Tác phẩm “Long Hưng Triệu Vũ Đế, tư liệu và luận giải” do Nhóm Nghiên cứu di sản văn hóa đền miếu Việt bao gồm các tác giả Nguyễn Đức Tố Lưu, Thích Tâm Hiệp, Nguyễn Đức Tố Huân biên soạn, vừa ra mắt nhân dịp Lễ hội đền Đồng Xâm (Kiến Xương, Thái Bình). Không chỉ là một khảo luận lịch sử độc đáo, tác phẩm này còn tập hợp những tư liệu lịch sử có giá trị về các vị vua nhà Triệu cùng quá khứ hào hùng mở nước, trị dân của các bậc tiền nhân người Việt.
Khai hội Đền Đồng Xâm, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, Thái Bình
Quần thể di tích đền Đồng Xâm thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương (Thái Bình) bao gồm đền Đồng Xâm thờ Triệu Vũ Đế và Trình Thị Hoàng Hậu (vợ Vua Triệu Vũ Đế), đền Tổ thờ Nguyễn Kim Lâu (vị tổ nghề chạm bạc cổ truyền). Đền Đồng Xâm đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1990. Đây là cụm di tích quan trọng nhất và còn giữ nhiều tư liệu quý về Triệu Vũ Đế, cũng là một trong Chân Định Tứ Linh từ của vùng Thái Bình, Nam Định. Đền Đồng Xâm hiện đang lưu giữ nhiều bài thơ, câu đối lưu bút danh bái đề của những danh sĩ nổi tiếng như Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, Tiến sĩ Doãn Khuê, Phó bảng Vũ Tuân… Đặc biệt, đền còn lưu được một cuốn vở chép tay chữ Nho ghi lại thần tích, tên hiệu của Triệu Vũ Đế và Hoàng Hậu Trình Thị cùng hơn 100 bài văn tế các tiết, trong đó có 8 bài ca trù tế thánh, một bài văn tế tổ sư nghề đúc đồng và một bài văn tế tổ nghề ca công. Những tư liệu này đã được đưa vào hồ sơ của UNESCO ghi danh ca trù là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp năm 2009. Trong đền có tượng thờ Triệu Vũ Đế và Trình Thị Hoàng Hậu đúc bằng đồng, khảm vàng thếp bạc. Trong khám thờ còn bảo lưu được kiếm đúc vàng, búa sắt - theo truyền ngôn là bảo vật của Triệu Vũ Đế được lưu truyền.
Cuộc thi bơi trải tại Lễ hội đền Đồng Xâm
Từ xa xưa, cứ vào cuối tháng Ba, đầu tháng Tư âm lịch là dịp Lễ hội đền Đồng Xâm được tổ chức, thu hút đông đảo du khách thập phương và người dân địa phương tham dự. Lễ hội đền Đồng Xâm năm 2024 diễn ra từ ngày 29-3 đến hết ngày mùng 3-4 âm lịch với nhiều hoạt động: phần Lễ gồm Lễ rước kiệu Thánh Bà từ đền Bà về Đền Cả và các hoạt động tế lễ, phần hội là các hoạt động văn hóa đặc sắc như hát ca trù, hát chèo, múa rối nước, các trò chơi dân gian… Đặc biệt sôi nổi nhất là cuộc thi bơi trải của nam, nữ thanh niên trên sông Vông – con sông chảy qua đền Đồng Xâm.
Nhân dịp Lễ hội đền Đồng Xâm năm nay, Nhóm Nghiên cứu di sản văn hóa đền miếu Việt đã giới thiệu tác phẩm Long Hưng Triệu Vũ Đế, tư liệu và luận giải (do Nxb Lao động ấn hành năm 2024). Cuốn sách không chỉ là một khảo luận lịch sử độc đáo, mà còn là tài liệu hướng dẫn giá trị về văn hóa tín ngưỡng đối với các vị vua nhà Triệu đã khai cơ mở nước Nam người Việt. Khảo cổ các lớp thành Cổ Loa, niên đại các đồ đồng Đông Sơn tìm thấy ở nước ta, con Rồng đá bên Giếng Việt miền Châu Sơn, tấm bia Xá lợi tháp minh ở Luy Lâu… là những bằng chứng vật chất rõ ràng của thời kỳ Nam Việt. Nguồn tư liệu thành văn rất phong phú về phả tích, sắc phong, hoành phi, câu đối, văn tế các vua Triệu được dịch và giới thiệu kỹ lưỡng tại mỗi đền miếu ở từng vùng văn hóa tín ngưỡng liên quan.
Tác phẩm "Long Hưng Triệu Vũ Đế, tư liệu và luận giải"
Tác giả Thích Tâm Hiệp cho biết: “Nhắc tới Triệu Vũ Đế, chúng ta đều biết tới đền Đồng Xâm. Đây là ngôi đền chính thờ ngài và Trình Thị Hoàng Hậu. Nhân dân vùng Kiến Xương (Thái Bình) tôn thờ ngài là Nam Bang Đế thủy, là Khai quốc Đại đế - Bậc Đế vương khởi đầu một triều đại chính thống, khai sinh quốc gia Nam Việt. Trong Bình Ngô Đại cáo, Nguyễn Trãi đã viết: “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập” - xếp nhà Triệu lên đầu trong thế thứ các triều đại nước ta. “Triệu Đà là vị hiền quân, Quốc danh Nam Việt trị dân năm đời” - Đây là hai câu thơ trong bài thơ Lịch sử nước ta của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1941 tại Cao Bằng.
Trong các sách vở lịch sử ngày nay, vị hiền quân Triệu Vũ Đế - Triệu Đà đang phải chịu những nỗi “oan ức” khó giải về thân thế và sự nghiệp của ông. Nhưng có một sự thật không thể bác bỏ, đó là vua Triệu được thờ một cách tôn kính ở rất nhiều ngôi đền lớn tại miền Bắc nước ta từ hàng trăm năm nay, như một vị Đế vương khai cơ hiển hách của nước Nam người Việt. Khi bắt tay vào biên soạn cuốn sách bằng việc đi điền dã, tìm hiểu các tư liệu lịch sử, nghiên cứu sâu hơn để viết về nhà Triệu, chúng tôi càng thấu hiểu và tôn kính một thời đại huy hoàng oanh liệt của các bậc Đế vương nước Nam Việt. Một cảm thức sâu sắc được củng cố là tự xa xưa, không phải tự nhiên mà người dân phụng thờ các vị vua nhà Triệu. Muốn tìm hiểu lịch sử Việt, không thể tách rời đời sống văn hóa và tín ngưỡng, bởi đó chính là tấm gương phản chiếu lịch sử. Lời bài ca trù tế thánh ở đền Đồng Xâm như tóm tắt cơ nghiệp nhà Triệu: “Nam Hải Kiến Xương cơ, hùng tranh Hán Bắc; Phiên Ngu Chân Định đỉnh, đế thủy Viêm Nam”.
Tác giả Nguyễn Đức Tố Lưu cũng cho biết, tác phẩm Long Hưng Triệu Vũ Đế, tư liệu và luận giải đã tiếp cận vấn đề nhà Triệu từ những di tích, di sản văn hóa ở khắp các vùng trên miền Bắc, kết hợp với nhiều phát hiện khảo cổ mới trong những năm gần đây để đưa ra những luận giải khoa học làm rõ thân thế, sự nghiệp không chỉ cho vua Triệu Đà, mà cả thời kỳ nhà Triệu nước Nam Việt.
Tác giả Nguyễn Đức Tố Lưu chia sẻ thêm về tác phẩm "Long Hưng Triệu Vũ Đế, tư liệu và luận giải"
Triệu Đà xuất thân áo vải, làm quan huyện ở Kiến Xương (Thái Bình), giương cờ khởi nghĩa kháng Tần ở núi Châu Sơn (Bắc Ninh), thấy rồng bay lên ở Long Biên mà thành nghiệp, chiếm thành Cổ Loa rồi thống nhất thiên hạ, lên ngôi lấy tên là Triệu Vũ Đế. Nối tiếp cơ nghiệp của ông là Triệu Quang Phục, chống giặc ở đầm Dạ Trạch, xưng Đế ở Phiên Ngung, lập nên tuyên ngôn Nam quốc sơn hà, đối lập với nhà Tây Hán. Nhà Triệu truyền 5 đời tới Vệ Dương Vương thì kết thúc ở cửa Đại Nha bên bờ biển Nam Định - Ninh Bình.
Không chỉ khảo cứu các vị vua nhà Triệu, cuốn sách còn luận giải những giai đoạn lịch sử liên quan khác là thời kỳ Thục An Dương Vương và thời Tiền Lý Nam Đế bằng những tư liệu điền dã phong phú và nhận định tổng hợp sâu sắc. Dày 568 trang, tác phẩm Long Hưng Triệu Vũ Đế, tư liệu và luận giải được thực hiện công phu qua việc tiến hành điền dã thực địa các di tích, lật lại từng bản thần phả, khai thác sâu di sản Hán Nôm hiện còn được bảo lưu tại các địa phương và trong nhân dân để giải mã những câu chuyện lịch sử. “An Dương Vương -Triệu Việt Vương phả đồ” được đúc kết trong tác phẩm là cái nhìn tổng quan về một giai đoạn lịch sử đầy biến động mà vô cùng quan trọng trong lịch sử dân tộc.
Bài, ảnh: NGÔ HỒNG VÂN