Một góc nhìn về văn hóa gia đình ở Việt Nam

1. Vài đặc tính chung dưới góc nhìn khu vực

Những ngày này, chắc hẳn nhiều người vẫn chưa nguôi niềm hãnh diện khi bóng đá nước nhà vô địch khu vực Đông Nam Á. Và, cũng từ lâu, chắc hẳn nhiều người trong chúng ta cũng không quên nhắc nhớ tới một cơ tầng văn hóa Đông Nam Á. Cơ tầng này chi phối không chỉ văn hóa mà còn kinh tế, chính trị, xã hội của các quốc gia trong vùng. Và, để vẽ thật rõ diện mạo cái cơ tầng ấy là việc cần nhiều công sức, thời gian, đồng thời là việc không hẳn dễ. Vì vậy, chúng tôi cũng chỉ rút tỉa, không theo hệ thống, vài yếu tố của cơ tầng văn hóa ấy để có điều kiện soi rọi vào vấn đề quan tâm: nghĩ về văn hóa gia đình Việt từ góc nhìn Đông Nam Á.

Một đặc tính tiên quyết, cần phải nhấn mạnh, Đông Nam Á là khu vực nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều. Điều kiện tự nhiên này chi phối và ảnh hưởng đến toàn bộ văn hóa của cư dân khu vực này: cung cách sinh hoạt và tổ chức sản xuất, sự hình thành những thiết chế gia đình và xã hội, quá trình nhận thức trí tuệ cũng như đời sống tinh thần - tâm linh... Từ đó, các nhà khoa học đã chỉ ra một vài hằng số của cơ tầng văn hóa Đông Nam Á cần được chú ý.

Đó là tính chất nước (sự gắn bó với nước, tôn trọng nước trong đời sống vật chất, thờ nước, cầu nước trong đời sống tâm linh...) dù đó là quốc gia Đông Nam Á lục địa hay hải đảo.

Đó là phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp lúa nước, trồng trọt ưu thế hơn chăn nuôi của người nông dân định cư, quây quần trong địa vực nhỏ.

Đó là văn hóa làng xã, một thiết chế cộng đồng tương đối khép kín.

Đó là thiết chế gia đình mở, phức tạp, chú ý tới từng thành viên nhưng đặt nặng tính cộng đồng với đại gia đình, họ hàng, thân tộc.

Đó là đời sống tâm linh phong phú được kết nối với nhau một cách mật thiết, khéo léo...

Những hằng số văn hóa đó tác động đến tất cả mọi vấn đề của đời sống xã hội và đời sống gia đình ở các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tác động ấy rất rõ nét qua việc tổ chức sản xuất và đời sống của cư dân nông nghiệp với tính chất tổ chức sản xuất nhỏ, làm nông nghiệp lúa nước dẫn đến quy mô sản xuất phù hợp với hộ gia đình và nhu cầu định cư để ổn định sản xuất, vì thế, nhà trở nên quan trọng và trở thành tổ ấm của mỗi thành viên; qua nhận thức trí tuệ và đời sống tâm linh với triết lý âm dương, cặp đôi mang tính tiểu nông thể hiện qua phong tục tập quán và văn hóa dân gian, qua tổ chức gia đình và xã hội với hình thức gia đình lớn và dần vỡ vụn thành gia đình hạt nhân, với ý thức trọng tổ tiên, trọng lão, trọng nữ (1).

Nhằm tìm hiểu văn hóa gia đình ở Việt Nam biểu hiện tính chất của cơ tầng văn hóa khu vực ra sao, chúng tôi chú ý tới 3 đặc trưng: văn minh lúa nước, văn hóa xóm làng mô thức gia đình.

2. Suy ngẫm từ văn hóa gia đình ở Việt Nam

Từ góc độ giá trị học, có thể coi văn hóa gia đình là toàn bộ những giá trị, sản phẩm, kết quả mà gia đình sáng tạo ra trong quá trình phát triển lịch sử của nó. Như vậy, có thể coi văn hóa gia đình là một hệ thống tập hợp toàn bộ những giá trị của những biểu thị văn hóa trong mối quan hệ bên trong và bên ngoài gia đình trên các bình diện khác nhau.

Nhìn từ gia đình và văn hóa gia đình, có thể nhận thấy một số nét cơ bản:

Thứ nhất, Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á, có môi trường sống nóng, ẩm, mưa nhiều, giáp biển nhiều sông với những đồng bằng màu mỡ, trù phú. Là một quốc gia nông nghiệp với kinh tế trồng trọt là cơ bản, con người chủ yếu sống định cư với nghề trồng lúa nước và hoa màu. Tác giả Trần Ngọc Thêm (2) cho rằng, Việt Nam thuộc loại văn hóa gốc nông nghiệp điển hình với những đặc trưng chủ yếu: tôn trọng, hòa hợp với thiên nhiên, tổ chức xã hội theo nguyên tắc trọng tình, coi trọng gia đình, lối sống thích ứng linh hoạt, dân chủ làng xã... Có thể tán đồng với cách lý giải này khi nhìn vào gia đình Việt xưa và nay.

Với tư cách một đơn vị kinh tế, gia đình ở Việt Nam có đặc trưng nông nghiệp lúa nước, tiểu thủ công và tiểu thương nghiệp. Tác giả Từ Chi cho rằng, “trước năm 1945, hầu như toàn bộ cư dân Việt là nông dân. Vì địa bàn của người Việt gần các tam giác châu ở Bắc Bộ và các đồng bằng ven biển Trung Bộ, thêm vào đó là khí hậu nhiệt đới của miền Đông Nam Á, nên hầu như toàn bộ người Việt sống bằng nghề trồng lúa nước” (3). Nhu cầu trao đổi hẹp, mang tính nội bộ, sản phẩm nông nghiệp và thủ công nghiệp sơ khai; tâm lý trọng nông ức thương đã khiến hình thành một mạng lưới chợ quê mang tính tiểu thương, chỉ chủ yếu bổ sung cho nông nghiệp. Kinh tế gia đình, mà chủ yếu là gia đình hạt nhân, vì thế, cũng mang tính nhỏ lẻ. Họ khai thác quay vòng diện tích ruộng do từng gia đình quản lý, mà chủ yếu là trồng lúa nước với những nỗi vất vả nặng nhọc đáng kể. Những việc thủ công, trồng hoa màu, chăn nuôi, chợ búa... chỉ là công việc bổ sung khi nhàn rỗi. Nhìn chung, công việc hằng ngày của người nông dân thường đầy ắp, để có thể đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tự cấp, tự túc tối thiểu, trong khi nguồn nhân công hạn hẹp. Chẳng hạn, ở những gia đình hạt nhân, nhân công cơ bản chỉ là vợ và chồng, tức 2 lao động chính, gần như duy nhất. Như vậy, công việc nhà nông với vòng quay trồng lúa nước ba vụ, các công việc thủ công đơn giản, sự trao đổi hàng hóa sơ khai... quả thật là một áp lực lớn với số nhân công ít ỏi của từng gia đình hạt nhân. Có thể đây là một nguyên nhân khiến người nông dân Việt muốn lập gia đình sớm, đẻ nhiều, đẻ dày để sớm tăng số nhân công lao động trong gia đình. Hình thức đổi công có lẽ cũng xuất phát một phần từ nguyên nhân này. Do đó, có thể thấy, về mặt phân công làm kinh tế gia đình, thì công việc của chồng hay vợ khá rành mạch. Trồng trọt, cày, bừa là của đàn ông. Cấy, gặt, xay thóc, giã gạo là của phụ nữ. Trong việc thủ công, mộc, nề là việc đàn ông; đan lát, dệt hầu như là việc phụ nữ. Còn tiểu thương, tức đi chợ trao đổi sản phẩm, tiểu thủ công, thì đích là việc của phụ nữ, ghi đậm vai trò của phụ nữ. Tác giả Từ Chi cho rằng “nếu lúa gạo gặt về nhà là công chung của hai vợ chồng... thì tiều thu được qua tiểu thương nghiệp lại chủ yếu do đàn bà làm ra. Và người nữ nông dân Việt không phải quanh co để che giấu vị trí bên trên của họ trong lĩnh vực này” (4). Đó là vai trò tay hòm chìa khóa, có tác dụng quyết định khi bàn đến những khoản tiêu pha bằng tiền. Về mặt kinh tế, gia đình nông dân Việt cổ truyền (và cả hiện đại) có những khía cạnh đáng chú ý như vậy.

Với tư cách một thiết chế cơ sở của xã hội, với sự chung lưng đấu cật làm kinh tế nhỏ, gia đình là một cộng đồng nhỏ có tính liên kết chặt chẽ, giữa các thành viên trong gia đình và giữa các gia đình trong dòng họ. Sự liên kết này được biểu hiện không chỉ trong làm kinh tế, trong nghi thức cấp bậc các thành viên nhiều thế hệ mà còn trong thế ứng xử của từng thành viên với nhau, từng thành viên với cộng đồng. Gia đình ở Việt Nam mang tính hướng nội, tức là dù bối cảnh nào, giá trị gia đình vẫn được coi trọng bậc nhất và trước hết. Mọi cư xử ở dòng họ, làng xã, thậm chí quốc gia đều có bóng dáng cư xử trong gia đình. Sự sẻ chia những vấn đề chung của cộng đồng, quốc gia cũng đều mang dáng dấp của sự chia sẻ trong gia đình được khái quát hóa, với cả mặt được và chưa được. Chẳng hạn, chủ nghĩa duy tình (tình cảm, tình yêu, tình nghĩa) là một đặc trưng của cư dân Đông Nam Á cũng đậm nét trong gia đình và ngoài xã hội, đôi khi cản trở sự phát triển quan hệ lý tính. Sự tôn trọng và đề cao cộng đồng tới mức cực đoan rất dễ làm nhạt nhòa cá thể. Tính tôn ti trong thứ bậc gia đình, dòng họ một cách chi li, chặt chẽ rất dễ nuôi dưỡng thói gia trưởng, bề trên. Sự giải thể gia đình mở rộng sang gia đình hạt nhân, ở mức cực hạn, là tiền đề cho tính tư hữu, mâu thuẫn với cảm quan cộng đồng, cộng cảm vốn ăn sâu trong gia đình truyền thống... Đó là một số nét cần chú ý trong gia đình Việt hiện nay. Đó là những nét chung nhất của hình thức gia đình Đông Nam Á, được thể hiện phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Về mô thức gia đình với thờ tổ tiên, trọng lão và trọng nữ. Có thể nói, phép ứng xử cơ bản giữa gia đình và làng xã cổ truyền ở Việt Nam được thể hiện qua hai mối quan hệ đặc trưng: huyết thống và láng giềng, cả hai đều thể hiện nguyên tắc trọng lão. Với quan hệ huyết thống, đó là kính trọng các thế hệ trước, thờ tổ tiên. Với quan hệ láng giềng, cộng đồng, đó là tục trọng lão, trọng người già cả. Dù không hoàn toàn đồng nhất, song tính chất của vấn đề, về cơ bản, là như nhau. Do vậy, có thể coi tục trọng lão là một đặc điểm nổi bật của lối sống truyền thống trong và ngoài gia đình, thậm chí là một quy ước, chuẩn mực, nguyên tắc xử thế giữa người với người. Tác giả Phạm Đức Dương cho rằng “vì quan hệ láng giềng là chủ yếu cho nên cư dân Đông Nam Á rất coi trọng người già (những người nhiều tuổi bậc trên, có nhiều kinh nghiệm và uy tín trong con cháu) và quản lý làng bản dựa trên chế độ già làng...” (5). Theo chúng tôi, có lẽ cái quan hệ láng giềng được coi là chủ yếu để tạo nên sự coi trọng người già, thực ra, cũng mang bóng dáng hay ít ra, bị quy chiếu bởi cách thức ứng xử gia đình. Nếu không thì làm gì có chuyện “bán anh em xa, mua láng giềng gần” mà láng giềng được đặt đối ngẫu với anh em chứ không phải đối tượng nào khác. Thực ra, là sản phẩm của chế độ lão quyền (già làng) trong công xã dân chủ; là hệ quả của tư tưởng hiếu đễ Nho Khổng; là biểu hiện lề thói của cư dân làm lúa nước, tục trọng lão xuất hiện cả trong cộng đồng và gia đình ở Việt Nam. Ở gia đình, nó gặp gỡ với tục thờ tổ tiên và đạo hiếu, trở thành một căn cốt, vừa bảo trì, vừa chi phối sinh hoạt vật chất, tinh thần và tâm linh gia đình. Dù rằng, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, gia đình mở rộng đang có xu hướng giải thể thành gia đình hạt nhân; dù rằng làng xã đang chứa nhiều yếu tố biến cải thành đô thị, thì vẫn còn đó tục trọng lão vốn sâu rễ, bền gốc trong con người Việt Nam, kể cả trong và ngoài gia đình.

Một nét đặc trưng khác là việc đề cao vai trò phụ nữ, hay tạm gọi là tục trọng nữ. Đối với cư dân làm nông nghiệp lúa nước, bị chi phối bởi quan niệm âm dương, các yếu tố thân thuộc với đời sống sản xuất (đất, nước, mây, mưa, cây lúa...) đều mang tính âm, tính nữ, với chức năng sinh sản, bảo tồn nòi giống. Trong đời sống tâm linh, tục thờ nữ thần đã xuất hiện từ rất sớm. Và, ở Đông Nam Á, chế độ mẫu hệ, mẫu quyền cũng ngự trị một thời gian dài, trước khi chuyển dạng sang phụ hệ, phụ quyền gia trưởng gắn với gia đình hạt nhân. Dù được gọi thuộc thể chế gia đình phụ quyền (gia trưởng hay dân chủ), thì rõ ràng, như tác giả Từ Chi băn khoăn: gia đình Việt cũng chẳng mang tính chất phụ quyền đến mức như người ta thường nói (6), kể cả trong làm kinh tế nhỏ, trong quyết định chi tiêu hay chi phối ý kiến của đàn ông khi ra xã hội lẫn trong gia đình. Do vậy, nể nữ, trọng nữ vẫn là một đặc điểm chi phối một cách sâu sắc nhiều khía cạnh trong gia đình và ngoài xã hội. Lý do chủ yếu là, trong bối cảnh Đông Nam Á và Việt Nam, vai trò của phụ nữ không bao giờ mờ nhạt như ta tưởng, nếu không nói là rất quan trọng, nhất là trong việc cầm cân nảy mực, giữ bền vững hạnh phúc gia đình.

Vai trò ấy, cơ bản, được nhìn nhận như thế nào?

Chúng tôi cho rằng: đến nay, nước ta cơ bản vẫn là nước nông nghiệp với văn hóa nông nghiệp, do vậy, việc tổ chức cộng đồng, nhóm xã hội, gia đình, vẫn dựa theo nguyên tắc trọng tình, hoặc trước hết là trọng tình, sau mới xét lý. Nguyên tắc, lối sống trọng tình tất yếu sẽ dẫn đến thái độ trọng đức, trọng nữ. Đó là một đặc trưng đáng chú ý. Có lẽ, trên cơ sở điều kiện xã hội cũng như dựa vào đặc trưng này mà không ít nhà khoa học nhân văn thế giới đã khẳng định rằng, không phải ngẫu nhiên mà vùng nông nghiệp Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, lại được gọi là “xứ mẫu hệ”. Thực tế cho thấy đến tận ngày nay, ở các tộc người không hoặc ít chịu ảnh hưởng của hai trung tâm văn hóa lớn Trung Hoa, Ấn Độ như tộc Chăm ở Nam Trung Bộ hoặc các tộc Ê đê, Gia rai, Ba na... ở Tây Nguyên, vai trò của người phụ nữ trong hôn nhân gia đình, cai quản xã hội vẫn rất lớn. Thậm chí vẫn còn hiện tượng mẫu hệ: phụ nữ chủ động cưới chồng, chồng về ở rể đằng nhà vợ, con cái đặt tên theo họ mẹ. Nhìn theo dòng chảy đó, ta thấy nổi lên tinh thần tôn trọng gia đình (ngôi nhà, cái bếp) và tôn trọng phụ nữ. Trong tâm thức các ông chồng Việt luôn luôn ẩn hiện những gì đã được người dân tổng kết: Lệnh ông không bằng cồng bà; Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng; Phúc đức tại mẫu; Con dại cái mang... Và trong xã hội Việt Nam, bên cạnh những tín ngưỡng thiêng liêng còn tồn tại một tín ngưỡng thờ Mẫu nổi tiếng. Như vậy, có thể thấy, trong nhiều lĩnh vực, phụ nữ có vị thế và vai trò quyết định.

Cấu trúc của quan hệ xã hội, văn hóa truyền thống Việt Nam được thể hiện một cách sơ giản bởi mối quan hệ nhà - làng - nước. Do đó, vai trò, vị thế của người phụ nữ trong xã hội, trong xây dựng văn hóa sẽ được thể hiện trọn vẹn trong các mối quan hệ với nhà (gia đình, gia tộc), làng (láng giềng, cộng đồng) và nước (quốc gia, dân tộc). Tuy nhiên, vai trò của người phụ nữ Việt được bộc lộ rõ nhất trong mối quan hệ gia đình, gia tộc, một môi trường, một thiết chế xã hội, một cơ cấu quan hệ đặc thù.

Xuất phát từ gia đình cổ truyền để hiểu thêm về tính chất của gia đình Việt nói chung và người phụ nữ Việt nói riêng, tác giả Từ Chi đã có nhận xét: Ở nhiều phương diện, chẳng hạn phương diện kinh tế, vai trò, địa vị của phụ nữ là bình đẳng với nam giới, thậm chí, trong những trường hợp nào đó, tiếng nói của người phụ nữ có tác dụng quyết định: chi tiêu trong gia đình, chi tiêu trong các việc làng, việc họ. Hơn nữa, họ còn chi phối việc làng, việc xã hội một cách gián tiếp, qua các ông chồng, bằng cách bàn bạc, tạo ảnh hưởng đến những gì mà ông chồng sẽ thể hiện trong công tác xã hội (9). Rõ ràng, trong gia đình, người phụ nữ vẫn giữ vai trò chủ động. Với vị thế đó, ngoài chức năng nội tướng, phụ nữ còn là tâm điểm hội tụ vui buồn của các thành viên, còn ngoài xã hội, người phụ nữ giữ vai trò cân bằng và điều hòa mọi sinh hoạt. Nếu thực sự coi gia đình là một tế bào xã hội, thì chỉ riêng ở những khía cạnh vừa dẫn, cũng có thể thấy vai trò và vị thế của người phụ nữ hết sức quan trọng và cần thiết, không chỉ trong thực hiện chức năng tái sản sinh con người mà còn trong quá trình xây dựng, phát triển gia đình, phát triển xã hội, phát triển văn hóa. Và, một khi, nền văn hóa mới, đời sống văn hóa mới còn trông chờ vào sự bừng dậy của những gia đình văn hóa, thì vai trò của người phụ nữ vẫn thực sự to lớn và mang tính quyết định.

Có thể thấy, tục trọng nữ có căn nguyên từ điều kiện xã hội, hình thái sản xuất kinh tế, cơ cấu tổ chức xã hội và gia đình, sự thức nhận tinh thần và tâm linh trong, ngoài gia đình; và cơ bản, từ vai trò lớn lao thật sự của người phụ nữ đối với gia đình và xã hội. Có thể coi đây là một trong những nét đặc trưng của gia đình truyền thống và hiện đại ở Việt Nam.

Như vậy, những hằng số của văn hóa Đông Nam Á, mà chúng tôi chú trọng tới văn minh lúa nước, văn hóa xóm làng và sự giải cấu trúc gia đình theo hướng hạt nhân hóa, đã bộc lộ khá rõ nét trong gia đình ở Việt Nam, từ phương diện sản xuất kinh tế, tổ chức đời sống đến hệ giá trị văn hóa gia đình (mà thờ tổ tiên, trọng lão, trọng nữ là vài vấn đề được quan tâm). Một kiểu gia đình phức hệ, đan xen giữa gia đình mở rộng và gia đình hạt nhân; một sợi dây liên kết cộng đồng gia đình thể hiện ở việc phục hưng dòng họ; một mối quan tâm chia sẻ cái chung của các thành viên gia đình; phép ứng xử duy tình trong duy trì những thứ bậc tôn ti; sự kính trọng tổ tiên, người già, phụ nữ; sự bảo bọc trẻ em... là những khía cạnh hết sức đáng lưu tâm khi đề cập đến tính chất gia đình ở Việt Nam, dù dưới góc nhìn nào.

_____________

1, 4. Xem Phạm Đức Dương, Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2000.

2. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.21-24.

3, 5, 6, 7. Nguyễn Từ Chi, Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2002, tr.445,452.

Tác giả: Ngọc Lưu Ly

Nguồn: Tạp chí VHNT số 416, tháng 2-2019

;