không dạy học ở cấp Phổ thông trung học) và những định hướng đổi mới giáo dục mỹ thuật mới; đồng thời, tiếp cận với xu hướng chung của các nước trên thế giới trong việc xác định mục tiêu về giáo dục mỹ thuật.ở các trường phổ thông Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập với cách mạng công nghiệp mới.

Như vậy, giáo dục là hoạt động mang tính xã hội, tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển đất nước, đóng vai trò hình thành con người trí - đức - thể - mỹ toàn diện. Giáo dục định hướng mỗi cá nhân vào nhiệm vụ phục vụ lợi ích chung, làm ra của cải vật chất, phồn vinh của dân tộc. Với ý nghĩa trên, giáo dục là sự nghiệp đào tạo đặc biệt quan trọng đối với thế hệ trẻ, đây là nguồn tri thức tương lai, nhân tài mai sau, như Bác Hồ căn dặn: “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.

2. Nội dung chương trình đào tạo

Vấn đề lý luận và thực tiễn đã chỉ ra: vấn đề đào tạo là cần phải quan tâm đến sử dụng, hay nói một cách cụ thể là “hiệu quả của đào tạo giáo viên” không thể chỉ dừng lại trong phạm vi nhà trường sư phạm, mà cần phải xác định rõ: Mục tiêu đào tạo nhằm đáp ứng vấn đề gì? Để trả lời cho câu hỏi: Sinh viên sẽ được sử dụng trong môi trường như thế nào? Hay: Sau khi ra trường, sinh viên sẽ phải làm gì?

Là bộ phận của giáo dục Việt Nam, ngành Nghệ thuật (Mỹ thuật) có tính đặc thù chuyên biệt, đào tạo nghệ thuật luôn đi cùng việc phát hiện năng khiếu (âm nhạc, mỹ thuật, múa, kịch…), quá trình tổ chức dạy và học đòi hỏi sự thiết kế riêng tạo môi trường để tài năng nghệ thuật phát triển nhanh. GS, TS Phạm Viết Vượng nêu rõ: “nền giáo dục của bất cứ quốc gia nào, thời đại nào không những hướng vào việc nâng cao dân trí, mà còn hướng vào quá trình phát hiện và bồi dưỡng nhân tài” và “nhân tài là tài sản quý của mỗi quốc gia... trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học, công nghệ” (1). Cùng với nhiệm vụ nâng cao dân trí, giáo dục nghệ thuật có nhiệm vụ “phát hiện và bồi dưỡng nhân tài”. Đây là nội dung chuyển tải những giá trị, ý nghĩa chủ yếu mà các loại hình nghệ thuật phát hiện bồi dưỡng tài năng. Đồng thời, với chức năng thẩm mỹ, giáo dục nghệ thuật thúc đẩy niềm say mê, lao động sáng tạo, là công cụ hiệu quả nâng cao đời sống tinh thần ngày càng phong phú.

Như vậy, vai trò giáo dục nghệ thuật là trang bị cho học sinh những kiến thức, hiểu biết về thế giới quan, nhân sinh quan thông qua giá trị nghệ thuật Việt Nam và trên thế giới. Bằng nghệ thuật, trẻ em được giáo dục toàn diện trí - đức - thể - mỹ và sớm phát huy lối tư duy chủ động, tinh thần tự giác.

3. Quá trình đào tạo giáo dục mỹ thuật trong trường sư phạm

Nội dung giáo dục mỹ thuật trong Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 được chia làm hai giai đoạn: giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Đối với giai đoạn giáo dục cơ bản, mỹ thuật là một nội dung bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 9, chương trình tạo cơ hội cho học sinh làm quen và trải nghiệm kiến thức kỹ thuật thông qua nhiều hình thức hoạt động phát triển và học sinh có khả năng quan sát và cảm thụ nghệ thuật.

Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, Mỹ thuật là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Nội dung giáo dục mỹ thuật được mở rộng phát triển kiến thức, kỹ năng mỹ thuật đã hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản, tiếp cận các nhóm ngành nghề liên quan đến nghệ thuật thị giác và có tính ứng dụng trong thực tiễn. Giúp học sinh phát triển tư duy độc lập, khả năng phản biện, phân tích và sáng tạo nghệ thuật.

Như vậy, vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu xem xét, bổ sung lại kế hoạch và nội dung đào tạo nhằm phù hợp với yêu cầu sử dụng của giáo dục phổ thông. Tùy thuộc từng chuyên ngành, hệ đào tạo để điều chỉnh, bổ sung, cân đối lại các tín chỉ của các môn học, nội dung giảng dạy như: học tập lý thuyết về kiến thức chuyên môn cần song song với thực hành; quan tâm tới nội dung kiến thức về nghệ thuật truyền thống và kỹ năng sử dụng chất liệu sáng tác mỹ thuật; nội dung học tập về công nghệ thông tin để giúp sinh viên sư phạm sử dụng máy tính và có điều kiện tự trau dồi kiến thức qua internet, sử dụng các phần mềm tin học phục vụ học tập và giảng dạy khi ra trường; tăng thời lượng giảng dạy cho bộ môn Phương pháp dạy học mỹ thuật, quan tâm tới nội dung “dạy học tích cực” và phương pháp tổ chức hoạt động ngoại khóa; trong đó, cần lưu ý một số lượng lớn sinh viên ra trường sẽ dạy học ở các trường Phổ thông trung học. Riêng về môn Phương pháp dạy học mỹ thuật không thể tạo ra khuôn mẫu để áp đặt cho sinh viên theo và dùng khi ra trường. Vì thế, yêu cầu đối với giáo viên môn Phương pháp dạy học mỹ thuật cần hiểu biết kiến thức khoa học giáo dục, chuyên môn và cập nhật thực tế giáo dục phổ thông. Cần phát triển thư viện, nâng kinh phí đầu tư trang bị và tăng nhiều đầu sách chuyên môn nghệ thuật, vì trên thị trường loại sách kiến thức lý luận mỹ thuật còn rất khiêm tốn và khó tìm.

Bên cạnh đó, công tác thực tập sư phạm cũng mang ý nghĩa quan trọng trong quá trình đào tạo ở trường sư phạm; tuy nhiên, thực tế hoạt động này chưa đủ để sinh viên “tập làm nghề”. Trong công tác tổ chức thực tập, trường sư phạm cần tìm hiểu trước và có kế hoạch cụ thể tạo điều kiện để sinh viên được dự giờ tại các đơn vị giáo dục có chất lượng, thực tập dạy học nhiều hơn và có điều kiện học hỏi trong thời gian thực tập.

4. Sự hình thành, phát triển các năng lực chung cho sinh viên qua việc học mỹ thuật

Môn Mỹ thuật có nhiều ưu thế trong việc góp phần hình thành và phát triển toàn diện các năng lực chung đã được nêu trong chương trình tổng thể, gồm: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Những năng lực chung này (cũng như một số năng lực đặc thù khác) được phản ánh trong năng lực mỹ thuật và được hình thành, phát triển không chỉ thông qua nội dung dạy học mà còn thông qua phương pháp, hình thức tổ chức dạy học với việc chú trọng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học trong tiến trình giáo dục. Vì vậy, trong tổ chức dạy học mỹ thuật, để góp phần hình thành và phát triển các năng lực chung cho sinh viên, cần lưu ý:

Một là, hình thành, phát triển năng lực tự chủ và tự học cho sinh viên, cần tổ chức các hoạt động học tập, thực hành, trải nghiệm, sáng tạo đa dạng với sự tham gia tích cực, chủ động của người học. Cần khuyến khích sinh viên sẵn sàng thực hành, sáng tạo và thảo luận nghệ thuật thông qua tự chuẩn bị, tìm kiếm, đánh giá, lựa chọn nguyên vật liệu, họa phẩm… phù hợp với các mục đích, nhiệm vụ học tập khác nhau; biết xác lập mục tiêu học tập, thiết kế nội dung, kế hoạch, dự án học tập… và thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ học tập của cá nhân, của nhóm; biết lưu trữ và xử lý thông tin bằng các hình thức phù hợp.

Hai là, để góp phần hình thành, phát triển năng lực giao tiếp và hợp tác, giáo viên cần tích hợp hoạt động thực hành với thảo luận thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức đa dạng, tạo cơ hội cho sinh viên được thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin về tác giả, về sản phẩm, tác phẩm mỹ thuật do sinh viên sáng tác, các di sản văn hóa nghệ thuật, giới thiệu kết quả học tập của cá nhân, bạn bè, khích lệ sinh viên trình bày những cảm nhận, quan điểm về thẩm mỹ… tạo nên kết quả học tập của nhóm dựa trên những cách thức hợp tác khác nhau.

Ba là, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo là đặc trưng của dạy học mỹ thuật. Vì vậy, trong tổ chức dạy học, giáo viên cần chú trọng lựa chọn, vận dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học thích hợp, giúp sinh viên có cơ hội vận dụng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của bản thân để tìm hiểu, khám phá và thực hành, trải nghiệm, phát hiện yếu tố thẩm mỹ trong nghệ thuật và đời sống.

Bốn là, chương trình môn Mỹ thuật cần chú trọng tích hợp kiến thức, kỹ năng của nội dung môn học và quan tâm tích hợp các kiến thức, kỹ năng của các môn học, hoạt động giáo dục khác một cách hợp lý, linh hoạt và thiết thực. Đồng thời có thể kết nối, tích hợp các nội dung giáo dục, như: bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, chủ quyền biển đảo, an toàn giao thông, ứng phó với biến đổi khí hậu… nhằm hướng tới sự kết hợp giáo dục thẩm mỹ giữa nhà trường với gia đình và xã hội.

Năm là, nội dung kiến thức và kỹ năng của môn học đảm bảo kết nối, liên thông giữa các thể loại tạo hình đề cập trong chương trình môn học; đồng thời liên thông, kết nối với kiến thức, kỹ năng của các môn học, hoạt động giáo dục khác trong chương trình phổ thông để sinh viên không phải bỡ ngỡ sau khi ra trường đi dạy học.

Sáu là, trường sư phạm phải giải quyết những nội dung gì để sau khi ra trường, sinh viên sẽ đảm đương được nhiệm vụ của môi trường công tác mới. Yêu cầu đặt ra là ngay sau khi ra trường, mỗi sinh viên phải tự phấn đấu để khẳng định mình, để hoàn thành nhiệm vụ viên chức nhà giáo trong cương vị mới, trong đó, trình độ đào tạo ở trường sư phạm là cơ sở ban đầu của sự phát triển. “Chuẩn nghề nghiệp giáo viên” không những là những tiêu chuẩn đánh giá đối với giáo viên trong năm học, mà còn là định hướng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội. Bởi vì, trong nhà trường phổ thông yêu cầu “người thày nghệ thuật” không những phải có “nghề dạy học” mà còn phải có khả năng chuyên môn: sáng tác, biểu diễn (ở một mức độ nhất định, không yêu cầu cao như nghệ sĩ chuyên nghiệp) và có hiểu biết rộng về kiến thức lý luận trong lĩnh vực chuyên môn của mình; những năng lực cụ thể về tổ chức các hoạt động giáo dục nghệ thuật ngoại khóa cho học sinh như: tổ chức vẽ tranh, triển lãm hoặc tay nghề trang trí đối với giáo viên mỹ thuật. Và yêu cầu nhiệm vụ đối với người giáo viên mỹ thuật ở trường Tiểu học, Trung học cơ sở không phải đợi đến khi ra trường sẽ “học thêm” hay được “bồi dưỡng” để hoàn thành nhiệm vụ công tác, mà đòi hỏi ngay từ khi còn ở trường sư phạm, sinh viên đã cần phải được học tập chuyên sâu ở nhiều lĩnh vực và có phải nắm vững những điều cơ bản. Có như vậy mới tránh được sự lạ lẫm của sinh viên trong những năm đầu làm nghề dạy học.

Bảy là, giáo viên dạy mỹ thuật ở phổ thông, nhưng “không biết” về tranh thiếu nhi, về nghệ thuật truyền thống như: tranh dân gian, nghệ thuật chạm khắc đình làng... hoặc về những kiến thức chuyên ngành mỹ thuật, những tồn tại này là thực tế phổ biến đối với giáo viên trong những năm đầu công tác. Khi giảng giải phân tích sản phẩm bài tập nghệ thuật của học sinh (các bài: vẽ tranh, vẽ trang trí, vẽ theo mẫu), “cách nhìn” của giáo viên lại theo kiểu mỹ thuật chuyên nghiệp. Sự thiếu hiểu biết về chất liệu tạo hình (lụa, sơn mài), về loại hình điêu khắc, về lịch sử mỹ thuật cũng là những điều bất cập trong các trường hợp giáo viên phải trao đổi về tác phẩm (giới thiệu nền mỹ thuật qua các thời kỳ). Có lẽ, đây cũng là sự khác nhau giữa họa sĩ sáng tác với giáo viên mỹ thuật ở trường phổ thông, vì trình độ chuyên môn của giáo viên không thể chỉ là “vẽ được tranh đẹp” mà còn phải “biết nói về tranh”, cách vẽ tranh và những kiến thức về mỹ thuật phổ thông. Trong một số trường hợp “gu thẩm mỹ” của giáo viên còn chưa ổn, nên dẫn đến kết quả dạy học và hiệu quả giáo dục thẩm mỹ còn hạn chế. Trên thực tế có một số giáo viên trẻ ngay từ một hai năm đầu mới ra trường có trình độ chuyên môn tốt, nhưng do quan niệm chưa đúng hoặc không nắm vững phương pháp dạy học ở phổ thông nên chất lượng dạy học chưa đạt yêu cầu.

Đối với sinh viên, ngay từ trường sư phạm đã cần phải phân biệt rõ sự khác nhau cơ bản giữa việc dạy học nghệ thuật ở trường phổ thông với dạy học nghệ thuật ở trường chuyên nghiệp hoặc ở các lớp câu lạc bộ năng khiếu (cho dù đối tượng học tập cùng một độ tuổi học sinh phổ thông). Cần phải hiểu rằng: mục đích dạy học khác nhau dẫn đến nội dung dạy học, phương pháp dạy học cũng như yêu cầu học tập phải khác nhau. Phải có sự phân biệt giữa nội dung và phương pháp đào tạo của trường sư phạm nghệ thuật với các trường có dạy mỹ thuật chuyên nghiệp. Cùng là đào tạo chuyên môn mỹ thuật, nhưng dạy cái gì và như thế nào là điều cần suy nghĩ trong quá trình đào tạo sư phạm hiện nay.

Như vậy, không thể phủ nhận mặt tích cực của hệ thống đào tạo sư phạm nghệ thuật hiện nay đã tạo điều kiện cho lực lượng giáo viên dạy mỹ thuật ở trường phổ thông nâng cao trình độ và phát triển số lượng, giúp cho các địa phương hoàn chỉnh cơ cấu loại hình giáo viên. Những vấn đề nêu trên, tất nhiên còn cần phải phân tích ở các góc nhìn khác, phương hướng giải quyết và trách nhiệm còn ở phía quản lý giáo dục các cấp trong chỉ đạo chuyên môn và công tác bồi dưỡng. Đồng thời, nhà trường sư phạm cũng cần phải nắm vững nhiều hơn nữa về thực tế giáo dục phổ thông trong giai đoạn mới, sự gắn kết hữu cơ giữa trường sư phạm với trường phổ thông là vấn đề quan trọng. Không bám sát và nắm vững môi trường phổ thông sử dụng sinh viên khi ra trường, trường sư phạm không thể có quá trình đào tạo đúng hướng và hiệu quả. Sản phẩm đào tạo không phù hợp hoặc kém chất lượng sẽ không đáp ứng yêu cầu sử dụng, ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục học sinh, hệ quả kéo theo về công tác đào tạo không thể phát triển.

Trong sự nghiệp “trồng người” nhằm giáo dục nhân cách không thể thiếu giáo dục thẩm mỹ cho thế hệ trẻ, công tác này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa: Quản lý giáo dục đào tạo - Đào tạo sư phạm - Giáo dục phổ thông. Hiện nay, phải làm sao để các sinh viên mỹ thuật khi ra trường về các trường phổ thông công tác phải có trình độ chuyên môn tốt, có khả năng hiểu biết về giáo dục và tay nghề sư phạm vững vàng… Vì thế, phải tập trung nâng cao chất lượng đào tạo mỹ thuật ở tất cả các khâu từ tuyển sinh tới mọi vấn đề khác liên quan; chẳng hạn như, về chuyên môn, các trường đào tạo giáo viên mỹ thuật cần loại bỏ cách đào tạo truyền nghề, dắt tay chỉ việc trong giảng dạy, phương pháp này không phù hợp với việc đào tạo giáo viên nghệ thuật ở phổ thông; hoặc như lối dạy học (đào tạo sư phạm) dựa trên kinh nghiệm đơn thuần, cũng nên thay thế dần bằng hệ thống phương pháp luận về kiến thức chuyên môn. Có như vậy, sau khi ra trường, sinh viên mới đủ lý luận và phát huy được những kiến thức đã học để dùng trong thực tế dạy học phổ thông. Đặc biệt, đối với ngành đào tạo mỹ thuật càng cần lưu ý vấn đề trên, bởi trong quá trình đào tạo các sinh viên phải được “thày” của mình định hướng tự học, tự nghiên cứu để phát triển. Để trong hoạt động dạy - học, từ việc chuẩn bị bài dạy (soạn giáo án) hay tổ chức dạy học (một tiết dạy), giáo viên không còn thực hiện máy móc, phụ thuộc hoàn toàn vào sách giáo viên và sách giáo khoa nữa.

5. Kết luận

Như vậy, năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên môn Nghệ thuật được thực hiện giảng dạy ở cấp Phổ thông trung học. Chương trình môn học được tiếp cận nội dung dựa trên kiến thức cốt lõi của nghệ thuật thị giác, thính giác; vừa bảo đảm dạy học tích hợp nghệ thuật với công nghệ, vừa bảo đảm dạy học phân hóa và định hướng nghề nghiệp. Đồng thời, chú trọng đổi mới phương pháp, vận dụng đa dạng hình thức, không gian học tập, các chất liệu, vật liệu sưu tầm, tái sử dụng trong thực hành, sáng tạo. Thông qua lồng ghép thảo luận nghệ thuật và thực hành nghệ thuật, giúp sinh viên đồng thời vừa là người sáng tạo nghệ thuật, vừa là người thưởng thức nghệ thuật. Và bước đầu, hầu hết các nhà giáo đều khẳng định tầm quan trọng của môn học trong thực tiễn do hướng tới sự phù hợp với bản thân, đáp ứng nhu cầu thực tế cho số học sinh có sở thích, năng khiếu, thích ứng với xã hội, góp phần phát triển năng lực, tư duy của học sinh một cách toàn diện và đáp ứng tốt yêu cầu của giai đoạn định hướng nghề nghiệp cho các thế hệ sinh viên trong tương lai.

__________________

1. Nguyễn Thị Đông, Nguyễn Hải Kiên, Phạm Đình Bình, Hướng dẫn dạy học môn Nghệ thuật Tiểu học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, Phần Mỹ thuật, Nxb Đại học Sư phạm, 2021, tr.78.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Minh Quang, Phạm Văn Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Thắm, Nguyễn Thị Đông, Hướng dẫn dạy học môn Nghệ thuật Trung học cơ sở theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, Phần Mỹ thuật, Nxb Đại học Sư phạm, 2019.

2. Nguyễn Thị Đông, Vương Trọng Đức, Nguyễn Minh Quang, Tài liệu tìm hiểu môn Mỹ thuật - Trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2019.

3. Chương trình Giáo dục phổ thông môn Mỹ thuật, ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT, ngày 26-12-2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Hồ Thị Huyền, Một số suy nghĩ về đổi mới phương pháp dạy học mỹ thuật ở trường phổ thông, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia về Mỹ thuật Âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, 2009.

Ths HỒ HẢI THANH - HỒ THỊ HUYỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 584, tháng 10-2024

;