Từ 4-19/5: “Những ngày Văn học châu Âu” năm 2024

Sự kiện thường niên “Những ngày Văn học châu Âu” quay trở lại với độc giả yêu văn học từ ngày 4 đến 19-5-2024. Chuỗi chương trình năm nay sẽ bao gồm nhiều hoạt động đa dạng, từ sự kiện, thảo luận, workshop, triển lãm… tập trung vào văn học giới với chủ đề: Xuyên (thế) giới – Gender Novel (TY).

“Những ngày Văn học châu Âu” là chuỗi chương trình được do EUNIC (Hiệp hội các tổ chức về văn hóa châu Âu) khởi xướng. Năm nay, “Những ngày Văn học châu Âu” sẽ có sự tham gia của các tổ chức: Viện Goethe, Hội đồng Anh, Viện Cervantes, Đại sứ quán Tây Ban Nha, Đại sứ quán Ý, Đại sứ quán Ba Lan và Đại sứ quán Cộng hòa Czech.

Đại diện các tổ chức tham gia "Những ngày Văn học châu Âu" tại buổi họp báo

Phát biểu tại buổi họp báo sáng ngày 6-5-2024 tại Viện Goethe, ông Oliver Brandt - Chủ tịch EUNIC Việt Nam, Viện trưởng Goethe-Institut cho biết: “Chủ đề chương trình năm nay đặt trọng tâm vào văn học giới, trong đó sẽ giới thiệu những tác phẩm nữ quyền và “queer” (từ tiếng Anh chỉ sự lạ lùng, kỳ quặc, lệch pha. Hiện nay, từ này được dùng chung cho cộng đồng LGBT - những người đồng tính nam - nữ, song tính và chuyển giới) của các nhà văn trẻ, cũng như gợi mở những hướng tiếp cận khác đối với những tác phẩm kinh điển của văn chương châu Âu. Trong những năm gần đây, văn đàn châu Âu chứng kiến sự xuất hiện nhiều hơn của những cây viết nữ và queer. Các tác phẩm của họ đặt ra những thảo luận đa dạng về giới, đồng thời phản tư (hướng ý thức vào bản thân mình, ngẫm nghĩ về trạng thái tâm lý của mình) về những vấn đề của căn tính queer và người nữ. Từ đó mở ra một hành trình nhiều chông gai nhưng cũng không ít vinh quang để đến với bình đẳng xã hội. Đặc biệt, trong văn chương của những cây viết trẻ, chúng ta tìm thấy những cách biểu đạt và cảm thức khác về sự đa dạng giới. Bởi vậy, năm nay chúng tôi lựa chọn chủ đề này để khuyến khích các tác giả, nhất là phụ nữ và cộng đồng LGBT bày tỏ quan điểm của mình, qua đó phản ánh được tính đa dạng của thế giới ngày nay”.

“Những ngày Văn học châu Âu” năm nay cũng sẽ khởi xướng nhiều diễn đàn đối thoại cho những nhà văn thuộc dòng ngoại biên của văn chương ở các nước châu Âu và Việt Nam. Cụ thể hơn, các sự kiện sẽ giới thiệu những tác phẩm quan trọng, cũng như những dòng văn chương được khởi xướng bởi một thế hệ các nhà văn trẻ ở cả châu Âu và Việt Nam. Đặc biệt, một số nhà văn châu Âu cũng được mời đến Việt Nam và tham gia vào những thảo luận về văn học giới với các tác giả và đối tác Việt Nam.

Ông Oliver Brandt cho biết, Viện Goethe đã mời hai nhà văn người Đức theo dòng văn học queer là Nilufar Karkhiran Khozani và Jayrôme C. Robinet tham gia chương trình. Hai nhà văn sẽ thảo luận về những xuất bản gần đây của họ cũng như đưa đến những góc nhìn phong trào vận động về quyền LGBTQI+ tại Đức. Đặc biệt, Nilufar và Jayrôme sẽ dẫn dắt 3 workshop với các chủ đề khác nhau về văn chương queer và nữ quyền nhằm hướng đến các cây viết trẻ: “Kết truyện – Tìm kiếm các cách kết truyện cho nhân vật queer”, “Viết sáng tạo với Jayrôme C. Robinet”, “Trò chuyện văn học: Chuyển dịch giữa những vùng trời giới – Những tự sự văn chương”... diễn ra tại Viện Goethe Hà Nội. Ngoài ra Viện Goethe TP.HCM sẽ tổ chức Worshop: “Những cái nhìn đa dạng về không gian công cộng trong sáng tác văn chương”.

Buổi họp báo ra mắt sự kiện "Những ngày Văn học châu Âu" tại Viện Goethe Hà Nội

Bên cạnh đó, nhà văn Alena Mornštajnová – người được mệnh danh là “bà hoàng” của Văn học Czech – cũng sẽ có những chia sẻ trực tiếp với độc giả yêu văn học Hà Nội về tác phẩm Bác Hana do Nxb Phụ nữ Việt Nam xuất bản năm 2023.

Ngoài ra, nhà văn và nghệ sĩ đến từ Xứ Wales Joshua Jones sẽ điều phối cuộc thảo luận xoay quanh cuốn sách Room/Ystafell/Phòng. Đây là tác phẩm quy tụ trải nghiệm queer của 6 cây viết từ Việt Nam và Xứ Wales, cũng là sự kiện mở màn cho triển lãm thơ và ảnh của 6 tác giả trên tại Viện Goethe.

Ông Javier Serrano Avilés – Điều phối viên Aula Cervantes tại Hà Nội cho biết, trong khuôn khổ “Những ngày Văn học châu Âu”, vào chiều ngày 6-5, Tọa đàm Lorca: “Thơ và tình yêu ẩn dấu” diễn ra ở Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Hà Nội với hai diễn giả: TS José Manuel Ruiz Martínez – Đại học Granada và TS Trần Ngọc Hiếu – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông chia sẻ, tại Việt Nam, thơ của Lorca được biết đến qua những bản dịch từ tiếng Nga hay tiếng Pháp. Sau gần 30 năm, đây vẫn là tuyển tập đầu tiên và là một trong số rất ít các ấn phẩm về thơ Lorca tại Việt Nam dù tên của ông được nhiều người biết đến. Hơn thế nữa, một bài thơ viết về Lorca và cây đàn ghita của tác giả Thanh Thảo còn được đưa vào sách giáo khoa cấp trung học phổ thông tại Việt Nam. Buổi Tọa đàm này sẽ mang tới cái nhìn sâu hơn về cuộc đời và tác phẩm của nhà thơ Federico García Lorca, khám phá góc nhìn về Lorca như một tác giả queer và so sánh với Văn học LGBT tại Việt Nam, nhằm mục đích tăng cường trao đổi văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam và Tây Ban Nha.

Đại sứ quán Italy mang đến sự kiện thảo luận những vấn đề có tính đương đại hơn với chủ đề: “AI và dịch sách – Chia sẻ từ các nhà văn và dịch giả nữ” để cùng tìm hiểu về cách AI đang thay đổi việc dịch văn chương thông qua câu chuyện và góc nhìn của những nhà văn và dịch giả nữ. Bên cạnh đó là chương trình thảo luận nhân dịp ra mắt sách Du ký vòng quanh nước Ý.

Bà Nguyễn Mai Quyên - đại diện Đại sứ quán Ba Lan cho biết, Đại sứ quán Ba Lan sẽ mang đến cho độc giả buổi “Trò chuyện văn học: Chuyến phiêu lưu của huyền thoại Ba Lan”, bao gồm 6 câu chuyện truyền cảm hứng cho người trẻ. Bà cũng chia sẻ, đây là những tinh hoa của văn học Ba Lan, hy vọng sẽ mang lại những năng lượng tích cực cho độc giả và giúp họ có cơ hội tìm hiểu về văn học Ba Lan theo cách sáng tạo hơn.

 

Bài, ảnh: NGÔ HỒNG VÂN

;