Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”: Một động lực góp phần cho sự phát triển ổn định của tỉnh Hải Dương

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai ở tỉnh Hải Dương đã 20 năm (2000 - 2020) cùng với những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong quá trình triển khai, bên cạnh những thuận lợi, phong trào cũng gặp không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi phải có nhận thức, đánh giá chính xác để chỉ đạo phù hợp, đạt hiệu quả.

Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Hải Dương

Về kinh tế, tính đến hết năm 2019, cơ cấu kinh tế Hải Dương đã chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ. Hiện cơ cấu nông nghiệp của tỉnh chỉ còn 8,8%; trong khi công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng chiếm 59,7%; dịch vụ, thương mại chiếm 31,5%.  GDP bình quân đầu người đạt 74,4 triệu đồng (3.200 USD); tỷ lệ hộ nghèo còn 1,85%. Trên đà phát triển, tỉnh tiếp tục gặt hái được những thành tựu mới, khi tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 19.231 tỷ đồng. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được quan tâm chỉ đạo và đầu tư, từ đó thu hút sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân. Đến tháng 10 năm 2020, toàn tỉnh có 163/178 xã đạt chuẩn NTM (chiếm tỷ lệ 91,5%); 7/12 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn NTM (chiếm tỷ lệ 58,3%).

Về sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo các cấp, sự ủng hộ nhiệt thành của các tầng lớp nhân dân là một động lực lớn tạo đà cho phong trào phát triển. Ngay từ khi triển khai, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối kết hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể. Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp nhanh chóng được xây dựng, kiện toàn, xây dựng quy chế phối giữa các ngành, đoàn thể thành viên Ban chỉ đạo. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của Trung ương nhanh chóng được Ban chỉ đạo tỉnh triển khai, thực hiện tạo ra sự thống nhất cơ bản về nhận thức, chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân… làm cho văn hóa thấm sâu vào từng cơ sở, làng xóm, từng gia đình, thành vấn đề xã hội rộng lớn tác động sâu sắc đối với đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Văn Cầu trao bằng khen tại Hội nghị

Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó có xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh mà tập trung vào nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động văn hóa, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", tỉnh Hải Dương đã triển khai phong trào theo hướng nâng cao chất lượng Gia đình văn hóa; Làng, Khu dân cư văn hóa; xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; xây dựng gương điển hình người tốt, việc tốt; toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại; xây dựng Làng, Khu dân cư an toàn về an ninh trật tự. Công tác tuyên truyền phổ biến, quán triệt ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các nội dung, tiêu chí công nhận danh hiệu văn hóa đến tất cả các cá nhân, gia đình và cộng đồng được đặc biệt quan tâm. Trong đó, tôn trọng quyền tự nguyện, tự giác của các gia đình, cộng đồng, đơn vị trong việc đăng ký xây dựng các danh hiệu văn hóa, tránh mệnh lệnh hành chính, gò ép chạy theo chỉ tiêu, số lượng. Tạo điều kiện để cho các cá nhân, gia đình, cộng đồng, đơn vị tham gia bàn bạc chương trình, kế hoạch xây dựng danh hiệu văn hóa, tham gia vào công tác quản lý và giám sát thực hiện các quyết định quản lý. Đề cao trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong việc thực hiện các chương trình, kế hoạch và các quy định về xây dựng đời sống văn hóa đi đôi với thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện. Xây dựng động lực, cơ chế hưởng lợi về vật chất, tinh thần và tính giá trị văn hóa, thiết thực hiệu quả để thu hút nhân dân tham gia thực hiện phong trào. Thực hiện nguyên tắc công khai, dân chủ, đúng tiêu chuẩn và khắc phục bệnh chạy theo thành tích, số lượng trong việc công nhận các danh hiệu văn hóa. Tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân quyên góp xây dựng đời sống văn hóa theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Vì thế, các phong trào trên đều phát huy hiệu quả . Đến năm 2020 tỷ lệ Gia đình văn hóa đạt 90,0%; Làng, Khu dân cư văn hóa đạt 96,0%; 86,4% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; toàn tỉnh có 30% dân số luyện tập TDTT thường xuyên, 21% số gia đình được công nhận là gia đình thể thao. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 1,36%. Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức quyên góp hàng trăm tỷ đồng xây dựng hàng nghìn ngôi nhà cho các đối tượng chính sách. Phong trào xây dựng Làng an toàn về an ninh trật tự được phát động từ năm 1998 đến nay đã đem lại nhiều kết quả tốt. Phong trào xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao thu hút được sự quan tâm và huy động được các nguồn lực xã hội. Ở thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 1484/1334  thôn, khu dân cư có Nhà văn hóa (trong đó có thôn xây dựng từ 2, 3, 4 Nhà văn hóa do diện tích rộng). 100% làng, khu dân cư có tủ sách đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân. Công tác đầu tư, chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo di tích được chú trọng. Việc cưới, việc tang có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng tiết kiệm, văn minh được người dân đồng tình hưởng ứng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cũng từng bước khắc phục tâm lý trông chờ ỷ lại vào nhà nước cấp trên; đã huy động được các nguồn lực trong dân, nhiều “Mạnh Thường Quân”, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư kinh phí hàng chục tỷ đồng xây dựng các thiết chế văn hóa, chống xuống cấp di tích, giành đất và kinh phí xây dựng các thiết chế thể thao, khu du lịch sinh thái, góp phần đáng kể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh, TDTT và sự phát triển, tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Từ những kết quả trên, có thể nói, sau 20 năm triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhận thức về văn hóa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa được nâng lên; công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào được tăng cường; người dân tham gia hưởng ứng thực hiện phong trào ngày càng đông đảo, tự giác. Phong trào ngày càng phát triển sâu rộng, có tác động tích cực, toàn diện, sâu sắc đến việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển văn hoá và thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, do phong trào phát triển trong thời gian dài, khó tránh sự phát sinh những tồn tại, hạn chế. Cụ thể như:

Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào ở các cấp tuy có bước phát triển nhưng chưa đồng đều. Phong trào phát triển chưa thường xuyên, ổn định, sự phối hợp giữa các ban ngành có lúc, có nơi còn hạn chế. 

Phong trào xây dựng Làng, khu dân cư văn hóa ở một số địa phương tuy phát triển nhưng chưa đi vào chiều sâu, nhiều đơn vị còn chạy theo thành tích, không coi trọng việc đầu tư cho phong trào và duy trì thường xuyên nên một số làng, KDC văn hóa đã để phát sinh một số vấn đề về tệ nạn xã hội, còn xảy ra vụ trọng án, tỉ lệ sinh con thứ 3 gia tăng, mất cân bằng giới tính khi sinh, không thực sự chú trọng đến công tác vệ sinh môi trường cũng như việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Công tác triển khai thực hiện phong trào ở khu vực cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp còn bị coi nhẹ, nhiều nơi chưa đề ra kế hoạch, chương trình cụ thể hoặc có nhưng không được thực hiện hay thực hiện chưa có hiệu quả rõ rệt. Khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa được quan tâm xây dựng.

Công tác bình xét các danh hiệu văn hóa ở một số địa phương chưa chặt chẽ theo quy trình; một bộ phận nhân dân còn thờ ơ, chưa hiểu hết ý nghĩa, nội dung của phong trào. Hình thức, nội dung sinh hoạt văn hóa, TDTT và vui chơi giải trí ở một số cộng đồng dân cư còn nghèo nàn. Mức hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân ở các vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.

Thiết chế phục vụ cho hoạt động văn hóa, thể thao ở một số địa phương còn khó khăn, bất cập, một số nơi đã xuống cấp trầm trọng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị... chất lượng không đảm bảo cho tổ chức hoạt động. Việc thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Hải Dương chưa có công trình văn hóa thiết yếu, đạt chuẩn cấp tỉnh như: sân vận động, rạp chiếu phim.

Kinh phí hoạt động cho Ban chỉ đạo các cấp còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động của phong trào nên rất khó khăn cho việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là phong trào mang tính xã hội rộng lớn, liên quan đến nhiều ngành đoàn thể, nhiều lĩnh vực. Vì thế, cần có sự quan tâm của cả hệ thống chính trị. Trước mắt, cần khắc phục tâm lý nóng vội trong công tác chỉ đạo, để nâng cao chất lượng phong trào cần tập trung vào những giải pháp sau:

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9/6/2014- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11; Kết luận số 76/KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong đó tập trung đẩy mạnh xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Củng cố và kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp. Đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động. Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban vận động ở thôn, khu dân cư. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của ban chỉ đạo các cấp. Nâng cao công tác thẩm định, xét duyệt đề nghị công nhận các danh hiệu văn hóa, tránh tình trạng chạy theo thành tích, chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng của phong trào. Đảm bảo 100% Ban Chỉ đạo các cấp được cấp kinh phí hoạt động thường xuyên, ổn định.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phong trào gắn với các phong trào thi đua, cuộc vận động khác trên địa bàn; tăng cường tuyên truyền về ứng xử văn hóa, văn minh trong gia đình và cộng đồng; chú trọng truyền thông và nêu gương các điển hình tiên tiến.

Tham mưu, đề xuất hoàn thiện việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Nâng cao chất lượng và phát huy tốt công năng của Nhà văn hóa thôn, khu dân cư. Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý của các cấp ủy, chính quyền trong việc kiểm tra, điều chỉnh, uốn nắn, kịp thời biểu dương tập thể, cá nhân, cơ sở địa phương có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào; chú trọng đến các nhân tố mới, tổng kết, rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng.

Đẩy mạnh phong trào văn nghệ, thể thao trong công nhân, người lao động; củng cố, xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần có kế hoạch, kinh phí cho hoạt động văn nghệ, thể thao trong năm, thành lập các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao và xây dựng nội quy, quy chế hoạt động của câu lạc bộ. Đầu tư kinh phí để xây dựng các thiết chế văn hóa như: sân bãi luyện tập thể dục thể thao, thư viện, tủ sách, âm thanh, ánh sáng... tạo điều kiện cho công nhân, người lao động luyện tập nâng cao đời sống tinh thần và giữ gìn sức khỏe.

Khơi dậy, phát huy ý thức tự nguyện, tự quản cộng đồng của các tầng lớp nhân dân trong quá trình xây dựng gia đình văn hóa, Làng, Khu dân cư văn hóa. Lồng ghép thực hiện nội dung, tiêu chí của các phong trào, các cuộc vận động, đảm bảo sự thống nhất đồng bộ, nhằm nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc về xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; thực hiện quy chế văn hóa công sở; văn hóa trong các đơn vị sự nghiệp, văn hóa doanh nghiệp, nếp sống văn minh nơi công cộng và văn hóa giao thông; cụ thể hóa thành các tiêu chí để đánh giá, bình xét các danh hiệu thi đua. Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ và chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang trong việc thực hiện nếp sống văn hóa toàn xã hội.

Tiếp tục thực hiện, bổ sung nội dung hoạt động các chương trình phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang đã ký kết về xây dựng đời sống văn hóa nhằm phát triển có chất lượng hơn phong trào văn hóa, văn nghệ và TDTT trong công chức, viên chức, lao động và lực lượng vũ trang.

Rà soát quy hoạch xây dựng và kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đảm bảo đúng quy định và đồng bộ về cơ cấu, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của địa phương. Ban hành chính sách khuyến khích, ưu đãi, thu hút cán bộ trẻ đã được đào tạo, đủ tiêu chuẩn về công tác tại các địa phương.

Đẩy mạnh thực hiện phong trào xã hội hóa văn hóa. Tiếp tục vận động nhân dân, những người hảo tâm và kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia đóng góp xây dựng cơ sở vật chất - hạ tầng, xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở cộng đồng, xây dựng các loại quỹ hỗ trợ người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn, những gia đình chính sách và có công với cách mạng. Tổ chức tốt các hình thức, phương pháp hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, lễ hội truyền thống và vui chơi, giải trí phù hợp với các đối tượng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, hình thành phong trào xã hội hóa văn hóa, phát huy vai trò chủ động, tích cực và sáng tạo của nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. 

Tác giả: Phạm Văn Quyền

Nguồn: Tạp chí VHNT số 447, tháng 12-2020

;