Lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc vùng Tây Nguyên

Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I tại Kon Tum đã khép lại, nhưng dư âm của Ngày hội sẽ còn đọng mãi trong lòng các nghệ nhân, diễn viên và du khách. Các hoạt động của đồng bào các dân tộc đến từ 5 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng mang đến Ngày hội là những “món ăn tinh thần” mang đậm nét đặc trưng, màu sắc truyền thống văn hóa của mỗi dân tộc.

Ngày hội thu hút đông đảo du khách đến thưởng lãm

Được tổ chức từ ngày 29-11 đến 1-12-2023, Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I tại Kon Tum do Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Kon Tum chủ trì, phối hợp với các Ban, Bộ, ngành Trung ương và 5 tỉnh tổ chức. Các hoạt động sôi nổi đã được diễn ra, tạo nên không khí phấn khởi đoàn kết, khích lệ lòng tự hào về giá trị văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, sự hiểu biết và ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn di sản văn hóa quý báu của mỗi dân tộc.

Màn trình diễn đặc sắc của gần 600 nghệ nhân, diễn viên, học sinh trong Lễ Khai mạc Ngày hội

Với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên, tinh hoa hội tụ”, Ngày hội đã góp phần cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, đột phá chiến lược tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và để “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” theo lời dạy của Bác Hồ. Đồng thời góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, tôn vinh, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc khu vực Tây Nguyên nói riêng và bản sắc văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam nói chung.

Chia sẻ về ý nghĩa của Ngày hội, ông Phan Văn Hoàng – Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum cho biết: Ngày hội VHTTDL các dân tộc tỉnh Tây Nguyên là cơ hội để quảng bá giới thiệu các di sản văn hóa của đồng bào dân tộc vùng Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng. Bên cạnh đó, nhằm quảng bá, giới thiệu những điểm đến của Kon Tum gắn với phát triển du lịch. Đối với công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, nhiều năm qua đã được Đảng, Nhà nước quan tâm phát triển vùng Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng, đây là chủ trương hết sức quan trọng, thông qua Ngày hội, tỉnh Kon Tum hy vọng đem đến cho du khách tại tỉnh cũng như các tỉnh bạn có được ấn tượng về Kon Tum.

Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I được tổ chức tại Quảng trường 16/3, TP Kon Tum, thu hút lượng lớn du khách đến vui chơi, thưởng lãm các hoạt động của các nghệ nhân, diễn viên đến từ các tỉnh vùng Tây Nguyên.

Đến với Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I, khán giả Tây Nguyên và người xem cả nước đã được chiêm ngưỡng màn trình diễn với các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, ấn tượng tại Lễ Khai mạc của gần 600 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng các dân tộc: Ê Đê, Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ - Triêng, M’nong, K’ho, Chu Ru, H’Rê, Brâu, Rơ Măm... và đông đảo chiến sĩ Học viện Cảnh sát Nhân dân, Đoàn nghi lễ Công an Nhân dân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, học sinh trường dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum trong chương trình nghệ thuật “Đại ngàn Tây Nguyên - Tinh hoa hội tụ”. Chương trình nghệ thuật không chỉ mang đậm sắc màu văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, mà còn khẳng định sức sống mới, và sự lan tỏa mãnh liệt của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong đời sống đương đại.

Đông đảo người dân và du khách đến với Ngày hội

Nghệ nhân, diễn viên – chủ thể văn hóa  trong Ngày hội

Trong những ngày diễn ra Ngày hội, du khách được trải nghiệm, chiêm ngưỡng các chương trình trình diễn, giới thiệu trích đoạn nghi thức sinh hoạt văn hóa và lễ hội truyền thống của các đoàn tham gia Ngày hội tại Không gian triển lãm văn hóa đặc trưng của các tỉnh. Có nhiều nghi lễ, lễ hội của nhiều vùng tạo sắc thái phong phú, đa dạng. Các trích đoạn lễ hội được chuẩn bị nghiêm túc, có sự đầu tư, được trình diễn một cách mộc mạc giản dị nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các nghi thức dân gian với sự tham gia của thầy cúng, nghệ nhân, lễ vật, âm nhạc, múa tâm linh, tái hiện không gian thể hiện gần nhất trong thực tế đời sống.

Ở đó, người xem được chứng kiến màn tái hiện trích đoạn lễ hội truyền thống, được trình diễn một cách mộc mạc giản dị nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các nghi thức dân gian với sự tham gia của thầy cúng, nghệ nhân, lễ vật, âm nhạc, múa tâm linh, tái hiện không gian thể hiện gần nhất trong thực tế đời sống, như lễ Mở cửa kho lúa của dân tộc Rơ Măm đến từ tỉnh Kon Tum. Mở cửa kho lúa được người Rơ Măm tổ chức vào tháng 12 dương lịch, khi công việc thu hoạch lúa rẫy đã xong, khi hạt lúa đã được đem về cất kỹ trong kho. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất đánh dấu sự kết thúc của một chu kỳ sản xuất lúa rẫy; được xem Lễ cúng Chiêng của người K’Ho Srê, tỉnh Lâm Đồng.

Theo người dân nơi đây, Cồng chiêng Tây Nguyên nói chung và Chiêng của người Mạ, người K’Ho, người Churu, người M’Nông nói riêng không chỉ là nhạc cụ mà nó còn là một khí cụ linh thiêng; đồng bào tin rằng trong mỗi cái Chiêng đều có thần. Chiêng càng cổ xưa thì sức mạnh của thần càng lớn. Âm thanh của Chiêng được xem là ngôn ngữ kỳ diệu để con người giao cảm với thần linh. Thần Chiêng có thể bảo hộ, trợ giúp cho con người được giàu sang, hạnh phúc; hay Lễ cúng trưởng thành của đồng bào dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk với nét tập tục văn hóa độc đáo lâu đời, thể hiện sự kết nối với các bậc thần linh, sự kết nối giữa gia đình với cộng đồng theo tín ngưỡng đa thần của đồng bào Ê Đê...

Độc đáo với các màn trình diễn, tiết mục văn nghệ của các nghệ nhân

Chia sẻ về những màn trình diễn của các nghệ nhân, chị Đỗ Thị Thanh Thủy, Giám đốc Bảo tàng – Thư viện tỉnh Kon Tum cho biết: đây là lần đầu tiên Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Kon Tum tổ chức Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên, nên có rất nhiều nghệ nhân, đồng bào dân tộc cũng là lần đầu tiên rời bản đến với Ngày hội. Đến nơi đây, các nghệ nhân không chỉ được trình diễn các nghề như dệt, làm đàn, đan tre... mà còn trình diễn tái hiện Lễ hội – một trong những tập tục quan trọng đối với mỗi dân tộc, điều đó khiến cho các nghệ nhân, diễn viên rất hào hứng, nhiệt tình. Tôi cho rằng, đây là hoạt động rất thiết thực và ý nghĩa, trong việc lan tỏa và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc các tỉnh vùng Tây Nguyên nói riêng, đồng bào thiểu số cả nước nói chung.

Là nghệ nhân của tỉnh Kon Tum, anh A Ngóc – làng Le, dân tộc Rơ Măm chia sẻ: Hiện nay, bà con dân tộc chúng tôi đã nhận thức hơn rất nhiều trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống. Bà con dân tộc Rơ Măm rất yêu văn hóa của mình, từ đứa trẻ nhỏ đến những người lớn tuổi, ai ai cũng chăm chỉ luyện tập, từ múa xoan đến cách thức đánh cồng, chiêng. Chúng tôi vừa trình diễn lễ hội Mở cửa kho lúa, đây là lễ hội của người Rơ Măm có từ rất lâu đời, đó cũng là lời nhắn nhủ của ông cha: biết quý trọng hạt thóc và phải biết để dành thóc lúa trong mỗi mùa vụ, để người dân ấm no và mỗi gia đình đều có sức khỏe để làm ăn phát triển kinh tế... Dân tộc Rơ Măm rất coi trọng việc giữ gìn bản sắc dân tộc và còn rất nhiều tập tục mà chúng tôi muốn giới thiệu đến với mọi người. Chính vì vậy, thông qua Ngày hội, chúng tôi không chỉ được giao lưu, mà còn học hỏi, rút kinh nghiệm từ các dân tộc khác trong biểu diễn văn nghệ và trình diễn lễ hội.   

Tái hiện, trình diễn trích đoạn Lễ hội được các Già làng, thầy cúng thể hiện một cách sinh động

Di sản văn hóa được giữ gìn, phát huy

Cùng trong chuỗi các hoạt động của Ngày hội, với không gian trưng bày những nét văn hóa đặc sắc tại các gian hàng của đồng bào các dân tộc, các món ăn ẩm thực của đồng bào cũng đã được giới thiệu đến với du khách. Những món ăn dân dã, đời thường nhưng không kém phần thú vị của các dân tộc vùng Tây Nguyên đã lôi cuốn, hấp dẫn người thưởng thức. Với chủ đề Được mùa, dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk đã giới thiệu các món ăn đặc sắc như thịt heo nướng ống tre, gà gác bếp, canh bột...; hay dân tộc K’ Ho tỉnh Kon Tum với các món cà đắng da trâu - món ăn truyền thống của người dân bản địa thường được nấu nhiều vào dịp Tết nguyên đán để đãi khách và cá lóc nướng nguyên con...; đặc biệt, từ các món ăn truyền thống, Chi hội đầu bếp tỉnh Gia Lai đã chế biến thành những món ăn tinh xảo, được trưng bày theo phong cách hiện đại, hấp dẫn, tạo dấu ấn đối với những người yêu thích ẩm thực, đó là các món: Cá lăng sẻ san nướng đá muối, gà đồi cuộn ngũ sắc sốt tiêu rừng, bò Krông Pa tần bí đỏ...

Đến từ đường Phan Đình Phùng, Pleiku, Gia Lai, chị Nguyễn Lữ Trà My cảm thấy rất tự hào vì các phong tục truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc được người dân thành phố Kon Tum và du khách các tỉnh bạn nồng nhiệt chào đón. “Tôi thích thú với bầu không khí sôi động, hân hoan, vui vẻ của Ngày hội. Tôi không chỉ ấn tượng với Lễ khai mạc hoành tráng, độc đáo mà còn được thưởng thức những món ăn ẩm thực hấp dẫn, đặc trưng của đồng bào đến từ 5 tỉnh” – chị Trà My chia sẻ.

Một trong những hoạt động đặc sắc được các nghệ nhân, diễn viên thích thú đó là biểu diễn trong Liên hoan văn nghệ và trình diễn trang phục dân tộc. 5 đoàn nghệ thuật của các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông đã mang đến cho người xem những lời ca, tiếng hát, điệu múa cồng chiêng cũng như màn trình diễn trang phục hấp dẫn và đặc sắc riêng của các dân tộc vùng Tây Nguyên. Các tiết mục phần lớn đều do những nghệ nhân, diễn viên quần chúng tham gia biểu diễn, có sự đầu tư công phu, nội dung phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa khu vực Tây Nguyên. Các tiết mục văn nghệ quần chúng của các đoàn đã chinh phục người xem bởi những vũ điệu, lời ca giàu cảm xúc, tự hào về văn hóa của mình.

Là người dân tộc K’Ho, diễn viên K’Loan trong đội múa cồng chiêng đến từ huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: Đây là lần đầu tiên được đến với Ngày hội, ở đây tôi được biết nhiều dân tộc khác nhau, điều đó làm cho tôi cảm thấy rất vui và xúc động. Thông qua các hoạt động văn hóa của Ngày hội đã góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa của mỗi dân tộc vùng Tây Nguyên. Tôi cũng mong muốn, với các hoạt động thiết thực này, đời tôi và đời các con cháu của tôi hiểu rõ hơn, không bị mai một bản sắc văn hóa dân tộc K’Ho.

Thưởng thức các món ăn ẩm thực của các dân tộc

Bên cạnh đó, thi đấu thể thao là một trong những hoạt động được vận động viên các đoàn tham gia thi đấu nhiệt tình và sôi nổi với các bộ môn kéo co, đẩy gậy, bắn ná, leo cột mỡ, nhảy bao bố.

Các hoạt động của Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I tại tỉnh Kon Tum đã khép lại, nhưng ý nghĩa, thông điệp lan tỏa giá trị văn hóa vẫn còn đọng lại trong lòng mỗi dân tộc vùng Tây Nguyên, như nhận định của Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung trong lễ bế mạc Ngày hội: Ngày hội là cơ hội để bản sắc văn hóa các dân tộc được lan tỏa, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời cũng là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước về sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương đặc biệt là các nghệ nhân (chủ thể văn hóa) đã có nhiều cố gắng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc Tây Nguyên trong vườn hoa đa sắc của 54 dân tộc anh em. Sau Ngày hội này, tin tưởng rằng các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng có thêm động lực cùng nhau đoàn kết tiếp tục phát huy tinh thần của Ngày hội về với bản làng, có thêm kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Với các hoạt động phong phú, Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên không chỉ là sự kiện chính trị, văn hóa có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; qua đó, tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc được giao lưu, trao đổi văn hóa, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương; mà còn góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn cũng như lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc đến với du khách trong nước và quốc tế.

NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH

 

;