Một số đặc điểm tạo hình trang trí sản phẩm mây tre đan Phú Vinh

1. Khái quát nghề mây tre đan Phú Vinh

Lịch sử hình thành và quá trình phát triển của làng nghề Phú Vinh

Trong các làng nghề mây tre đan của Hà Nội hiện nay, tiêu biểu nhất là làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ). Huyện Chương Mỹ xưa là huyện Chương Đức, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam. Năm Gia Long 13 (1814) đổi là phủ Ứng Hòa. Đời Đồng Khánh chia làm hai huyện Yên Đức và Chương Mỹ. Chương Mỹ là cái nôi của làng nghề mây, tre, giang đan của Hà Nội với lịch sử hơn 400 năm và 174 làng nghề chủ yếu là mây, tre đan. Các sản phẩm mây tre đan truyền thống chủ yếu được sản xuất tập trung ở các xã Phú Nghĩa, Trường Yên, Đông Sơn, Phương Yên, Trung Hòa (1).

Sản phẩm của làng nghề mây tre đan Phú Vinh

Nét đặc trưng truyền thống trong sản phẩm mây tre đan Phú Vinh là hình dáng tuy đơn giản, mộc mạc nhưng kỹ thuật sản xuất lại rất tinh xảo, đòi hỏi sự công phu của những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo. Sản phẩm mây tre đan có rất nhiều loại nhưng được chia làm 4 nhóm cơ bản (2):

Hàng đĩa: nan mỏng, không có cạp, đan lát đơn giản, hàng không chắc chắn

Hàng rổ: nan mỏng, có cạp, đan lát nhiều lần tạo lỗ nhỏ, hàng tương đối chắc chắn

Hàng tê: nan dày phải vót, đan lát đơn giản, hàng cứng cáp nhưng không thoáng

Hàng lô: nan dày, đan lát có cốt (khuôn hàng), hàng cứng cáp chắc chắn.

Phú Vinh là quê hương của mây đan với những sản phẩm mỹ nghệ bằng mây đạt tới đỉnh cao nghệ thuật tạo hình dân gian của Việt Nam. Các nhóm sản phẩm mây đan truyền thống của Phú Vinh gồm (3):

Đĩa mây: gồm đĩa tròn, đĩa bát giác, đĩa rua miệng, đĩa vuông, đĩa chữ nhật, đĩa bán nguyệt, đĩa vỏ dưa, đĩa hoa muống, đĩa lót tròn…

Bát mây: có bát rang cưa, bát rua miệng, bát trơn mộc, bát đáy dày…

Chậu mây: có chậu đứng cong, chậu thắt suốt, chậu thau…

Lẵng mây: lẵng xách tay, lẵng bán nguyệt, lẵng quai chai…

Làn mây: làn viên trụ, làn chữ nhật, làn kép, làng đơn…

Ngày nay, ở Phú Vinh có tới hàng trăm mẫu mã, chủng loại sản phẩm cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Các loại sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao cũng như sự tỉ mỉ, tinh tế như tranh chân dung, phong cảnh, hoành phi câu đối, chim thú hay sản phẩm gốm sứ quấn mây, các đồ dùng trang trí nội thất như: chao đèn, rèm cửa... cũng được sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Các sản phẩm đặc sắc của làng Phú Vinh hiện nay có yếu tố trang trí rất cao. Các nghệ nhân dựa vào mẫu khách nước ngoài đặt mà sáng tạo ra rất nhiều kiểu đan mới, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Một trong những nhóm sản phẩm nổi bật của Phú Vinh hiện nay phải kể đến các loại chao đèn, với các hình dáng vô cùng phong phú, biến thể của các kiểu đan tạo nên những hiệu ứng đẹp và độc đáo, đặc biệt khi ánh sáng chiếu vào. Đáng chú ý, phần chao đèn chỉ dùng một kiểu đan với các nan từ nhỏ tới lớn chạy tròn theo đường kính của sản phẩm, tạo bề mặt nổi sần thành hàng lối đều đặn... Sản phẩm chao đèn được đánh giá cao vì ngoài kỹ thuật tinh xảo còn có sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa nghệ thuật với tính ứng dụng...

2. Yếu tố tạo hình trang trí trên sản phẩm mây tre đan Phú Vinh

Khái niệm trang trí

Tác giả Tạ Phương Thảo định nghĩa: “Theo cách hiểu thông thường, trang trí là nghệ thuật làm đẹp. Nó giúp cho cuộc sống xã hội thêm phong phú và con người hoàn thiện hơn. Ý thích làm đẹp, mong muốn cái đẹp luôn tồn tại trong mỗi con người dù người đó là ai - và sống trong hoàn cảnh nào. Những ngày lễ, ngày Tết, ai cũng muốn gọn gàng sạch sẽ, mặc những bộ quần áo đẹp nhất của mình, trang trí nhà cửa sao cho hấp dẫn, sạch sẽ và đẹp đẽ. Đường phố được trang hoàng bằng những băng rôn, khẩu hiệu, cờ hoa...” (4). Theo từ điển Oxford Dictionary of Art, nghệ thuật trang trí được nhấn mạnh vào khía cạnh phân loại: “Nghệ thuật trang trí: thường được sử dụng nhiều hơn hoặc ít hơn đồng nghĩa với nghệ thuật ứng dụng nhưng cũng có thể chấp nhận đối tượng được thực hiện hoàn toàn là trang trí, mà không có bất kỳ mục đích thực tế nào” (5).

Như vậy lĩnh vực có thể ứng dụng nghệ thuật trang trí là khá rộng. Hay có thể hiểu trang trí là nghệ thuật sắp xếp bố trí đường nét, mảng khối, màu sắc trên một loại hình chất liệu, theo tỷ lệ, bố cục hài hòa để tạo nên vẻ đẹp cho sản phẩm bên cạnh công năng của sản phẩm đó.

Kiểu đan

Trong các yếu tố trang trí sản phẩm mây tre đan Phú Vinh, một trong những yếu tố quan trọng nhất là kiểu đan. Sản phẩm mây tre đan Phú Vinh đặc sắc ở kỹ thuật đan lát điêu luyện và tinh xảo, đặc biệt các nghệ nhân bằng hình thức cha truyền con nối đã kế thừa được những kiểu đan cơ bản, truyền thống như kiểu đan đen trắng đến những kiểu đan phức tạp mang nét đặc trưng của làng nghề như: tết các loại hoa (hoa răng cưa, hoa dế, hoa dế 2 chiều, hoa sáu, hoa bùa, hoa tết tóc, các loại bông…), căng đáy, đậu hoa, đan ghế, đan các loại tranh con giống, tranh cây cảnh, tranh phong thủy, đan chân dung người… Nhắc đến những nghệ nhân tiêu biểu của làng nghề phải kể đến nghệ nhân Nguyễn Văn Khiếu, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Tĩnh, Hoàng Văn Hạnh… Nghệ nhân Nguyễn Văn Khiếu - cha của nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh - là người đầu tiên đan chân dung Bác Hồ từ nguyên liệu mây. Cụ Nguyễn Văn Khiếu từ nhỏ đã sống với bà nội làm nghề mây tre đan. Là người thông minh, cần cù, chịu khó, cụ Khiếu không bao giờ cảm thấy thỏa mãn về những sản phẩm đã có mà luôn nghiền ngẫm tìm tòi sáng tác mẫu hàng mới. Bằng những sợi mây óng chuốt, với đôi bàn tay khéo léo đến kì lạ, cụ đã kết nên biết bao mĩ nghệ phẩm tuyệt diệu, thể hiện sinh động cảnh sóng nước, mây trời, chim bay, cá lượn, cây cỏ, hoa lá, lâu đài… Mỗi sản phẩm của cụ làm ra đều là một thiên kiệt tác, khi cụ cầm sợi mây đan đôi chim bay, chợt nhìn thấy chim đang vỗ cánh bay cao dần; khi cụ tết hoa lại nhìn hoa nở tươi hơn, duyên dáng hơn… Với người họa sĩ vẽ tranh phải dùng ít ra là 7 màu cơ bản, thì người nghệ nhân lão làng đan mây này chỉ dùng duy nhất 2 màu là sợi mây màu trắng ngà và cật giang ngâm nước lá bàng tạo màu đen (6).

Các kiểu đan vô cùng phong phú, đa dạng nhưng chủ yếu là sáng tạo của các nghệ nhân trên cơ sở những kiểu cơ bản. Đối với khía cạnh tạo dáng sản phẩm, các kiểu đan chia thành nhóm những kiểu đan, tạo thành các loại rá rổ, đồ dùng có hình bán cầu, miệng tròn, mắt thưa. Kiểu đan tạo hình các sản phẩm đáy tròn, thân cuốn hình trụ hay hình khum hay loe hình phễu. Kiểu đan tạo hình các sản phẩm đáy vuông, hoặc chữ nhật, thân hình trụ, miệng tròn.

Màu sắc

Màu sắc đặc trưng của các vật dụng mây tre đan là các màu tự thân của vật liệu như các tông màu được nhuộm tự nhiên: nâu sáng, tông trung tính: màu nâu cánh dán, nâu thổ hoàng hay tông sẫm: màu đen. Trong các sản phẩm mây tre đan Phú Vinh, các tông màu cánh gián là chủ yếu, ngoài ra cũng có các màu được nhuộm tự nhiên để tạo ra nhiều sắc độ đậm nhạt cho sợi nan. Đây là màu tự thân của mây tre, tạo cảm giác gần gũi, quen thuộc với tâm hồn người Việt. Các vật dụng mây tre đan sử dụng lâu ngày ngả sang màu nâu đen hay màu đồng hun, càng sử dụng càng lên nước óng mượt, bóng sáng, có sức hấp dẫn thị giác cao. Bên cạnh đó, sự chuyển màu đậm nhạt trên sản phẩm, việc nhuộm màu tự nhiên và quá trình nhuộm thủ công cho phép các sản phẩm không giống nhau hoàn toàn về màu sắc, đem lại cho mỗi sản phẩm giá trị tự thân, mang nét độc đáo riêng của người sáng tạo cũng như bản sắc văn hóa vùng miền. Hiện nay, màu sắc trên sản phẩm mây tre đan ở Phú Vinh rất đa dạng bởi sự sáng tạo của người nghệ nhân, cũng như những sản phẩm ngày càng được chú trọng khâu thiết kế đáp ứng thị trường trong và ngoài nước.

Hoa văn trang trí và chủ đề trang trí

Hoa văn trên các sản phẩm đan mây Phú Vinh được lấy cảm hứng từ những điều gần gũi, thân thuộc với đời sống tinh thần người Việt Nam như các loại hoa văn truyền thống, cảnh vật, làng quê, con người Việt Nam, từ thiên nhiên, cây cỏ, hoa lá, chim thú, những biểu tượng của một nền nông nghiệp lúa nước đa dạng phong phú. Đó là điểm trọng tâm, nền tảng để phát triển các dạng thức hoa văn khác nhau vô cùng linh hoạt và sinh động. Các cách kết hợp trong tạo tác, trang trí còn tùy thuộc theo vật dụng và chức năng của chúng. Các hoa văn được đưa lên sản phẩm truyền thống thường là các môtip hoa cúc, hoa mai hay các linh vật như: long, ly, quy, phượng. Các họa tiết này thường được trang trí trên bình ủ nước, được đan theo lối đan tranh ảnh chỉ với hai gam màu đen, trắng, một trong những lối đan đặc trưng nhất của Phú Vinh. Các hoa văn trên sản phẩm xuất khẩu hay sản phẩm trang trí ứng dụng mang tính hiện đại được trang trí bằng các hoa văn kiểu tự do, đem lại nét khỏe khoắn cho sản phẩm. Họa tiết trên các sản phẩm mây tre đan Phú Vinh chủ yếu là các họa tiết hoa, hoa răng cưa, hoa dế, hoa dế 2 chiều, hoa sáu, hoa bùa, hoa tết tóc, các loại bông… nhiều nhất là hoa chanh; các loại tranh con giống, tranh cây cảnh, tranh phong thủy, đan chân dung người …

Sau này, dưới đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân, vô số các kiểu đan mới được sáng tạo, cùng với đó là các kiểu hoa văn trang trí phong phú, không đơn thuần là những kiểu đan mô tả hoa cỏ thiên nhiên một cách chân thực mà là những kiểu hoa văn cách điệu mang tính thẩm mỹ cao. Đông thời, ứng dụng những cách đan, xâu xiên mới trên những vật liệu mới, thậm chí kết hợp mây với gốm sứ để tạo ra những sản phẩm đẹp mắt nhưng vẫn mang đậm bản sắc vùng miền, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, hay có thể xuất khẩu nước ngoài. Các kiểu đan ở các địa phương về cơ bản không có gì khác nhau, tuy nhiên, mỗi vùng miền lại có những cách thức trang trí đặc sắc khác biệt. Trong quá trình tạo dáng, trang trí sản phẩm, các kiểu đan có thể được lặp lại hoặc thay đổi khoảng cách nan, chiều hướng nan, kết hợp nhiều lối đan trên một sản phẩm… Với những thay đổi nhỏ nhưng có thể tạo ra những biến thể hoa văn rất đa dạng. Bố cục họa tiết trên sản phẩm mây tre đan Phú Vinh cũng nhiều hình thức khác nhau, tùy thuộc vào chủng loại sản phẩm. Khi sản phẩm chỉ sử dụng một lối đan thì họa tiết trên đó sẽ được thể hiện màu sắc để tạo nên tính trang trí. Ví dụ sản phẩm ủ nước hay các bức chân dung, tranh ảnh phong cảnh được đan theo lối đen trắng truyền thống của làng nghề. Khi sản phẩm có nhiều kiểu đan kết hợp thì màu sắc lại giản dị, mộc mạc. Thậm chí với các sản phẩm của nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh hay nghệ nhân Hoàng Văn Hạnh, sự kết hợp vật liệu mây tre và gốm sứ cũng đem lại một vẻ đẹp hài hòa cho sản phẩm. Sự kết hợp các kiểu bố cục trong cùng một vật dụng tạo nên tính thẩm mỹ cao, hơn nữa chúng cũng nhấn mạnh chức năng sử dụng của vật dụng. Với sản phẩm mây tre đan, hoa văn không chỉ có tính năng trang trí, làm đẹp sản phẩm mà chúng còn có chức năng tăng cường độ bền vững cho sản phẩm. Một cụm hoa văn được trình bày, trang trí hợp lý, không chỉ có ý nghĩa thẩm mỹ - thực dụng mà còn mang dấu ấn đặc trưng của vùng miền.

______________

1, 2. UBND TP Hà Nội - Sở Công thương Hà Nội, Làng nghề Hà Nội, tiềm năng và cơ hội phát triển, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2008, tr.106, 118.

3, 6. Bùi Văn Vượng, Di sản thủ công mỹ nghệ Việt Nam, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2000, tr.1059, 1063.

4. Tạ Phương Thảo, Giáo trình trang trí, Nxb Đại học Sư phạm TP. HCM, 2008, tr.5.

5. Ian Chilvers, The Oxford Dictionary of Art, Oxford University Press, 2004, tr.256.

 

Tác giả: Lê Khánh Trang

Nguồn : Tạp chí VHNT số 410, tháng 8 - 2018

 

;