Long Phú phát triển văn hóa, thể thao vùng dân tộc thiểu số

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, huyện Long Phú tỉnh Sóc Trăng luôn chú trọng phát triển văn hóa, thể thao vùng dân tộc thiểu số. Cụ thể là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, quy hoạch sân bãi, đáp ứng nhu cầu tập luyện thể thao, khôi phục các lễ hội, nghề truyền thống, xây dựng nếp sống mới trong vùng dân tộc Khmer, Hoa góp phần bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa bản sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Long Phú phát triển mạnh nhiều môn thể thao dân tộc

Long Phú có 09 xã và 02 thị trấn, với 61 ấp, dân số gần 114.000 người, có 03 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm 70,61%, tương đương 80.500 người; dân tộc Khmer chiếm 28,56%, tương đương 32.550 người; dân tộc Hoa chiếm 0,81%, với hơn 900 người. Bà con sống bằng nghề nông nghiệp, kinh doanh và dịch vụ với nhiều nét văn hóa độc đáo từ ngôn ngữ, trang phục, ẩm thực, nhà ở đến các làn điệu dân ca, dân vũ … Huyện Long Phú luôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, bài trừ phong tục tập quán lạc hậu, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, từ đó tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nhằm phát huy những giá trị văn hóa các dân tộc, huyện chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, phối hợp với các địa phương vận động bà con thực hiện nếp sống văn minh. Phát huy vai trò của các vị sư sãi, người có uy tín gương mẫu đi đầu trong thực hiện, vận động con cháu, dòng họ xây dựng đời sống văn hóa. Thành lập các đội văn nghệ ở phum sóc, khơi dậy các nghề truyền thống, lễ hội, chữ viết, nhạc ngũ âm, hát châm riêng, A dây, lăm leo … Đến nay, toàn huyện có trên hơn 10 đội văn nghệ trong đồng bào Khmer và Hoa, duy trì được nhiều câu lạc bộ múa rom vong, khôi phục nhiều lễ hội dân gian, duy trì điệu múa – hát A dây, Rom leo, nghề đan lát. Tổ chức các lớp dạy học chữ dân tộc Khmer và Hoa … Đặc biệt, huyện triển khai tới 100% các ấp dân tộc Khmer ký cam kết thực hiện nếp sống văn hóa mới. Việc tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả, không còn tình trạng thách cưới cao; đám ma không để lâu ngày; vấn đề tảo hôn được khắc phục, không còn hôn nhân cận huyết … Qua đó, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Trang phục lễ cưới của đồng bào Khmer

Ông Kim Hen – Chủ tịch UBND huyện Long Phú cho biết: “Cùng với phát triển kinh tế, vấn đề xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh được huyện coi là nhiệm vụ thường xuyên. Huyện chỉ đạo ngành chức năng đẩy mạnh phong trào, cuộc vận động, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đến người dân. Toàn huyện có 25.379/28.153 đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 90,1% hộ dân trên toàn huyện. 60/61 Ấp đạt danh hiệu Ấp văn hóa, chiếm tỷ lệ 98,3%, trong đó có 55 ấp giữ vững danh hiệu Ấp văn hóa nhiều năm liền; 125 cơ quan, đơn vị, danh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Việc xây dựng quy ước, hương ước, ấp văn hóa, khu dân cư văn hóa được chú trọng thực hiện theo ý kiến tham gia của nhân dân. Khơi dậy truyền thống yêu quê hương, đất nước cũng như tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Huyện quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa bằng việc đầu tư xây dựng các sân vận động ở các xã, thị trấn, huyện có 10/11 xã, thị trấn có Nhà văn hóa; 43/61 ấp có Nhà sinh hoạt cộng đồng. Các xã, thị trấn đều có khu hoạt động văn nghệ, thể thao, từng bước đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Củng cố phát triển hệ thống Đài truyền thanh từ huyện đến xã, với việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật hiện đại. Cùng với đó, huyện còn mở rộng hệ thống thông tin liên lạc đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, được phủ sóng phát thanh, phủ sóng điện thoại và mạng internet … Ngoài ra, huyện còn chú trọng phát triển các môn thể thao quần chúng, với việc khôi phục mô thể thao dân tộc, trò chơi dân gian như : kéo co, nhảy dây, nhảy bao, đẩy gậy, đi cà keo … đồng thời gắn cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phong trào “Khỏe để lập thân, giữ nước”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, với việc tổ chức các giải thể thao tại huyện và cơ sở. Đặc biệt là huyện Long Phú luôn duy trì môn thể thao của đồng bào Khmer (đua ghe Ngo truyền thống), tham gia thi đấu các môn thể thao cấp tỉnh, tham gia Hội thi trình diễn trang phục, ẩm thực, thi văn nghệ, thả đèn nước … qua đó, giữ gìn, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

Thi nhảy dây

Đồng chí Nguyễn Hồng Tâm, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Long Phú chia sẻ: “Để phát triển văn hóa, thể thao vùng dân tộc thiểu số, cấp ủy, chính quyền huyện tích cực tuyên truyền, vận động các nghệ nhân truyền dạy tiếng dân tộc, làn điệu dân ca, dân vũ cho thế hệ trẻ. Duy trì tổ chức các lễ hội, văn hóa truyền thống của dân tộc như: Văn hóa ẩm thực, trang phục, các môn thể thao dân tộc, giúp bà con giới thiệu những cái hay, cái đẹp của dân tộc mình đến dân tộc khác, từ đó giúp thế hệ trẻ ý thức sâu sắc hơn và tự hào về bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình cũng như chung tay bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống ông cha để lại”.

Do chú trọng phát triển văn hóa, thể thao vùng dân tộc thiểu số của huyện đã tác động tích cực đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh. Từ đó nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho nhân dân nói chung và bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Tác giả: Sóc Ca

Nguồn: Tạp chí VHNT số 450, tháng 1-2021

 

;