Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII - “Khát vọng và bản lĩnh Việt Nam”

Tối ngày 21-6-2024, tại Cung Văn hóa lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội), lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII - năm 2023 với chủ đề “Khát vọng và bản lĩnh Việt Nam” long trọng diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024).

Tham dự buổi lễ có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó thủ tướng Chính Phủ Trần Lưu Quang; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia…

Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh: “99 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chăm lo, dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự tin yêu, đùm bọc của nhân dân, báo chí Cách mạng Việt Nam luôn gắn bó, đồng hành với sự nghiệp cách mạng dân tộc... Các thế hệ nhà báo cách mạng xứng đáng là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao vai trò, những thành tựu và sự đóng góp to lớn của báo chí trong suốt những năm qua. Tiếp nối truyền thống đó, với đội ngũ người làm báo hơn 25.000 hội viên, gồm đầy đủ các loại hình báo chí, chúng ta tự hào đã có một nền báo chí phát triển, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng và nhân dân”. Trong bối cảnh khó khăn thách thức chung của thế giới, khu vực và đất nước, có những thách thức chưa từng có tiền lệ, báo chí vẫn luôn là lực lượng xung kích tuyên truyền hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, luôn gắn bó và đồng hành trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phụng sự Nhân dân”.

Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Lễ trao giải

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu chỉ đạo tại lễ trao giải, Chủ tịch nước Tô Lâm nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao những thành tích, kết quả của báo chí và đội ngũ những người làm báo đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước trong suốt 99 năm qua. Chủ tịch nước cũng chúc mừng 122 tác giả, nhóm tác giả được trao giải. Các tác phẩm đoạt giải phản ánh bức tranh lao động sôi nổi của báo giới cả nước trong năm qua, đồng thời đại diện cho thành tựu to lớn của đội ngũ những người làm báo Việt Nam.

Theo Chủ tịch nước, “năm 2025 sẽ kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước hoàn thành thắng lợi mục tiêu 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước, đến giữa TK XXI, nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ to lớn, cũng hết sức vẻ vang đối với báo chí và đội ngũ những người làm báo trong tuyên truyền, tạo sự đồng tâm, đồng thuận xã hội và sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng; đồng thời xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại”.

Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị “tập trung xây dựng đội ngũ những người làm báo thực sự là những người lính trên mặt trận văn hóa tư tưởng, có tâm sáng, lòng trong, bút sắc, vừa hồng, vừa chuyên”; kiên định lý tưởng, giá trị cao đẹp của nghề báo, tuân thủ nguyên tắc, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái sai, bảo vệ cái đúng, cái tốt, luôn hết lòng, hết sức vì sự nghiệp chung.

Số lượng tác phẩm gửi về tham dự Giải lần này là 1.905 tác phẩm, trong đó có 1.827 tác phẩm đủ điều kiện theo quy định. Trong số 165 tác phẩm vào chung khảo, Hội đồng đã thảo luận, thẩm định và bỏ phiếu lựa chọn được 10 giải A, 26 giải B, 45 giải C và 41 giải Khuyến khích để trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII-2023.

Chủ tịch nước Tô Lâm và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải A cho các tác giả, đại diện nhóm tác giả đoạt giải

Một số tác phẩm báo chí tiêu biểu như: loạt 5 bài: Thu hút đầu tư nước ngoài: Bước ngoặt 35 năm và cơ hội lịch sử của tác giả: Lê Thị Thanh Hà (Nguyên Đức) - Chi hội Nhà báo Báo Đầu tư; loạt 3 kỳ: Nhận thức và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn trong quá trình đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của tác giả Lê Hải – Chi hội Nhà báo Tạp chí Cộng sản; loạt 3 bài: Công viên Địa chất Toàn cầu bị “xẻ thịt” của nhóm tác giả Bùi Thanh Hải, Nguyễn Thanh Sơn – Báo Nông thôn ngày nay, Liên chi hội Nhà báo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; tác phẩm: Trở về của nhóm tác giả Nguyễn Vũ Duy, Nguyễn Thị Thu Hòa, Nguyễn Phạm Huân, Nguyễn Quỳnh Hoa – Ban Thời sự, Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam; loạt 3 bài: Vì sao tiền dành cho đồng bào nghèo dân tộc thiểu số “bị nhốt” trong kho bạc? của nhóm tác giả Trịnh Đình Thiệu (Đình Thiệu), Nguyễn Long Phi (Long Phi) – Cơ quan thường trú khu vực miền Trung, Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam…

Theo nhà báo Lê Quốc Minh, số lượng tác phẩm dự giải lần này đạt mức cao nhất trong những năm gần đây với 1.905 tác phẩm, qua đó cho thấy sức hút mạnh mẽ của Giải và sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các hội viên cùng các cấp Hội nhà báo trong cả nước.

Các tác phẩm dự giải năm nay có chất lượng tốt, đã bám sát các chủ đề lớn từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và các mặt của đời sống trong năm 2023. Nhiều tác phẩm có tính phát hiện vấn đề mới, phản biện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước; đề xuất nhiều giải pháp kiến tạo, cách làm hay có sức lan tỏa, ảnh hưởng trong xã hội. Báo chí trong năm qua đã phản ánh những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, người dân và doanh nghiệp nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và Chiến lược phát triển đất nước nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng; Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Báo chí cũng phát hiện ra các mô hình phát triển nông nghiệp, nông sản, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đề cập tới những vấn đề, những điểm nghẽn của nền kinh tế như: Đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài, thị trường vàng, điện, xăng dầu, chứng khoán, bất động sản, tín dụng… Báo chí đề cập trực diện những vấn đề nóng, nổi cộm trong xã hội như: vụ khủng bố tại Đắk Lắk và trục lợi từ tội phạm chống phá Nhà nước; nạn lừa đảo thời 4.0; hiểm họa “bụi phổi” và “ô nhiễm trắng”; những bài học đau xót từ “chung cư mini”… Báo chí đã tham gia các hoạt động thông tin đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, truyền thông chính sách và tiến trình xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nêu cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, những tấm gương điển hình, những nghĩa cử cao đẹp, có tính thuyết phục, lay động lòng người…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trao giải B cho các tác giả, đại diện nhóm tác giả đoạt giải

Điểm nổi bật năm nay chính là các sản phẩm báo chí đa phương tiện được đầu tư công phu, hấp dẫn. Nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại, phát triển báo chí đa nền tảng, đa phương tiện và các hình thức báo chí sáng tạo nhằm tăng sức hấp dẫn, tăng khả năng tiếp cận của công chúng.

Ngoài các cơ quan báo chí ở trung ương, một số báo, đài địa phương cũng có thay đổi trong cách chọn chủ đề, đề tài và triển khai theo phương thức mới mẻ, hiện đại, được đánh giá cao cả về chất lượng và hình thức thể hiện. Có thể thấy, qua mỗi mùa giải, chất lượng tác phẩm dự thi càng ngày càng tốt hơn, khoảng cách giữa báo chí trung ương và báo chí địa phương ngày càng được thu hẹp.

Giải Báo chí quốc gia hằng năm là sự kiện lớn thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới cả nước, là giải thưởng cao quý nhất dành tặng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc, đóng góp tích cực cho sự nghiệp báo chí nước nhà; là dịp tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất hằng năm, theo Quyết định số 369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giải Báo chí quốc gia và Quyết định số 1694/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Nâng cao chất lượng Giải báo chí quốc gia.

Qua 18 năm tổ chức, đến nay, Giải tiếp tục nhận được sự tham gia chủ động, tích cực, hào hứng của 18/21 Liên chi hội, 30/223 Chi hội trực thuộc, đặc biệt là 63/63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố... Số tác phẩm của tác giả không phải hội viên Hội Nhà báo Việt Nam là 127 tác phẩm. Điều này cho thấy sức hút mạnh mẽ của Giải, sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các hội viên và các cấp Hội Nhà báo trong cả nước.

LIÊN HƯƠNG - Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

;