Một số giải pháp hoàn thiện hệ thống luật về văn hóa trong bối cảnh tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0

1. Bối cảnh và sự tác động

Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 được phát triển trên 3 trụ cột chính là: Kỹ thuật số; Công nghệ sinh học và Vật lý. Công nghệ thông tin được sử dụng là nòng cốt cho sự phát triển. Internet kết nối vạn vật, big data, trí tuệ nhân tạo, công nghệ 3D, robot, sự chia sẻ thông tin dữ liệu và liên thông các hệ thống thông tin được ứng dụng mạnh vào mọi mặt của đời sống xã hội.

CMCN 4.0 đang tác động mạnh mẽ và làm thay đổi nhiều mặt đời sống kinh tế, xã hội của các nước trên thế giới và Việt Nam. Sự ứng dụng rộng rãi những thành tựu từ CMCN 4.0, nhất là sự gia tăng của nền kinh tế số, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ, sự thông minh hóa quá trình sản xuất, phân phối, tiêu dùng sản phẩm, thông minh hóa quá trình quản trị xã hội, hình thành các mối quan hệ xã hội mới, những tương tác mới giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với người lao động và người tiêu dùng, giữa người dân và chính quyền đang thách thức những quan điểm pháp lý truyền thống, đòi hỏi hệ thống pháp luật cần phải có những điều chỉnh tương ứng.

Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực văn hóa cũng nằm chung trong bối cảnh đó

Việc nghiên cứu, đánh giá hệ thống pháp luật về văn hóa trong bối cảnh CMCN 4.0 nhằm đánh giá chuyên sâu chính sách, pháp luật về văn hóa để đi đến tìm kiếm những định hướng, giải pháp, nguyên tắc chung mang tính đồng bộ, khả thi và có lộ trình cụ thể cho những ứng xử của pháp luật về văn hóa đối với những tác động kinh tế, xã hội của CMCN 4.0 là thực sự cần thiết và là đòi hỏi tất yếu. Theo nhận định bước đầu, có thể thấy, CMCN 4.0 tác động trực tiếp tới pháp luật về một số lĩnh vực sau đây:

Tác động trực tiếp tới pháp luật về sở hữu trí tuệ: ví dụ, pháp luật sẽ ứng xử thế nào trong việc xác định quyền sở hữu trí tuệ hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với những tác phẩm do robot hoặc ứng dụng trí thông minh nhân tạo tạo nên.

Tác động trực tiếp tới lĩnh vực pháp luật về an sinh xã hội và pháp luật lao động: khi người máy được ứng dụng rộng rãi, hình thành nên các nhà máy sản xuất thông minh (smart factories), lượng công nhân lao động bị thất nghiệp nhiều (nhất là lao động thủ công) thì ứng xử của Nhà nước đối với vấn đề này ra sao? Việc ứng dụng người máy thay cho nhân viên đang làm việc có được xem là căn cứ hợp lý để chấm dứt hợp đồng lao động với người làm công bị thay thế không? Nếu chấm dứt thì trách nhiệm của chủ sử dụng lao động thế nào (nhất là trong việc đào tạo hoặc hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp)?

Tác động trực tiếp tới lĩnh vực pháp luật về bảo hộ dữ liệu cá nhân, bảo đảm quyền riêng tư của mỗi người dân trên môi trường số/ môi trường internet cũng như trong đời thực. Tới đây, yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn thông tin cá nhân sẽ ngày càng lớn hơn.

Tác động trực tiếp tới lĩnh vực pháp luật ngân hàng, tài chính, tiền tệ: việc phát minh ra các dạng tiền ảo được một bộ phận dân chúng sử dụng, đầu tư và đầu cơ đang đặt ra nhiều bài toán về chính sách tiền tệ và đảm bảo an ninh tiền tệ.

Tác động trực tiếp tới lĩnh vực quản trị công: xu hướng xây dựng Chính phủ điện tử (e-government), chính phủ thông minh (smart-government) là tất yếu để đảm bảo chính phủ thích ứng với một xã hội đang ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu của trí thông minh nhân tạo, tự động hóa, số hóa để có thể nhận diện chính xác hơn vấn đề cần xử lý và phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt hơn. Tương tác giữa chính quyền với người dân ngày càng trực diện hơn và tăng tính dân chủ, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Ở cấp chính quyền địa phương, nhất là chính quyền các thành phố, cần nhận diện xu hướng xây dựng thành phố thông minh để có cơ chế quản trị thành phố thông minh.

Đối với hệ thống pháp luật về văn hóa, tác động của CMCN 4.0 có thể kể đến:

Một số sản phẩm, dịch vụ văn hóa có xu hướng chuyển dần sang công nghệ số, không gian mạng thách thức các quy định mang tính truyền thống như: Sản xuất phim, phát hành và phổ biến phim; sân khấu ảo với các chương trình nghệ thuật mang tính ứng dụng công nghệ cao; hoạt động số hóa các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, bảo tàng… để sử dụng trên không gian mạng nhằm quảng bá, khai thác…; quảng cáo xuyên quốc gia với các hình thức quảng cáo hoàn toàn mới…

Yêu cầu về ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các mặt công tác chuyên môn thuộc lĩnh vực văn hóa là hết sức quan trọng và cần thiết. Cụ thể như ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; trong phát triển công nghiệp điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; trong công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan… Điều này đòi hỏi các quy định truyền thống hiện hành phải có sự thay đổi nhằm tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho sự phát triển mạnh mẽ hơn.

CMCN 4.0 với nền tảng số, internet toàn cầu, trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra xu hướng mới trong sinh hoạt cộng đồng, gia đình và xã hội với những đô thị, khu dân cư thông minh dễ làm mất đi bản sắc văn hóa cộng đồng truyền thống; đô thị, khu dân cư trở lên máy móc, vô hồn giống nhau. Điều này thách thức các quy định của pháp luật hiện hành về bảo tồn di sản văn hóa truyền thống, về công tác văn hóa cơ sở, về công tác gia đình… đòi hỏi phải được nghiên cứu hiện trạng kinh tế, xã hội và nhu cầu sống, làm việc của người dân, để tạo cơ sở pháp lý phù hợp cho các cộng đồng sống, làm việc đa dạng, với sự hỗ trợ của nhiều cấp độ ứng dụng công nghệ thông minh, nhưng vẫn bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống.

Ngày 27-9-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0. Theo Nghị quyết, một trong những chủ trương, chính sách quan trọng là hoàn thiện hệ thống pháp luật ở 9 lĩnh vực, trong đó có 5 lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hệ thống pháp luật về văn hóa, gồm: Hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ, đầu tư kinh doanh; hoàn thiện pháp luật về dữ liệu và quản trị dữ liệu tạo điều kiện cho việc tạo dựng, kết nối, chia sẻ và khai thác; hoàn thiện pháp luật nhằm khuyến khích đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; hoàn thiện pháp luật, chính sách nhằm hạn chế tác động tiêu cực của cuộc CMCN 4.0.

Việc thực hiện những mục tiêu, giải pháp, chủ trương nêu trên đòi hỏi một hệ thống pháp luật phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0, từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ quyền con người, tăng cường hiệu quả của Nhà nước pháp quyền. Vì vậy, một vấn đề luôn được đặt ra ở các diễn đàn về CMCN 4.0 chính là cần hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Việt Nam nói chung và hệ thống pháp luật về văn hóa nói riêng để thích ứng với yêu cầu này.

2. Một số vấn đề đặt ra đối với hệ thống pháp luật về văn hóa trong bối cảnh CMCN 4.0

Một số vấn đề đặt ra đối với các quy định của pháp luật ở 5 lĩnh vực chuyên ngành về văn hóa đòi hỏi cần có sự điều chỉnh, bổ sung, quy định chi tiết hơn gồm: Di sản văn hóa; Điện ảnh; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm; Quảng cáo.

Việc xác định các vấn đề đặt ra đối với hệ thống pháp luật dựa vào các yêu cầu sau đây: hệ thống pháp luật chuyên ngành điều chỉnh kịp thời các quan hệ xã hội mới phát sinh do tác động của CMCN 4.0; hệ thống pháp luật chuyên ngành có quy định về số hóa quy trình quản lý, cấp phép, thực hiện các thủ tục hành chính trong từng lĩnh vực; hệ thống pháp luật chuyên ngành quy định đầy đủ về kiểm duyệt nội dung về văn hóa trên không gian mạng.

Các vấn đề đặt ra đối với pháp luật ở từng lĩnh vực cụ thể như sau:

Đối với lĩnh vực Điện ảnh

Vấn đề phổ biến phim trên không gian mạng có quy định về quản lý thế nào cho phù hợp trong khi việc cấp phép kiểm duyệt đối với từng phim trước khi phổ biến là không khả thi?

Công nghệ sản xuất, phát hành, phổ biến chuyển từ truyền thống sang công nghệ số, hiệu ứng đặc biệt, thực tế ảo đặt ra các quy định về quản lý nhà nước như thế nào cho phù hợp?

Diễn viên kỹ thuật số sẽ được định danh hoặc quản lý như thế nào trong thời gian tới?

Đối với lĩnh vực di sản văn hóa

Xu hướng “số hóa” di sản, bảo tàng, từ đó đặt ra vấn đề quản lý, cấp phép di sản, bảo tàng số như thế nào trong thời gian tới để khai thác có hiệu quả? Hoạt động của bảo tàng, di sản số trên không gian mạng sẽ quản lý như thế nào?

Hoạt động thuyết minh tự động gắn với thiết bị tai nghe (audio guide), thiết bị nghe nhìn (media guide), thiết bị nghe nhìn có tương tác… đặt ra trách nhiệm thẩm định về nội dung, hình thức sẽ được quy định như thế nào trong thời gian tới?

Các yêu cầu đối với quá trình “số hóa” di vật, cổ vật? Hoạt động mua bán bản kỹ thuật số dựa trên công nghệ blockchain đối với di vật, cổ vật có cần quản lý hay để thị trường tự điều chỉnh?

Đối với lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm

Các triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh ảo, thông minh, triển lãm trên không gian mạng cần đặt ra nhiều yêu cầu mới trong công tác quản lý, vậy quản lý như thế nào cho phù hợp, có cấp phép không hay chỉ đưa ra các tiêu chí cụ thể?

Dự kiến trong tương lai gần chúng ta có nên công nhận về mặt pháp lý họa sĩ robot không? Vì đang có vấn đề về sở hữu, đăng ký bản quyền tranh, ảnh của họa sĩ robot hoặc sự kết hợp giữa họa sĩ thật và họa sĩ robot.

Xu hướng số hóa các tác phẩm tranh, ảnh có giá trị, từ đó đặt ra vấn đề quản lý hoạt động mua bán, đấu giá sản phẩm số như thế nào?

Tác động đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn

“Nhà hát online”, hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên không gian mạng, xuyên biên giới quản lý thế nào, có cấp phép hay chỉ đặt ra các tiêu chí, yêu cầu về nội dung, hình thức, cách thức, cơ chế xử lý vi phạm?

Dự kiến trong tương lai gần chúng ta có nên công nhận về mặt pháp lý trí tuệ nhân tạo sáng tác âm nhạc không? Vì đang có vấn đề về sở hữu, đăng ký bản quyền đối với loại hình hay hoặc có sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và nhạc sĩ.

Việc quy định về quản lý các nhóm nhạc ảo thế nào khi thực tế “họ” cũng có sức ảnh hưởng khá lớn, trong khi chủ quản là công ty công nghệ chứ không phải là công ty giải trí?

Đối với lĩnh vực quảng cáo

Hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xã hội chưa được quản lý, chưa được quy định cụ thể. Thời gian bổ sung các quy định này vào Luật Quảng cáo là tất yếu nhưng theo phương hướng nào thì cần tiếp tục đánh giá.

Hoạt động quảng cáo thông qua công nghệ ánh sáng trên các tòa nhà, khu chung cư cần được quản lý như thế nào trong thời gian tới?

3. Một số giải pháp để hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa trong thời gian tới

Để từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 nói chung và xử lý được các vấn đề đặt ra nêu trên, đòi hỏi phải triển khai đồng bộ một số giải pháp sau đây:

Một là, công tác xây dựng pháp luật phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ VHTTDL nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và địa phương nhằm phát huy trí tuệ tập thể, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao.

Hai là, tuân thủ nghiêm trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quá trình xây dựng pháp luật phải có sự chuẩn bị kỹ, từ sớm, từ xa nhằm đánh giá đúng thực chất tác động chính sách của từng văn bản. Những nội dung nào đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm thì ban hành văn bản để điều chỉnh; những nội dung nào chưa rõ, còn ý kiến khác nhau thì sẽ làm thí điểm để tiếp tục hoàn thiện về cơ sở lý luận và thực tiễn. Bên cạnh đó, việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật cần xuất phát từ nhu cầu thực tiễn công tác quản lý nhà nước, bảo đảm hội tụ đủ các yếu tố cần thiết cho việc xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật (sự phù hợp với định hướng của Đảng, đã có sự đánh giá thực tiễn, thống nhất với tổng thể chung của hệ thống pháp luật…).

Ba là, công tác xây dựng pháp luật cần được tiếp tục tăng cường về nguồn lực, từ việc nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác xây dựng pháp luật; huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, các đối tượng chịu sự điều chỉnh đến việc ưu tiên đầu tư về thời gian, tài chính, cơ sở vật chất.

VỤ PHÁP CHẾ (BỘ VHTTDL)

;