Mỹ tục bầu Hậu Phật trong văn hóa tín ngưỡng làng xã Việt Nam thời trung đại

1. Dẫn nhập

Từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam và được xem là tôn giáo, có vai trò quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Thời Lý - Trần, Phật giáo được xem là quốc giáo có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi phương diện trong đời sống của người Việt. Giáo lý Phật giáo đã ăn sâu vào tâm thức của người dân Việt, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa tín ngưỡng bản địa. Cũng từ đó, hệ thống chùa chiền, tự viện trong cộng đồng làng xã được hình thành và phát triển song hành cùng với hệ thống tư tưởng Phật giáo. Để có tài vật xây dựng, trùng tu công trình văn hóa tín ngưỡng chùa chiền, phần lớn huy động sức người, công đức nhân dân, trong cộng đồng làng xã.

Thời Trung đại là giai đoạn lịch sử kéo dài trong suốt thời kỳ phong kiến của Việt Nam, từ TK X đến cuối TK XIX trước khi Nhà nước Việt Nam dân chủ ra đời năm 1945. Song song với sự phát triển của đất nước, các triều đại phong kiến Việt Nam tập trung vào xây dựng một nhà nước độc lập tự chủ, củng cố quốc phòng an ninh, phát triển giáo dục, chấn hưng văn hóa. Thời kỳ này chủ yếu dùng chữ Hán với vai trò là văn tự chính thống trong khoa cử, hành chính và sáng tác, đồng hành với đó là chữ Nôm chủ yếu dùng trong sáng tác.

Những di văn được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm bao gồm: hệ thống thư tịch, văn khắc trên gỗ, đá, đồng (văn bia, hoành phi, câu đối, biển gỗ); văn viết trên lụa vải… trong số đó, văn bia (hay gọi là bi văn) là loại hình di sản văn khắc Hán Nôm đặc thù, rất phổ biến ở Việt Nam cũng như các nước đồng văn trong khu vực. Nét đặc thù của tấm bia đá thể hiện ở nghệ thuật tạo tác của những người thợ. Họ sử dụng một khối đá được đục đẽo bằng phẳng và khắc những bài văn, bài thơ bằng chữ Hán, chữ Nôm trên đó, nội dung phản ánh tư tưởng tôn giáo, văn hóa tín ngưỡng, văn học nghệ thuật, lịch sử kiến trúc... Trong kho tàng di sản văn bia của Việt Nam theo thống kê của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFF0) cùng với hệ thống văn bia được Viện Nghiên cứu Hán Nôm in dập sưu tầm trong nhiều năm trở lại đây lên tới trên 2 vạn đơn vị thác bản. Trong đó, văn bia Hậu (Hậu Phật, Hậu thần, Hậu hiền, Hậu giáp, Hậu ngõ) chiếm khoảng 50% tổng số thác bản văn bia hiện có tại Việt Nam. Có thể thấy rằng, bia Hậu ra đời là sản phẩm của hệ tư tưởng văn hóa tín ngưỡng ở các vùng nông thôn, cụ thể là sản phẩm của tập tục lập Hậu ở Việt Nam. Những người được lập Hậu gọi là Hậu Phật, Hậu thần... đôi khi trong dân gian hay còn được gọi với cái tên rất gần gũi là cụ Hậu... do đó, bia Hậu thường mang tên Hậu thần bi ký, Hậu phật bi ký, Hậu hiền bi ký…

Hậu Phật bi ký, ký hiệu 01597, Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm, tập 1

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không nghiên cứu và giới thiệu về tất cả các thể loại bầu Hậu mà chỉ tập trung tìm hiểu về loại hình bầu Hậu đặc trưng gắn liền với những nghi thức Phật giáo đó là tập tục bầu Hậu Phật được ghi lại trang trọng trên những tấm đá được khắc họa theo những đường nét hình khối khác nhau tùy thuộc vào mục đích, yêu cầu cũng như tính chất, giá trị của việc bầu Hậu. Hình khối của những tấm bia đá có thể là những hình trụ, dẹt, lục lăng, tượng kết hợp với những đường nét hoa văn tinh xảo cùng với chữ viết đã tạo nên một bức tranh nghệ thuật trong văn hóa tạo tác đá. Vậy câu hỏi đặt ra thế nào là Hậu Phật?

2. Khái niệm về Hậu Phật trong văn hóa tín ngưỡng làng xã

Thuật ngữ Hậu Phật là từ thuần Việt, tuy có mang những yếu tố gốc Hán nhưng lại có cấu trúc Việt và được người Việt hiểu theo một nghĩa khác. Bản thân các thuật ngữ này không thấy xuất hiện trong các bộ từ điển lớn ở Trung Quốc và ngay cả những Từ điển Hán Việt Từ điển tiếng Việt tại Việt Nam cũng không thấy đề cập đến. Hậu Phật được hiểu là những những người được bầu làm Hậu Phật… kể cả khi còn sống hoặc sau khi đã mất vì đã phát tâm cung tiến tiền của, gia sản, ruộng vườn, ao chuôm vào chùa, hay nói cách khác là cúng dường Tam bảo, cung tiến Tam bảo, công đức Tam bảo. Cách hiểu này cho đến nay vẫn được các nhà nghiên cứu thống nhất lựa chọn. Cách viết chữ Hậu trong văn bia không giống nhau, có khi viết là: 後, 后, 厚. Như vậy, Hậu Phật là những người được thờ sau Phật trong không gian thờ tự ở các ngôi chùa. Bởi vậy, hệ thống bia Hậu Phật được dựng ở những nơi trang nghiêm trong chùa, đặc biệt là nơi hậu cung hoặc hai mé phải, trái Tam bảo. Những văn bia đó có kích cỡ to nhỏ tùy thuộc vào mức độ hưng công đóng góp và nội dung ghi chép trong bia cũng được quy định cụ thể như là những khoán ước, khoán văn bằng đá mà các bên phải tuân thủ theo những cam kết ghi trong bia.

3. Những định lệ trong tập tục bầu Hậu Phật nơi làng xã Việt Nam

Tập tục bầu Hậu Phật trong các ngôi chùa ở Việt Nam đều có những định lệ rõ ràng, quy ước chặt chẽ, có cả một hội đồng quan viên sắc mục cùng với trụ trì ngôi chùa là nơi đặt Hậu bàn bạc thỏa thuận và đi đến thống nhất, sau đó, mới tiến hành lập Hậu. Những định lệ đó được cụ thể bằng thời gian lập Hậu, hình thức, quy mô, địa điểm cúng Hậu... Thông thường có hai hình thức: Một là, được lập Hậu trên tinh thần có sự thỏa thuận về giá trị cung tiến giữa quan viên, chức sắc trong làng và người có nguyện vọng được lập Hậu, người được lập Hậu có thể còn sống hoặc đã mất. Trong trường hợp này, quan viên, chức sắc làng xã chủ động đặt vấn đề trước; hai là, người dân chỉ cần phát tâm đóng góp một khoản vật chất nhất định nào đó sẽ được quan viên chức sắc trong xã lập Hậu, không có sự quy định cụ thể về mặt vật chất và tinh thần. Thành phần được lập Hậu có thể tạm chia làm 2 loại: đó là những người thuộc tầng lớp quan lại (số này rất ít) và những người thuộc tầng lớp nhân dân (là chủ yếu).

Trường hợp tự nguyện: Tự nguyện được coi là một hình thức phổ biến trong tập tục lập Hậu. Trường hợp tự nguyện cũng có hai lý do: dân tự nguyện đóng góp để được lập Hậu; làng xã tự nguyện lập Hậu cho dân: Trường hợp thứ nhất: Hậu chỉ cần bỏ ra một khoản tiền, hay một diện tích ruộng nhất định sẽ được quan viên chức sắc trong làng xem xét và lập Hậu. Nội dung của loại hình bia này phản ánh khá rõ nét như bỏ tiền mua đất cho xã xây quán, xuất tiền cho xã chi công dịch, xuất tiền sửa chùa, xuất tiền cứu đói cho dân… Trường hợp thứ hai: quan viên, sắc mục trong làng thấy một số trường hợp là người có đức hạnh, sùng Phật, ái đạo làm điều thiện tín, luôn cứu giúp người khác; người không nơi nương tựa; người có công chiêu dân lập ấp, chiêu dân sau khi loạn, có công lao trong chiến tranh; người thuộc tầng lớp khoa bảng, quan viên chức sắc của làng xã… nên được hội đồng chức sắc họp bàn thống nhất bầu làm Hậu Phật. Về điểm này, các trường hợp trên phần lớn không có giá trị về mặt vật chất mà chỉ có giá trị về mặt tinh thần, tuy vậy, đây cũng là những nét đẹp văn hóa nơi cộng đồng làng xã, thể hiện sự quan tâm, kính trọng đối với những người hảo tâm và được phản ánh qua nhiều văn bia Hậu Phật hiện vẫn còn được lưu giữ.

Trường hợp có điều kiện: Số lượng văn bia Hậu Phật này ít hơn so với những trường hợp tự nguyện và cũng được chia làm hai loại: điều kiện được đưa ra từ cá nhân; điều kiện được đưa ra từ làng xã.

Những trường hợp điều kiện chủ yếu được đưa ra từ nhân dân đó là họ tự mua Hậu cho bản thân mình, lại có những trường hợp mua Hậu cho bố mẹ đẻ hoặc bố mẹ vợ... Cũng có một số trường hợp đặc biệt, họ là những người thuộc tầng lớp dưới có chút ít tiền của nhưng vì không có con, sống đơn độc, hay có con cái mất sớm, nên đã chủ động đặt vấn đề với quan viên trong xã mua Hậu để được lo ma chay, đèn hương sau khi mất. Cũng có những trường hợp là ông đồ dạy học ở làng được học trò đóng góp tiền lại mua Hậu cho thày…

Những trường hợp điều kiện được đưa ra từ làng xã, xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau. Hội quan viên, chức sắc trong làng có thể đưa ra những lý do lập Hậu vào bất kỳ thời điểm nào khi làng cần đến, như những khó khăn trong việc xây dựng tu bổ các công trình văn hóa tín ngưỡng, xây dựng tu bổ công trình phát triển kinh tế, những khó khăn thường xuyên về sưu thuế, công dịch, binh dịch... Ở đây chủ thể là làng xã đưa ra những điều kiện cụ thể về số tiền, số ruộng… và nếu được sự đồng ý của hai bên, thì có sự giao kèo ghi chép văn khế, sau đó được lập Hậu và ghi trong bia.

4. Giá trị cung tiến và tinh thần trong việc bầu Hậu Phật

Đây được coi là một hình thức thu hút kinh phí rất hữu hiệu của làng để trùng tu, xây dựng những công trình phục vụ tín ngưỡng tôn giáo và phát triển kinh tế hay đóng góp vào những việc chung của làng. Nguồn kinh phí này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển, mở mang diện mạo của làng. Nội dung ghi cụ thể nguồn vật chất được bỏ ra bao gồm: tiền, ruộng, ao, vườn… Có những Hậu đã hưng công xây dựng cả một ngôi chùa. Ngoài hai khoản vật chất chính được Hậu bỏ ra như tiền, ruộng, còn có một số khác trong bia Hậu thời kỳ này cũng đề cập đến như ao, trâu, bò, vườn cây lưu niên, để sử dụng trong việc tế lễ.

Ngoài những giá trị về mặt vật chất do Hậu hưng công cho làng xã, còn một mảng khá quan trọng nữa là những trường hợp lập Hậu chỉ có giá trị về mặt tinh thần như việc chiêu dân lập ấp, tôn sư trọng đạo, thi hành nhân đức... trong cộng đồng làng xã.

Thông thường, hưng công là do sự tự nguyện của từng cá nhân hay tập thể, tùy thuộc vào khả năng của mình. Tuy nhiên, đối với những trường hợp lập Hậu có điều kiện về giá trị vật chất thì có sự thỏa thuận giữa hai bên. Sự thỏa thuận đó chính là những khoán ước bất di bất dịch mà tất cả thành viên đều phải tuân theo và cùng nhau ký kết. Các vấn đề thỏa thuận trong đó bao gồm như danh sách những người cung tiến, số tiền, số diện tích ruộng ao vườn, quyền lợi của người lập Hậu và những nghi thức lễ Hậu đều được ghi rõ trong văn bia đã tạo nên những nét đẹp văn hóa tín ngưỡng nơi cộng đồng làng xã Việt Nam thời Trung đại.

5. Văn hóa tín ngưỡng trong nghi thức cúng lễ Hậu Phật

Lệ cúng Hậu được diễn ra theo những nghi thức riêng, những nghi thức ấy được giao ước bằng những quy định cụ thể giữa người được lập Hậu và quan viên chức sắc cũng như các sư trụ trì trong chùa. Thông thường, nghi thức cúng Phật và ngày giỗ hằng năm của Hậu đã qua đời được diễn ra vào ngày lễ sóc, vọng tức là ngày mồng một và ngày rằm hằng tháng. Khi đó, làng, thôn hoặc giáp cũng như bản tự phải chuẩn bị những vật phẩm phù hợp với văn hóa thờ tự như đã cam kết ghi trong bia để tiến hành nghi thức làm lễ. Đối với những Hậu còn sống sau khi lễ Phật xong, được làng, nhà chùa biếu phần quà có thể là xôi, oản, hoa quả... ít có giá trị về mặt vật chất, nhưng lại có giá trị to lớn về mặt tinh thần đối với các Hậu.

Buổi lễ cúng Hậu diễn ra phải có đại diện của quan viên sắc mục, hương lão trong xã, thân nhân của Hậu và một người rất quan trọng đó là chủ lễ. Chủ lễ Hậu Phật thường là các sư trụ trì trong chùa, nơi Hậu được thờ tự. Vật phẩm thường có quy định cụ thể, rõ ràng như đã ghi trong bia, những vật phẩm để chuẩn bị cho lễ thường dùng xôi, oản, hoa quả, trầu cau, vàng mã, đèn hương, tiền cổ... và cỗ chay, lễ lớn hay nhỏ tùy thuộc vào mức độ công đức cũng như đóng góp của Hậu vào chùa. Cỗ chay có thể do nhà chùa tự làm hoặc các giáp trong xã đứng ra lo liệu. Chủ lễ phải là sư trụ trì trong chùa. Đối với những Hậu còn sống thường được biếu những phần quà theo quy định sau khi diễn ra các ngày lễ sóc, vọng, lạp tiết. Đến khi mất được làm lễ cúng giỗ theo những quy định như đã ghi trong bia. Như Bia Hậu Phật bi ký, tạo năm Cảnh Thịnh thứ 3 (1795), ở chùa Linh Ứng, xã Phượng Cách, huyện Từ Liêm, Hà Đông (nay là Hà Nội). Nội dung ghi việc ông Bùi Đình Chi (裴廷枝) đã cúng 12 quan tiền, 5 sào ruộng cho thôn chi phí công dịch. Dân bản thôn bầu ông làm Hậu Phật. Sau khi trăm tuổi, bản thôn nhận 5 sào ruộng, giao cho 4 giáp luân lưu cày cấy. Đến ngày giỗ (các giáp) tự sắm sửa 4 mâm xôi, mỗi mâm 10 đấu, 1 quan tiền, lợn, rượu đủ dùng và 1 quan tiền dùng để biếu. Lễ xong như lệ mọi người dự lễ cùng nhau uống rượu. Một sào ruộng gửi vào chùa, đến ngày giỗ tự sắm sửa oản quả, vàng hương cúng tế. Vì việc công bộn bề, chi dùng tốn kém, người trong bản thôn là Bùi Đình Chi, hiệu Pháp Khải có sẵn tâm thường, đã xuất của nhà 12 quan tiền cổ để giúp dân chi tiêu, lại bỏ 5 sào ruộng tốt để lo việc giỗ chạp hương khói sau khi qua đời, nay bản thôn họp lại nhất trí bầu làm Hậu Phật. Sau khi qua đời, bản thôn nhận 5 sào ruộng, 4 sào giao cho 4 giáp luân lưu canh tác. Đến ngày giỗ (bản thôn) sắm 4 mâm xôi, mỗi mâm 10 đấu trị giá 1 quan tiền cổ; thịt rượu, vàng mã trị giá 1 quan tiền cổ, khi lễ xong, theo lệ cùng nhau ăn uống. Một sào ruộng giao cho bản chùa canh tác, đến ngày giỗ sắm sửa 1 lễ gồm 10 cái oản, 300 vàng mã để hành lễ.

Lệ bầu Hậu đã tạo nên những nét đẹp văn hóa tín ngưỡng nơi làng xã Việt Nam. Những buổi lễ sóc vọng, ngày giỗ Hậu, thường diễn ra trong không khí trang nghiêm, thể hiện sự thành kính ái kính đạo tràng. Với các Hậu và người thân trong gia đình luôn cầu mong cho chân linh của mình được siêu sinh tịnh độ nơi cực lạc, được an tựa nhàn du nơi chốn già lam cửa thiền; hằng ngày được nghe kinh niệm Phật. Từ đó người thân của các hậu cũng được an lạc, hướng thiện theo tinh thần của Đức Phật từ bi bác ái, tìm về cội nguồn nhân tâm nơi đạo pháp.

Qua một số nội dung có tính chất căn bản về mỹ tục bầu Hậu trong văn hóa tín ngưỡng nơi làng xã Việt Nam thời Trung đại cho thấy, tập tục bầu Hậu đã được diễn ra trong một quá trình lâu dài. Mỹ tục đó gắn liền với sự phát triển của Phật giáo, một trong những tôn giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, phát triển cùng với sự phát triển của dân tộc Việt Nam, đồng thời, kết hợp với văn hóa bản địa tạo nên văn hóa tín ngưỡng riêng gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân trong cộng đồng làng xã.

Mỹ tục bầu Hậu Phật xưa là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam; thể hiện tinh thần đoàn kết, thúc đẩy phát triển kinh tế, tu bổ và xây mới các công trình tự viện, chấn hưng văn hóa và đặc biệt là tạo niềm tin trong xã hội. Hướng cho con người tìm đến những điều tốt đẹp nhất nơi giáo lý Phật giáo.

Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế thị trường, sự giao thoa đa văn hóa trên trên nhiều lĩnh vực, nhưng mỹ tục bầu Hậu vẫn được duy trì và phát huy theo xu hướng mới, về mặt bản chất và ý nghĩa cơ bản là giống nhau, nhưng phương thức có những thay đổi cho phù hợp với xã hội đương thời, mang lại tính bền vững nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

____________

Tài liệu tham khảo

1. Trần Thị Kim Anh, Bia Hậu Việt Nam, Tạp chí Hán Nôm, số 3 (64), 2004.

2. Lê Văn Cường, Tìm hiểu Văn bia Hậu thời Tây Sơn, Luận văn Thạc sĩ Hán Nôm, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2019.

3. Trần Văn Giáp, Văn bia Việt Nam, công dụng khai thác văn bản văn bia Việt Nam đối với khoa học xã hội, Tập san Nghiên cứu Lịch sử, số 1, 1969.

4. Đặng Chí Hiển, Bia - Một nguồn tư liệu quý giá cần có biện pháp thu thập bảo quản và khai thác kịp thời, Thông tin Khoa học xã hội, 1981.

5. Trần Thị Thu Hường, Văn bia đình làng Bắc bộ thế kỷ XVII và sự phản ánh văn hóa tín ngưỡng nơi đình làng, Luận văn Thạc sĩ Hán Nôm, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, 2004.

6. Trịnh Khắc Mạnh, Một số nhận xét về đặc điểm, hình thức bia Việt Nam, Tạp chí Hán Nôm, số 1, 2008.

7. Trịnh Khắc Mạnh, Một số vấn đề văn bia Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007.

8. Đinh Khắc Thuân, Đá, thợ khắc và đặc trưng bia thế kỷ 17, Tạp chí Hán Nôm, số 2, 1988.

9. Phạm Thị Thùy Vinh, Văn bia thời Lê xứ Kinh Bắc và sự phản ánh sinh hoạt làng xã, Nxb Văn hóa Thông tin, 2003.

TS LÊ VĂN CƯỜNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 500, tháng 6-2022

;